Web Content Viewer
ActionsTừ nhiều thập niên trước, Hải Dương đã có các công trình, nhà máy là những đơn vị trọng điểm kinh tế, công nghiệp của tỉnh, cũng như của đất nước như đại công trình thủy nông Bắc Hưng Hải, Nhà máy Sứ Hải Dương, Xi măng Hoàng Thạch, Nhiệt điện Phả Lại, vật liệu xây dựng, chế tạo và lắp máy, nhiều khu công nghiệp mới đã ra đời… Phương hướng phát triển của Hải Dương hiện nay được xác định là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Ngành công nghiệp không khói, có dự án khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng 300 ha tại khu di tích lịch sử Côn Sơn - Kiếp Bạc, một trong 23 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của đất nước, gắn với chiến công hiển hách của triều Trần, ba lần đánh tan quân Nguyên Mông, thế kỷ XIII, gắn với các đại danh nhân, anh hùng dân tộc kiệt xuất Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi… nói như vậy để thấy, tỉnh trọng điểm kinh tế Hải Dương khá phong phú, hấp dẫn cả kinh tế - văn hóa, làm ăn năng động, chứ không chỉ có bánh đậu xanh, vải thiều… đâu nhé! Đó chính là nguồn khách hàng to lớn của BIDV, vấn đề mấu chốt là BIDV cạnh tranh hấp thụ ra sao, là người bạn đồng hành với các doanh nghiệp, tư doanh ra sao trong thời buổi kinh tế thị trường này.
BIDV Hải Dương muốn tôi gặp anh Đoàn Văn Nghệ, nguyên Phó giám đốc, và Giám đốc chi nhánh 17 năm liền từ 1990 đến 2007. Vậy là vui, vì anh Nghệ học Cao cấp chính trị cùng tôi hồi 1992 - 1994, khi tôi còn ở báo Nông dân Việt Nam (Nông thôn Ngày nay bây giờ). Nhiều năm chúng tôi chưa gặp lại nhau. Hồi đó học “trường dòng”, ăn cơm tập thể mà vui đáo để. Cùng lớp, Hải Dương có anh Nguyễn Đức Kiên, sau lên làm Phó Chủ tịch Quốc hội, anh Hà Cừ (nguyên Tổng biên tập báo Hải Dương), nhà văn Nguyễn Phúc Lai và nhiều lãnh đạo sở khác. Nhưng anh Nghệ bận chủ trì hội nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, do anh là Chủ tịch Hiệp hội. Tôi biết, BIDV Hải Dương và các Ngân hàng cũng được hưởng lợi ở mối quan hệ khách hàng này đây. Cả Giám đốc đương nhiệm Nguyễn Văn Tuấn cũng dự hội nghị đó. Tức là chúng tôi phải chờ rồi.
Nhưng Phó Giám đốc, Chủ tịch công đoàn Vũ Mạnh Hùng cũng linh hoạt lắm. Hùng điện ngay cho hai doanh nghiệp gần nhất trong thành phố và trực tiếp đưa chúng tôi mục sở thị khách hàng, một trong những điều tôi rất muốn được nghe, được thấy từ chính những người vay vốn làm ăn nói về BIDV trong hành trình Đông Bắc du ký này.
Nếu ai đi trên đường 5, đến thành phố Hải Dương, thấy một ngôi nhà nóc nhọn hình tam giác cắm thẳng lên nền trời, rất gây thị giác thì đích thị là ông Lilama 69-5. Nó được thành lập bằng việc nhập các đội lắp máy ở Uông Bí, Xi măng Hoàng Thạch… của Tổng Công ty Lilama thành công ty thành viên này.
Giám đốc Cao Viết Cường, Kỹ sư Bách khoa, Thạc sỹ Quản trị kinh doanh đi vắng. Chủ tịch HĐQT mới toanh, vừa được bầu năm 2016, Đỗ Trọng Toàn và Kế toán trưởng Đỗ Xuân Trường tiếp chúng tôi. Câu chuyện của Chủ tịch Toàn về Lilama thì dài nhưng tóm lược thế này: Chàng trai theo nghiệp quản trị và kế toán sinh năm 1978 (Mậu Ngọ) này về công ty năm 2001. Hỏi vì sao về Lilama, Toàn bảo vì mẹ anh trước cũng làm ở đây. Có những lúc khó khăn, nhiều công ty khác mời chào làm việc nhưng Toàn chung thủy với Lilama, cũng như Lilama chung thủy là khách hàng vay vốn của BIDV Hải Dương.
Nhà máy xi măng Hoàng Thạch do Lilama đầu tư và BIDV cho vay xây dựng
Những ngày đầu lắp máy cho Xi măng Hoàng Thạch, xí nghiệp chỉ có khoảng 200 công nhân. Nay là 1.800 công nhân, vốn chủ sở hữu 105 tỷ, tổng tài sản 800 tỷ. Lilama luôn gắn với các công trình trọng điểm: xi măng Hoàng Thạch, Thăng Long, Hạ Long, Cẩm Phả, Hải Phòng, Phúc Sơn, Bút Sơn, Nghi Sơn, Xuân Thành (công xuất Xuân Thành 12.500 tấn/ngày)… hay nhiệt điện Uông Bí, Mông Dương; lọc dầu Nghi Sơn, Vũng Áng; các dây chuyền khai thác than, khoáng sản…
Ấy là nói khơi khơi vậy, thực sự Lilama nhiều phen lao đao lắm, không ngon ăn đâu các anh ạ. Không ngon vì sao? Bởi công nghiệp nước mình làm gì đã thành “nền”, đặc biệt là ngành cơ khí. Những thập niên chuyển đổi cơ chế, bị khủng hoảng do lạc hậu công nghệ, do công nghiệp và công nghệ “bãi rác” giá rẻ nhảy bổ vào… Các nhà máy cơ khí Quang Trung, Trần Hưng Đạo ở Hà Nội giờ đều nhường đất cho những khu đô thị cao cấp, những trung tâm thương mại sầm uất. Vì vậy, thời khó khăn năm 2003 – 2006, công nhân Lilama li tán, bỏ nghề vì việc thiếu làm, nợ đọng mỗi năm hàng chục tỷ. Nhưng khó khăn kinh khủng hơn là từ cuối 2011 đến 2015, bởi ngành thép và xi măng “ốm nặng”, có vấn đề. Ví như Dự án đầu tư mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II đang phải thanh tra. Nó khởi công từ 2007, dự kiến hoàn thành 2011 nhưng sau hơn chục năm, đã giải ngân hơn 4500 tỷ, tổng mức đầu tư đề xuất điều chỉnh lên kỷ lục 8.100 tỷ đồng mà công trình vẫn dang dở… Lilama của chúng em lại gắn với ngành sắt thép, xi măng... bác bảo, không liêu xiêu sao được!
- Nhưng bác ạ - Toàn bảo - từ đời bác Nghệ, đến đời anh Tuấn bây giờ chúng em vẫn gắn bó với BIDV.
- Có thể giải thích vì sao các ông chung thủy với nhau không?
- Trong con mắt em, vì em cũng là kế toán trưởng đi lên, BIDV làm ăn chuyên nghiệp, đầu cuối rõ ràng, dứt khoát. Hai bên hiểu nhau, tìm được tiếng nói đồng cảm bác ạ. BIDV coi việc của doanh nghiệp như việc của mình, cùng chia sẻ, tư vấn, tháo gỡ khó khăn. Các anh ấy giải quyết hạn mức tín dụng ổn định, có ưu đãi, cơ cấu khoản vay phù hợp; lúc chúng em khó khăn nhất các anh ấy không “buông” mà có phương án giãn nợ, hoãn nợ, tư vấn giúp doanh nghiệp hồi phục, cải thiện và đi lên.
- Theo Toàn, Lilama qua giai đoạn “hà hơi thổi ngạt” chưa?
Toàn mỉm cười, hào hứng:
- Ít nhất, việc làm của Lilama dư dả đến đến hết 2018. Chúng em tập trung thu hồi nợ đọng, tái cơ cấu sản xuất bằng cách thoái vốn ở các công ty liên kết, tập trung vào dịch vụ sửa chữa, bảo trì các nhà máy lớn. Chả giấu gì bác, khi làm ở Nghi Sơn, một giám đốc người Nhật bảo, sao các ông không cho người làm dịch vụ bảo trì, sửa chữa tại chỗ? Ừ nhỉ. Tuyệt quá! Đúng là ngoại quốc, là Tây có khác. Nó đi trước mình, tư duy kinh tế nó nhạy, nhìn phát ra ngay vấn đề… Bọn em liền cắm 200 quân ở ngay Xi măng Nghi Sơn, giải quyết việc làm cho mấy trăm con người.
- Còn những sản xuất khác và vay vốn ra sao?
- Dạ, Lilama giờ xuất khẩu thiết bị, kết cấu thép sang Mỹ, Ý, Đan Mạch, Đức, Nhật, Hàn Quốc, đây cũng là chiến lược lâu dài để giảm áp lực cạnh tranh trong nước. Chúng em đã trao đổi với BIDV để có kế hoạch vay và sử dụng vốn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn hợp lý. Lilama có nhà máy cơ khí ở Tứ Kỳ, đầu tư 200 tỷ, trong đó vay của BIDV hơn 30%. Nhà máy này có thể đảm bảo sản xuất kết cấu thép và thiết bị đến 75% cho một nhà máy xi măng. Liên doanh với Đức chế tạo và lắp đặt thiết bị khai thác than Núi Béo trị giá hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó vay của BIDV 25%.. Rồi vốn vay cho Dự án băng tải than Cao Sơn, vốn lưu động cho bảo trì hàng trăm tỷ. Người lao động hiện có thu nhập bình quân 8,3 triệu đồng/tháng, có những công nhân kỹ thuật cao, làm khoán, tháng đạt 30 triệu đấy… Anh Hùng Phó giám đốc đây làm chứng nhé, “mối tình” chung thủy của chúng em hay lắm. Trong khó khăn mới càng hiểu nhau, tin tưởng nhau.
***
May II Hải Dương là một doanh nghiệp đặc thù khác. Trong lúc đợi Tổng giám đốc Đinh Trịnh Dũng, nhà báo Lê Thị Phước Thảo gợi ý tụt tạt vào cửa hàng giới thiệu và bán lẻ sản phẩm thời trang của May II. Mà hàng đẹp hẳn hoi chứ lỵ. Vải ngoại, thiết kế ngoại, may gia công xuất ngoại. Nhoáy một cái đã thấy Thảo “nổ” ngay cái áo khoác dài cho mình. Tôi cũng bị lây, làm ngay “con” Vest dạ đờ mi, chỉ 40 USD mà Thảo bảo mặc lịch sự đấy. Con ấy, nếu mua ở nước ngoài cũng sáu, bảy trăm đô, thậm chí cả ngàn đô nếu là mác một thương hiệu thời trang nổi tiếng.
Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty May II Hải Dương Đinh Trịnh Dũng vốn là lính lái xe trong chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn năm 1975 (anh sinh năm 1956). Ra quân thì đi học Tài chính - Kế toán và về làm may mặc. Dũng bảo, Hải Dương có hai công ty may Nhà nước, May I và May II. May II thành lập 1987, đến tháng 7/2013 thì cổ phần hóa và Dũng làm quản lý từ đó. Giờ thì May II đã là của gia đình anh.
Dũng có dáng cao, nho nhã, lịch thiệp, khác hẳn “chất lính” lái xe chiến trường khác mà tôi thường gặp. Anh kể, May II hiện giảm còn 1.100 công nhân, có 3 nhà máy ở Thành phố Hải Dương, huyện Nam Sách và Thanh Hà. Công ty May I thành lập trước 30 năm, nhưng cũng như công ty May II của anh là tồn tại nhưng rất khó khăn dẫu chỉ là cố gắng để bảo hành vốn. Khó khăn bởi cạnh tranh cao, bởi may trong nước chủ yếu là may gia công (OEM), giá trị thấp, nếu không tích cực chuyển đổi từ gia công sang các hình thức FOB (tự chủ nguyên liệu) và ODM (tự thiết kế mẫu). Tổng giá trị xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 4% thị phần nhập khẩu toàn cầu do nặng về gia công. Vì vậy, nếu không có vốn vay ưu đãi của ngân hàng thì may không thể đứng được. Và nếu không chuyển hướng được thì vốn vay ngân hàng cũng khó phát huy hiệu quả được.
- Anh biết đấy - Đinh Trịnh Dũng bảo - Hải Dương như là “Thủ đô” may mặc nhưng chủ yếu là các công ty nước ngoài. Công ty trong nước khó cạnh tranh với họ bởi họ làm hàng FOB, hàng ODM. Nào may Tinh Lợi (Đài Loan) tới 18.000 công nhân, nào may Makalot (Đài Loan) 7.000 CN, Trấn An 4.000 CN, Global MFG (Hàn Quốc) 6.000 CN, Richway (Đài Loan) 5.000 CN, SHINTS BVT (Hàn Quốc) 6.000 CN...
- Sản phẩm của May II xuất ở thị trường nào? - Tôi hỏi Đinh Trịnh Dũng.
- Chúng tôi xuất khẩu 95%, chỉ 5% cho nội địa. Xuất khẩu lớn nhất là sang Anh, chiếm 65%. Còn lại là xuất Mỹ, Hàn Quốc, Nhật, Đức.
Tôi khoe:
- Bọn tôi cũng vừa mua hàng của May II đấy. Cô Phước Thảo đây đã kịp làm mấy bịch, cứ mê mẩn mãi ở cửa hàng, có khi vài hôm nữa lại đánh ô tô xuống khuân tiếp…
Dũng cười:
- Nhưng chúng tôi cũng chỉ cố giữ như hiện nay, tổng tài sản khoảng 103 tỷ đồng, lương bình quân 6,5 triệu/ tháng, cũng là do chúng tôi chưa đủ lực vươn xa, chưa đọ được với mấy doanh nghiệp nước ngoài.
- Thế, vay Ngân hàng thế nào?
Dũng hóm hỉnh:
- Chơi thân với anh Tuấn, giám đốc BIDV nên mới tồn tại được đấy, thực ra, vốn đầu tư thì đã trả hết, vốn lưu động, còn khoảng 50 tỷ. Nếu anh hỏi về chúng tôi và Ngân hàng, chỉ tóm một câu thế này, Ngân hàng với doanh nghiệp phải là người bạn đồng hành. Mối quan hệ với BIDV 30 năm qua đã nói lên điều đó, anh Hùng, anh Sùng nhỉ.
Giám đốc Chi nhánh Nguyễn Văn Tuấn, nguyên Giám đốc Đoàn Văn Nghệ đã chờ sẵn. Cả anh Phí Đại Từ, nguyên Giám đốc Chi nhánh khu vực Hoàng Thạch (1997-2004); nguyên Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính chi nhánh Hải Dương Nguyễn Quý Sự (1991 - 2012) và nhiều cán bộ quản lý đương nhiệm khác, như một bàn tròn trong phòng họp để ôn cố tri tân.
Anh Đoàn Văn Nghệ là giám đốc thứ tư kể từ 1957. Trước đó là ba cụ, người cao tuổi nhất là cụ Nguyễn Trọng Thiệu đã 103 năm sinh và cũng thành người thiên cổ rồi, những bậc tiền bối thời ngân hàng Kiến thiết hầu hết đã đi xa, để lại niềm xao động, bâng khuâng mỗi khi nhắc về thời cấp phát, những năm chiến tranh nghèo đói và gian khổ.
BIDV Hải Dương cũng trải ba giai đoạn tách, nhập, thay tên đổi họ, và phát triển tương tự như 11 chi nhánh khác và Trung ương. Năm 1988 chi nhánh Ngân hàng ĐTXD bị giải thể, và nhập vào Ngân hàng Nông nghiệp. Hai năm sau thành lập lại Phòng ĐTXD thuộc BIDV. Đến 1990 sáp nhập với Chi nhánh khu vực Phả Lại thành Chi nhánh BIDV Hải Dương nguyên vẹn như xưa.
Anh Nghệ kể - Chuyện năm 1995 mới là chuyện lớn, vốn cấp phát, vốn vay theo kế hoạch chuyển sang Tổng cục đầu tư phát triển, con người làm nghiệp vụ ấy cũng chuyển theo… xáo trộn! BIDV lấy gì cho vay đây, lấy gì cho hoạt động thương mại đây? Sau đó, Thống đốc Ngân hàng Cao Sĩ Kiêm ra Quyết định 293 cho phép BIDV được huy động vốn ngắn hạn, bắt đầu một giai đoạn mới “đi vay để cho vay”.
- Điều gì đáng nhớ nhất giai đoạn “nhạy cảm” ấy? - Tôi hỏi.
- Năm 1995, Chi nhánh khu vực Hoàng Thạch về bên đó đang cho vay. Xi măng Hoàng Thạch là công trình trọng điểm. Vốn vay cả tỉnh có 1.200 tỷ, trong đó Chi nhánh Hoàng Thạch có 800 tỷ. Tôi phải chạy sang Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh báo cáo rõ, nhà máy xi măng Hoàng Thạch là đơn vị sản xuất kinh doanh có hiệu quả và là dự án lớn do BIDV đang cho vay dở dang, chuyển đi là không hợp lý. Nếu chuyển giao thì phải giải thể một đơn vị, thành lập ra chỉ để phục vụ một công trình trọng điểm. Các anh ấy nghe ra và ủng hộ giữ lại 800 tỷ đã cho vay để Hoàng Thạch tiếp tục cho vay, thu nợ - Nghệ cười khà khà - Từ đó BIDV huy động tất cả nguồn dư, huy động cả họ hàng, gia đình mình... Hiệu quả hoạt động của BIDV phục vụ kinh tế - xã hội Hải Dương phát triển nên được Tỉnh ủy, Ủy ban quý lắm. Các cuộc tổng kết của BIDV, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm sang dự và chỉ đạo. Cơ bản không có nợ xấu nên càng được tín nhiệm!
Khi hỏi cán bộ, anh Nghệ bày tỏ, chính sách về con người được quan tâm hàng đầu. Đặc biệt, BIDV Hải Dương có chính sách dành một số chỉ tiêu cho các đồng chí thương binh; chọn con em thương binh, liệt sĩ về làm việc như một sự tri ân những người đã hy sinh xương máu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Trong số những người tôi đang gặp, Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn là con trai độc nhất của một liệt sĩ, Anh Nguyễn Quý Sự nhập ngũ năm 1970, chiến đấu ở mặt trận đường 9 - Nam Lào, bị thương ở Kông Tum và ra Bắc học Trung cấp Kế toán tài chính ở Hà Bắc. Năm 1979 xin về làm Ngân hàng Kiến thiết Quảng Ninh. Năm 1990, anh Nghệ mới đưa về ĐTXD Hải Dương, rồi làm Trưởng phòng HCTC. Sự bảo: “Sống với anh em Hải Dương 17 năm tình nghĩa lắm, đến năm 2012 thì nghỉ hưu, thấy lòng thanh thản”. Anh Phí Đại Từ cũng là thương binh, quả là người cùng Giám đốc Nghệ sống chết với nhau từ thuở sơ khai, khi anh làm cán bộ thẩm định cấp phát, qua bao gian khó thời chiến tranh phá hoại, qua bao lần thay tên đổi họ Ngân hàng nhưng vẫn ở lại. Đến 1997, làm Giám đốc Chi nhánh BIDV Hoàng Thạch cho đến 2004 thì nghỉ hưu. Mà lạ, anh Từ cũng máu mê văn nghệ cũng diễn ca; viết báo, viết kịch và đóng kịch, nói về Ngân hàng… Nhưng công việc Ngân hàng vẫn tốt chứ? Tốt thật chứ không như… diễn kịch. Có thời, dư nợ của Hoàng Thạch 2.000 tỷ đồng đấy.
Nhân câu chuyện về nợ xấu, anh Phí Đại Từ nhắc lại hai kỷ niệm về thẩm định, giám sát ở hai thời kỳ khác nhau. Một là, năm 1978, để phục vụ cho chiến tranh biên giới phía Bắc, Chính phủ cho mở con đường chiến lược N3 từ Chí Linh qua Hà Bắc lên Lạng Sơn, Sở Giao thông là chủ quản đầu tư, Ngân hàng Kiến thiết Hải Hưng cấp phát vốn ngân sách Trung ương theo kế hoạch. Ủy ban huyện Chí Linh đại diện chủ đầu tư là bên A, Xí nghiệp Xây lắp giao thông thị xã Hải Dương và Xí nghiệp Giao thông Chí Linh là bên B.
Khi hoàn thành, anh Từ, cán bộ thẩm định quyết toán vốn của Ngân hàng Kiến thiết là một trong những thành viên đoàn nghiệm thu. Để ký biên bản nghiệm thu, anh Từ đề nghị kiểm tra lại 3 điểm trên đoạn đường từ Sao Đỏ đến cầu Cẩm Lý. Bên B kêu công nhân đã rút hết, không có công cụ đào. Anh Từ yêu cầu chỉ cần một cái cuốc chim và bên B phải đồng ý. Nhưng mới chỉ cuốc sâu 30 cm là hết lớp nhựa và đá 1-2, đến ngay nền đường núi tự nhiên, có chỗ thì thiếu ống cống lù phía ta luy… Trong khi, thiết kế công trình có các lớp: Đào lòng đường rộng 4 mét, sâu 0,5 mét, lu lèn 2 lần cho chắc, rải 30 cm đá hộc và lu lèn 2 lần. Rải tiếp 10 cm đá 2-3 và lu lèn 2 lần, rải 10 cm đá 1-2 và lu lèn lần cuối, rải nhựa, té đá mạt, lu lại cho nhẵn. Chỉ nhìn vào số liệu đủ biết chất lượng công trình giao thông sẽ ra sao nếu không giám sát, kiểm định, quy trình chặt chẽ. Ngày nay nhiều doanh nghiệp lãi nhiều nhờ trúng thầu thi công những dự án lớn lại làm ẩu, nên có, những con đường đắt nhất hành tinh, thảm nhựa lại trên nền đường cũ mà thành đường BOT một cách vô lý, gặt bộn tiền phí cầu đường… mà có lẽ từ đó mới có một lớp doanh nhân phất nhanh như rau tắm thuốc tăng trưởng. Và cũng có những doanh nghiệp sụp đổ, nợ công chồng chất, như Vinashin, PMU 18…
Vì vậy, đường N3 không được ký nghiệm thu. Nhưng sau đó phải phục vụ yêu cầu chiến tranh, cũng được nghiệm thu nhưng phải cắt giảm tiền không làm đúng khối lượng thiết kế và bên B phải tự sửa chữa những chỗ bị lún sụt.
Thứ hai là chuyện vay vốn của dự án nhà máy gạch ốp lát Tiến Phong, thị trấn Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh năm 1997, để mua máy móc, công nghệ Trung Quốc. Để tin tưởng, họ mời Ngân hàng sang tận nhà máy cùng loại ở Quảng Tây một tuần để thẩm định hiệu quả kinh tế. Anh Từ được Giám đốc BIDV Hải Dương đồng ý cho đi tham quan nhưng với điều kiện nếu có hiệu quả mới cho vay. Nhà máy phía bạn khá hiện đại, sạch sẽ, gạch ra thun thút, ngon nghẻ… nhưng khi thẩm định cụ thể đầu vào vật liệu, đường điện, đường nước, đường vận chuyển xuất bán sản phẩm của Tiến Phong thì đành phải lắc đầu vì: Điện, nước chạy nhờ các trạm của xã, đường bộ vật liệu vào 3 km (từ đường 18) nhờ đường xã, bến xuất đường sông cũng nhờ bến xã, đất sét trắng mua cách 6 km, bột màu mua trôi nổi ở thị trường. Mọi thứ đều nhờ, khi có sản phẩm thương mại, địa phương nâng giá ép nhà máy thì ra sao đây? Anh Từ bảo: “Ông Tiến Phong ơi, thua lỗ là chắc chắn. Dừng lại lúc này chỉ mất 300 triệu đầu tư thôi. Cố tình lao vào vay mượn đầu tư tiếp có khi vào vòng lao lý. Tôi với ông đều là bộ đội xuất ngũ, tôi chân thành khuyên ông đấy. Vay mượn mua thiết bị nước ngoài phải chấp nhận luật pháp quốc tế, không phải chuyện đùa đâu”.
4 năm sau, Tiến Phong đã gõ cửa nhiều ngân hàng nhưng cũng không vay được vốn. Cho đến lúc anh Từ về hưu năm 2004, là rất “an toàn và không nợ xấu” - Phí Đại Từ cười mãn nguyện. Đoàn Văn Nghệ cũng hỉ hả như một cặp bài trùng lão tướng. Làm kinh tế, làm tài chính, ngân hàng mà cứ cắm cúi vào số liệu, lời lãi… không có tí lườm nguýt, liếc mắt đưa tình, hóm hỉnh văn nghệ thì khô cứng lắm.
Với phương châm “Chia sẻ cơ hội, hợp tác thành công”, lấy hiệu quả sản xuất kinh doanh của bạn hàng làm mục tiêu hoạt động của ngân hàng. Như những gì Tuấn viết trong một bài tổng kết: “Chi nhánh đã không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác, tạo được niềm tin đối với khách hàng thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong quá trình phát triển kinh doanh, chi nhánh luôn đổi mới cách nghĩ, cách làm theo hướng bám sát khách hàng, bám địa bàn, quản lý đồng tiền của khách an toàn, hiệu quả. Thông qua hoạt động tín dụng, đồng vốn ngân hàng đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiểu quả kinh tế cao cho các hộ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn: xi măng, sắt thép, điện, cơ khí, xây dựng, xuất nhập khẩu… Cung ứng vốn cho các dự án trọng điểm như: Dây chuyền II, III Xi măng Hoàng Thạch, Dự án nước sạch Hải Dương, mở rộng Khu công nghiệp may mặc, giày da xuất khẩu…, góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động có thu nhập ổn định, tăng nguồn thu ngân sách, phát triển kinh tế, xã hội địa phương”.
Hà Nội, 19/3/2017
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0849351080/ 0822808588/ 0842152355/ 0766151080/ 0763238588/ 0784132388/ 0358201080/ 0357638588/ 0334282388
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng