Những năm tháng không thể nào quên

28/03/2022
Lịch sử của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt nam là lịch sử của những thách thức trong quá trình xây dựng, trưởng thành, đổi mới và tăng trưởng; gắn liền với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, gắn liền với những chặng đường lịch sử của đất nước; gắn liền với mỗi cán bộ nhân viên trong ngành - từ thế hệ này qua thế hệ khác - in đậm những ký ức sâu sắc không phai, gắn liền máu thịt với từng thực thể mỗi con người. Và từ đóng góp của các tế bào của thực thể sống tạo lập nên một sự nghiệp, một truyền thống văn hoá doanh nghiệp: "Có một Ngân hàng - Đầu tư và Phát triển Việt Nam - như thế".

Giờ đây, khi nhìn lại những ngày đầu lịch sử của ngành và quá trình xây dựng trưởng thành: từng nấc, từng nấc một... mỗi cán bộ trong ngành không khỏi bồi hồi, hồi tưởng lại những ký ức, và "những năm tháng không thể nào quên" ấy.

Ba trăm tỷ đồng năm 1990: Thành công thử nghiệm “Xoá bỏ bao cấp trong đầu tư”.

Những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX là những năm khó khăn nhất của nền kinh tế nước ta: lạm phát ở mức độ phi mã, sản xuất đình đốn, các doanh nghiệp không có vốn để sản xuất, để đầu tư bổ sung những thiết bị tối thiểu, tối cần thiết cho sản xuất, và hơn thế tư tưởng bao cấp với hậu quả nặng nề của nó... Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta đã có một quyết sách hết sức kịp thời, mang tính bước ngoặt trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng: Dành 300 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước giao cho Ngân hàng Đầu tư  và Xây dựng lúc đó để cho vay đầu tư trong kế hoạch 1990 nhằm kịp thời “cứu lấy sản xuất” và “vực sản xuất lên”, đồng thời thử nghiệm việc xoá bỏ bao cấp trong đầu tư, “từ năm 1990 mọi công trình, dự án sản xuất kinh doanh có thu hồi vốn dưới mọi hình thức, đều phải đi vay để đầu tư”; “có vay, có trả”...

Tôi và các đồng chí trong Ban lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng được đồng chí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và đồng chí Phó Chủ tịch HĐBT cho gọi lên Văn phòng Chính phủ để giao nhiệm vụ, khi ra về các đồng chí căn dặn rất ngắn gọn: “cho vay để xoá bỏ bao cấp, cứu lấy sản xuất và vực sản xuất lên, không được để thất thoát, lãng phí, tham ô”, tôi nhớ nhất lời căn dặn thân ái nhưng rất nghiêm khắc “nếu tham ô, mất vốn, là treo cổ các cậu lên đấy”.

Và trong bối cảnh đó, Quyết định 1300 QĐ/HĐBT đã ra đời, đánh dấu một bước ngoặt trong đầu tư, và cũng là mốc lịch sử đánh dấu bước ngoặt trong hoạt động của Ngân hàng Đầu tư.

Sau một năm mày mò, tìm tòi, tập dượt, với trí tuệ sáng tạo của tập thể cán bộ trong ngành, vừa làm vừa học, với một nhiệt tình cháy bỏng và một quyết tâm thực hiện thắng lợi, một thử nghiệm lớn trong đổi mới, thử nghiệm đã thành công. Ngay cuối năm 1990, số cho vay trong năm đã thu nợ được 110 tỷ đồng. Khó hình dung hết niềm vui mừng của cán bộ trong ngành và của các đồng chí lãnh đạo cấp trên trước thành công ban đầu tốt đẹp, có tính chất mở đường đó. Đồng chí Chủ tịch HĐBT có lần đã nói đại ý: Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng - nó phải là Ngân hàng phát triển, phục vụ cho công cuộc phát triển của đất nước. Gợi ý đó chính là những ý tưởng đầu tiên cho việc xác định tên mới của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển... Ngày 14/10/1990, Chủ tịch HĐBT đã ký Quyết định số 401/CT thành lập Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, và liên tiếp sau đó ngày 26/11/1990 Điều lệ hoạt động của NHĐT&PT VN lần đầu tiên được ban hành bằng Quyết định số 104 NH/QĐ của Thống đốc NHNN; ngày 20/12/1990 Chủ tịch HĐBT ký Quyết định số 435/CT bổ nhiệm Tổng Giám đốc NHĐT&PT VN... Các quyết định đó đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong hoạt động của ngành - những văn bản pháp lý đầu tiên trong công cuộc đổi mới của ngành.

Quyết định số 401/CT thành lập Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam

Các dự án, các công trình được đầu tư có hiệu quả, vực được sản xuất lên trong những năm từ 1990 đến 1994 là những nhân chứng lịch sử của sự chuyển mình đó, mà mỗi công trình, mỗi dự án là một “bài ca không quên”. Cũng ở thời khắc này, đã có câu chuyện về “Tủi thân khóc, mà vay vốn làm ăn hiệu quả” - là một nhân chứng trong hàng ngàn nhân chứng lịch sử. Đó là hợp tác xã Duy Sơn II - Duy Xuyên (Quảng Nam) - một hợp tác xã nông nghiệp vay vốn làm thuỷ điện - một thành công điển hình của cách làm ăn mới - vực sản xuất lên - một đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới - trong đó có tấm lòng của BIDV.

Một ngàn sáu trăm tỷ đồng năm 1995: Quyết định sự tồn tại của BIDV - mở ra một trang sử mới của BIDV

Công cuộc đổi mới của đất nước trong những năm từ 1990 - 1994 đã đạt được những thành tựu khích lệ, song về vốn để đầu tư vẫn là một bài toán nan giải, Nhà nước có những chủ trương và quyết sách mới: Ngân sách hàng năm không chuyển vốn qua Ngân hàng Đầu tư và Phát triển để cho vay đầu tư nữa - Nhà nước thành lập Tổng cục Đầu tư và Phát triển để cho vay theo kế hoạch Nhà nước. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển phải tự vươn lên, huy động lấy vốn cho đầu tư phát triển cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn ở trong nước và ngoài nước. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển có tồn tại hay không, tuỳ thuộc ở sự nỗ lực vượt bậc của toàn hệ thống, tuỳ thuộc ở việc dám chịu trách nhiệm trước Nhà nước: Huy động một phần quan trọng vốn đầu tư (ngay ở năm 1995 là 1.600 tỷ đồng, chiếm 2/3 vốn tín dụng nhà nước).

Cuộc sống càng nhiều gian nan, thách thức thì càng nhiều nghị lực và sức sáng tạo. Lịch sử Ngân hàng Đầu tư và Phát triển từ 1995 mở ra một trang sử mới: Được Nhà nước và Thống đốc NHNN cho phép mở rộng hoạt động, được phép kinh doanh đa năng tổng hợp, lấy nhiệm vụ phục vụ lĩnh vực đầu tư và phát triển là chủ đạo.

Đó chính là những năm tháng không thể nào quên. Toàn hệ thống sôi động, hào hùng, bừng bừng khí thế trước những thành tựu của những gian lao, thử thách, lòng tin, nghị lực, sức sáng tạo và của những thành tựu về “Kỳ phiếu bảo đảm giá trị theo giá vàng” về “Trái phiếu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam”' về những quan hệ quốc tế được mở rộng ra 480 ngân hàng trên thế giới, lần đầu tiên trong lịch sử BIDV có quan hệ tiền gửi và thanh toán với 35 ngân hàng nước ngoài ngay trong những năm đầu 1995 - 1996. Hàng loạt các thử nghiệm, các nghiệp vụ mới từng bước được hình thành và hoàn chỉnh, phát triển.

Khách hàng mua trái phiếu tại BIDV Hà Nội năm 1999

Chính trong những năm tháng vượt qua thách thức của lịch sử ấy đã hun đúc nên bản lĩnh của BIDV và những định hướng chiến lược được hoàn thành; Chính những năm tháng ấy đã tô điểm và làm rực sáng thêm một truyền thống văn hoá cao đẹp, “truyền thống văn hoá doanh nghiệp BIDV”. Một phong độ, một cốt cách riêng có, một tấm lòng, một cái “Tâm” và “Tầm” của BIDV được khẳng định và được cuộc sống “công bằng” minh chứng.

Nếu như năm 1995 là năm quyết định sự tồn tại của BIDV, mở ra một trang sử mới: Kinh doanh đa năng tổng hợp, thì năm 1996 là năm phát triển tăng tốc với phong độ và cốt cách của BIDV, và năm 1997 là năm củng cố phát triển, hiệu quả và an toàn trong tăng trưởng và năm 1998 là năm vững chắc trong tăng trưởng và v.v... Những năm tiếp theo là năm của Huân chương Độc lập, năm của đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới...

Lịch sử của BIDV là lịch sử của “những chặng đường lịch sử”, lịch sử của “những công trình mới mở”, lịch sử của sự kế tiếp ngày càng được nâng cao ở những tầm cao mới, đúng như lời ca của bài ca truyền thống của ngành: “Bước tiếp bước cha anh, làm vẻ vang truyền thống Ngân hàng Đầu tư”.

Cuộc sống “sống động” luôn đặt ra những vấn đề mới, đòi hỏi những nỗ lực sáng tạo mới, những năm đầu của thế kỷ 21 đang mở ra với những thách thức mới, với trí tuệ, bản lĩnh và niềm tin đang chờ đón chúng ta. Chắc chắn rằng với đội ngũ đông đảo trẻ, có tri thức với ý chí, tài năng, trí tuệ và tấm lòng, với giải pháp và phương pháp đúng, chúng ta nhất định sẽ giải đáp tốt những vấn đề mà cuộc sống đặt ra để mãi mãi BIDV xứng đáng là: “Có một Ngân hàng như thế”.

(Nguồn tư liệu: Sách “Những kỷ niệm khó quên”,

xuất bản tháng 4/2007 - Nhà Xuất bản Lao động)

Tác giả: Nguyễn Văn Doãn - Nguyên Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc BIDV (Giai đoạn 1990-1998)
Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}