Ký ức vui mừng Ngày Giải phóng miền Nam

26/04/2025
Cách đây 50 năm, vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, khi tiếng súng ở miền Nam ngừng vang, niềm vui và hạnh phúc tràn ngập trong lòng mỗi người dân Việt Nam, tôi vẫn nhớ như in thời khắc lịch sử ấy…

Đồng chí Trần Xuân Hoàng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Ủy viên HĐQT BIDV

Khi đó, tôi mới chỉ 10 tuổi, sống cùng gia đình tại huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Tôi sinh ra ở Hải Phòng, lớn lên ở Hà Nội, Bắc Ninh, đến năm 1973 thì theo gia đình vào Thanh Hoá, lúc đó ba tôi công tác ở Xí nghiệp C.69 sản xuất chân tay giả cho thương binh của bộ đội Lào). Nhà tôi có ba và má đều là cán bộ miền Nam tập kết ra miền Bắc. Ba tôi quê ở Phù Mỹ, Bình Định. Má tôi quê ở Điện Bàn, Quảng Nam. Suốt những năm tháng dài đằng đẵng xa miền Nam, gia đình tôi luôn hướng về quê hương, nơi có ông bà, họ hàng và những kỷ niệm về thời gian tham gia kháng chiến của ba, má.

Khoảng những năm 1972 - 1974, hàng ngày tôi đều thấy rất nhiều xe ô tô chở các anh bộ đội hành quân vào Nam chiến đấu. Những lúc đó, đám trẻ con chúng tôi đang trên đường đi học và cả những cô bác đang làm đồng đều dừng tay vẫy chào, hoan hô các anh rất nhiều! Lúc ấy, tôi rất mong mình mau lớn để cũng được đi bộ đội giải phóng quê hương như các anh! Vào đầu năm 1975, ngay từ khi có tin giải phóng tỉnh Phước Long, cả nhà tôi gần như lúc nào (trừ những lúc làm việc và học tập!) cũng ngồi bên chiếc đài để đón nghe tin chiến thắng của Chiến dịch giải phóng Miền Nam. Khi nhận được tin Sài Gòn được giải phóng (lúc 11h30 ngày 30/04/1975) cả nhà tôi không thể kìm nén niềm xúc động (và tôi cũng còn nhớ như in giọng của Cô phát thanh viên lúc đó vừa vang vọng vừa ngẹn ngào!). Niềm vui như vỡ òa, tràn ngập trong không gian nhỏ bé của ngôi nhà.

Tôi nhớ ánh mắt rạng ngời của má, nụ cười hạnh phúc trên môi ba. Họ ôm chặt chúng tôi vào lòng, như muốn gói ghém tất cả niềm vui, nỗi mong chờ trong những cái ôm ấy. “Chúng ta sắp được về quê!” – câu nói ấy vang lên như một bản nhạc du dương, đưa tôi vào một thế giới đầy màu sắc của hy vọng và ước mơ. Trong tâm trí trẻ thơ của tôi, hình ảnh quê hương hiện lên sống động: tôi sẽ được về nơi ba, má tôi đã sinh ra, lớn lên và hoạt động cách mạng; những cánh đồng xanh mướt, dòng sông trong veo, và cả những bữa cơm đoàn tụ ấm cúng…

Ngày hôm đó, trong lòng tôi như có một cơn bão của cảm xúc. Tôi chạy ra ngoài, nhìn những người hàng xóm đang tụ tập lại, họ cũng hân hoan, cùng nhau chia sẻ niềm vui về sự kiện lịch sử vĩ đại. Tiếng cười, tiếng nói, tiếng hò reo vang vọng khắp làng quê, tạo nên một bầu không khí rộn ràng mà chưa bao giờ tôi cảm nhận được trước đây.

Hình ảnh những lá cờ đỏ sao vàng được treo lên, sắc đỏ thắm tươi vui, như biểu tượng cho niềm tự hào và khát vọng hòa bình. Tôi cùng các bạn nhỏ trong xóm chạy nhảy, múa hát, hòa vào không khí sôi động của ngày hội lớn. Tôi vẫn nhớ trong Khu tập thể nơi gia đình tôi ở cũng có mấy gia đình là người miền Nam tập kết ra miền Bắc, như nhà chú Năm là lái xe... Mỗi ánh mắt, mỗi nụ cười đều phản ánh một niềm tin tưởng vào tương lai tươi sáng, nơi mà chúng tôi sẽ được sống trong hòa bình và thống nhất.

Nhưng rồi, do phải sắp xếp công việc của ba, má tôi, nên mãi đến năm 1977, gia đình tôi mới chuyển về miền Nam. Và do yêu cầu công tác, ba, má tôi được phân công về công tác ở tỉnh Gia Lai là địa bàn có nhiều khó khăn sau giải phóng. Vì vậy, chúng tôi cũng không được về quê nội hay quê ngoại sống như mường tượng vào ngày miền Nam được giải phóng. Nhưng cũng hay, vì Gia Lai thuộc Tây Nguyên là địa bàn chiến lược và khởi đầu cho Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tuy vậy, mỗi dịp hè, chúng tôi đều về Bình Định hay Quảng Nam để tận hưởng không khí quê hương mà chúng tôi đã mong mõi khi còn ở miền Bắc.

Sau khi học xong phổ thông ở Pleiku và hoàn thành chương trình đại học ngân hàng tại TP.Hồ Chí Minh, tôi được phân công về làm việc ở ngành ngân hàng Gia Lai cho đến năm 2006, và cũng phần nào thực hiện được ước mong khi còn ở miền Bắc là khi lớn lên, được về miền Nam đóng góp xây dựng quê hương. Với 29 năm sống, học tập, trưởng thành ở Gia Lai, nơi đây cũng đã trở thành quê hương của tôi (mà hiện nay chắc chắn là quê hương khi hai tỉnh Bình Định và Gia Lai sáp nhập rồi).

Cầu Ba Son, thành phố Hồ Chí Minh (Nguồn: Sở Du lịch TP.HCM)

Lễ diễu hành của các khối quần chúng tại TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Hoàng Triều - Người Lao Động)

Giờ đây, khi nhìn lại, tôi vẫn cảm thấy rõ ràng những cảm xúc hạnh phúc trong ngày giải phóng miền Nam. Đó không chỉ là một sự kiện lịch sử, mà còn là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời tôi, là kỷ niệm không thể nào quên về tình yêu quê hương, về gia đình và những khát khao tự do, thống nhất. 50 năm đã trôi qua, nhưng niềm vui ấy vẫn sống mãi trong tim tôi, như một ngọn lửa không bao giờ tắt, thắp sáng hành trình của tôi trên con đường thực hiện ước mơ của Ba, Má, góp phần xây dựng BIDV, xây dựng đất nước.

Hà nội, những ngày tháng 4/2025.

Tác giả: Đồng chí Trần Xuân Hoàng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Ủy viên HĐQT BIDV
Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}