Bản lĩnh BIDV từ chuyện đời, chuyện nghề

05/03/2022
Ông Vũ Quốc Sáu, Nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam là người vui tính dễ gần và lúc chuyện trò ông luôn cởi mở pha chút dí dỏm, thâm thúy. Ở cương vị trọng trách Chủ tịch HĐQT kiêm Bí thư Đảng ủy BIDV (2003 - 2008), ông Vũ Quốc Sáu đã cùng tập thể lãnh đạo và cán bộ, nhân viên, người lao động trong toàn hệ thống đưa BIDV từng bước lên vị thế là một ngân hàng top đầu của Việt Nam và top 500 ngân hàng tốt nhất thế giới.

Vào một ngày đầu Xuân năm 2017, chúng tôi đến thăm ông Vũ Quốc Sáu đang điều trị trong khoa Tim mạch tại bệnh viện E, ông đã bình phục, và theo lịch thì đầu tuần sau có thể ra viện được. Chúng tôi định dời cuộc trò chuyện về BIDV mà ông đã gắn bó cả cuộc đời công tác bắt đầu từ khi đầu quân vào chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Hải Phòng nhưng ông hào hứng vào chuyện với tác phong của một người công việc, rất mực quí trọng thời gian.

Ông kể: “Mình quê ở huyện Bình Giang, Hải Dương. Thời chiến tranh trong cả nước dường như ai cũng đều gian nan vất vả, tuổi thơ, tuổi trẻ muốn đi học có thêm chữ nghĩa để lập thân lại càng vất vả hơn. Hồi đó sáu huyện phía đông nam tỉnh Hải Dương chỉ có một trường cấp 3, nhà nghèo không sắm nổi một chiếc xe đạp cho mình đi học nên phải dùng xe căng hải (hai cẳng) thôi, mỗi ngày cuốc bộ 22 cây số vừa đi, vừa về. Nhiều hôm đói đến vàng cả mắt nhưng được đi học, lại được học với các thầy cô hết lòng vì học trò nên ham lắm. Mình nhớ thầy giáo dạy văn kiêm chủ nhiệm lớp, mỗi khi giảng bài xong bao giờ thầy cũng ra câu hỏi thực hành yêu cầu học trò phải làm ngay tại lớp. Ai xong trước, bài tốt thầy biểu dương, ai chưa xong thầy động viên khích lệ làm bằng xong. Giọng thầy luôn ấm áp dặn dò: “Việc hôm nay chớ để ngày mai!”. Câu nói quen thuộc nghiêm túc ấy của thầy giáo dạy văn đeo đẳng mình suốt cuộc đời, rèn luyện cho mình thói quen, làm việc gì cũng phải tìm hiểu kỹ lưỡng và quyết làm bằng xong mới thôi. Khi được vào đại học, các thầy cô ở trường Đại học Tài chính - Kế toán cũng luôn lưu ý bọn mình, học ở trường mới là kiến thức sách vở, những kiến thức ấy chỉ thật sự có hiệu năng khi được va đập với thực tiễn cuộc sống, được thực tiễn cuộc sống kiểm chứng. Sau này ra công tác, mình càng thấm thía những lời khai tâm chí lý của các thầy cô.

*

Năm 1970, tốt nghiệp trường Đại học Tài chính - Kế toán xong, mình được phân công về chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Hải Phòng. Ngay hôm trình diện đầu tiên, mình được gặp ông Bùi Văn Mai, giám đốc chi nhánh. Ông Mai là cán bộ trưởng thành từ thời kháng chiến chống Pháp, từng giữ cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính (nay là Ủy ban nhân dân) tỉnh Phú Thọ. Nói vậy để thấy vai trò của Ngân hàng Kiến thiết lúc bấy giờ quan trọng đến nhường nào. Mình xin mở ngoặc, vị Giám đốc (bây giờ là Tổng giám đốc) đầu tiên của Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam, cụ Trịnh Huy Quang, nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Bí thư Ban cán sự Đảng Nghệ - Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, Chính ủy Khu 6 đấy.

Khi được ông Trưởng phòng Tổ chức-Cán bộ báo cho biết cuộc gặp với ông Bùi Văn Mai, mình không khỏi lo lắng hồi hộp nhưng lúc vào phòng giám đốc, phong thái cởi mở, thân thiện của người thủ trưởng cơ quan đã xóa đi mọi lo lắng hồi hộp không cần thiết của mình. Ông Bùi Văn Mai cuốn mình vào những câu chuyện thực tiễn đang diễn ra trong các hoạt động của chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết đất Cảng. Mình càng nghe, trong lòng nhiệt huyết của chàng trai sinh viên vừa ra trường càng như được bổ sung thêm lửa. Ông Mai còn hỏi mình khá kỹ về quê quán, về gia đình, về thời gian đi học, về mơ ước mai sau..., toàn là những chuyện đời thường. Cuối cùng thì vị giám đốc đầy ấn tượng đó hạ một câu cũng thật ấn tượng: “Sở trường của Sáu là gì?”. Mình bị bất ngờ, không khỏi lúng túng nhưng vị giám đốc nhìn mình thân thiện khuyến khích. Mình vững tâm hơn, thưa với ông Bùi Văn Mai, sở trường của mình là muốn được thử thách ở nơi gian khổ khó khăn để được rèn luyện. Giám đốc Bùi Văn Mai đứng dậy bắt tay mình và vui vẻ nói câu có chút mầu sắc triết lý: “Thế thì tốt, con người ta giống nhau ở huyết khí, còn hơn thua nhau, khác nhau ở chí khí. Sáu hãy phát huy chí khí của cậu nhé!”. Mình thật xúc động và vui trước sự quan tâm động viên của vị giám đốc có cách tư duy sâu sắc mà giản dị thân tình như một người anh trai đáng kính.

Sau này, khi đảm nhiệm vị trí giám đốc chi nhánh BIDV Hải Phòng cũng như khi tham gia trọng trách trong ban lãnh đạo BIDV, mình càng tâm đắc với tác phong cởi mở, tấm lòng chu toàn trong phương thức tuyển lựa, tiếp nhận nguồn nhân lực cho cơ quan của Giám đốc Bùi Văn Mai. Bởi vì, tất cả các câu hỏi của ông hồi ấy đều toát lên sự quan tâm với một thái độ chân thành cởi mở, rất mực giản dị đời thường, không hề có khoảng cách ranh giới cấp dưới cấp trên, người cũ người mới, giúp cho người mới được vào cơ quan như mình tự tin trình bày các khát vọng cống hiến. Mình cứ luôn nghĩ rằng, cho đến hôm nay, nét văn minh công sở ấy, tình cảm đồng nghiệp ấy vẫn được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam gìn giữ, phát huy, tôn vinh thành nền nếp mà anh chị em trong ngành tự hào gọi đó là văn hóa BIDV.

Mình nhớ, những ngày sau đó mình được Giám đốc Bùi Văn Mai giao cho nhiệm vụ đầu tiên là nghiên cứu về cách quản lý và thanh toán, quyết toán quỹ tiền lương của các đơn vị thi công xây lắp. Ông cũng tin cậy đồng ý cho mình được chủ động chọn đối tượng nghiên cứu. Mình chọn Công ty Công trình thuỷ là một đơn vị chuyên ngành thi công cầu cảng và đang trực tiếp thi công dự án mở rộng cảng Hải Phòng. Cũng có đồng nghiệp lo cho mình, công ty ấy là công ty rất lớn, đối tượng lao động phức tạp, thủ tục ra vào cảng phải được Sở Công an thành phố chấp nhận, mình là lính mới liệu có đảm nhận được không? Mình cảm ơn sự chia sẻ của đồng nghiệp nhưng không thay đổi đối tượng nghiên cứu đã chọn. Mà thực ra khi vào cuộc rồi thì các thủ tục để tiếp cận Công ty Công trình thủy cũng không gặp khó khăn nhiều lắm. Mình tự nhủ, thủ trưởng cơ quan đã tin cậy thì bản thân phải cố gắng vượt bậc để có một kết quả khả quan và khả thi nhất. Mất sáu tháng lăn lộn tại công trường có sự phối hợp của cán bộ phòng Lao động - Tiền lương Công ty Công trình thủy, mình đã hoàn thành báo cáo dài trên 50 trang, trong đó trình bày căn cứ, cơ sở, phương pháp và nội dung xây dựng định mức đơn giá xây dựng cảng. Báo cáo này đã được trình bày trước Ban Giám đốc và cán bộ chủ chốt các phòng, ban của Công ty Công trình thủy, được mọi người đánh giá cao. Giám đốc Công ty quyết định cho triển khai áp dụng ngay vào công tác trả lương trong toàn công ty. Sau đó ông Bùi Văn Mai cũng cho tổ chức hội nghị để mình được trình bày trước Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ, nhân viên Chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Hải Phòng như một sự ghi nhận đối với kết quả kết quả đầu tiên của mình sau hơn nửa năm về công tác ở chi nhánh.

Cảng Hải Phòng xưa (Nguồn: internet)

Nhờ kết quả khích lệ ban đầu ấy, mình được giám đốc Bùi Văn Mai giao tiếp  nhiệm vụ nghiên cứu về giải pháp trả lương đến tay người lao động tại các đơn vị thi công xây lắp vì ở Hải Phòng lúc đó luôn rộ lên những tin nóng bất thường, đang có việc trả lương “chui” ở một số công ty xây lắp. Cụ thể là người đội trưởng quyết định việc trả lương chứ không phải giám đốc Công ty, dẫn đến hiện tượng, tiền lương trên sổ sách của bộ phận Tài vụ chỉ là hình thức, tiền lương thực lĩnh của người lao động là ở sổ sách của từng người đội trưởng. Vì vậy dư luận hoài nghi mỗi lúc càng thêm rộ lên. Phải chăng trong ngành xây lắp đang có kiểu trả lương chui, lương lậu?

Nhận nhiệm vụ, mình tính, phải học kế của người xưa: “Phải vào hang hổ thì mới biết đàn hổ có mấy con”, nghĩa là phải nhập vai người lao động tại công ty xây lắp để tìm hiểu nguồn cơn. Thế là, mình đóng vai một học viên trường trung cấp ngành xây dựng, con nhà nghèo, phải đi làm thêm để có chút thu nhập phụ giúp gia đình. Công việc “làm thêm” hàng ngày của mình là đánh vữa phụ hồ, bê gạch, sàng cát như bất kỳ công nhân lao động phổ thông mới toe nào khác. Vừa làm mình vừa tranh thủ tâm sự với mọi người xung quanh để thu thập thông tin làm cơ sở đối chiếu lương thực tế của người công nhân với lương hạch toán trên sổ sách kế toán Công ty. Nghe rồi mình bí mật ghi vào các mẫu giấy nhỏ được dấu trong túi quần cùng mẩu bút chì. Sau mỗi ngày làm việc, mình tổng hợp ghi chép lại để làm dữ liệu nghiên cứu. Nhiều hôm,  hết giờ làm việc trên công trường, người mệt bã bởi chức danh phụ hồ, mình vẫn cố gắng đến nhà một số bác công nhân bậc cao, để làm thân, hỏi chuyện. Nhờ các thông tin từ nhiều người và tận mắt nhìn thấy ai hơn ai trong từng ngày lao động, tận tay làm các việc nhào hồ, đào móng, khuân gạch..., mình hiểu rằng, việc chia lại lương ở các đội sản xuất thi công là có thật và hợp lý, thể hiện đúng nguyên tắc trả lương theo tính chất công việc và tay nghề thực tế, làm nhiều, làm giỏi hưởng nhiều, không làm không hưởng, tay nghề non kém, chậm chạp thì hưởng ít. Người công nhân xây lắp ngày ngày trần mình trong nắng mưa, bụi bậm, trong rủi ro tai nạn nghề nghiệp, họ tự nguyện nhận đúng phần lương mà mồ hôi nước mắt họ đã bỏ ra. Vì vậy, cứ đến mỗi kỳ lương người đội trưởng cùng các thành viên trong đội công khai, dân chủ, minh bạch bình lương cho từng người và ai cũng vui lòng chấp nhận thu nhập thực tế của mình từ tay người đội trưởng. Như cách nói bây giờ, thấy ngon lành rồi, mình mạnh dạn đề xuất  tổ chức  buổi bình lương định kỳ tại một đội sản xuất, có mời đại diện các cơ quan đơn vị tham mưu của UBND thành phố như: Phòng Pháp chế, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Lao động và Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng tham dự. Qua buổi bình lương này, các cơ quan chức năng của Thành phố đã ghi nhận cách làm bấy lâu nay của đội sản xuất là đúng và đề nghị hàng quý sau khi tổ chức bình lương xong, các đội sản xuất sẽ chuyển kết quả về phòng Kế toán của công ty để xác định và phân phối lương cho công nhân theo đề xuất của đội sản xuất. Nhờ đó mà các đội sản xuất không còn phải làm “chui” việc phân phối lại tiền lương gây nóng dư luận như trước nữa.

Giám đốc Bùi Văn Mai  là người luôn phát hiện ra những vấn đề từ thực tiễn cuộc sống như hai trường hợp ông giao nhiệm vụ cho mình. Theo ông có những bất cập trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn cấp phát và chế độ tiền lương ở các công trường xây dựng cơ bản là do tại tất cả các công ty xây lắp hiện đang thiếu vắng nhân lực kế toán được đào tạo về nghiệp vụ tiếp cận, giải ngân, thanh quyết toán trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Bởi thế ông lại tin cậy giao cho mình cộng tác với anh Bình, một đồng nghiệp đã có thâm niên lâu năm trong chi nhánh  gấp rút mở một lớp đào tạo nghiệp vụ. Nghe phải cộng tác với anh Bình mình đâm hoảng, vì anh Bình chưa hề qua một trường lớp đào tạo nào, hơn nữa, hôm đầu tiên mình đến diện kiến tại chi nhánh, anh Bình tỏ ra rất lạnh lùng, mình có hỏi anh mới trả lời, mình có chào anh mới ậm ừ lên tiếng. Những ngày sau, xem ra, anh ấy không mấy coi trọng người có bằng cấp đại học như mình. Mình băn khoăn thưa lại với người thủ trưởng đang giành cho mình sự tin cậy tất cả nỗi niềm lăn tăn và  nghĩ ngợi về anh Bình. Giám đốc Bùi Văn Mai bật mí, chính anh Bình đã đề xuất chương trình đào tạo và tha thiết xin mình tham gia dự án. Mình ngạc nhiên quá, chủ động đến gặp anh Bình, trong lúc anh đang trần lưng, mồ hôi nhễ nhại trên vai, trên mặt soạn đề cương chương trình mở lớp và đề cương các bài giảng...

Hai anh em bắt tay vào công việc luôn. Cái khó đầu tiên là ngày ấy, hầu như các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng về lĩnh vực tài chính ngân hàng đều chưa đào tạo chuyên ngành kế toán - tài vụ xây dựng cơ bản như bây giờ. Bọn mình phải dựa vào các tài liệu về kế toán, tài chính của các trường đại học và kinh nghiệm tổ chức quản lý, cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản được tích lũy ở chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Hải Phòng. Từng người biên soạn rồi sau đó hai người thẳng thắn trao đi đổi lại hàng chục lần để có được một chương trình giảng dạy, một bộ giáo án đứng lớp. Khi giám đốc Bùi Văn Mai thông qua tài liệu xong thì nẩy ra vấn đề kinh phí và địa điểm mở lớp chưa có. Bọn mình nhờ “uy” của ông Mai liên hệ với Trường trung cấp Tài chính - Kế toán trung ương đóng ở Kiến An đề nghị sự giúp đỡ. Nhà trường đã đồng ý cho địa điểm mở lớp và cấp văn bằng tốt nghiệp. Mừng quá, khâu chiêu sinh được tiến hành ngay. Có tất cả 54 học viên là cán bộ từ các Công ty, các Ban Quản lý công trình đăng ký xin học nghiệp vụ về kế toán - tài vụ xây dựng cơ bản. Sau hai tháng học tập trung, 54 học viên đều được hiệu trưởng Trường trung cấp Kế toán - Tài chính cấp chứng chỉ tốt nghiệp. Việc làm này giúp cho các Công ty xây lắp và các Ban Quản lý công trình có đội ngũ kế toán đúng chuyên ngành, cập nhật, hạch toán chính xác, qua đó, hỗ trợ chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Hải Phòng quản lý tốt hơn nguồn vốn đầu tư xây dựng cấp phát theo kế hoạch của Nhà nước.

Những ngày được cùng anh Bình làm thầy giáo, mình mới “vỡ ra” từ con người này. Anh Bình là người rất hoàn cảnh. Từ một trẻ mồ côi, lang thang không gia đình, anh theo bộ đội Vệ quốc đoàn đi Nam tiến. Hoà bình lập lại, anh được về công tác tại chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Hải Phòng, anh chưa hề được qua một trường lớp đào tạo chính thống nào nhưng anh là người thông minh, chịu khó, tự học, tự nghiên cứu hầu hết các giáo trình của những trường Đại học kinh tế lớn thời bấy giờ như: Đại học Xây dựng, Kinh tế Kế hoạch…. Điều giải thích cho thái độ ban đầu của anh đối với mình cũng hết sức đơn giản: Trước khi mình về công tác tại Chi nhánh, đã có ba đồng chí tốt nghiệp các khoá 1, 2, 3 Đại học Tài chính - Kế toán nhưng đều để lại cho anh những ấn tượng không hay về năng lực Tài chính Kế toán.

Cho đến tận bây giờ, mình vẫn không tài nào quên được cảm giác lâng lâng sung sướng và hạnh phúc khi những nỗ lực, quyết tâm và niềm đam mê công việc của mình được tập thể ghi nhận.

Như con sông được khơi dòng, như bầu nhiệt huyết luôn được tiếp thêm nguồn năng lượng, trong công tác và cuộc sống mình dần dà tiếp nhận, rèn đúc được bản lĩnh mà những người như bác Bùi Văn Mai, như anh Bình và nhiều vị thủ trưởng nhiều đồng nghiệp khác của BIDV Hải Phòng cũng như BIDV Trung ương truyền thụ, thẩm thấu rất mực tự nhiên, rất đậm nghĩa tình. Bản lĩnh ấy giúp mình kiên tâm bền chí và sáng suốt trước những vấn đề phức tạp nhất, kể cả những trường hợp ảnh hưởng sống còn đến sinh mệnh chính trị của bản thân.

Mình rất mừng là hiện nay, các thế hệ của BIDV đang rất bản lĩnh và văn hóa để chinh phục các thành tựu mới. Trong một gia đình con hơn cha là nhà có phúc, trong một tập thể mà thế hệ sau khởi sắc hơn thế hệ trước là tập thế phát triển bền vững và nhiều tương lai tốt đẹp”.

Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}