Web Content Viewer
ActionsSự biến mất của những khoản vay tốt
Quả vậy, ngay ngày đầu tiên đi làm, khi kiểm tra lại sổ sách bàn giao từ người tiền nhiệm, tôi bỗng toát mồ hôi: Hàng tỷ đồng dư nợ của những khách hàng tốt bỗng nhiên biến mất. Sở dĩ tôi biết Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Sông Bé có những khoản vay này vì thời kỳ làm việc ở NHNN, tôi đã tham gia nhiều đoàn thanh tra đi kiểm tra các ngân hàng và tôi biết, đó đều là những khoản vay rất tốt. Vậy tại sao bây giờ trên sổ sách lại không lưu?
Mất mấy ngày liền không ăn không ngủ, lục tìm tất cả các loại hồ sơ tín dụng, sổ sách kế toán, cuối cùng tôi cũng tìm ra nguyên nhân.
Thì ra những khoản vay của các doanh nghiệp này đã được Nhà nước trả thay và trả qua Ngân hàng Nhà nước. Khi NHNN chuyển tiền xuống cho BIDV Sông Bé thông qua liên ngân hàng, đáng lẽ phải ghi Nợ tài khoản của NHNN và ghi Có tài khoản nguồn thì Chi nhánh Sông Bé lại hạch toán thẳng vào tài khoản tiền vay, xoá nợ luôn cho doanh nghiệp. Đó chính là phương pháp kế tóan đơn - một cách làm rất phổ biến ở Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng lúc bấy giờ - song lại tạo ra một kẽ hở rất lớn trong việc quản trị tài sản của doanh nghiệp.
Biết được nguyên nhân, tôi bàn với Ban Giám đốc: phải lập lại hồ sơ các khoản nợ và xác định là việc này không hề dễ dàng. Chúng tôi tìm đến từng doanh nghiệp, giải thích về sự cố, nhận lỗi với họ và xin lập lại hồ sơ các khoản nợ. Khỏi phải nói sự phản ứng quyết liệt của các doanh nghiệp. Họ cho rằng đó là nhà nước đã xóa nợ cho họ, vậy thì không có lý do gì để lập lại hồ sơ. Một ngày rồi hai ngày, tuần này chưa được tuần sau lại đến. Cứ như vậy, rồi cuối cùng chúng tôi cũng bổ sung đầy đủ những khoản vay vào sổ sách.
Đến “Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn”
Năm 1995, toàn hệ thống Ngân hàng Đầu tư và Phát triển rơi vào tình trạng khó khăn sau khi bàn giao toàn bộ nhiệm vụ cấp phát và tín dụng ưu đãi vốn đầu tư XDCB kèm theo tài sản, vốn, dư nợ, cán bộ sang Tổng cục Đầu tư và Phát triển thuộc Bộ Tài chính. Lúc này ở Chi nhánh Sông Bé, từ vài trăm tỷ dư nợ sau khi bàn giao chỉ còn khoảng 45 triệu, nguồn vốn bằng không, cán bộ điều chuyển và nghỉ việc chỉ còn lại 25 người. Là người đứng mũi chịu sào, tôi phải chịu trách nhiệm tìm ra cách để Chi nhánh tồn tại.
Ban Giám đốc Chi nhánh chúng tôi bàn với nhau và cuối cùng quyết định: lập phương án số “0”. Tức là coi như mình trắng tay và phải bắt đầu từ điểm xuất phát. Chúng tôi xác định, mình vẫn có khách hàng nhờ uy tín của hệ thống Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Vịêt Nam cũng như Chi nhánh Sông Bé, nhờ những mối quan hệ cá nhân. Chính vì thế, nhiệm vụ hàng đầu là phải có vốn. Lúc đó, toàn hệ thống Ngân hàng Đầu tư Phát triển chưa có khái niệm huy động vốn thương mại, chưa có hình thức huy động vốn từ dân cư, tổ chức kinh tế.
Chưa bao giờ những kiến thức khi tôi còn học chuyên ngành Huy động vốn tại Trường Ngân hàng lại hữu ích với tôi đến như vậy. Vì không có sổ tiết kiệm, không có trái phiếu, kỳ phiếu..., tôi nghĩ ra “Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn” - một hình thức huy động khá xa lạ và có lẽ các cán bộ nguồn vốn bây giờ không thể hiểu được tại sao chỉ có 2 trang hợp đồng mà Chi nhánh Sông Bé lúc đó cũng huy động được 16 tỷ với lãi suất chỉ bằng 1/3 lãi suất cho vay.
Bởi như trên tôi đã nói, Chi nhánh Sông Bé lúc đó còn có những khách hàng rất thân thiết đã hợp tác từ lâu và rất tin tưởng nhau. Sau khi thảo ra “Hợp đồng”, chúng tôi tìm đến tất cả các khách hàng này và họ đều sẵn sàng hỗ trợ BIDV. Nhờ vậy, Chi nhánh Sông Bé ngay lập tức thoát ra khỏi tình trạng khó khăn. Ngoài việc trả lương đầy đủ cho nhân viên, Chi nhánh còn dư 32 triệu để nộp cho Ngân hàng Trung ương.
Dấu ấn ở Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore
Đến cuối năm 1996 xảy ra một việc làm cơ sở để Chính phủ tiếp tục giao cho Ngân hàng ĐT&PT Việt Nam cho vay đầu tư phát triển theo KHNN.
Mọi chuyện bắt đầu từ Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, KCN liên doanh đầu tiên của Việt Nam với nước ngòai được hình thành từ ý tưởng của Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong.
Khác với các liên doanh lúc bấy giờ, Việt Nam chỉ góp đất thì ở KCN Việt Nam - Singapore, bên cạnh đất, Việt Nam còn phải góp vốn. Trong khi nguồn vốn của Nhà nước cấp không đủ để cho vay theo KHNN mà theo quy định, Ngân hàng không được bảo lãnh và cho vay góp vốn liên doanh thì doanh nghiệp sẽ lấy vốn ở đâu ra để góp. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để tiếp tục được vay theo KHNN, BIDV đã chủ động xin Chính phủ tạo cơ chế để được cho vay Chủ đầu tư là Công ty Becamex - vốn có mối quan hệ rất tốt với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Sông Bé và bản thân doanh nghiệp này cũng mong muốn được vay ở BIDV.
Đây quả là vấn đề khó vì các khoản vay theo KHNN Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã chuyển giao hết cho Tổng Cục Đầu tư Phát triển nên không có lý do gì để BIDV được làm việc này. Phải mất gần 4 tháng thuyết trình ở các cấp thẩm quyền, cuối cùng Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho BIDV vay theo KHNN 48 tỷ để cho Công ty Becamex vay lại. Nhưng từ trước khi Thủ tướng đồng ý, anh Nguyễn Văn Doãn - Chủ tịch HĐQT và anh Trịnh Ngọc Hồ - Tổng giám đốc đã có một quyết định hết sức táo bạo là ứng ngay 5 tỷ đồng để Sông Bé cho vay để “giữ chỗ”.
Lễ ký kết bảo lãnh vay vốn Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore
Sự kiện này đã trở thành một cứu cánh quan trọng cho hoạt động của BIDV lúc đấy vì trong khi Ngân hàng chưa chuyển đổi kịp từ ngân hàng cấp phát sang kinh doanh thương mại, thì việc tiếp tục được cho vay theo KHNN sẽ là bước đệm quan trọng để BIDV thích nghi và đổi mới.
Sau 10 năm hoạt động, KCN Việt Nam - Singapore đã trở thành KCN kiểu mẫu, là biểu tượng của tinh thần hợp tác Việt Nam - Singapore và mô hình này tiếp tục được nhân rộng trong cả nước. Thành công ấy có phần đóng góp không nhỏ của BIDV.
Và câu chuyện xử lý nợ
Tính đến thời điểm này, BIDV là NHTM duy nhất liên tục được kiểm toán quốc tế 12 năm. Nhưng giai đoạn 2001 - 2002, chúng ta không quan tâm lắm đến việc kiểm toán quốc tế phân định nợ xấu. Và cũng vì kiểm toán quốc tế lúc đó phân định nợ xấu có vẻ theo tiêu chuẩn Vịêt Nam nên con số tương đối thấp: năm 2000 là 1,27%, năm 2001 là 0,99% và năm 2002 là 2,67%. Bắt đầu từ năm 2003, kiểm toán quốc tế sử dụng thông lệ mới thì nợ của Ngân hàng ĐT&PT Việt Nam tăng vọt lên 33%, năm 2004 là 38%.
Mặt khác, theo quyết định 149 thì BIDV cần phải xử lý 2.119 tỷ. Trong khi thực tế chúng ta mới xử lý được trên 30% mà thời gian chỉ còn 4 tháng là phải hoàn thành xong. Nếu không xử lý được thì hậu quả là rất lớn, BIDV sẽ là ngân hàng thương mại duy nhất không giải quyết được nợ xấu theo quyết định 149 và làm cho chương trình của Ban chỉ đạo cải cách ngân hàng thương mại nhà nước không thành công. Hơn thế nữa, những khoản nợ đó về bản chất là xấu thật nhưng vì nhiều lý do nó lại không biểu hiện ra theo quy định chung. Mà không phù hợp với chế độ quy định hiện hành thì không cách gì xử lý được và sớm hay muộn nó sẽ bộc phát.
Đây dường như là nhiệm vụ bất khả thi.
Ban lãnh đạo đã họp và quán triệt: phải nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá đúng nợ xấu, từ đó đề xuất cơ chế riêng cho BIDV để xử lý hết nợ. Lúc đó tôi được giao là Phó TGĐ phụ trách xử lý nợ chỉ đạo việc xây dựng đề xuất trình Liên Bộ Tài chính và NHNN. Quá trình xây dựng đề xuất mất hơn 3 tháng, xây dựng, thuyết trình rồi chỉnh sửa... Mãi đến cuối năm đó, liên bộ mới có quyết định 488 mở rộng đồng thuận với đề xuất của BIDV. Quyết định đó về đến nơi chỉ còn 6 ngày để thực hiện. Nhưng tại sao Ngân hàng ĐT&PT Việt Nam hoàn thành được nhiệm vụ tưởng chừng là bất khả thi ấy? Đấy là vì ngay trong quá trình xây dựng và thuyết trình đề xuất với các cơ quan chức năng, BIDV đã triển khai cụ thể, lập hồ sơ ở dưới chi nhánh theo đề xuất đấy. Vì thế ngay khi được chấp thuận, toàn hệ thống BIDV đã bắt tay ngay vào việc xử lý nợ. Hội đồng xử lý họp liên tục, từ sáng đến tối. Ban Quản lý tín dụng và chi nhánh đồng bảo vệ trước Hội đồng. Và đây là lần đầu tiên BIDV công khai hóa tình trạng nợ xấu, công khai hóa việc xử lý nợ xấu. Điều này đã tạo bước đột phá để đến năm 2005, nợ xấu theo kiểm toán quốc tế của BIDV giảm xuống còn 31%, 2006 xuống dưới 10%. Và nội dung xử lý nợ theo Quyết định 488 mở rộng của BIDV cũng là nền tảng để NHNN hoàn thiện và ban hành Quyết định 493 sau này.
Cùng với nỗ lực lành mạnh hóa bảng tổng kết tài sản, BIDV cũng đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao năng lực tài chính, hệ số tín nhiệm doanh nghiệp. Chính vì thế, ngày 01/01/2007, ngay khi BIDV có báo cáo trình Chính phủ xin được Cổ phần hóa sớm 1 năm thì Chính phủ đã đồng ý. Cùng thời điểm với việc chuẩn bị hướng về kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống thì toàn hệ thống Ngân hàng ĐT&PT Việt Nam cũng tích cực triển khai những công việc cuối cùng cho cuộc “hóa rồng” trong bể lớn WTO.
Chừng ấy thời gian gắn bó với ngành, từ năm 1986, cũng đã ghi lại trong tôi những kỷ niệm không thể nào quên về nơi mà từ lâu tôi đã gắn bó và coi đó là ngôi nhà thứ hai của mình...
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0849351080/ 0822808588/ 0842152355/ 0766151080/ 0763238588/ 0784132388/ 0358201080/ 0357638588/ 0334282388
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng