Công việc của cán bộ BIDV nơi tuyến lửa

27/02/2022
Năm 1972, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ ngày càng khốc liệt. Máy bay Mỹ quần suốt ngày đêm, dội bom xuống làng mạc ruộng đồng, đặc biệt là các nút giao thông trọng điểm, huyết mạch. Cũng vì thế công việc của các cán bộ Ngân hàng Kiến thiết nơi tuyến lửa cũng vô cùng đặc thù, gian khổ…

Chi nhánh khu vực Ngân hàng Kiến thiết Nam - Hưng - Nghi, một trong ba chi nhánh khu vực thuộc Ngân hàng Kiến thiết Nghệ An lúc bấy giờ (nay là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Nghệ An) gồm 15 cán bộ nhân viên (8 nam, 7 nữ) do anh Nguyễn Trọng Bình làm chi nhánh trưởng, được giao nhiệm vụ quản lý và cấp phát vốn ngân sách đảm bảo giao thông phục vụ yêu cầu chiến tranh. Địa bàn quản lý là Thành phố Vinh, huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc. Chi nhánh đóng tại xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, một xã ven biển cách đường quốc lộ 1A chưa đầy 1km, có cầu lớn bắc qua sông Cấm, người ta đặt tên cho nó là cầu Cấm, cách trung tâm Thành phố Vinh 18km về phía Bắc. Nơi đây là trọng điểm đánh phá rất ác liệt của máy bay Mỹ hòng ngăn cản sự chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường miền Nam.

Ngân  hàng Kiến thiết Việt Nam cấp pháp vốn mở các tuyến đường ra tiền tuyến

Từ tháng 5/1965 đến tháng 6/1972, giặc Mỹ đã dội xuống nơi này trên 25 vạn tấn bom đạn, thả hàng vạn thuỷ lôi từ biển vào, bắn trên 3 vạn quả đại bác. Cầu Cấm 3 nhịp bị đánh sập hoàn toàn. Thực hiện khẩu hiệu “Một tấc không đi, một ly không rời” ngày đêm vẫn bám trụ đảm bảo giao thông cho xe pháo, bộ đội hành quân thần tốc vào chiến trường.

Một ngày đáng ghi nhớ không bao giờ quên trong mỗi cán bộ, nhân viên chi nhánh khu vực Nam - Hưng - Nghi. Đó là đêm 17/6/1972, giặc Mỹ đã cho nhiều tốp máy bay F105-F11 và cả B52 dội bom liên tiếp đánh phá ác liệt vào khu vực cầu Cấm. Cả quãng đường quốc lộ 1A dài hơn 10km từ Mỹ Lý, Diễn Châu vào Quán Hành, Nghi Lộc. Đường giao thông số 1 bị tắc nghẽn bởi bom đạn cày xới. Chi chít hố bom sâu hoắm làm cho hàng trăm xe vận tải chở đầy lương thực, đạn dược vào chiến trường phải dừng lại. Chỉ thị cấp trên kiên quyết bằng mọi giá phải san lấp hố bom, mở đường cho xe thông ngay trong đêm ác liệt này. Tất cả cán bộ nhân viên chi nhánh khu vực Nam - Hưng - Nghi đều đứng dưới hào giao thông chạy quanh khu nhà làm việc. Bỗng từ căn hầm làm việc của trưởng chi nhánh Nguyễn Trọng Bình, chuông điện thoại đổ dồn: “Alô-Alô, Ngân hàng Kiến thiết phải không?” “Vâng! Ai đấy?” “Tôi là Hoạt, chủ nhiệm đơn vị L19”, tiếng đầu dây vọng lại.

“Việc gì thế hả anh?”, tiếng anh Bình hỏi dồn. “Đề nghị chi nhánh cử 2 cán bộ cấp phát đi cùng chúng tôi ra hiện trường nơi máy bay Mỹ vừa ném bom để kiểm tra và xác định khối lượng cho chúng tôi san lấp trong đêm nay kịp thông xe trước 2 giờ sáng”.

Lúc này đã gần 10h đêm, công việc thật khẩn trương và có thể hy sinh đến tính mạng. Đơn vị L19 là một trong 17 xí nghiệp trực thuộc Cục công trình 1 Bộ Giao thông vận tải lúc bấy giờ. Nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị này là đảm bảo huyết mạch giao thông khu 4 từ Thanh Hoá đến Vĩnh Linh. Trưởng chi nhánh Bình hội ý chốc lát với Bí thư chi bộ Nguyễn Ngọc Giao. Anh em hồi hộp nhìn nhau không ai bảo ai. Trong lúc bom đạn ác liệt như vậy, cử ai đây? Đảo mắt qua một lượt tất cả các anh em đang vây quanh đồng chí trưởng chi nhánh, một mệnh lệnh được ban ra: “Thay mặt chi bộ, chính quyền, tôi cử đồng chí Nguyễn Khắc Chính và đồng chí Nguyễn Bá Ngoan đi làm nhiệm vụ”. Tiếng anh Bình nghẹn ngào quay về phía chúng tôi. Tất cả khoé mắt đăm đăm đổ dồn về phía hai chúng tôi lo lắng và thông cảm vì nhiệm vụ không thể từ chối.

Tôi và anh Chính lúc ấy tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai có gia đình, tôi 25, anh Chính 28 tuổi. Bản thân tôi là bộ đội chuyển ngành đã từng tham gia chiến trường miền Nam từ 1966-1969, đặc biệt đã được tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 nên phần nào dày dạn và gan lỳ hơn anh Chính.

Đúng 10h15 phút đêm, hai chúng tôi cùng đơn vị L19 ra đi trong ánh trăng mờ mờ, đi bộ gần 4km đến hiện trường nơi bom đạn giặc Mỹ vừa mới rải xuống đang còn khét lẹt. Vũ khí là quyển sổ tay ghi chép với cây bút Trường Sơn và thước mét để đo khối lượng. Trong ánh sáng lập loè của đèn pin dọi chiếu lối đi, chúng tôi gặp từng đoàn nam nữ thanh niên xung phong toả ra từ các xóm làng, ngõ hẻm, tay cuốc, tay xẻng chuẩn bị đào núi lấp hố bom “mở đường thắng lợi”. Nhìn họ hăng say làm việc, chúng tôi càng thêm ý chí và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ nhanh chóng, hiệu quả.

Tôi và anh Chính đã cùng các anh trong đơn vị L19 đi suốt trong đêm, đo từng hố bom này đến hố bom khác. Tổng cộng 320 hố bom lớn nhỏ dọc tuyến quốc lộ 1A được xác định khối lượng san lấp giải quyết nhanh thông xe, thông phà trong đêm. Lúc này đã 2h sáng, máy bay giặc Mỹ đã bay xa. Hàng trăm xe vận tải từ từ chuyển bánh tiến về phương nam. Hai chúng tôi về tới cơ quan đã hơn 3h sáng. Mọi người chạy ra ôm chầm lấy hai anh em, nụ cười hoà lẫn nước mắt vì sung sướng.

Bom Mỹ đã hủy diệt những cánh rừng Trường Sơn nhưng không hủy diệt được tinh thần "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" của quân và dân ta

Thế mà đã 50 năm trôi qua! Đất nước thay da đổi thịt từng ngày, cuộc sống no đủ, thanh bình. Cầu Cấm bây giờ được xây dựng lại kiên cố, to đẹp, sừng sững hiên ngang giữa đất trời. Đường quốc lộ 1A năm xưa chằng chịt hố bom nay đã được thảm nhựa rộng thênh thang.

Nhớ lại chặng đường đã qua càng thấy tự hào, vui sướng vì sự phát triển vượt bậc của BIDV ngày hôm nay. Xin chúc BIDV trường tồn mãi mãi!

(Nguồn tư liệu: Sách “Những kỷ niệm khó quên”,

xuất bản tháng 4/2007 - Nhà Xuất bản Lao động)

Tác giả: Nguyễn Bá Ngoan - Nguyên cán bộ BIDV Nghệ An
Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}