Web Content Viewer
ActionsỞ cái nước mình sao cái anh văn sĩ lại khổ thế. Văn sĩ thường được đồng nghĩa với hàn sĩ, tức là còn dưới cả vô sản, hay nói một cách khác có vẻ véo von hơn là “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Khổ thế, khổ quá, khổ thay một thời bao cấp ảm đạm và nhọc nhằn, thế cho nên, dù là một gã vô thần duy vật đến tận kẽ răng, xương tuỷ nhưng một lần nghe vợ cũng lóc cóc đèo nhau đi Bà Chúa Kho ở Đáp Cầu. Khói hương nồng nặc, mắt mũi cay sè, vợ bảo vào khấn xin lộc xin tài thì cũng khấn. Lời khấn là thế này: “Thưa bà chúa Kho, bà là lính quân lương đời Lý, tôi là lính đặc công đời Hồ, vậy phàm đã là lính thì phải cưu mang giúp đỡ lẫn nhau, tôi đang sống chật vật quá, xin bà giúp tôi một cú đổi đời đi!” Ném đồng xu lên, rơi xuống nó ngửa mặt cười, thế là bà Chúa đã đồng ý. Không ngờ về nhà, mấy tháng sau cuộc sống có khá hơn lên thật. Giật mình: Chả lẽ lại có thánh thần thật chăng? Nhưng sau rồi mới hiểu, xin lỗi bà Chúa, đó là vào năm 90, cái năm đất nước bắt đầu mở cửa, nhà nào chả khá lên chứ cứ gì phải đi cầu lộc cầu tài.
Khá rồi, đủng đỉnh có chút tiền giành dụm được rồi, không dám tiêu, lại bảo nhau ky cóp gửi ngân hàng. Khổ nữa! Cả đời trận mạc có khái niệm gì về cái chỗ có tên gọi rắc rối và sang trọng này đâu, cùng lắm chỉ biết có ngân hàng tình yêu, ngân hàng tâm hồn, hết! Vậy mà cũng chơi đấy. Mà, ma xui quỷ bảo thế nào lại chơi trúng vào Ngân hàng Đầu tư và Phát triển mới kỳ chứ. Có gì lạ đâu và cũng có biết gì đâu, dốt đặc, ngân hàng nào chả là ngân hàng, duyên do là nó gần nhà và bà chủ tịch hay giám đốc gì đó lại có cháu gửi cùng một vườn trẻ Quân đội, thế thôi.
Vậy mà cũng oai ra phết. Gớm thôi, cái ngày đi gửi và ngày lấy lãi đầu tiên, vênh vang cứ như ông chủ tàu, chả gì như ta đây cũng là gã có của ăn của để. Thế rồi tiền đẻ ra tiền, lãi đẻ ra lãi, viết lách cũng khá hơn, chuyển tiếp thêm sang ngân hàng khác rồi gần đây lại trở về Đầu tư và Phát triển như cái duyên cái nợ, như mối tình đầu, mối tình gá nghĩa tâm hồn với tài chính. Tất nhiên lúc này hầu bao đã có chiều rủng rẻng hơn.
Bèn nhấc máy: “Hương ơi! Chú đây, chú là bạn của chú cháu đây, chú đang có ít tiền, làm sao gửi cho tiện bây giờ?”. Kinh chưa, mới tí toáy có dăm đồng cắc mà đã biết nhấc máy gửi tiền rồi kia đấy. Và chỉ nửa tiếng sau, chao ôi, trong phòng văn phố lính chật chội và ám khói thuốc hôi rình của tôi bỗng xuất hiện ba con thiên nga áo đồng phục thơm phức. Nghĩ bụng: Đúng là mấy bố Ngân hàng khôn thật, tuyển toàn nhân viên mỹ nữ thế này có mà bán sạch cửa nhà đi cũng gửi. Lại còn tươi tỉnh, còn chu đáo mềm mại, còn thánh thót véo von nữa chứ, cứ y như người nhà, mát cả ruột. Cơ chế thị trường có khác, nhân quyền nhân cách lên vù vù, bay cả vào mắt huyền mỹ nhân.
Bỗng chốc gã lính già ẩm ương là tôi trở thành bạn tri kỷ, thì cứ cho là thế, của chi nhánh phố Hàng Khoai (PV- Phòng giao dịch Hàng Khoai). Đến lúc nào cũng được, cả một rừng cười tươi, chú ạ, anh ạ là cứ râm ran như bộ đội về phép. Không đến, cái rừng cười sẽ chuyển dịch đến tận nhà. Hiểu về chiến tranh, về thế giới đàn bà thì rành, hiểu về tài chính đần độn lắm, không sao, đã có giọng con gái dịu dàng, khẽ khàng mách bảo. Khổ, nghe biết vậy nhưng có hiểu gì đâu, chỉ thấy giọng con gái chuyên đo đếm tiền nong mà sao lại ngọt thế. Trong đó có cả nụ cười của cô bé mang dòng máu lính, ái nữ sắp sang ngang, hơi phí, của một vị tướng tư lệnh Quân khu. Và cả cái dáng mảnh mai, lành hiền như một cô giáo làng của cô chi nhánh trưởng có cái tên hình như trùng với tên sông, quên rồi. Và tin. Gửi là tin. Tin quá đi chứ. Như gửi vào chín khúc ruột đố ai moi ra được.
Rồi bỗng một ngày nghe được những nụ cười ấy được nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng thời đổi mới. Anh hùng giữa đời thường, anh hùng giữa phố hàng Khoai, anh hùng trong trận tiền đã khó, anh hùng trong chất ngất tiền nong còn khó hơn. Xin ngả mũ cúi chào những vị nữ anh hùng mang dáng dấp thiên nga.
Vậy mà cũng có lúc mặn nhạt đấy. Ai đời khi gửi ở mức lãi 12% đã tưởng là cao, xoa tay khoái lắm, chỉ mấy tháng sau tài chính cả nước lên cơn co giật đùng đùng, đồng lãi vọt lên mười bốn, mười lăm, mười bảy rồi, ối giời ơi, như nham thạch ngàn sâu, nó leo tuốt luốt lên mười tám! Thế là chết cứng rồi. 12% gửi thời hạn một năm, lại có dự thưởng làm sao có thể rút ra được. Vác cái mặt nhàu nát, râu ria đến hỏi xem, chứ thế này thì thiệt quá, thiệt đơn thiệt kép. Nhưng chỉ nhận được những nụ cười thông cảm và những lời giải thích chính xác đến không cựa được. Chú ơi, anh ơi, nguyên tắc tài chính nó khó thế, đến ngay như chúng cháu đây này, cũng chót 12% rồi mà có thay đổi được gì đâu. Về vậy. Bịt tai bịt mắt kệ thiên hạ reo vui, chờ 12 tháng nữa vậy. Cười héo ha héo hắt mà về với cái triết lý rất yếm thế: Kệ, cuộc đời được một chút, mất một chút nó mới bền. Mất cả thì khốn nạn, được cả còn khốn nạn hơn. Mà chắc gì đã mất một khi cái nền tài chính toàn cầu, trong nước nó còn đua nhau đỏng đảnh chả biết thế nào. May rủi lên xuống một chiều, Mạnh Tử tiên sinh dạy rồi.
Và trời ạ, cái chiều ấy cũng đến khi sau cơn bão giật, các ngân hàng lại đua nhau giật lãi suất xuống tới hơn một nửa, xuống tới 8 rồi 8,5% trong khi, khoái run cả sống lưng, tớ vẫn ung dung ngự trị ở con số 12. Trong cái may có cái rủi là vậy. Đi qua phố hàng Khoai nhìn vào, mắt mũi dịu hẳn đi, chả bù…
Thêm một chút tản mạn
Không hiểu sao lại cứ không thấy khoái bốn cái chữ BIDV. Nó Tây quá, khó nhớ và khó hiểu quá, đọc mãi vẫn nhầm dẫu biết rằng nó là viết tắt của tiếng này tiếng kia trong tiếng Anh nhưng vẫn thích mấy chữ nôm Đầu tư và Phát triển đa tầng đa nghĩa và tất nhiên, nó có dính tới cả mớ kỷ niệm tài chính đầu đời của mình.
Tuy vậy, có điều này không hiểu có phải là chủ đích của hoạ sĩ hay ông Chủ tịch không chứ nhìn kỹ, cái biểu tượng, Logo của Ngân hàng nhìn rất giống hình chữ thập đỏ. Phải chăng vì thế mà gần đây, BIDV, thôi cứ phải dùng tiếng viết tắt cho nó gọn vậy, luôn luôn thực thi những hành vi của một tổ chức Hồng thập tự nhân đạo trong xoá đói giảm nghèo, tăng cường dân trí ở những vùng đất xa xôi đèo heo hút gió, trong cách ứng xử đi đầu cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp và trong cả những nghĩa cử hướng về nguồn mang đậm chất tâm linh.
Trên chuyến xe lửa theo ông chủ tịch nước đi thắp hương tại nghĩa trang Trường Sơn, Quảng Trị do Ngân hàng đứng ra tổ chức, tôi nói với Trần Đăng Khoa: “Này, ở đời kiếm đồng tiền đã khó nhưng biết tiêu đồng tiền còn khó hơn. Như cái anh BIDV này (lại BIDV!!!), là biết cách tiêu đấy. Vừa là tích đức cho mình vừa là làm đức cho đời mà không phải ai cũng làm được”. Khoa cười. Dạo này lên làm cán bộ quản lý, hắn chỉ cười thay cho nói, rõ khổ!
Thật tiếc chuyến đi cùng với các cựu binh tình nguyện quân sang Lào cũng do Ngân hàng tổ chức vừa rồi lại không đi được. Không đi được nhưng tôi cũng biết chuyến đi ấy cảm động và giàu ý nghĩa nhân văn như thế nào. Nó vẫn nối tiếp cái mạch uống nước nhớ nguồn, chân thành tưởng nhớ những người con đã ngã xuống cho đất nước thái hoà làm ăn thơ thới ngày hôm nay. Đó cũng là chân đế, cái tâm lành, cái nền móng vững chắc cho sự bay lên của một đơn vị doanh nghiệp trong yên bình cũng như trong bão giông.
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0849351080/ 0822808588/ 0842152355/ 0766151080/ 0763238588/ 0784132388/ 0358201080/ 0357638588/ 0334282388
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng