Nhìn lại một thời hoạt động kinh doanh đối ngoại của BIDV

26/03/2022
Cho đến những năm 1991-1992 Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt nam (NHĐT&PT VN) vẫn là ngân hàng bao cấp nặng nề nhất trong 4 ngân hàng quốc doanh ở Việt Nam. Để NHĐT&PT VN chuyển thành một ngân hàng hoạt động đa năng: Vừa cấp phát và cho vay vốn đầu tư cơ bản vừa làm đầy đủ chức năng của một ngân hàng thương mai, đáp ứng các yêu cầu đổi mới nền kinh tế theo cơ chế thị trường, định hướng Xã hội chủ nghĩa, bên cạnh việc mở rộng cho vay dài hạn, trung hạn và ngắn hạn đối với mọi thành phần kinh tế; phải khẩn trương triển khai một loại nghiệp vụ hết sức mới mẻ, được Ban lãnh đạo NHĐT&PT VN rất quan tâm chỉ đạo, đó là hoạt động kinh doanh đối ngoại.

Từ những ngày đầu chập chững...

Năm 1991, tôi được điều từ chi nhánh NHĐT&PT thành phố Hà Nội về Phòng Nghiệp vụ đối ngoại của Hội sở chính của NHĐT&PT VN. Tôi được biết, phòng này đã được hình thành từ năm 1990. Phòng có 2 cán bộ cả tôi là 3, việc làm của phòng là tổ chức tiếp các đoàn khách quốc tế đến tìm hiểu hoạt động của NHĐT&PT VN và phối hợp với các phòng chức năng của ngân hàng chuẩn bị mọi cơ sở vật chất và hoàn thiện mọi thủ tục pháp lý để khai trương thành lập ngân hàng liên doanh giữa NHĐT&PT VN với ngân hàng PUBLIC BANK BERHAD của Malaysia. Tháng 05/1992, ngân hàng liên doanh VID PUBLIC BANK đã được thành lập khai trương và hoạt động. Hai trong ba cán bộ đầu tiên của Phòng nghiệp vụ đối ngoại chuyển sang làm việc tại ngân hàng liên doanh.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamet cùng Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Doãn trong lễ khai trương VID - Public Bank, tháng 5-1992 tại Hà Nội

Phòng nghiệp vụ đối ngoại được bổ sung thêm một số cán bộ mới là sinh viên vừa tốt nghiệp của các trường: Nghiệp vụ Ngân hàng (nay là Học viện ngân hàng), Đại học Tổng hợp, Đại học Xây dựng…

Tháng 09/1992, phòng nghiệp vụ đối ngoại được đổi tên thanh phòng Thanh toán đối ngoại và tôi được Tổng giám đốc bổ nhiệm làm trưởng phòng. Yêu cầu của Ban lãnh đạo đặt ra với phòng là phải tổ chức phục vụ được các yêu cầu về thanh toán quốc tế (TTQT) của khách hàng. Trước mắt phục vụ khách hàng được NHĐT&PT VN cấp phát và cho vay có các nhu cầu thanh toán tiền hàng nhập khẩu vật tư, thiết bị, khách hàng sao cho không phải chạy sang các ngân hàng khác thực hiện các yêu cầu này.

 Đây là một nghiệp vụ phức tạp và rất khó trong các nghiệp vụ ngân hàng. Vì nó không những đòi hỏi cán bộ phải biết sử dụng thông thạo ngoại ngữ mà còn phảI thực hiện những giao dịch kinh tế diễn ra giữa nhiều quốc gia, nên phải nắm chắc luật pháp quốc tế và các thông lệ quốc tế trong giao dịch mua bán hàng hoá và thanh toán tiền tệ.

 Thật là khó khăn trong thực thi nhiệm vụ, khi mà đội ngũ cán bộ của phòng trong cuối 1992, đầu 1993, từ phụ trách phòng đến các nhân viên, người có trình độ tiếng Anh cao nhất cũng chỉ mới nhận bằng C, còn về nghiệp vụ thanh tóan quốc tế thì chưa ai được đào tạo chính quy, chưa ai kinh qua công tác thực tế, tức là chưa có một chút ít kinh nghiệm nào. Tài liệu sách báo lại càng hiếm. Chúng tôi cũng đã đi tìm tại các cửa hàng sách báo nhưng thời đó các sách nghiệp vụ ngân hàng rất ít, và đặc biệt chưa có sách hướng dẫn về nghiệp vụ thanh toán quốc tế. Thời kỳ này các ngân hàng quốc doanh đang chuyển mạnh sang hoạt động theo cơ chế thị trường, từng ngân hàng đang cố thể hiện sức mạnh và tiện ích của mình để thu hút khách hàng. Do vậy việc học hỏi kinh nghiệm của các ngân hàng bạn để tự tổ chức thanh toán quốc tế của NHĐT&PT VN là rất khó khăn. Ngân hàng Ngoại thương là ngân hàng chuyên sâu về lĩnh vực này ở Việt Nam. Đã nhiều lần chúng tôi tìm đến Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam xin tài liệu và học kinh nghiệm, đường đi nước bước, nhưng không thu được bao nhiêu kết quả.

Tầm sư học đạo

Chúng tôi phải tìm đến những cán bộ đã nghỉ hưu hoặc đã chuyển sang công tác khác nhưng từng trực tiếp làm việc tại Ngân hàng Ngoại thương để học hỏi kinh nghiệm. Thật may cho chúng tôi, hai anh thuộc hàng ngũ cán bộ cấp vụ của Ngân hàng Nhà nước đã từng có thời kỳ làm cán bộ chủ chốt của Ngân hàng Ngoại thương là anh Hà Đan Huân (lúc đó là Vụ Phó Vụ Quan hệ Quốc tế) và anh Lê Đắc Cù (lúc đó là Giám đốc sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đã tận tình hướng dẫn cho chúng tôi các bước đi, cách thiết lập quan hệ đại lý với các ngân hàng có uy tín trên thế giới. Anh Huân không chỉ cung cấp cho chúng tôi một số tài liệu bằng tiếng Anh, hướng dẫn về TTQT mà còn trực tiếp giảng cho lớp học do chúng tôi tổ chức về TTQT. Sau này anh Trần Quốc Quýnh -nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã cung cấp cho chúng tôi những tài liệu rất quan trọng hướng dẫn về các hình thức TTQT. Sự chỉ dẫn của các anh rất cụ thể và thiết thực, giúp chúng tôi triển khai công việc một cách nhanh chóng.

Chúng tôi đã nhanh chóng thiết lập quan hệ đại lý với hàng trăm  ngân hàng có tên tuổi trên thế giới. Thời kỳ trước và sau khi Mỹ bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam, rất nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đến Việt Nam tìm cơ hội làm ăn và họ đã tổ chức nhiều buổi SIMENAR (trao đổi kinh nghiệm, tập huấn nghiệp vụ TTQT) cho các Ngân hàng ở Việt nam, nên chúng tôi đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Một trong những ngân hàng đã giúp nhiều cho bước khởi nghiệp về kinh doanh đối ngoại của NHĐT&PT VN là STANDARD CHARTERED tại SINGAPORE. Bạn đã tổ chức cho một số cán bộ của NHĐT&PT VN tham gia một số khoá đào tạo và thực hành tại trụ sở STANDARD CHATERED tại SINGAPORE vào cuối năm 1993 và 1994. Đây là ngân hàng mà NHĐT&PT VN mở tài khoản NOSTRO (tiền gửi ngoại tệ) đầu tiên ở nước ngoài vào nửa đầu năm 1993 và cũng là ngân hàng mà NHĐT&PT VN có các giao dịch TTQT sớm nhất. Bạn đã rất tận tình chỉ cho chúng tôi những kinh nghiệm giải quyết các vấn đề phức tạp trong thanh toán L/C và thường xuyên cung cấp cho chúng tôi các thông tin thời sự nhất phát sinh trên thương trường quốc tế bất lợi cho hoạt động TTQT.

Từ một ngân hàng hoạt động chủ yếu là cấp phát và cho vay theo kế hoạch các dự án đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) của Nhà nước, bước vào hoạt động kinh doanh đối ngoại, cán bộ của NHĐT&PT VN, từ Hội sở chính đến các chi nhánh đều rất lạ lẫm với mọi ngôn từ trong các giao dịch đối ngoại. Tôi còn nhớ, tại một cuộc họp giao ban mở rộng, một đồng chí trong ban lãnh đạo đã yêu cầu tôi giải thích “thế nào là ngoại tệ”. Điều đó cho thấy, tại các chi nhánh kiến thức về kinh doanh đối ngoại còn rất hạn chế.

Mở rộng hoạt động kinh doanh đối ngoại

Muốn tổ chức TTQT thì chi nhánh là nơi đầu tiên và trực tiếp, tiếp cận khách hàng, mời chào khách hàng thực hiện các giao dịch về TTQT. Công việc đòi hỏi cán bộ chi nhánh NHĐT&PT phải hiểu được những yêu cầu cơ bản về nghiệp vụ này. Để giúp chi nhánh hiểu và nắm được các nội dung nghiệp vụ trong các giao dịch TTQT, Phòng TTQT không chỉ soạn thảo trình lãnh đạo ban hành các văn bản hướng dẫn quy trình tác nghiệp mà còn tổ chức nhiều đợt tập huấn, thường xuyên đến các chi nhánh có phát sinh nhiều giao dịch để hướng dẫn chi tiết từng thao tác nghiệp vụ cho cán bộ chi nhánh.

Thời kỳ đầu, mọi công việc liên quan đến đối ngoại đều do Phòng Thanh toán đối ngoại giải quyết: tổ chức đón tiếp các đoàn khách quốc tế, thiết lập các quan hệ đại lý, kể cả việc giải quyết các yêu cầu bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh dự thầu, vay mượn ngoại tệ của các ngân hàng nước ngoài cho thanh toán L/C v.v. Do khối lượng công việc ngày càng tăng và để hoạt động kinh doanh đối ngoại phát triển có chuyên nghiệp, phân công trách nghiệm được rõ ràng giữa các phần hành công việc, tháng 4 năm 1994 phòng Thanh toán đối ngoại được tách thành phòng Thanh toán quốc tế và phòng Quan hệ Quốc tế. Mọi giao dịch thiết lập các quan hệ đại lý, khoá mật giữa các ngân hàng, đón tiếp các đoàn khách nước ngoài, chuẩn bị các nội dung, chương trình cho các đoàn của NHĐT&PT VN ra nước ngoài công tác… do phòng QHQT đảm nhận. Phòng TTQT làm đúng chức năng TTQT. Tuy nhiên khi chưa có phòng Kinh doanh ngoại tệ, phòng Bảo lãnh và cho vay vốn nước ngoài thì phòng TTQT vẫn kiêm nhiệm.

Cho đến đầu năm 1994, các giao dịch TTQT của NHĐT&PT VN với các ngân hàng nước ngoài chủ yếu thực hiện bằng các lệnh TELEX. Phương pháp giao dịch này an toàn vì có khoá mật, song rất chậm trễ. Ngân hàng STANDARD CHATER đã cung cấp miễm phí cho NHĐT&PT VN dịch vụ truyền tín hiệu qua vệ tinh, nhờ đó các giao dịch đều nhận được trong ngày. Tuy nhiên cách ấy chỉ thực hiện được các giao dịch trong mạng lưới các chi nhánh của STANDARD CHATER. Đến tháng 06/1994, NHĐT&PT VN tham gia hệ thống SWIFT (truyền tín hiệu qua vệ tinh phục vụ cho các giao dịch thanh toán của các ngân hàng trên toàn cầu).

Các năm 1995 -1996, nguồn ngoại tệ của NHĐT&PT VN rất khan hiếm. Khách hàng của NHĐT&PT VN hầu hết là các xí nghiệp xây lắp và các chủ dự án chỉ có nhu cầu chi ngoại tệ, không có nguồn thu ngoại tệ. Tuy chính sách quản lý ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ phải bán lại ngoại tệ cho ngân hàng, nhưng các chi nhánh của NHĐT&PT VN cũng không mua được ngoai tệ là bao so với các yêu cầu chi trả ngoại tệ nhập khẩu của khách hàng.

Để giải quyết yêu cầu thiếu vốn ngoại tệ cho việc thanh toán các L/C nhập khẩu, bên cạnh việc xin mua ngoại tệ từ Ngân hàng Nhà nước (rất hạn chế và khó khăn), phòng TTQT đã đàm phán với một số ngân hàng như NATION BANK, BARCLAYS BANK, DEUTSCHE BANK, CREDIT LYONNIAS BANK, BHF BANK,… để xin hạn mức vay thanh toán L/C. Việc sử dụng hạn mức vay thanh toán của các ngân hàng đại lý đã hỗ trợ giải quyết việc thiếu vốn ngoại tệ của  NHĐT&PT VN trong giai đoạn này.

Năm 1994, Phòng Bảo lãnh và các dịch vụ đại lý của NHĐT&PT VN được thành lập. Dịch vụ bảo lãnh và quản lý các dự án có nguồn tài trợ của các nước và các tổ chức quốc tế được chuyển từ phòng TTQT sang cho phòng này đảm trách.

 Cuối năm 1996, các nguồn tài trợ của Chính phủ các nước và các tổ chức tài chính quốc tế (vốn ODA) đổ vào Việt nam ngày một nhiều. Nhận thấy đây là nguồn vốn rất quan trọng mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động của NHĐT&PT VN, tháng 4 năm 1997, Ban lãnh đạo NHĐT&PT VN thành lập Phòng Ngân hàng đại lý và uỷ thác. Phòng có chức năng thu hút và quản lý nguồn vốn nói trên.

Thông qua hoạt động quản lý và giải ngân nguồn vốn ODA, NHĐT&PT VN có được nguồn vốn ngoại tệ nhàn rỗi và ổn định trên tài khoản tiền gửi đặc biệt của các dự án, khoảng từ 22 triệu USD đến 27 triệu USD; các nguồn tiền gửi chờ chi đáng kể của các dự án TA (hỗ trợ kỹ thuật) hàng trăm triệu USD, có kỳ đến vài trăm triệu USD (quy đổi các loại tiền về USD) và các nguồn tiền gửi khác trong các năm 1999 đến 2002. Nguồn vốn này đã hỗ trợ đắc lực cho NHĐT&PT VN giải quyết các nhu cầu vốn ngoại tệ tạm thời thiếu hụt, bổ xung nguồn vốn VND và hoạt động ngân hàng đại lý giúp cho NHĐT&PT tăng đáng kể nguồn thu phí, lãi tiền gửi ngoại tệ hàng năm.

Thực hiện tái cơ cấu lại ngân hàng và để tách các hoạt động kinh doanh dịch vụ ra khỏi các hoạt động điều hành chung toàn hệ thống, tháng 10 năm 2002, Sở giao dịch III được thành lập với nhiệm vụ chính là chuyên trách các hoạt động cho vay uỷ thác nguồn vốn ODA của Chính phủ và cung cấp các dịch vụ phục nguồn vốn ODA. Phòng Ngân hành đại lý và uỷ thác chuyển về Sở giao dịch III và Sở được tiếp nhận dự án Tài chính nông thôn từ Ngân hàng Nhà nước chuyển về.

 Hoạt động mua bán ngoại tệ là một nghiệp vụ kinh doanh mang tính cơ hội, đòi hỏi người kinh doanh phải nắm chắc mọi thông tin, mọi biến động về kinh tế và chính trị trên thế giới, ảnh hưởng đến cục diện toàn cầu để đưa ra giá mua, bán ngoại tệ. Đây là một nghiệp vụ rất khó và mang tính rủi ro cao. Do vậy, người được giao nhiệm vụ này phải rất nhanh nhạy, tính quyết đoán cao, có nhiều kinh nghiệm và phải có một quyền hạn nhất định để tự chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Trên thế giới, nhiều ngân hàng xem đây là một hoạt động trọng tâm mang lại lợi nhuận cho ngân hàng. Đảm bảo yêu cầu an toàn cho mọi hoạt động là nguyên tắc hàng đầu trong các giao dịch TTQT. Thời kỳ trước năm 2000, Ban lãnh đạo NHĐT&PT VN chưa giao mức phán quyết cho các giao dịch mua bán ngoại tệ. Do vậy việc mua, bán, chuyển đổi ngoại tệ thời kỳ này tại phòng TTQT chỉ phục vụ cho các yêu cầu thanh toán tiền hàng nhập khẩu của khách hàng, chưa nhằm mục đích kinh doanh kiếm lời. Đến tháng 04/2000, phòng Kinh doanh ngoại tệ được thành lập và thực hiện nghiệp vụ này.

Những thành tích tuyệt vời trong hoạt động kinh doanh đối ngoại của NHĐT&PT VN

Nhìn lại những năm tháng khó khăn vất vả xây nền móng cho hoạt động kinh doanh đối ngoại của NHĐT&PT VN và hôm nay đọc báo cáo kết quả hoạt động loại nghiệp vụ này trong năm 2005 tôi vui mừng trước sự phát triển mang tính chuyên nghiệp cả chiều sâu và chiều rộng cũng như sự trưởng thành đi lên của đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động nghiệp vụ kinh doanh đối ngoại.

Tính đến cuối năm 2005, NHĐT&PT VN đã lựa chọn và thiết lập được quan hệ đại lý với 870 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cùng các tổ chức tài chính quốc tế. Hoạt động quan hệ đại lý không chỉ dừng lại ở bề rộng mà đang phát triển bề sâu; từng bước xây dựng chiến lược mở rộng hoạt động ra ngoài nước như: đã làm các thủ tục đăng ký mở văn phòng đại diện ở Mỹ. Tuy chưa đựơc Mỹ chấp thuận, vì phải chờ Chính phủ Việt nam ban hành và thực thi Nghị định Chống rửa tiền theo quy định của Mỹ. Đang xúc tiến kế hoạch đặt văn phòng đại diện và thành lập các công ty liên doanh dịch vụ tại Nga, Singapore. Trong năn 2005 NHĐT&PT VN đã mở rộng hoạt động ra thị trường Bắc Mỹ và đã xúc tiến thành lập Công ty liên doanh quản lý quỹ với đối tác uy tín của Mỹ; đã chú trọng đến việc bảo hộ thương hiệu của NHĐT&PT VN (BIDV) và đã được cấp chứng nhận bảo hộ thương hiệu tại Việt nam và Mỹ; đang nghiên cứu đăng ký bảo hộ tại các thị trường khác. Đặc biệt, một công việc mang tầm quốc tế đã và đang đi vào nề nếp trong hoạt động của NHĐT&PT VN là: bộ phận định chế thường xuyên và định kỳ nghiên cứu, phân loại khách hàng (là các ngân hàng và các tổ chức tài chính có quan hê giao dịch với NHĐT&PT VN) để xác định hạn mức giao dịch; giám sát việc sử dụng hạn mức này tại các thành phần chức năng, để bảo đảm an toàn vốn hoạt động trong toàn hệ thống NHĐT&PT VN v.v

Hoạt động TTQT tại Hội sở chính của NHĐT&PT VN đang phát triển theo hướng không chỉ đơn thuần là một trung tâm chỉ đạo tổ chức các giao dịch TTQT toàn hệ thống, mà đã và đang dần trở thành một trung tâm tài trợ thương mại, hoạt động với quy mô lớn hơn. Các sản phẩm TTQT được bổ sung đa dạng, phong phú đáp ứng các yêu cầu của khách hàng. Hoạt động TTQT đã phổ cập đến hầu hết các chi nhánh (67 chi nhánh)

Doanh số hoạt động TTQT đạt 6,45 tỷ USD. Trong đó doanh số thanh toán hàng nhập là 2,6 tỷ USD, doanh số thanh toán hàng xuất khẩu là 1,2 tỷ USD. Phí TTQT thu được trong năm 2005 đạt 146 tỷ VND.

Hoạt động mua bán ngoại tệ được quản lý tập trung tại Hội sở chính với nhiều sản phẩm đa dạng như : giao ngay, kỳ hạn, hoán đổi, quyền chọn. Trong đó các giao dịch bán buôn liên ngân hàng được thực hiện tại Hội sở chính. Các giao dịch mua bán ngoại tệ phục vụ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cá nhân (giao dịch bán lẻ) được thực hiện ở tất cả các chi nhánh với 15 loại ngoại tệ mạnh khác nhau và đạt doanh số 13,8 tỷ USD. Lãi thuần từ hoạt động này năm 2005 là 44 tỷ VND.

Hoạt động bảo lãnh đối ứng, xác nhận L/C chỉ có thể được thực hiện tại những ngân hàng có uy tín. Tôi còn nhớ thời kỳ đầu hoạt động kinh doanh đối ngoại NHĐT&PT VN mở L/C nhập khẩu hàng ra nước ngoài, có một số L/C của NHĐT&PT VN người bán phía nước ngoài và ngân hàng phục vụ người bán yêu cầu phải được một ngân hàng có uy tín trong khu vực hoặc trên thế giới xác nhận mới có giá trị. Nay NHĐT&PT VN đã có tên tuổi trên trường quốc tế và được yêu cầu làm ngân hàng xác nhận L /C cho các ngân hàng khác trong khu vực. Năm 2005, NHĐT&PT đã xác nhận 6 L/C và bảo lãnh với tổng trị giá 5.706.641,04 USD, phát hành bảo lãnh cho tổng giá trị 1.063.666,29 USD.      

Sở Giao dịch III là một mô hình ngân hàng bán buôn đầu tiên trong các ngân hàng của Việt nam. Trong năm 2005, Sở đã thực hiện cho vay từ quỹ quay vòng 553 tỷ VND, dư nợ dự án tài chính nông thôn I là 1.129 tỷ VND và dư nợ dự án tài chính nông thôn II là 1912 tỷ, không có nợ quá hạn của các định chế tài chính.  Đến cuối năm 2005 Sở giao dịch III quản lý và giải ngân 242 dự án. Trong đó 120 dự án cho vay lại, với doanh số cho vay (quy ra VND) là 1.344 tỷ, dư nợ là 3.210 tỷ và 122 dự án uỷ thác rút vốn.

Hoạt động kinh doanh đối ngoại của NHĐT&PT VN đã trải qua 15 năm. Trong khoảng thời gian đó, thành tích và hiệu quả hoạt động kinh doanh đối ngoại của NHĐT&PT VN năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước. Đến nay có thể khẳng định ngân hàng chúng ta đã xây dựng được nền móng cho hoạt động kinh doanh đối ngoại. Tuy nhiên trong lĩnh vực này còn nhiều việc chúng ta phải làm. Tôi cũng như đội ngũ cán bộ làm công tác này của NHĐT&PT VN rất tự hào vì trong những năm làm việc tại NHĐT&PT VN đã hết lòng vì công việc, không để xảy ra sai phạm nào đáng kể và những đóng góp của đội ngũ cán bộ làm công tác kinh doanh đối ngoại đã góp phần tạo dựng được uy tín của NHĐT&PT VN trên trường quốc tế.

15 năm hoạt động kinh doanh đối ngoại so với tuổi của một ngân hàng thì còn rất ngắn ngủi, nhưng cũng đã đủ thời gian để tích lũy kinh nghiệm và hoạt động có hiệu quả. Hiện nay Nhà nước ta chủ trương mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều này đòi hỏi NHĐT&PT VN phải quan tâm đầu tư phát triển mạnh hơn nữa các sản phẩm dịch vụ đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng, để có thể cạnh tranh được với các ngân hàng không chỉ đang hoạt động tại Việt Nam, mà ở tất cả các nước khác.

Hà Nội, 2006

(Nguồn tư liệu: Sách “Những kỷ niệm khó quên”,

xuất bản tháng 4/2007 - Nhà Xuất bản Lao động)

Tác giả: Nguyễn Thị Phương Dung - Nguyên Trưởng phòng Ngân hàng đại lý và Ủy thác BIDV
Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}