Web Content Viewer
ActionsĐã hơn hai mươi hai năm, nay tôi mới có dịp trở lại thành phố Thủ Dầu Một, nơi có trụ sở BIDV Bình Dương, một trong những chi nhánh đang là top đầu của hệ thống Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Mặc dù trước lúc đến đây tôi đã được biết khá nhiều thông tin về những sự khởi sắc của tỉnh Bình Dương nói chung và của BIDV Bình Dương nói riêng nhưng trên đường từ thành phố Biên Hòa sang thành phố Thủ Dầu Một, tôi liên tiếp bị ngỡ ngàng trước khung cảnh khang trang hiện đại hai bên con lộ cũng mang tên Bình Dương dài tít tắp đến hơn 10 cây số với sáu làn xe xuôi ngược. Đang mùa xuân, thành phố rực rỡ sắc hoa mai Nhật, rực rỡ màu vàng phồn thịnh, da diết, mộng mơ.
Khi tôi đến trụ sở BIDV Bình Dương thì cũng là lúc Giám đốc chi nhánh Trần Ngọc Linh đang chuẩn bị đi công tác xa. Tuy thế, anh Linh vẫn dành gần một giờ giới thiệu tổng quan về các hoạt động, các bước thăng trầm, các kế sách hữu hiệu, cập nhật để hôm nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương có đến năm chi nhánh cấp I trực thuộc BIDV trung ương mà chi nhánh nào cũng đang trên đà năng động khởi sắc. Đặc biệt anh giới thiệu về các mối quan hệ truyền thống hợp tác thủy chung, hiệu quả với nhiều khách hàng vóc vạc, bề thế, trong đó Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp TNHH MTV (Becamex), một doanh nghiệp nhà nước lớn nhất tỉnh Bình Dương, hiện đang có dư nợ tại chi nhánh đến 7.000 tỷ đồng. Do đã đến giờ khởi hành, Giám đốc Trần Ngọc Linh liên hệ với anh Hoàng Huy Hà, nguyên Phó tổng giám đốc BIDV, nguyên Giám đốc BIDV Bình Dương thời là chi nhánh Sông Bé và mời chị Nguyễn Thị Dung, người giám đốc tiền nhiệm của anh để tôi có thể tìm hiểu thêm về các chi nhánh BIDV trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo Giám đốc Trần Ngọc Linh, hai con người này đã đóng góp rất nhiều để có một chi nhánh BIDV Bình Dương như hiện tại.
Được gặp lại sau hơn hai mươi năm, tôi và anh Hoàng Huy Hà vẫn nhận ra nhau ngay từ phút đầu. Anh Huy Hà hồ hởi nhắc lại những kỷ niệm của anh em đoàn làm phim với chi nhánh BIDV Bình Dương hồi còn mang tên Sông Bé. Nhớ lại dịp tháng Giêng năm Ất Hợi (1995), tôi và anh em làm phim tài liệu đến thành phố Thủ Dầu Một (lúc đó đang còn là thị xã trung tâm tỉnh lỵ, tỉnh Sông Bé) trong lúc chi nhánh đang gặp rất nhiều khó khăn cùng với khó khăn chung “tồn tại hay không tồn tại” của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, khi ngân hàng này chuyển đổi cơ chế hoạt động, từ một ngân hàng chủ đạo chuyên cấp phát vốn ngân sách cho xây dựng cơ bản sang một ngân hàng thương mại kinh doanh đa năng tổng hợp. Mặc dù chủ nhà hết sức hiếu khách, mặc dù các hoạt động trong hội sở vẫn duy trì lớp lang nhưng nét lo toan vẫn dễ nhận trên gương mặt Giám đốc chi nhánh Hoàng Huy Hà và các cộng sự của anh. Cho đến hôm chia tay, gặp ngày lễ chùa Bà rằm tháng Giêng, khi đi dâng hương xong, anh Hoàng Huy Hà mới thủ thỉ cho biết, chi nhánh vừa trải qua những ngày cực kỳ khó khăn, bức bách nhưng đã bắt đầu gượng lại được rồi. Anh bảo: “Trong lúc vượt qua bế tắc khó khăn mới thấy, tình bạn, tình người quí giá đến mức nào!”.
Do kế hoạch của chuyến đi của đoàn làm phim đã lên lịch chi tiết từng ngày nên tôi không có điều kiện tìm hiểu thêm BIDV Sông Bé “vừa trải qua những ngày cực kỳ khó khăn, bức bách” như giám đốc chi nhánh đã nói. Nhưng vẻ mặt chưa hết lo toan của anh Hoàng Huy Hà và câu nói đầy niềm tin về tình người, tình bạn của anh cứ ám ảnh tôi suốt chuyến công tác.
Nay gặp lại anh Hoàng Huy Hà, tôi bỗng nhớ và hỏi thêm về câu chuyện cũ của cái thời lo toan cuối năm 1994 đầu năm 1995 ở chi nhánh BIDV Sông Bé. Anh Hoàng Huy Hà vẫn giọng khiêm nhường: “Hồi đó toàn hệ thống đều phải cố gắng hết mình vượt khó, để tồn tại, xây dựng và phát triển chứ có riêng gì chúng tôi đâu, anh!”. Tôi cố gạ: “ Vâng, tôi hiểu điều đó nhưng mỗi nơi có một kiểu vượt khó và cách vượt khó của chi nhánh Sông Bé ngày ấy, theo tôi, có giá trị vững bền đến tận BIDV Bình Dương hôm nay đấy, sếp ạ!”. Anh Huy Hà nghĩ ngợi rồi anh thủ thỉ vào chuyện…
*
Theo câu chuyện về thời quá vãng chưa xa của anh Huy Hà thì từ cuối tháng 12 năm 1994, thực hiện quyết định của Chính phủ, sau khi bàn giao toàn bộ nhiệm vụ cấp phát, nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho đầu tư xây dựng cơ bản kèm theo tài sản, vốn liếng, dư nợ và nguồn nhân lực (1/3 cán bộ, nhân viên) sang Tổng cục Đầu tư và Phát triển thuộc Bộ Tài chính mới được thành lập, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn thử thách. Tại Sông Bé, chi nhánh BIDV đang từ một ngân hàng có vài trăm tỷ đồng dư nợ, sau khi thực hiện xong việc bàn giao cho Cục Đầu tư và Phát triển tỉnh, trong tài khoản chỉ còn lại đúng 5 triệu đồng; nguồn vốn cho vay khách hàng và đảm bảo cho các hoạt động nghiệp vụ khác đều bằng không; nguồn lực con người cũng chỉ còn lại 25 cán bộ, nhân viên phải đảm bảo hoạt động trên địa bàn khá rộng của tỉnh Sông Bé lúc đó.
Trong nhiệm vụ khẩn trương của toàn hệ thống, chi nhánh BIDV Sông Bé cũng phải trả lời cho được câu hỏi: “Tồn tại hay không tồn tại?” Ở vị trí đứng mũi chịu sào trong chi nhánh, anh Huy Hà và tập thể ban giám đốc phải chịu trách nhiệm tìm ra cách thức để BIDV Sông Bé có được câu trả lời khẳng định : “Phải tồn tại và tồn tại trong phát triển đi lên!”.
Bàn bạc nhiều phương án, cân nhắc nhiều cách thức, cuối cùng Ban giám đốc chi nhánh quyết định lập Phương án số “0”. Tức là tự coi mình bước lên con đường đi tới phía trước phải bắt đầu lại từ điểm xuất phát, từ số “0”. Cái khó nhất lúc đó là phải giữ cho được niềm tin vào tương lai và khơi gợi ý chí hành động quyết liệt của anh chị em trong toàn chi nhánh, vì thực tiễn cho hay, nguồn lực con người sẽ quyết định mọi thành công cuối cùng, người là hoa của đất, của trời và của đời. Muốn thế, Ban giám đốc và các cán bộ chủ chốt khác vừa phải khuyến khích động viên tinh thần, giải tỏa tâm lý lo lắng cầu an trong nội bộ anh chị em, vừa phải nhanh chóng tìm ra kế sách đảm bảo đời sống vật chất, tiền lương hàng tháng và tiền thưởng vào dịp Tết Nguyên đán Ất Hợi cho mọi người trong cơ quan. Muốn làm được điều này, nhiệm vụ hàng đầu là phải có vốn. Đúng là phải có vốn! Lúc đó, không riêng BIDV Sông Bé mà toàn hệ thống Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam chưa có khái niệm huy động vốn thương mại vì nguồn vốn hoạt động bấy lâu nay đã được Nhà nước đảm bảo chuyển theo kế hoạch. Cần phải có ngay cách thức huy động vốn. Bản lĩnh, mới mẻ, sáng tạo và lãnh đạo BIDV Sông Bé cũng nhanh chóng xác định được những lợi thế mà chi nhánh đang có. Đó là BIDV Sông Bé vẫn có đông khách hàng thủy chung nhờ uy tín của hệ thống Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và nhờ có mối hợp tác thân thiện được xây trong nhiều năm của chi nhánh tại tỉnh nhà, đồng thời cũng còn nhờ cả những mối quan hệ cá nhân, bè bạn, đồng nghiệp... Cần bám chắc vào các lợi thế này để thực hiện thành công nhiệm vụ hàng đầu: Phải có vốn.
Khi tiến hành huy động vốn thì xuất hiện ngay cái khó, đó là không có sổ tiết kiệm, không có các tờ cart (thẻ) trái phiếu, kỳ phiếu... Nếu chờ cơ chế soạn thảo nội dung, trình duyệt mẫu mã và xin phép in ấn thì mất đi một cơ hội tốt. Anh Huy Hà nghĩ ra thứ biểu mẫu “Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn”, một hình thức huy động tiền gửi chưa hề có trước đó, nội dung huy động vốn được thể hiện trong hai trang hợp đồng. Có hợp đồng tiền gửi rồi, chi nhánh tổng động viên từ giám đốc đến anh chị em trong cơ quan phát huy các sở trường, các mối mối quan hệ... Thật đáng mừng là các bạn hàng truyền thống đều sẵn sàng hỗ trợ BIDV Sông Bé. Nhờ vậy mà trong khoảng thời gian ngắn, chi nhánh Sông Bé đã huy động được 16 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn lãi suất bình quân. Qua thành công ban đầu này, từ lãnh đạo đến cán bộ nhân viên trong chi nhánh càng thêm thấm thía chữ “Tín”, thấm thía giá trị uy tín thương hiệu của BIDV, của chi nhánh Sông Bé mà các thế hệ trước đã kiên trì vun đắp gây dựng.
Những ngày tất niên Tết Nguyên đán Ất Hợi (1995), có thể nói chi nhánh BIDV Sông Bé đã thoát ra khỏi tình trạng hiểm nghèo. Anh chị em trong cơ quan được nhận lương đầy đủ, được nhận cả tiền thưởng Tết và rất phấn khởi. Quyết toán năm đó có lãi ba mươi triệu đồng.
Kể đến đây, anh Huy Hà ngưng lại và nhắc tôi nên gặp chị Nguyễn Thị Dung, Giám đốc chi nhánh BIDV Bình Dương từ năm 2006 đến năm 2013 để hỏi thêm. Theo anh, trong thời khắc nghiệt ngã cuối năm 1994 đầu 1995, chị Dung hồi đó là trưởng phòng Nguồn vốn Tín dụng đã có nhiều đóng góp cho sự tăng trưởng vốn nhanh và hiệu quả của chi nhánh.
Anh Nguyễn Ngọc Sơn, một cán bộ tín dụng năng nổ và thạo việc của chi nhánh dẫn tôi đến thăm chị Nguyễn Thị Dung tại tư gia. Chị Dung được nghỉ hưu năm 2013, ngôi nhà của gia đình chị nằm cạnh con kênh nhỏ rợp màu vàng của hoa mai Nhật, thứ hoa mà tôi đã rất ấn tượng từ hôm mới đến thành phố Thủ Dầu Một.
Kể lại câu chuyện một thời gian khó, giọng chị Dung rất xúc động. Chị thường phải dừng lại, đôi mắt mọng nước... Chị kể, là trưởng phòng nguồn vốn, chị được ban giám đốc giao nhiệm vụ phải ổn định thật tốt tâm lý cho anh chị em trong phòng, nhưng chính nhiều anh chị em đã động viên lại chị. Họ đã làm việc quên cả giờ giấc, có thể nói là nhặt nhạnh từng đồng vốn từ khách hàng. Mỗi ngày, thống kê lại tiền gửi, nhập quỹ và báo cáo lên trên lại hồi hộp lo lắng cho ngày hôm sau. Ngày hôm sau lại tiếp cái lo cho ngày hôm sau nữa. Nhưng may mắn thay, cường độ cứ vợi dần, vợi dần bởi luôn có những tấm gương xuất hiện, nhiều anh chị em vừa sáng ngày làm việc đã tháp tùng người quen, người thân mang tiền đến gửi; có cán bộ tín dụng, ngày nghỉ cuối tuần về quê ở vùng trồng cao su, chắp mối huy động được cả chục, cả trăm triệu đồng... Ngày Quốc tế phụ nữ 08/03/1995, cơ quan vẫn tổ chức trọng thể cho chị em. Bài hát “Đồng tiền và những tấm lòng” vang lên. Ai cũng xúc động và thấm thía với những câu trong ca khúc: “Đồng tiền trên tay em/ Nặng ân tình của mẹ/ Thấm mồ hôi của cha/ Trải bao nhiêu mưa nắng/ Chắt chiu từng bông lúa/ Nâng niu từng nhành hoa...”. Đúng là ân tình thật vì các khách hàng đến giao dịch đã vui lòng chấp nhận việc gửi tiền tiết kiệm bằng biểu mẫu “Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn” và cũng sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất do chi nhánh đề ra. Cũng thời gian đó, lãnh đạo BIDV anh Nguyễn Văn Doãn, chị Phùng Thị Vân Anh, anh Trịnh Ngọc Hồ, anh Lê Khắc Minh... thường xuyên vào thăm động viên anh chị em chi nhánh BIDV Sông Bé. Trong các cách thức huy động vốn của BIDV Sông Bé ngày ấy, thành công nhất là cách phát hành trái phiếu 5 năm bằng VND và USD. Mỗi kỳ kết toán sổ sách xong, ai cũng vui vì nguồn vốn huy động không ngừng tăng trưởng theo chiều hướng đi lên, ngày sau nhiều hơn ngày trước, tháng sau cao hơn tháng trước.
Có vốn rồi rất cần khách hàng đến vay để đồng vốn mang lại hiệu quả kinh tế xã hội và tăng trưởng nguồn lực tín dụng cho ngân hàng. Tỉnh Sông Bé ngày đó, đặc biệt khu công nghiệp Sóng Thần đang được gấp rút kiến tạo theo một đề án hiện đại và trường sức tầm vóc quốc gia. Quyết tâm lớn của Ban giám đốc chi nhánh được lãnh đạo BIDV Trung ương ủng hộ và trực tiếp chỉ đạo theo tinh thần hợp tác chặt chẽ, coi hiệu quả hoạt động của khách hàng là tiêu chí hoạt động của BIDV. Trước mắt là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Sóng Thần, cụ thể là doanh nghiệp Bến Cát, một công ty kinh doanh xuất nhập khẩu của tỉnh với tên giao dịch là Becamex (Be-ca: Bến Cát).
Theo thông lệ hồi đó, khi tham gia liên doanh, phía Việt Nam chỉ cần đóng góp quỹ đất làm mặt bằng nhưng ở Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, phía đối tác yêu cầu, bên cạnh quỹ đất, phía Việt Nam còn phải góp vốn đối ứng. Trong khi đó nguồn vốn của Nhà nước cấp không đủ để cho vay theo kế hoạch và theo quy chế tài chính, tiền tệ thời đó thì ngân hàng không được phép bảo lãnh, hay cho vay góp vốn liên doanh. Vì vậy, các doanh nghiệp tham gia dự án liên doanh trong Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore không tìm ra nguồn vốn để góp đối ứng. Nhận thấy đây là cơ hội tốt, BIDV đã chủ động đề xuất, trình Chính phủ tạo điều kiện cho phép ngân hàng được cho vay chủ đầu tư liên doanh trong khu công nghiệp.
Lễ ký kết bảo lãnh vay vốn Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore
Trong câu chuyện với tôi trước Giám đốc chi nhánh Trần Ngọc Linh kể, hồi đó anh còn rất trẻ, mới được vài tuổi quân trong chi nhánh và được giám đốc Hoàng Huy Hà giao theo dõi thẩm định hồ sơ dự án cho Công ty Becamex vay vốn để tham gia liên doanh. Từ lâu Becamex đã có mối quan hệ rất tốt với chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Sông Bé và bản thân doanh nghiệp này cũng chỉ mong muốn được vay vốn ở BIDV.
Do rào cản của hành lang pháp lý hồi đó, vấn đề cho vay gặp rất nhiều khó khăn. Chuẩn bị hồ sơ thật kỹ lưỡng, lãnh đạo BIDV cùng các bộ phận chức năng và giám đốc chi nhánh BIDV Sông Bé đã phải mất nhiều tháng thuyết trình trước các chuyên gia tham mưu ở Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan. Cuối cùng thì chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đồng ý cho BIDV được cho vay theo kế hoạch Nhà nước 48 tỷ đồng để Công ty Becamex góp vốn. Song cùng với thời gian kiên trì thuyết trình dự án và trước khi Thủ tướng đồng ý cho khoản vay 48 tỷ đồng, lãnh đạo BIDV đã có một quyết định hết sức táo bạo là ứng ngay 5 tỷ đồng để chi nhánh BIDV Sông Bé cho Công ty Becamex vay để kịp thời làm nguồn đối ứng với phía Singapore. Cũng cần hiểu thêm, ngân quỹ của Công ty Becamex lúc ấy chỉ có khoảng chừng 325 triệu đồng. Nên con số 48 tỷ càng chứng tỏ bản lĩnh và tấm lòng của lãnh đạo BIDV và chi nhánh BIDV Sông Bé. Nhờ có vốn được vay từ BIDV Sông Bé, Công ty Becamex Bình Dương vững tin và có thực lực để hợp tác liên doanh với đối tác Singapore.
Sự kiện này đã trở thành một cứu cánh quan trọng cho hoạt động của chi nhánh BIDV Sông Bé trong buổi đầu chập chững bước vào thương trường. Thực tiễn đã minh chứng, sau hơn 20 năm hoạt động, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore đã trở thành Khu công nghiệp liên doanh kiểu mẫu, là biểu tượng của tinh thần hợp tác Việt Nam - Singapore và mô hình này tiếp tục được nhân rộng trong cả nước.
Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore ngày nay
Ngoài khách hàng Becamex, chi nhánh BIDV Bình Dương có hàng ngàn, hàng chục ngàn khách hàng từ các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ các thành phần kinh tế khác và cư dân trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh thành trong cả nước. Trong đó, nhiệm vụ đầu tư cho các khu công nghiệp trọng điểm luôn chiếm thế thượng phong. Phát huy truyền thống ở đâu có công trình, ở đó BIDV có mặt. Khi khu công nghiệp Mỹ Phước 1,2,3,4 ra đời, chi nhánh BIDV Mỹ Phước được thành lập và nay Mỹ Phước đã trở thành chi nhánh cấp I...
Năm 1997, tỉnh Sông Bé tách thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước, chi nhánh BIDV Bình Dương vẫn giữ được vị thế là chi nhánh năng động, kinh doanh có hiệu quả trong khu vực top đầu của hệ thống BIDV.
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0849351080/ 0822808588/ 0842152355/ 0766151080/ 0763238588/ 0784132388/ 0358201080/ 0357638588/ 0334282388
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng