Kỷ niệm về lần quảng bá trái phiếu quốc tế đầu tiên

21/04/2022
Trong quá trình công tác tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, kỷ niệm khó quên nhất của tôi là lần tham gia đoàn quảng bá phát hành trái phiếu Chính phủ Việt Nam ra thị trường vốn quốc tế.

Đây là đợt phát hành trái phiếu đầu tiên của Chính phủ Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế, nó có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước. Quá trình chuẩn bị cho việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế đã được Chính phủ bắt đầu từ trước năm 1995, khi nhu cầu huy động vốn cho phát triển đất nước trở nên cấp bách, tuy nhiên phải đến năm 2005, khi vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên, hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng lên, hệ số nợ nước ngoài giảm dần, sự quan tâm của thị trường đối với Việt Nam tăng cao, tình hình thị trường vốn quốc tế có nhiều thuận lợi, Chính phủ đã quyết định lựa chọn thời điểm này để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam hội nhập vào thị trường tài chính quốc tế để đa dạng hóa các hình thức huy động vốn đầu tư cho phát triển kinh tế đất nước.

Công tác chuẩn bị cho đợt phát hành được thực hiện rất chu đáo, như lựa chọn các ngân hàng bảo lãnh là các tập đoàn tài chính có uy tín trên thế giới, có kinh nghiệm phát hành trái phiếu quốc tế, do ngân hàng  đầu tư Credit Suisse First Boston (CSFB) đóng vai trò ngân hàng bảo lãnh chính; hoàn thiện các tài liệu pháp lý cần thiết, trong đó Bản cáo bạch (prospectus) là tài liệu quan trọng nhất giới thiệu toàn diện về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam đến năm 2005 và được sự kiểm chứng của các tổ chức tư vấn pháp lý trong nước và quốc tế theo yêu cầu đối với nhà phát hành, tài liệu giới thiệu tổng quan kinh tế Việt Nam để trực tiếp trình bày cho từng cá nhân, tổ chức các nhà đầu tư toàn cầu, được đăng tải liên tục trên mạng thông tin tài chính toàn cầu Bloomberg và trong suốt thời gian đoàn công tác quảng bá phát hành trái phiếu trực tiếp với các nhà đầu tư. Các tài liệu này đã được các nhà đầu tư trên thế giới đánh giá là tài liệu hoàn chỉnh, đầy đủ, minh bạch và có hệ thống nhất về tình hình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong 5 năm qua.

Trong vòng gần 10 ngày (20/10 - 28/10/2005), đoàn quảng bá trái phiếu (roadshow) của Chính phủ Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Thị Băng Tâm dẫn đầu, có sự tham gia của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp tầu thủy Việt Nam (Vinashin) cùng đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Tổng Công ty Xi măng tham gia  để học tập kinh nghiệm đã đến các trung tâm tài chính quốc tế bao gồm Hong Kong, Singapore, London, New York và Boston gặp gỡ với các nhà đầu tư để trình bày, giới thiệu về Việt Nam, trả lời các câu hỏi, thắc mắc để củng cố thêm lòng tin của các nhà đầu tư trên toàn thế giới khi quyết định đầu tư mua trái phiếu do Chính phủ Việt Nam phát hành.

Chương trình làm việc của đoàn dày đặc từ sáng sớm đến chiều muộn. Trong các bữa sáng, đoàn cùng các chuyên gia của CSFB trao đổi thống nhất kế hoạch làm việc trong ngày, phân công các nhóm làm việc với các nhà đầu tư, bàn bạc các nội dung cần thống nhất, thậm chí một số bữa đoàn vừa ăn sáng vừa làm việc trực tiếp hoặc hội thảo qua điện thoại (conference call) với các nhà đầu tư. Sau bữa ăn sáng là chương trình làm việc riêng lẻ với các nhà đầu tư lớn tại các thị trường. Mỗi buổi sáng và buổi chiều, đoàn tiếp xúc và làm việc trực tiếp với 3-4 nhà đầu tư tại trụ sở của họ, với mỗi buổi tiếp xúc kéo dài khoảng 30 phút. Các nhà đầu tư đã có thời gian nghiên cứu trước Bản cáo bạch, nên tập trung vào những vấn đề cần làm rõ thêm. Các nhà đầu tư rất quan tâm đến các định hướng đổi mới cũng như các chính sách của Chính phủ Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, chính sách tài chính, tiền tệ, quản lý nợ quốc gia, các biện pháp bình ổn tỷ giá, chống lạm phát, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các biện pháp cải cách doanh nghiệp nhà nước, các chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực tài chính ngân hàng. Họ cũng quan tâm tới kế hoạch sử dụng vốn phát hành trái phiếu của Vinashin, tiềm năng và khả năng phát triển ngành đóng tàu tại Việt Nam.

Các bữa ăn trưa (luncheon) được diễn ra tại các khách sạn danh tiếng để đồng thời tổ chức hội thảo với các nhà đầu tư không có điều kiện bố trí làm việc trực tiếp. Do tính chất quan trọng mang tầm quốc gia nên trong các buổi Hội thảo đều có sự tham gia của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại nước sở tại. Trong thời gian Hội thảo, thông tin về Việt Nam với tư cách nước phát hành trái phiếu được chuyển tải đến các nhà đầu tư qua bộ phim tài liệu về Việt Nam, qua bài giới thiệu tổng quan kinh tế Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Thị Băng Tâm trình bày. Các buổi Hội thảo đều có sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư, với nhu cầu tìm hiểu thị trường mới nổi có nhiều tiềm năng tại khu vực châu Á như Việt Nam.

Từ 18 giờ hàng ngày, sau các cuộc gặp gỡ chính thức theo chương trình là thời gian hội thảo qua vô tuyến (tele conference) nội bộ giữa đoàn công tác với các chuyên gia của CSFB để cập nhật các thông tin về kết quả đăng ký đặt mua trái phiếu, phân loại các nhà đầu tư, mối quan tâm của các nhà đầu tư tại các thị trường khác nhau cũng như các đối sách, các nội dung công việc cần phối hợp xử lý, cần xin ý kiến hoặc báo cáo Chính phủ. Kết quả số lượng các nhà đầu tư và số lượng đặt mua trái phiếu tăng lên hàng ngày, ngay sau ngày đầu tiên quảng bá tại Hồng Kông, số lượng đặt mua đã đạt 1 tỷ USD, gấp 2 lần số lượng trái phiếu Chính phủ Việt Nam dự định phát hành ban đầu. Từ những diễn biến thuận lợi như vậy, đoàn đã hội ý thống nhất và đề xuất Chính phủ điều chỉnh tăng khối lượng phát hành lên 750 triệu USD. Sau khi Chính phủ quyết định tăng khối lượng phát hành lên 750 triệu USD với mức lãi suất định hướng là 7,25%/năm, số lượng đặt mua trái phiếu đã tăng lên 3 tỷ USD. Đến ngày định giá trái phiếu (27/10/2005), số lượng đặt mua lên đến 4,5 tỷ USD, gấp 6 lần tổng mức phát hành. Hơn 255 nhà đầu tư đã đăng ký mua trái phiếu - mức kỷ lục trên thị trường vốn trong những nhiều năm lại đây, trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn, có uy tín trên các thị trường tài chính Châu Á, Châu Âu và Mỹ. Nhiều nhà đầu tư  đặt mua với số lượng lớn, đặc biệt một số Ngân hàng Trung ương và các tổ chức đầu tư của Chính phủ các nước Châu Á  đã  đặt mua với mức 50 - 100 triệu USD.  

Mặc dù chương trình làm việc căng thẳng, kéo dài, phải di chuyển liên tục trong điều kiện thời tiết tại London, New York bắt đầu vào cuối thu, trời lạnh và lác đác mưa, các món ăn không hợp khẩu vị, nhưng mọi thành viên trong đoàn đều phấn khích với những kết quả vượt mức mong đợi, phấn khích vì khai thông phương thức huy động vốn mới đầy tiềm năng phục vụ đầu tư phát triển đất nước nên trong suốt chuyến công tác không ai cảm thấy mệt mỏi. Mọi người hầu như quên hết những vấn đề, công việc cá nhân, mọi mối quan tâm, mọi câu chuyện trao đổi trong các bữa ăn, trong lúc nghỉ, trong phòng ngủ chủ yếu tập trung vào đề tài trái phiếu Chính phủ. Không khí phấn khích còn lan sang cả các bác tài xế chịu trách nhiệm đưa đón đoàn trong suốt chuyến công tác, nên ai cũng trở nên cởi mở hơn, thân thiện hơn, ai cũng tò mò muốn tìm hiểu về đất nước, về con người Việt Nam - đất nước mà họ đã từng được nghe nhiều, nhưng còn tiềm ẩn nhiều bí mật đối với nhiều người dân tại châu Âu, châu Mỹ.

Sau khi phân tích kết quả đăng ký đặt mua trái phiếu, với nguyên tắc lựa chọn các nhà đầu tư có chất lượng cao là các nhà đầu tư dài hạn có chất lượng, chiếm tỷ trọng lớn là các quỹ đầu tư tài chính, phân bổ đều cho các khu vực tại châu Á, châu Âu và châu Mỹ, vào 9h35’ (21h35’ giờ Việt Nam) ngày 27/10/2005 tại New York, việc phát hành trái phiếu Chính phủ Việt Nam lần đầu tiên ra thị trường vốn quốc tế với tổng khối lượng 750 triệu Đôla Mỹ, thời hạn 10 năm đã kết thúc thành công bằng việc chính thức định giá, và trái phiếu bắt đầu được giao dịch trên thị trường thứ cấp. Đây là giây phút lịch sử đánh dấu một bước tích cực thực hiện mục tiêu Việt Nam hội nhập vào thị trường tài chính quốc tế, là giây phút không thể nào quên đối với tất cả thành viên đoàn công tác, tất cả người Việt Nam tham dự sự kiện này. Khi trưởng đoàn đoàn Lê Thị Băng Tâm bấm nút giao dịch trái phiếu Chính phủ Việt Nam trên thị trường thứ cấp tại sàn giao dịch của CSFB tại New York, hơn hai trăm người có mặt trên sàn nhiệt liệt chúc mừng sự kiện này bằng những tràng vỗ tay không dứt, chúc mừng một loại trái phiếu mới được giao dịch trên thị trường trái phiếu quốc tế, chúc mừng một đất nước đã chịu nhiều đau khổ do chiến tranh đã tiến hành thành công công cuộc đổi mới. Trong giây phút đó, tất cả thành viên đoàn công tác đều dưng dưng nước mắt, cảm thấy tự hào về đất nước, về dân tộc Việt Nam, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước.

Việc phát hành lần đầu trái phiếu Chính phủ Việt Nam ra thị trường vốn quốc tế được báo chí và giới tài chính quốc tế đánh giá cao, nó mở đường cho các đợt phát hành lần sau của Chính phủ, mở đường cho các doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp nguồn vốn quốc tế để thực hiện chiến lược phát triển và hội nhập. Trong tương lai, BIDV - với mục tiêu trở thành một ngân hàng lớn cung ứng các dịch vụ tài chính trong và ngoài nước - sẽ tham gia thị trưòng vốn quốc tế một cách trực tiếp và gián tiếp để để tăng vốn tự có của ngân hàng cũng như cung cấp các dịch vụ tài chính, dịch vụ tư vấn và hỗ trợ vốn đối với các doanh nghiệp trong nước. Và tôi tin, những kinh nghiệm của lần đầu tiên tham gia đoàn quảng bá trái phiếu quốc tế của Chinh phủ sẽ là bài học hữu ích cho chúng tôi.

Tác giả: Nguyễn Mạnh - Giám đốc Ban Nguồn vốn ủy thác quốc tế
Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}