Web Content Viewer
ActionsNgay từ khi ra trường, tôi đã được nhận công tác tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (trước đây là Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng), với tôi đây là cái nôi, là mái nhà thân thương che chở và chắp cánh cho tôi trong quá trình công tác.
Một chặng đường dài, từ cái buổi với tâm trạng thì hồi hộp còn đôi tay run run khi được bác Giám đốc trao Quyết định, cô sinh viên cao gầy mảnh mai yếu đuối chính thức được là cán bộ ngân hàng, cho đến nay đã sắp nhận được Kỷ niệm chương. Quá nửa đời người - trên 20 năm công tác, 10 năm công tác tại chi nhánh và trên 10 năm công tác tại Trung ương, biết bao kỷ niệm vui buồn và không ít những nỗi băn khoăn trăn trở. Trong đó có lẽ chuỗi kỷ niệm khó quên nhất đối với tôi luôn gắn với ngài Tổng giám đốc.
Ngày ấy, được sự quan tâm của Lãnh đạo, để hợp lý hoá gia đình tôi được điều động chuyển công tác từ Chi nhánh tỉnh về Trung ương. Do yêu cầu công tác, công việc của tôi cũng có sự thay đổi từ thực hiện nghiệp vụ Tín dụng chuyển sang làm công tác Nguồn vốn. Mặc dù nhận nhiệm vụ mới, xong tôi tự nhủ phải bằng mọi cách học hỏi và cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Với nhiệm vụ được Trưởng phòng giao làm công tác điều hành vốn để đảm bảo khả năng thanh toán toàn ngành, trong điều kiện khi ấy quản lý vốn của BIDV theo phương thức phân tán, chi nhánh tự cân đối nguồn vốn, vốn để đảm bảo thanh toán và dự trữ kinh doanh để ở tài khoản Tiền gửi thanh toán (TK TGTT) tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Hàng ngày, để điều hành vốn thanh khoản trong toàn ngành, tôi đã phải thực hiện đàm thoại bằng điện thoại không dưới 30 cuộc.
Ngân hàng hoạt động trong điều kiện vốn với quy mô nhỏ và nhu cầu vốn trên thị trường luôn lớn hơn cung, hầu hết các chi nhánh đều có xu hướng giữ tiền để chủ động trong kinh doanh và chi trả, do vậy việc điều hành vốn thanh khoản gặp không ít khó khăn. Trong quá trình đó, tôi và các đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ này luôn phải đóng vai “mẹ mìn”, vì giọng nói bao giờ cũng phải hết sức nhã nhặn, nhún nhường và còn có cả sự năn nỉ (với tôi là sự cố gắng rất lớn, vì tôi được mệnh danh là Hổ lửa). Ơn Chúa, đáp lại chúng tôi, phía bên kia đầu dây hầu hết là sự vui vẻ chấp thuận và việc điều hành vốn thanh khoản qua nhiều năm đều được suôn sẻ. Nhưng trong đó cũng ẩn chứa không ít “sóng ở đáy sông”, đó là sự khó chịu của chi nhánh khi phải điều tiền đi trong khi tiền về còn tuỳ tình hình vốn khả dụng của Trung ương (xin nói nhỏ rằng vốn khả dụng tại Trung ương ngày ấy có lúc chỉ còn gần 1 tỷ đồng). Rồi vào buổi sáng của một ngày trong tháng 7 năm 1995:
“Em xem số dư TGTT tại NHNN còn bao nhiêu?” Trưởng phòng hỏi tôi.
“Dạ, còn 1.211 triệu ạ!” Tôi trả lời ngay vì mấy ngày nay tình hình vốn eo hẹp hết sức, điều này đã khiến chúng tôi không sao ăn ngủ được mặc dù chúng tôi đã rất cố gắng dò từng tên chi nhánh trên Bảng theo dõi vốn thanh khoản, dòng tiền, số dư tại NHNN để điều chuyển tiền về và cũng đã chạy vạy khắp nơi kể từ Chi nhánh NH Công thương Đống Đa đến Chi nhánh NH Nông nghiệp Hà Nội để vay vốn ngắn hạn tạm thời.
Ngẩng mặt lên, tôi bắt gặp sự lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt anh Trưởng phòng; chưa kịp nói thêm câu gì thì bỗng điện thoại vang lên làm tôi giật bắn cả người, trấn tĩnh lại tôi nhấc máy và thưa:
“Dạ, có tôi nghe đây ạ”
“A lô! Tôi là Giám đốc Bình Định đây, đề nghị chuyển vốn thanh toán cho Bình Định 1.700 triệu đồng ngay. Nếu không có tiền thì nói luôn mất khả năng thanh toán, khỏi vòng vo…” và dập máy.
Tôi tái dại cả người, phần vì lo chưa đủ tiền, phần “choáng” do khẩu khí của ngài Giám đốc nọ. Chẳng là hôm trước do Trung ương chưa điều được vốn về chi nhánh như đề nghị, chi nhánh đã thể hiện sự không hài lòng qua cuộc điện thoại của Trưởng phòng Kế hoạch nguồn vốn. Thế là, ngay sau đó như “con thiêu thân”, chúng tôi phân công nhau lại tiếp tục lao vào “khảo” danh sách chi nhánh để đưa từng khoản vốn nhỏ về và rồi mọi việc đều ổn thoả, tôi thở phào nhẹ nhõm.
Có thể nói, cú điện thoại đặc biệt kể trên là “cú điện thoại sấm” vốn thanh khoản đã nhắc nhở và cảnh báo đối với tôi rằng “cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn” và cố gắng để giảm thiểu việc nghe điện thoại của Giám đốc chi nhánh khi không thoả mãn về vốn thanh khoản mà đặc biệt là điện thoại của ngài Giám đốc nêu trên.
Rồi năm tháng trôi đi, “cái gì đến nó sẽ đến”. Ngài Giám đốc mà tôi nhớ mãi sau “cú điện thoại sấm” vốn thanh khoản ấy năm 1999 trở thành ngài Phó Tổng giám đốc BIDV và phụ trách chỉ đạo điều hành công tác nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ - công việc phòng tôi đang thực hiện (khi ấy tôi đang là Phó Trưởng phòng). Do được anh phụ trách, tôi và các đồng nghiệp trong phòng thường xuyên được tiếp cận, nghe anh chỉ đạo công việc nên tôi thấy khoảng cách với anh được thu hẹp lại. Trong thời kỳ này, công tác điều hành vốn thanh khoản đã được đổi mới một bước nhằm tạo tính chủ động cho chi nhánh; các chi nhánh đã mở TK thanh toán tại Trung tâm thanh toán, được cấp và sử dụng Hạn mức thấu chi. Công tác điều hành vốn thanh khoản được giảm thiểu các tiểu tiết xử lý sự vụ, chúng tôi tập trung thời gian và trí lực cho công tác chỉ đạo và trực tiếp đi huy động vốn.
Để có thể huy động được vốn của các doanh nghiệp lớn có tiềm năng về tài chính, chúng tôi không quản ngại ngày đêm. Giống như các chi nhánh, ngoài việc đưa ra các sản phẩm tiện ích và lãi suất hấp dẫn để chào mời khách hàng gửi tiền, chúng tôi còn xây dựng thêu dệt thêm tấm thịnh tình với các nhân vật quan trọng quyết định vấn đề. Trong đó, tôi còn nhớ như in trong đầu về một cuộc viếng thăm vị khách hàng đặc biệt nọ.
Hôm ấy, trời mưa rét vào lúc 5 giờ chiều, tôi xuống sân lấy xe để ra về thì được tin bà Trưởng ban tài chính TCT ĐL bị té ngã gẫy chân. Vừa lúc dắt xe ra, tôi gặp Phó Tổng giám đốc phụ trách, nhân tiện tôi báo cáo ngay cho anh về thông tin này và tôi nghĩ nay mai sẽ thu xếp để đến thăm hỏi vị khách hàng VIP này. Nói xong tôi ngồi lên xe, vừa khi tôi nổ máy thì anh gọi tôi quay lại và bảo: “Lên gọi chị Vượng (khi ấy chị là Trưởng phòng NV&KD), rồi ba anh em mình đến nhà thăm chị ấy ngay bây giờ.” Tôi dựng xe lại và lững thững đi lên phòng, trong lòng chứa đầy sự bực bội: muộn rồi, đói chết cha còn bắt người ta leo lên tầng bốn, mà mình còn phải về đón con nữa chứ, mình đang rất vội mà...
Chuẩn bị nhanh một ít trái cây và vài hộp sữa rồi chúng tôi đến thăm chị khách hàng. Khi chúng tôi đến, cánh cửa phòng được mở ra và tôi nhận thấy sự ngạc nhiên của chị. Chị thốt lên:
“Sao biết chị đau mà đến nhanh vậy, lại còn cả anh Bắc Hà nữa chứ, muộn rồi mà…”
Trong nhiều lần gặp gỡ làm việc với chị sau đó, tôi thấy chị trở nên gần gũi thân thiết hơn và chị thật sự cảm động khi nói về lần thăm hỏi của vị lãnh đạo BIDV hôm ấy. Còn tôi thì đã rút ra một bài học, lần đến thăm khách hàng đó ngoài vấn đề tình cảm, đây còn là nghệ thuật trong công tác tiếp thị nữa, vì nếu để mai đến thăm thì BIDV sẽ cũng chỉ như bao bạn hàng khác và không giành được ấn tượng sâu sắc của chị.
Làm việc tại Hội sở chính, từng cán bộ chúng tôi không chỉ làm việc trong 8 giờ hành chính mà hầu như đều làm việc trên 9 giờ đồng hồ và với cường độ cao. Khối lượng công việc thật khổng lồ, nhiều khi phải gồng mình để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Trong những niềm vui từ sự đam mê trong công việc, niềm vui từ lời động viên ghi nhận của Ban lãnh đạo, của đồng nghiệp, không thể không nói đến những sự nhọc nhằn, buồn phiền và cả những giọt nước mắt.
Nhiều khi tôi tự nhủ: mình đã tận tâm với công việc đấy chứ! Mình cũng như đa số cán bộ trong cơ quan, thời gian và sức lực giành nhiều cho BIDV hơn cho gia đình và bản thân. Vậy mà, cũng chẳng ít khi chúng tôi phải nhận những lời la mắng từ Tổng Giám đốc; mặc dù chỉ là do áp lực công việc nhưng đôi khi tôi cảm thấy buồn và sự nhiệt huyết bị trùng xuống. Có những lúc tôi tủi thân trào nước mắt, “ở cơ quan sếp la về nhà chồng giận dỗi” (vì tôi thường xuyên đi làm về muộn), sao mình lại khổ vậy?
Nhưng rồi, mọi thứ đều có sự cân bằng của nó, tôi cố gắng để tự điều chỉnh cho mình được về trạng thái cân bằng sau những dồn ép của công việc và cuộc sống. Trong đó, sự bù đắp cho tôi, một ấn tượng khó quên trong những năm tháng công tác đã qua mà tôi không thể không nhắc đến đó là một “cuộc điện thoại vàng” của ngài Tổng giám đốc.
Một hôm vào khoảng 9 giờ tối, đang hầm hập trong cơn sốt tại nhà riêng, tôi thấy điện thoại rung. Với tìm điện thoại đặt lên tai, tôi thưa:
“Dạ tôi nghe!”
“Đau sao vậy cô?...”
Chỉ cần nói vậy thôi, ngay khi tôi viết câu này, cảm giác ấm áp thân thương lại ùa trở lại. Tôi cứ nghĩ mãi, với bao bộn bề công việc mà Tổng giám đốc vẫn giành thời gian để gọi điện thăm hỏi tôi, dù chỉ trong vài phút. Việc làm này tuy không khó nhưng không phải vị lãnh đạo nào cũng có thể làm được, ngay cả người lãnh đạo phòng như tôi cũng vậy.
Tôi thầm cảm ơn anh và để có được một BIDV như ngày nay, không chỉ riêng tôi mà tôi nghĩ mọi người cán bộ trong ngôi nhà chung BIDV này đều muốn nói lời cảm ơn sâu sắc với anh, với các vị lãnh đạo qua các thời kỳ xây dựng và tô đậm thương hiệu của BIDV - một ngân hàng “vượt qua muôn ngàn gian khó” để trở thành “Anh hùng trong thời kỳ đổi mới” và vững bước trong hội nhập - “một ngân hàng như thế”.
Tháng 4 năm 2007
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0849351080/ 0822808588/ 0842152355/ 0766151080/ 0763238588/ 0784132388/ 0358201080/ 0357638588/ 0334282388
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng