Chuyện về liệt sỹ Nguyễn Văn Lới

11/03/2022
Sự hi sinh của anh Nguyễn Văn Lới cùng 16 Liệt sĩ của BIDV trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc là vô cùng vẻ vang. Máu xương các anh đã thấm vào mạch nguồn non sông đất nước thống nhất, độc lập, tự do và góp phần tô thắm những trang sử vàng trong 65 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển bền vững của BIDV.

Đầu Giêng tết Bính Thân, chúng tôi đến gia đình bác Lê Văn Hoạch, nguyên phó giám đốc và bác gái Đỗ Thị Tư, nguyên cán bộ kế toán của chi nhánh BIDV Thanh Hóa. Hai bác đã tuổi 75 nhưng còn khá khỏe mạnh nhanh nhẹn. Được hỏi về những ký ức xây dựng ngành, hai bác đều như trẻ ra, sôi nổi hoạt hởi kể về một thời trẻ trung cống hiến, một thời gian khổ hy sinh trong cuộc chống chiến tranh phá hoại ác liệt của giặc Mỹ mà chi nhánh BIDV Thanh Hóa đã thể hiện quyết liệt tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến” và phương châm hành động “Giặc phá ta sửa ta đi”. Trên mặt trận bảo vệ và giữ vững huyết mạch giao thông nơi tuyến đầu ấy có rất nhiều tấm gương hy sinh quên mình, mà cho đến nay hình ảnh của họ vẫn còn khắc đậm trong tâm khảm của những người như bác Tư, bác Hoạch. Trong đó, Liệt sĩ Nguyễn Văn Lới, tổ trưởng của bác Tư, tổ xung kích đảm nhiệm cấp phát ở khu vực Hàm Rồng - Nam Ngạn, khu vực được coi là trọng điểm ác liệt nhất trong những năm chống Mỹ cứu nước ở Thanh Hóa là một tấm gương sáng.

Bác Tư kể, tổ trưởng của bác, một người vừa khỏe mạnh, đẹp trai hoạt bát, vừa có nhiều tài lẻ, giỏi pha trò và rất mực gan dạ: “Anh Lới mà kể chuyện tiếu lâm thì ai cũng phải ôm bụng mà cười. Anh có hai tiết mục văn nghệ tủ, một cái là tấu hài, tôi còn nhớ được mấy câu “Một đàn quạ sắt bay cao/ Liên thanh súng nổ (ối a) đâm nhào xuống sông/ Quạ mày húc phải (mà) súng ông” và tiết mục chầu văn mở đầu bằng câu “Tốt gió thuyền đậu bờ nam/ Sau còi báo động (mời) em sang (là sang) bên này”. Chi nhánh sơ tán đến nhiều địa phương khác nhau nhưng đến đâu chỉ ít hôm là bà con thuộc bài tấu hài của anh Lới, nhiều người gọi anh bằng tên Anh một đàn (tức là vận vào câu Một đàn quạ sắt bay cao, câu mở đầu tấu hài của anh). Hồi đó, trong tất cả các đơn vị dân sự phục vụ mặt trận Hàm Rồng - Nam Ngạn đều có phong trào học tập ý chí kiên cường “thà gục bên mâm pháo chứ không để cầu gục” của đơn vị pháo cao xạ đại đội 4 (C4) anh hùng trên đồi Quyết Thắng, anh Lới đã lên tận trận địa để tìm hiểu học tập tinh thần của các anh bộ đội C4. Lúc về anh kể, trực chiến đánh giặc suốt ngày đêm nhưng bộ đội trên đồi C4 vẫn trồng rau nuôi gà lại trồng cả hoa hồng và hoa thược dược quanh công sự pháo nữa. Mỗi khẩu đội có một cây đàn, cây nào bọng đàn cũng lỗ chỗ vết thủng mảnh bom, mảnh đạn hoặc đứt dây. Anh đề nghị chi đoàn thanh niên mua một cây ghi ta và một cây măng đô lin tặng bộ đội C4. Mọi người ủng hộ và ngay hôm sau đại diện chi nhánh đã mang hai cây đàn và mấy cơ số dây đàn lên tặng bộ đội C4, đồi Quyết Thắng. Cũng từ hôm đó, anh Lới đề xuất với giám đốc chi nhánh Huỳnh Văn Thơ, sau mỗi lần giặc đánh cầu, tổ cấp phát cần có mặt ngay tại hiện trường để nắm tình hình, lập kế hoạch cấp phát kịp thời và chính xác, tránh lãng phí và chậm trễ.

Một lần, vào lúc nửa chiều, trời quang đãng và nắng gắt, máy bay giặc bay đến đánh cầu Hàm Rồng đông như ruồi, chúng đánh thứ bom cháy, từ chỗ sơ tán ở xã Đông Minh, chúng tôi nhìn rõ những ngọn khói dựng đen kịt ở phía cầu Hàm Rồng. Rồi cảnh máy bay Mỹ bốc cháy trong tiếng reo hò ầm vang của cả làng, nhiều người chạy ra đồng để nhìn cho rõ. Anh chị em trong tổ cấp phát không dám rời vị trí là những chiếc hầm cất giữ sổ sách, tiền bạc nhưng ai cũng lo cho anh Lới, bởi hôm đó, anh ra cầu từ lúc còn đang giờ cao điểm, trước khi đi lại nói một câu gở miệng “cứ phải đi thôi, hôm nay tàu bay địch chưa chắc đến, đến chưa chắc đã đánh, đánh chưa chắc đã trúng, trúng chưa chắc đã chết”. Chỉ một lát sau, người từ ngoài đồng túa về, báo tin có hai thằng phi công nhảy dù, thằng nhảy chiếc dù đỏ chắc phải là thằng cấp chức to lắm. Sau đó thấy hàng chục máy bay Mỹ các kiểu kéo đến quần thảo lớp cao, lớp thấp, vòng trong, vòng ngoài trong một không gian rất rộng. Giám đốc chi nhánh Huỳnh Văn Thơ thông báo tin khẩn từ tỉnh đội, giặc đang săn lùng ráo riết nhằm giải cứu cho hai tên phi công nhảy dù, tất cả phải đề phòng chúng có thể giở trò chó cùng cắn bậy, lực lượng tự vệ vào tư thế trực chiến, lực lượng nghiệp vụ lo bảo quản thật tốt sổ sách, tiền bạc và sẵn sàng sơ tán đến vị trí khác khi có lệnh trên. Nói rồi, giám đốc hỏi về tin tức anh Lới với vẻ rất lo lắng.

Cầu Hàm Rồng - một trong những trọng điểm ác liệt nhất trong những năm chống Mỹ cứu nước ở Thanh Hóa  (Nguồn: internet)

Khoảng gần năm giờ chiều mới thấy anh Lới đạp xe đạp về, chúng tôi bổ ra mừng cho anh và tíu tít hỏi, anh biến đi đằng nào để cả tổ cấp phát và giám đốc Huỳnh Văn Thơ lo sốt vó. Anh Lới cười: “Đi bắt phi công. Hai thằng giặc lái nhé, một thằng trung tá, một thằng trung úy! Ngon chưa?”. Chị Lãm nhanh nhảu hỏi tiếp: “Anh bắt được cả hai thằng à?”. Anh Lới cười buồn: “Mình đến nơi thì người ta đã tóm ráo hết chúng rồi nhưng được tận thấy cảnh khốn nạn của hai đứa cũng no con mắt lắm!” Rồi anh Lới kể, làm việc với đội sửa chữa cầu xong, anh đạp xe về nơi sơ tán, khi qua chân đồi C4 còi kẻng báo động rầm rĩ nổi lên. Nhìn lên trời thấy hàng đàn máy bay giặc ào đến. Bom nổ rung chuyển đất đá và những cột khói đen kịt bốc cao. Bỗng anh nghe tiếng reo hò khắp nơi dội lên và nhìn thấy một tàu bay giặc nổ tung giữa trời, nó gượng bay được một đoạn thì có hai chiếc dù, một đỏ, một trắng bật ra. Tiếng reo hò lại dội lên tiếp át cả tiếng bom đạn nổ. Thế là anh dấu chiếc xe đạp vào một cái hầm cá nhân bỏ hoang, chạy tắt qua cánh đồng Nam Ngạn đến chỗ chiếc dù đỏ đang rơi xuống. Chân chạy nhưng mắt vẫn dán lên bầu trời, theo dõi chiếc dù đỏ, phía dưới treo lủng liểng một thằng giặc lái đen ngòm. Nhưng khi anh lên được mặt đê thì thấy hai dân quân đang đưa thằng giặc lái từ sông Mã vào bờ. Người trong làng Nam Ngạn và cả dân thị xã ở vùng cầu Sâng đổ đến đông lắm. Khi thằng giặc vào đến bờ đê, hắn không thể nào đứng lên được, chân cẳng cứ như chẳng còn tý gân cốt nào cả. Người dân quân lớn tuổi kéo tay nó, quát to: “Đứng dậy! Lên đê nhanh không thì ông quật chết bây giờ!”. Chắc hắn chả hiểu gì đâu nhưng có lẽ nhìn thái độ giận dữ của của người quát nên vội lóng ngóng quỳ và bái những người đứng quanh như tế sao cùng với thứ tiếng Tây líu ríu tuôn ra hàng tràng từ cái mồm tái ngoét lập cà lập cập.... Một lũ bốn chiếc phản lực ào đến, pháo từ phía các trận địa cao xạ bắn tới tấp khiến người chỉ huy dân quân phải ra lệnh: “Bà con! Ai không có nhiệm vụ rút ngay về làng bằng hào giao thông. Các đồng chí dân quân thu nhanh tang vật và áp giải giặc lái về làng đem nộp cho bộ đội”.

Anh Lới bảo, tiếc quá mình chỉ chậm mấy bước chân, nếu không đã trực tiếp lôi cổ thằng giặc lái vào bờ, oai phải biết. Anh còn kể thêm, thằng giặc lái ấy là trung tá, tên là Đên-tơn (Jeremiah Andrew Denton). Lúc anh đi theo đường đê để về chỗ lấy xe đạp thì còn gặp người ta giải thằng giặc lái thứ hai, một thằng lái da đen, hắn là trung úy, tên cúng cơm là Chu-đi (Bill Tschudy). Mọi người nghe thật hả hê sung sướng và khen anh Lới có trí nhớ tên Tây thật đáng nể. Anh Lới bình tĩnh nói tiếp, anh còn nghe bộ đội cao xạ Hàm Rồng kể, thằng Đên-tơn chỉ huy hàng không mẫu hạm Anh-đê (Independent), thuộc hạm đội 7 ngoài biển Đông, hôm nay thằng bộ trưởng Mắc (Robert McNamara) đến thị sát tàu hạm Anh-đê trực tiếp ra lệnh cho thằng Đên-tơn chỉ huy đánh cầu Hàm Rồng.

Đến buổi thời sự sáu giờ tối hôm đó, Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin, vào hồi 15 giờ 40 phút, quân và dân Hàm Rồng Nam Ngạn đã bắn rơi chiếc máy bay tinh nhuệ nhất A6A của không lực Mỹ, bắt sống tên trung tá Đên-tơn, chỉ huy hàng không mẫu hạm In-đê-pên-đên-tờ.... và trợ lý của hắn là tên trung úy Chu-đi trong lúc bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Na-ma-ra đang có mặt ở chiến hạm này. Mọi người càng phục lăn trí nhớ và tin tức quí báu anh Lới mang về trước đó.

Dân quân chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng

Nhân chuyện này, anh Lới bổ sung vào hoạt cảnh hài Một đàn quạ sắt bay cao..., tiết mục tủ của anh thêm một đoạn nói lối:“Đây trung tá Đên-tơn/ Kia Chu-đi trung úy/ Cả hai thằng rên rỉ/ Tại Mắc Na-ma-ra/ Hắn bắt chúng tôi ra/Hàm Rồng để nộp xác”...

Tôi tò mò ngắt lời bác Tư: “Chuyện xảy ra đã hơn 50 năm rồi sao bác vẫn còn nhớ được đầy đủ thế ạ?”. Bác Tư: “Hồi đó ít được xem văn công, phim ảnh lắm. Những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn là món ăn tinh thần thường ngày của anh chị em chi hàng Kiến thiết chúng tôi và bà con nơi sơ tán, anh Lới lại diễn trò rất hay nên ai ai cũng thích, cũng nhớ. Vì thế anh ấy mới có biệt danh là Anh Một đàn...

Cũng từ hôm anh Lới kể chuyện tham gia bắt giặc lái, câu nói gở “ hôm nay tàu bay giặc chưa chắc đã đến, đến chưa chắc đã đánh, đánh chưa chắc đã trúng, trúng chưa chưa chắc đã chết” của anh đã trở thành câu nói vui của anh chị em chúng tôi mỗi khi có nhiệm vụ ra cầu Hàm Rồng hoặc các trọng điểm ác liệt khác làm công tác thẩm định, cấp phát.

Một hôm, mới sáng sớm, phải còn hơn một tiếng đồng hồ nữa mới đến giờ cao điểm, tầu bay Mỹ bỗng ồ ạt kéo đến đánh vào khu vực Rừng Thông và các xã xung quanh. Nơi chi nhánh chúng tôi sơ tán cũng bị chúng ném bom bi và bắn đạn rốc két. Giặc đánh ào qua rồi bay đi. Từ nhà dân bên cạnh người ta kêu toáng lên, anh Lới bị thương.

Tôi và chị Lãm cùng anh chị em trong tổ cấp phát vội chạy sang. Anh Lới được đặt trên một chiếc chõng tre ở gốc cây thị trong vườn của chủ nhà, máu chảy thấm hết cả vùng áo ngực và vai phải của anh, y tá của xã đội đang băng bó sơ cứu. Da mặt anh Lới xanh rớt nhưng anh vẫn tỉnh táo lại nhoẻn cười nói pha trò: “lần này thì bị trúng nhưng trúng chưa chắc đã chết đâu nhé!”. Giám đốc chi nhánh Huỳnh Văn Thơ đưa nhóm cứu thương của bệnh viện tỉnh đến. Một bác sĩ và hai y tá kiểm tra, gắp mảnh đạn, băng bó lại vết thương cho anh Lới xong liền ra chỉ lệnh phải tiếp máu gấp tại chỗ để cứu anh. Một tấm dù phòng không được căng lên dưới vòm cây thị. Nhiều người xung phong hiến máu nhưng chỉ có tôi và chị Doãn Thị Lãm là cùng nhóm máu với anh Lới. Giám đốc Huỳnh Văn Thơ động viên chúng tôi trong lời nói xúc động: “Mấy em cho máu để cứu em Lới cũng là một sự hy sinh lớn đó. Cố lên mấy em nhé! Chúng ta không được để em Lới chết”. Thế là hai chị em chúng tôi được thay nhau tiếp máu cho anh Lới. Anh thì mỗi lúc một tỉnh táo thêm ra, nói cười như lúc đang vui.Đó là dấu hiệu đáng lo, vì kinh nghiệm rằng, người bị thương mà không còn cảm giác đau đớn thì khó cứu. Và, đúng thế, lát sau anh Lới khẽ giơ tay lên, anh dặn chúng tôi: “Hôm nay các cô nhớ ra cầu nhé, tàu bay giặc chưa chắc đã đến...”. Lời anh ngừng trên hai khóe miệng còn đọng một nụ cười. Anh Lới hy sinh, khi cơ số máu của hai chị em tôi vừa được lấy ra vẫn chưa tiếp hết cho anh. Tất cả mấy chị em nữ òa khóc gọi tên anh Lới..., đau đến quặn ruột.”

Bác Đỗ Thị Tư nghẹn lời một lúc lâu. Bác chùi nước mắt nói trong thương tiếc: “Một người như thế mà phải hy sinh trẻ quá..!”.

Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}