Web Content Viewer
ActionsTọa lạc trên diện tích 6.500 mét vuông, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi đậm trên bản đồ du lịch văn hoá của đất nước Thái Lan một dấu ấn khó quên. Không chỉ đồng bào Việt kiều, những con dân nước Việt, mà đồng bào và nhân dân Thái Lan cũng rất tự hào có một khu di tích lịch sử, văn hoá gắn với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên quê hương của họ.
Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Noọng Ôn, xã Xiêng Phin, huyện Mương, tỉnh Uđon Thani
(Vương quốc Thái-lan) (Ảnh: baotanghochiminh.vn)
Những ngày tháng hoạt động tại Thái Lan (từ tháng 07/1928 đến tháng 11/1929) đã ghi đậm dấu ấn một quãng thời gian hoạt động gian khổ trong hành trình vạn dặm đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời kỳ ở đây, Người có nhiều tên gọi khác nhau như: ông Thọ, Nam Sơn, Chín,... nhưng thường được đồng bào và nhân dân Thái Lan gọi bằng cái tên thân thương, gần gũi là Thầu Chín (hay là ông già Chín). Những hoạt động và đời sống sinh hoạt giản dị của Người đã khơi dậy tinh thần yêu nước trong kiều bào và tình cảm thân thiết của nhân dân Thái Lan đối với Bác và cách mạng Việt Nam.
Với tình cảm cao quý đó, vào năm 2002, sau khi trưng cầu ý dân, chính quyền tỉnh Udon Thani và Hội Việt kiều tại tỉnh Udon Thani đã thống nhất ý tưởng xây dựng một công trình có vai trò là một trung tâm giáo dục, nghiên cứu, học tập và du lịch mang tính lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần tăng cường sự hiểu biết về mối quan hệ hữu nghị của nhân dân hai nước Việt Nam - Thái Lan. Những mong muốn ấy đã nhanh chóng trở thành hiện thực, đáp ứng với lòng mong mỏi, khát khao của đồng bào hai nước và bạn bè trên thế giới.
Lễ cắt băng khánh thành Khu tưởng niệm
Điều đặc biệt, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là do chính quyền địa phương của phía Thái Lan quyết định thành lập và trực tiếp quản lý, xây dựng. Có lẽ vì vậy mà công trình nhanh chóng tạo được sự đồng thuận và thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ của các quan chức địa phương, các nhà khoa học cùng đông đảo nhân dân tỉnh Udon Thani và các tỉnh Đông - Bắc Thái. Việc xây dựng Khu tưởng niệm trở nên nhu cầu thiết thực trong tinh thần của nhân dân Thái Lan. Nó không chỉ được đặt ra như một mong muốn đơn giản là có thêm một điểm du lịch hấp dẫn của địa phương, mà dường như còn để cầu mong cho một sự bình yên và phát triển của “xứ sở tự do” này.
Trong Hội thảo về thời kỳ hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Lan (1928-1929), trước thềm Lễ khánh thành Khu tưởng niệm, ông Trịnh Văn Thái, người Thái gốc Việt đã hơn một lần nói rằng: “Việt Kiều Thái Lan luôn tâm niệm Bác Hồ như một vị thánh sống” và ông kể lại: “từ năm 1947, khi Bác vẫn còn sống thì đa số Việt kiều ở Thái Lan, trong nhà đều lập bàn thờ Tổ quốc. Trên bàn thờ có quốc kỳ nền đỏ sao vàng và ảnh bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở đây, người ta thờ kính Bác Hồ như thể một vị thánh sống”. Việc xây dựng Khu tưởng niệm về Người có cả ý nghĩa sâu xa đó.
Còn Giáo sư Sorat Pitchuancom - trợ lý Hiệu trưởng Đại học Rachaphắt Udon Thani, Chủ tịch Ban Quản lý Khu tưởng niệm, trong bài tham luận tại Hội thảo, ông luôn nhấn mạnh niềm tự hào về công việc mà ông theo đuổi trong suốt 10 năm qua. Ông cho rằng, đó không chỉ là trọng trách mà còn là công việc rất thiêng liêng đối với ông và Tổ quốc ông. “Trong quá trình làm việc, nếu gặp các trở ngại, tôi luôn tự nhủ với bản thân và nói với các thành viên khác là, chúng ta lấy tên Người để làm dự án Khu tưởng niệm Hồ Chí Minh, vì vậy cần phải làm cho thành công và phải xứng danh với vị thế của một vị Anh hùng của dân tộc Việt Nam, một danh nhân văn hóa thế giới”, ông nói.
Trong buổi gặp mặt đoàn Việt kiều về thăm quê Bác - Khu di tích Kim Liên, Nghệ An, bà con Việt kiều đã nghẹn ngào trong niềm xúc động bày tỏ niềm tự hào và phấn khởi khi được trở về quê hương, thăm nơi cội nguồn của Bác. Bà Vũ Thị Tin, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Việt kiều tỉnh Udon Thani xúc động nói: “Chúng tôi rất vinh dự và hãnh diện là người con Việt Nam. Dù ở xa Tổ quốc nhưng được ở ngay trên địa danh có những dấu ấn về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, chúng tôi tự hào và càng thấy trọng trách của mình phải bảo tồn, gìn giữ và phát triển Khu tưởng niệm ngang tầm với hình ảnh và những giá trị văn hoá của Người”.
Trong đoàn đại biểu về thăm quê Bác, có một vị khách mời đặc biệt - ông Vimay Phinxalì, Chủ tịch UBND thị xã Xiêngphin - nơi trực tiếp quản lý Khu tưởng niệm Hồ Chí Minh. “Hơn ai hết, chúng tôi rất tự hào là địa phương có Khu di tích Bác Hồ. Chúng tôi luôn tâm niệm, mối tình hữu nghị đoàn kết của hai nước được xây đắp từ Chủ tịch Hồ Chí Minh và sẽ luôn luôn được xây đắp từ những ảnh hưởng của Người. Vì thế, chúng tôi có trách nhiệm phải gìn giữ, bảo quản Khu di tích thật tốt”, ông phát biểu.
Nhà lợp mái lá tái hiện gần giống nơi Bác Hồ sinh sống ở tỉnh Udon Thani, giai đoạn 1928-1929.( Ảnh: Báo Nhân Dân)
Do ý nghĩa và giá trị lịch sử sâu sắc, nên ảnh hưởng của Khu tưởng niệm đã nhanh chóng được lan toả trong cộng đồng Việt kiều và nhân dân Thái Lan, thu hút đông đảo bà con tham gia ủng hộ công sức, tinh thần, trí tuệ và vật chất cho công trình. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong nước, tiêu biểu như Ngân hàng Cổ phần Thương mại Sài Gòn, Công ty Hoàng Anh Gia Lai, đặc biệt là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, gia đình Liệt sĩ Trần Đình Châu... đã dành những đóng góp vật chất và hiện vật có giá trị cho công trình. Thật xúc động, chỉ sau không đầy một tháng phát động theo sáng kiến của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, cán bộ, công chức của BIDV đã sưu tầm, quyên góp tặng Khu tưởng niệm 100 bức ảnh tư liệu, hơn 400 cuốn sách về cuộc đời hoạt động của Bác và nhiều tư liệu, hiện vật, kỷ vật có giá trị lịch sử, văn hoá, nhiều sáng tác văn học, nghệ thuật về Người; gia đình Liệt sĩ Trần Đình Châu phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cung tiến ban thờ, tượng Bác và 14 hạng mục khác kèm theo để an vị ban thờ Bác trong nhà đa năng vào dịp khánh thành Khu tưởng niệm. Tất cả đều thành kính dâng lên Bác, mong cho tình đoàn kết hữu nghị của hai dân tộc và nhân dân hai nước Việt - Thái ngày càng nở hoa kết trái.
Trong buổi Lễ cắt băng khánh thành, hàng nghìn bà con Việt kiều và nhân dân Thái Lan từ nhiều vùng đã nô nức đến Khu tưởng niệm như được trở về với quê hương mình, trở về với Bác kính yêu. Nhiều nhóm hội Việt kiều đến trước nhiều ngày tổ chức các hoạt động văn hoá và cùng lo việc sửa soạn cho ngày lễ khánh thành. Một không khí vừa trang nghiêm, trọng thể, vừa vui tươi, đằm thắm, tạo nên một ngày hội lớn trong tình đoàn kết mặn nồng của Việt kiều và nhân dân Thái Lan. Phát biểu tại Lễ khánh thành, trong niềm hân hoan, xúc động, ông Khốmăn Ệkachai, Tỉnh trưởng tỉnh Udon Thani đã nhấn mạnh: “Ngoài ý nghĩa văn hóa và lịch sử, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là biểu tượng sinh động của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Thái Lan, là tấm lòng thành kính của người dân Thái Lan, trong đó có đồng bào Việt kiều đối với Bác Hồ kính yêu và đối với dân tộc Việt Nam thân thiết. Những giá trị lịch sử, văn hoá mà Hồ Chí Minh tạo nên sẽ mãi mãi ngời sáng trên quê hương chúng tôi”.
Chia tay Udon Thani, chúng tôi mang theo những ấn tượng tốt đẹp về tình cảm son sắt, nghĩa tình của đồng bào Thái Lan dành cho Bác Hồ kính yêu, góp phần vun đắp cho tình hữu nghị của hai dân tộc Việt Nam - Thái Lan ngày càng tươi đẹp.
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0849351080/ 0822808588/ 0842152355/ 0766151080/ 0763238588/ 0784132388/ 0358201080/ 0357638588/ 0334282388
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng