Web Content Viewer
Actions“Nơi đây đã thu hút bao tá điền xung quanh vùng “Sống ngâm da, chết ngâm xương” bỏ ruộng vườn vào làm công cho hãng sợi người Hoa lập ra vào năm 1889. Sau đó, tư bản Pháp chiếm cứ mở rộng thêm gọi là hãng Dệt năm 1900. Từ đó, ở đây hình thành một bộ phận của giai cấp công nhân Việt Nam, có phong trào thanh niên Cách mạng đồng chí hội năm 1926 và thành lập chi bộ Đảng CSVN đầu tiên năm 1930...”
Dòng bút ký trên tôi lược ghi ở Bảo tàng Nhà máy nhân dịp vào thâm nhập thực tế để tổ chức nhiệm vụ cấp phát, cho vay, thanh toán vốn kiến thiết cơ bản theo nghị định số 1163/TTg ngày 5/12/1956 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhà máy Dệt Nam Định từng là nhà máy thuộc loại lớn nhất Đông Dương (Ảnh: internet)
Cuộc gặp ban đầu hồi đó, phía nhà máy có ông Vũ Xuân Lâm - Giám đốc, ông Võ Phong - Phó Giám đốc cùng các phòng kế hoạch, tài vụ, vật tư và Ban kiến thiết nhà máy, là đơn vị tự làm có khối lượng khôi phục, sửa chữa rất lớn. Phía chúng tôi có ông Vũ Đình La - Uỷ viên Uỷ ban hành chánh thành phố Nam Định kiêm Trưởng phòng cấp phát cùng hai cán bộ dự. Sau khi ông La trình bày nghị định trên của Thủ tướng Chính phủ về thành lập bộ máy để chuyên sâu vào nhiệm vụ cấp phát và quản lý vốn kiến thiết cơ bản (KTCB), mọi ý kiến đều đề cập đến những khó khăn, phức tạp của buổi ban đầu.
Song với ý thức trách nhiệm được trên giao phó, cả hai bên cùng cố gắng và đi đến nhất trí đưa ra những phương hướng chỉ đạo, biện pháp cụ thể để triển khai công tác. Tôi may mắn được phòng giao nhiệm vụ trực tiếp làm cán bộ chuyên quản công trình này, vừa thực hiện nghiệp vụ, vừa từng bước xây dựng nội dung quan hệ không những áp dụng cho bên A (chủ đầu tư) mà còn áp dụng cho cả bên B (chủ thầu công trình) để có cơ sở áp đụng điều lệ tạm thời về cấp phát vốn KTCB sau này khi được thành lập Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam (Chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Nam Định được thành lập theo nghị định 233-NĐ/TC-TCCB ngày 27/5/1957). Cụ thể nội dung các mối quan hệ được xác lập lúc này là:
Ba nội dung trên được tổng hợp và đưa vào 2 bảng quy ước, 1 bản có sự ký kết giữa Giám đốc nhà máy với Trưởng phòng cấp phát vốn KTCB, 1 bản có sự ký kết giữa các phòng ban nhà máy với nhau... Những tháng đầu tuy có bỡ ngỡ, sau dần những quy định trên được bổ sung, điều chỉnh cho sát hợp với thực tế.
Để triển khai công việc được thuận lợi, nhà máy chủ động bố trí cho tôi một cái bàn riêng, theo lịch vào phổ biến các thể lệ, chế độ KTCB, tiếp nhận các kiến nghị, soát xét các chứng từ liên quan đến nghiệp vụ rồi ký tắt trước lúc đưa Phòng cấp phát kiểm tra, trình trưởng phòng ký duyệt. Kết quả cho thấy giảm một nửa các động tác hai bên phải đi lại và có tác dụng thúc đẩy nhau, nâng cao công tác quản lý. Thực tế lúc ấy, trong tình cảm và ý thức của chúng tôi và phía nhà máy đều mong muốn nhà máy sớm được khôi phục, mang lại công ăn việc làm cho hơn 12.000 công nhân đang ngày đêm mong chờ nhà máy hoạt động trở lại. Bởi thất bại ở Điện Biên Phủ, giặc Pháp khi rút chạy đã vừa phá hoại, vừa mang đi phần lớn trang thiết bị; sản xuất vì thế bị đình đốn.
Kết quả sau ba năm, với số vốn đầu tư mỗi năm từ 30-45 triệu đồng (tiền cũ) đã khôi phục và đưa các nhà máy đi vào hoạt động, đưa sản lượng vải từ 11 triệu tăng lên 18 triệu m/năm, làm đà để mở rộng quy mô sản xuất và tăng dần sản lượng các năm về sau lên 40-50 triệu m/năm. Thành quả bước đầu đó được Chính phủ đánh giá cao.
Nhà máy Dệt Nam Định nhiều lần được Bác Hồ đến thăm (Ảnh: internet)
Về phía phòng cấp phát được Bộ Tài chính và Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam khen ngợi, coi đó là một kinh nghiệm để tiếp tục vận dụng vào cấp phát, quản lý công nghiệp, thuỷ lợi, giao thông, khai hoang lấn biển như ở các công trình Cồn Lu, Cồn Ngạn, Bạch Long, Rạng Đông và các công trình dân dụng khác, góp phần vào việc thúc đẩy tiến độ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH sau 9 năm kháng chiến chống Pháp thắng lợi.
Vào những năm 1965 - 1972, khi giặc Mỹ leo thang đánh phá Miền Bắc bằng không quân, Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định là trọng điểm bị dội bom ác liệt nhất, phải đi sơ tán 12 địa điểm, còn lại ở thành phố 3 nơi. Với phương châm “vừa tay búa, vừa tay súng”, những cán bộ Ngân hàng Kiến thiết đuợc phân công cùng bộ phận KTCB nhà máy luôn giữ được mối quan hệ truyền thống đó. Có những lúc giao ban dưới hầm cố thủ trong nhà máy hàng tiếng đồng hồ, dứt tiếng máy bay là cán bộ ta cũng có mặt ngay tại hiện trường để cùng nhà máy xác lập các chứng từ cấp vốn kiến thiết cơ bản thời chiến kịp thời.
Công nhân nhà máy Dệt Nam Định
Liên tưởng trong đề cương chiến lược hoạt động của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam ngày nay, việc coi trọng chiến lược khách hàng thời kinh tế thị trường cũng mang ý nghĩa như quy ước quan hệ khách hàng thời chiến, thời bao cấp, chỉ khác về nội dung và phương cách ngày nay được nâng lên một tầm cao mới. Bốn mươi lăm năm đã đi qua, song trong tôi vẫn còn ghi dấu ấn về một thời đạn bom, một thời hào hùng của Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam và những ký ức không thể nào quên về lập mối quan hệ giữa ngân hàng với khách hàng để thúc đẩy nhau hoàn thành nhiệm vụ.
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0849351080/ 0822808588/ 0842152355/ 0766151080/ 0763238588/ 0784132388/ 0358201080/ 0357638588/ 0334282388
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng