Lẵng hoa BIDV trong biệt thự Hoa Mai

07/04/2022
Nhờ sự giúp sức của BIDV Tiền Giang mà những đoàn tàu của Hợp tác xã Rạch Gầm đã từ những sông ngòi kênh lạch Đồng bằng Sông Cửu Long vươn ra khắp nước, tới cả những nước trong khu vực Đông Nam Á, đóng góp rất lớn vào việc phát triển kinh tế xã hội các tỉnh miền Tây.

Sau chuyến đi thực tế các chi nhánh BIDV ở các tỉnh Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Long, trên đường về Tp. Hồ Chí Minh, đoàn nhà văn chúng tôi ghé thành phố Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang thăm một bạn văn - Nhà thơ Trần Đỗ Liêm. Dự định là chỉ ghé chơi trò chuyện văn chương thôi, không ngờ vừa bước vào khu vườn rợp bóng cây xanh trong ngôi biệt thự Hoa Mai 3 tầng, được dành làm bảo tàng văn hóa tư nhân Nam bộ, một hình ảnh đã khiến chúng tôi chú ý. Đó là lẵng hoa hồ điệp cực đẹp cùng dải chữ “BIDV Tiền Giang chúc mừng xuân Đinh Dậu”  đặt trang trọng trên lầu thơ, trong "Vườn thơ biệt thư Hoa Mai". Nhà thơ Trần Đỗ Liêm kể, đêm 15 tháng giêng năm nay, tại đây đã diễn ra một chương trình thơ đầm ấm với gần một trăm người tham dự.

Ngày Thơ Việt Nam đã được tổ chức trên cả nước hơn chục năm nay, điều ấy chúng tôi không lạ. Cái lạ ở đây là trong gần một trăm người tới biệt thự Hoa Mai đọc thơ, nghe thơ, không chỉ là những văn nghệ sĩ và người yêu thơ, mà còn có đại diện đặc biệt của một ngân hàng lớn.

Thi ca và… tiền bạc, hai khái niệm từ lâu đã như hai thái cực, đối nghịch nhau chan chát, vậy mà tại nơi đây lại có vẻ hòa hợp, gắn quyện. Không phải thế thì tại sao ngày thơ Nguyên Tiêu đã qua hơn một tháng, mà lẵng lan hồ điệp của BIDV Tiền Giang vẫn còn tươi và được chủ nhân nâng niu giữ lại.

Tò mò tìm hiểu, chúng tôi mới vỡ lẽ. Thì ra Trần Đỗ Liêm không chỉ là một nhà thơ, mà còn là Chủ tịch HĐQT của một doanh nghiệp lớn - Hợp tác xã Rạch Gầm. Đây là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường sông với sở hữu gần 160 tàu, xà lan lớn nhỏ, trọng tải gần 110.000 tấn, đóng mới sửa chữa gần 100 chiếc khác trong năm. Ngoài ra HTX còn kinh doanh xăng dầu, xây dựng công trình giao thông, bốc dỡ cung ứng cát đá hàng trăm ngàn m2.

Với những thành công vang dội, HTX Rạch Gầm đã nhận nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng 3. Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba. Rồi cờ, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Phần thưởng và danh hiệu từ các bộ ngành TW,  địa phương thì  "không đếm hết". Và năm 2005, HTX Rạch Gầm vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Vậy là dự định “chỉ ghé chơi trò chuyện văn chương” của chúng tôi đột ngột đổi hướng. Một cuộc đối thoại ngẫu hứng xung quanh lẵng hoa hồ điệp mà chủ đề là mối quan hệ gắn bó giữa HTX Rạch Gầm và Chi nhánh ngân hàng BIDV Tiền Giang.

- Thưa nhà thơ, doanh nhân Trần Đỗ Liêm! Rạch Gầm là một doanh nghiệp thành công lớn trong lĩnh vực vận tải đường sông. Ông có thể cho biết quá trình hình thành ý tưởng thành lập doanh nghiệp này thế nào?

- Hợp tác xã Rạch Gầm đươc thành lập đầu năm 1979, khi mà trước đó gần một năm chính quyền tỉnh Tiền Giang đang thưc hiện chính sách “Cải tạo XHCN ngành Giao thông vận tải.” Sau giải phóng, vận tải sông ở tỉnh Tiền Giang còn rất nhỏ và do tư nhân làm chủ, phương tiện chính là tàu đò chở khách trên sông trong nội tỉnh và vài tỉnh xung quanh; ghe vận tải hàng hóa kiêm buôn bán trọng tải nhỏ và cũng bằng gỗ. Tuy nhiên, các phương tiện này đều được lắp động cơ diesel công suất từ 10 - 215 CV. Tôi nhớ toàn tỉnh khi đó có gần 40 tàu đò khách và hơn 70 ghe vận chuyển hàng hóa. Thấy lực lượng phương tiện nhỏ chất lượng thấp nên chính quyền quyết định thành lập hợp tác xã, hoạt động trong cơ chế kinh tế tập thể là phù hợp.

Và ý tưởng thành lập hợp tác xã cơ giới vận tải đường sông chủ lực của tỉnh ra đời. Vì lúc đó không có đơn vị vận tải đường sông quốc doanh nên hợp tác xã giữ vai trò chủ lực. Cho đến nay, sau hơn 36 năm, vị trí chủ lực vẫn do hợp tác xã đảm nhận. Chính tôi được giao chấp bút viết phương án xây dựng hợp tác xã. Khi có phương án rồi, việc đặt tên cũng phải bàn thảo nhiều. Ý tưởng là lấy chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785 của Nguyễn Huệ đánh tan 500 chiến thuyền của quân Xiêm trên khúc sông Tiền tại đất Tiền Giang. Nhưng cái tên “Hợp tác xã cơ giới vận tải đường sông chủ lực Rạch Gầm - Xoài Mút” dài quá, làm sao khắc dấu? Bàn tính mãi cuối cùng còn “HTX vận tải đường sông Rạch Gầm”. Nhưng sau 20 năm họat động, chúng tôi đã rút gọn lại là “HTX Rạch Gầm”, vì khi đó chúng tôi đã kinh doanh đa nghề chứ không chỉ vận tải đường sông nữa.

- “Vạn sự khởi đầu nan”, đó là trở ngại lớn nhất khi khởi nghiệp. Với Rạch Gầm, sự khó khăn đó là gì?

- Khó khăn, gian khổ thì nhiều lắm! Trước khi có ý tưởng thành lập HTX, việc đầu tiên phải tập trung vận động tổ chức cho họ làm quen từ việc quản lí bến, rồi xây dựng các đội Đò khách, đội Ghe hàng hóa; lên danh sách, đăng ký tầu làm sổ thuyền viên, cấp nhiên liệu; giải thích chính sách như “không tịch thu  ghe, đò”, “không quốc hữu hóa”, “không bắt chủ ghe”, “không đánh tư bản”;   dùng người thật việc thật đi tìm kiếm và “kéo” những chủ ghe khác đang đưa phương tiện trốn tránh ở các kênh rạch xa khuất khắp các miền Nam bộ về tham gia HTX.

Vì đã được tập dượt gần một năm nên khi chính thức thành lập thì mọi chuyện quản lí nhanh đi vào quy tắc và hiệu quả ngay từ năm đầu. Vừa hoàn thành việc tập hợp các chủ hộ vào HTX để có sức mạnh kinh doanh, vừa phục vụ cho kế hoạch vận tải kinh tế và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc khi đó.

Có tổ chức, có phương tiện rồi nhưng lại thiếu cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ quản lí, thiếu cơ sở hạ tầng như cầu cảng, bến đậu tàu, nhà làm việc. Thiếu thuyền máy trưởng có nghề. Thiếu nhiên liệu, thiếu hàng vận chuyển… Xã viên thì thiếu nghiệp vụ giao nhận hàng. Từ ông chủ ghe, đò đã quen với việc vừa lái, vừa vận hành máy ghe, vừa thu tiền vừa buôn bán, nay sang làm vận tải chuyên nghiệp chở thuê hàng cho Nhà nước với bao nội dung hợp đồng, quyết toán, điều động phương tiện, cách giao nhận, thanh toán… Rồi còn phải bồi thường khi hao hụt hàng hóa hoặc chậm trễ theo hợp đồng. Rồi thủ tục ra vô HTX, sửa chữa giao khoán, hạch toán, nộp thuế, quyết toán nhiên liệu sản lương vận tải, báo cáo, nhận kế hoạch, rủi ro tai nạn… Đó là một núi công việc cho tất cả từ lãnh đạo đến nhân viên, thuyền viên đều phải bắt tay làm từ con số không.

–Từ con số 0 đến có một đoàn tàu hùng hậu như hiện nay, HTX đã sử dụng những nguồn vốn nào?

- Chúng tôi sử dụng 3 nguồn vốn để tổ chức kinh doanh, phát triển đơn vị. Đó là vốn tự có của các thành viên, chủ yếu là phương tiện hiện có; vốn vay ngân hàng để sửa chữa mua mới phương tiện, mua xăng dầu... và các loại vốn từ quỹ tín dụng đầu tư của nhà nước, vốn ngoài xã hội, khách hàng...

- Ngân hàng BIDV Tiền Giang đã đồng hành với Rạch Gầm như thế nào trong suốt quá trình hình thành và phát triển?

- Ngân hàng BIDV Tiền Giang đồng hành cùng Rạch Gầm cách đây gần 30 năm. Từ việc tài trợ cho vay xây dựng công trình trong nhà máy đóng tàu đến xây dựng các trạm xăng; bảo lãnh, cho vay vốn thưc hiện các công trình giao thông khi HTX trúng thầu; cho vay dài hạn đóng sà lan trọng tải lớn, rồi cho vay  phục vụ cho việc kinh doanh của một tổng kho và 7 trạm bán lẻ xăng dầu… Có những khi dư nợ của HTX Rạch Gầm với ngân hàng BIDV Tiền Giang lên đến hai ba chục tỉ đồng.

- Văn hóa doanh nghiệp là một phạm trù quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Vậy triết lí kinh doanh của Rạch Gầm là gì? Và triết lí đó 'gặp' BIDV Tiền Giang ra sao để có thể kết thành 'mối lương duyên'?

- Bất cứ một cá nhân, tổ chức nào khi khởi nghiệp mà muốn cho đơn vị phát triển không ngừng thì phải xây dựng cho doanh nghiệp mình một bản sắc văn hóa như nhà văn nói ở trên. Văn hóa doanh nghiệp là một phạm trù rộng không thể trả lời trong một câu. Để bàn cho thấu đáo, cần phải một bài viết dài. Nhưng tôi xin nói ngắn gọn thế này. Đối với cuộc đời doanh nhân 40 năm của mình, tôi đã luôn xây dựng cho đơn vị một phong cách làm việc, sinh hoạt, quản lí ứng xử mà theo tôi đó là văn hóa của doanh nghiệp mình. Đó là nguyên nhân tại sao sau gần 40 năm, trải qua rất nhiều thời kỳ “sóng gió” của chính sách kinh tế xã hội, trong khi hầu hết các HTX khác sụp đổ hay tan rã thì Rạch Gầm vẫn luôn tránh gió to, rẽ sóng lớn tiến về phía trước với tầm vóc, quy mô ngày càng  vạm vỡ và mạnh mẽ.

Một số đúc kết thành nguyên tắc chúng tôi thường áp dụng hàng ngày là

+ Đối với nội bộ HTX thì “Thành viên giầu có, HTX giầu mạnh”.

+ Với khách hàng hay các đối tác thì “Uy tín chất lượng là hàng đầu”.

+ Xây dựng “Danh hiệu, thương hiệu” của HTX là cốt lõi của việc xây dựng đơn vị ngay từ ngày đầu thành lập đã xác định.

+ “Bền vững, lâu dài và hiệu quả”, đó là định hướng chính trong quá trình tổ chức quản lí kinh doanh của HTX.

Với triết lí tổ chức kinh doanh như nói ở trên và đưa vào áp dụng triệt để trong đơn vị thời gian dài đem lại thành công theo mong muốn, vậy nên khi chúng tôi đặt vấn đề làm đối tác với ngân hàng BIDV Tiền Giang thì các vị lãnh đạo OK liền. Bởi triết lí kinh doanh của chúng tôi đã gặp BIDV ở nhiều điểm. Một trong những nét văn hóa của BIDV đó là luôn tôn trọng, quý mến khách hàng. Vào dịp  đầu xuân hay những sự kiện văn hóa của HTX và của cá nhân tôi, BIDV bao giờ cũng có quà và cách tặng rất văn hóa. Như đêm thơ Nguyên Tiêu Đinh Dậu tổ chức ở Vườn thơ biệt thự Hoa Mai là một ví dụ. Một lẵng lan hồ điệp, món quà tuy nhỏ về mặt vật chất, nhưng ý nghĩa tinh thần thì vô cùng lớn. Đối với các nhà thơ, chỉ cần một nghĩa cử văn hóa như thế đã khiến chúng tôi xúc động. Nó thể hiện cái sự biết sẻ chia, sự đồng điệu tâm hồn giữa những người làm ngân hàng với các nhà thơ doanh nhân như tôi. Cần phải nói thêm rằng, tôi có quan hệ với 4 ngân hàng, đều là đối tác lớn, nhưng duy nhất chỉ có BIDV đối xử với tôi suốt thời gian dài bằng một nét văn hóa rất đẹp như thế. Có lẽ đây cũng là để trả lời cho câu hỏi trên của nhà văn về “mối lương duyên” Rạch Gầm - BIDV Tiền Giang.

- Ông quan niệm thế nào về vấn đề vay và sử dụng vốn từ ngân hàng?

- Đã là doanh nhân, doanh nghiệp, khi nói đến kinh doanh thì trước hết họ phải biết làm cho tài sản đưa vào đầu tư buôn bán (gọi chung là vốn đầu tư) phải sinh sôi nảy nở, hay thường gọi là lợi nhuận. Vốn càng to, biết đầu tư thì lợi nhuận càng cao. Mà doanh nhân nào cũng ham làm giầu cả, do vậy khi có cơ hội là họ huy động càng nhiều vốn càng tốt để đầu tư, đặc biệt là đầu tư phát triển mở rộng. Ví dụ như đơn vị chúng tôi có tổng tài sản khoảng gần 700 tỷ VND, nhưng vốn vay trong đó cũng chiếm gần 10%. Vậy vốn ở đâu có thể huy động nhiều được? Chỉ có hai nơi: Ngân hàng và thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán thì phải là doanh nghiệp lớn, có tên tuổi trên thương trường mới có thể huy động; còn ngân hàng thì bất kể doanh nghiệp cỡ nào cũng có thể “gõ cửa mượn tiền” được.

Chính vì lẽ đó, ngân hàng luôn là nơi mà người khởi nghiệp nghĩ đến đầu tiên. Song kinh tế thị trường thì ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, do vậy họ cũng phải kinh doanh kiếm lời, có vậy họ mới tồn tại. Tuy nhiên, cách kinh doanh của ngân hàng khác các doanh nghiệp. Ho dùng tiền để kiếm ra tiền thông qua hoạt động của doanh nghiệp để chia lời với doanh nghiệp đối tác theo tỉ lệ người góp vốn (bằng tiền) người bỏ công bằng trí tuệ, tài sản. Rồi lời cùng chia, lỗ cùng chịu. Do vậy ngân hàng cũng phải “chọn mặt gửi tiền”, nếu chọn không đúng mặt doanh nhân tài giỏi thì khác nào đem “giao trứng cho ác”, như vậy thì “tiêu điều” là việc phải đến mà thôi.

Sà lan của HTX Rạch Gầm

- Những nhân vật nào làm trong ngành ngân hàng BIDV nói chung và BIDV Tiền Giang nói riêng khiến ông có ấn tượng nhất?

- Tuy không trực tiếp làm việc nhưng qua nghe phát biểu trong các Hội thảo, Hội nghị và các nguồn thông tin gián tiếp, tôi có ấn tượng mạnh với ông Trần Bắc Hà - Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV. Còn ở địa phương thì các anh chị trong Ban giám đốc BIDV Tiền Giang trong thời gian 20 năm gần đây, tôi đều có ấn tượng đẹp và quý mến họ.

- Ông có kỉ niệm sâu sắc nào liên quan đến quá trình huy động vốn nói chung và với BIDV nói riêng?

- Kỉ niệm đẹp, tôi nhớ vào khoảng cuối năm 2004 hay đầu năm 2005 gì đó, tôi được mời tham dự Hội nghị tổng kết của BIDV Tiền Giang khi đó họ đang có ban lãnh đạo mới, trẻ và sung sức. Tôi được mời lên phát biểu và được khán phòng nhiệt liệt tán thưởng. Sau đó, văn phòng BIDV Tiền Giang gửi cho tôi tấm ảnh chụp khi tôi phát biểu. Dù chỉ là hành động rất nhỏ nhưng tinh tế và rất văn hóa. Và từ đó đến nay, kết nối giữa BIDV Tiền Giang với HTX Rạch Gầm ngày càng khăng khít. Với cương vị của mình, tôi ít khi phải tới Văn phòng BIDV Tiền Giang để giải quyết việc gì, vì tất cả mọi giao dịch với đối tác đều được thực hiện rất trôi chảy, rất chuyên nghiệp ở cấp phòng tài vụ và thành viên, mặc dù chúng tôi luôn có dư nợ với BIDV Tiền Giang hàng chục tỉ đồng.

Để kết thúc cuộc trò chuyện ngẫu hứng, nhà thơ doanh nhân Trần Đỗ Liêm cười rất vui nói:

- Nguồn vốn rất quan trọng! Nguồn vốn đối với doanh nhân là tiền. Nguồn vốn đối với thi nhân, văn nhân là ngôn từ. Không có ngôn từ thì thi nhân chết. Không có tiền thì doanh nhân chết. Tôi may mắn trong đời doanh nhân và nhà thơ đều được hưởng vốn. Vốn ngôn từ tôi học được từ sách vở, từ cuộc đời. Còn vốn tiền, tôi nhận được từ nhiều nguồn, nhưng bảo đảm nhất, yên tâm nhất là từ các ngân hàng, trong đó BIDV Tiền Giang là một nguồn chính quan trọng. Có thể nói, lịch sử HTX Rạch Gầm qua gần 40 năm hình thành và phát triển đều đồng hành với đất nước, thì BIDV Tiền Giang cũng đồng hành với Rạch Gầm trong phần lớn thời gian. Nhờ sự giúp sức của BIDV Tiền Giang mà những đoàn tàu của HTX Rạch Gầm đã từ những sông ngòi kênh lạch Đồng bằng Sông Cửu Long vươn ra khắp nước, tới cả những nước trong khu vực Đông Nam Á, đóng góp rất lớn vào việc phát triển kinh tế xã hội các tỉnh miền Tây.

Nói đến đây, mắt ông rực sáng long lanh vì cảm động, tự hào. Ông vụt đứng dậy đọc thơ mình:

Rạch Gầm xưa anh hùng giữ gìn độc lập

Rạch Gầm nay anh hùng xây dựng non sông

Vẻ vang thay truyền thống con Lạc cháu Hồng...

Chúng tôi ngồi lặng đi một hồi lâu, quên cả vỗ tay. Khu vườn yên tĩnh đến lạ thường. Nghe rõ tiếng gió lay nhè nhẹ. Và những cánh lan hồ điệp khe khẽ rung rinh.

Tác giả: Nhà văn Đỗ Tiến Thụy
Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}