Góp một tiếng lòng nhân sinh nhật ngành

01/03/2022
Nghiệp vụ ngân hàng kiến thiết đã được xây dựng và thực hiện một cách hết sức linh hoạt trong điều kiện buổi đầu non trẻ về quản lý của cả xí nghiệp cơ sở và cơ quan quản lý nhà nước như: vừa thiết kế, vừa thi công, định mức sử dụng nhân công, vật liệu để làm dự toán công trình chưa có đủ căn cứ vững chắc, giá cả thị trường có nhiều biến động. Sau đó, ngân hàng mở nghiệp vụ cho vay với các loại hình cho vay vốn lưu động nhỏ, lớn, cho vay tạm thời, cho vay thanh toán,..

Năm 1957, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ban hành một loạt chế độ tài chính, kế toán nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc: Chế độ ngân sách nhà nước, Chế độ quản lý các xí nghiệp quốc doanh, Quyết định thực hành hạch toán kinh tế ở các xí nghiệp quốc doanh....

Cùng lúc đó, nhà nước ra quyết định thành lập Ngân hàng Kiến thiết Việt nam có hệ thống dọc trong cả nước, với chức năng, nhiệm vụ: Cấp phát, cho vay, thanh toán và giám đốc kiểm soát mọi hoạt động kinh tế trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.

Muốn thực hiện được ý đồ thiết kế thì tay nghề phải tinh, ngón nghề phải thạo. Có nghĩa là muốn làm được vai trò và nhiệm vụ, chức năng được giao thì nghiệp vụ phải tinh thông, dù đa dạng cũng phải nắm bắt thật chắc và phải biết vận dụng sáng tạo trong thực tiễn. Nếu có nảy sinh nghiệp vụ mới thì ngay lập tức phải học cho thông, hành cho thạo.

Thực hiện luận điểm này, Ngân hàng Kiến thiết là một cơ quan vừa là tài chính vừa là ngân hàng với chức năng nhiệm vụ như trong quyết định của nhà nước. Bắt đầu từ lúc thành lập chỉ làm 2 nhiệm vụ cấp phát và thanh toán với hình thức đơn giản. Cấp phát tạm ứng ngay khi chuẩn bị mở công trường, so phần trăm số vật liệu cần thiết cho công trình rồi đưa giá trị dần thêm nếu cần thiết và thu hồi dần cho hết vốn tạm ứng đó khi công trình hoàn thành. Cấp phát và thanh toán theo tiến độ công trình hoàn thành 10 ngày một lần, thanh toán thêm một hình thức nữa là nhờ thu nhận trả.

Ông Phan Minh Tuệ - Giám đốc Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam (1962-1975)

Sang  năm 1961 rồi năm 1962, năm 1963, Ngân hàng Kiến thiết thực hành một bước cải tiến, nâng cao nghiệp vụ ban đầu, đồng thời mở rộng thêm các hình thức nghiệp vụ mới, hướng nghiệp vụ ngân hàng theo sát hơn mọi hoạt động thực tiễn và kinh tế, kỹ thuật của các loại đối tượng công tác kể cả các loại đặc thù như khai thác than hầm lò và lộ thiên, đắp đê, nạo vét kênh mương... nhằm làm cho công tác nghiệp vụ của ngân hàng sinh động, vừa tạo điều kiện vừa hướng các đối tác phải thành thạo dần việc sử dụng đồng tiền để phản ánh và kiểm soát mọi hoạt động kinh tế kỹ thuật của mình, vừa góp phần vào việc tiết kiệm ngân sách nhà nước trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.

Nghiệp vụ ngân hàng kiến thiết đã được xây dựng và thực hiện một cách hết sức linh hoạt trong điều kiện buổi đầu non trẻ về quản lý của cả xí nghiệp cơ sở và cơ quan quản lý nhà nước như: vừa thiết kế, vừa thi công, định mức sử dụng nhân công, vật liệu để làm dự toán công trình chưa có đủ căn cứ vững chắc, giá cả thị trường có nhiều biến động. Sau đó, ngân hàng mở nghiệp vụ cho vay với các loại hình cho vay vốn lưu động nhỏ, lớn, cho vay tạm thời, cho vay thanh toán, mở rộng từ 2 hình thức thanh toán lên 8 hình thức thanh toán.

Nhà máy Dệt 8-3 - công trình công nghiệp nhẹ quy mô lớn được xây dựng trong kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất do Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam cấp phát vôn

Năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ném bom miền Bắc, nhiều việc mới trong lĩnh vực xây dựng cơ bản nảy sinh như: di chuyển xí nghiệp, khôi phục xí nghiệp bị bắn phá, đặc biệt là điện, nước, khắc phục cầu đường để kịp thời đảm bảo giao thông vận tải thông suốt... Ngân hàng Kiến thiết đã phải vận dụng sáng tạo trong việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các chế độ nghiệp vụ phù hợp với tình hình mới với các mục tiêu đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ, công trình cấp phát thời chiến, đồng thời vẫn đề cao được trách nhiệm, quyền độc lập tự chủ của các đơn vị xí nghiệp cơ sở, trên nền tảng tư tưởng ở tinh thần cách mạng, ý thức tiết kiệm vốn ngân sách nhà nước và nhân lực vật liệu xã hội của các công nhân cán bộ ở các tổ chức trên. Cán bộ Ngân hàng Kiến thiết đã hợp tác cùng đơn vị xí nghiệp, theo sát thực tiễn để làm tốt nghiệp vụ. Sau 3 năm chiến tranh, nền nếp quản lý tài chính của các đơn vị xí nghiệp cơ sở trong lĩnh vực xây dựng cơ bản không bị xoá bỏ, thành tựu đó là một “báu vật” giữ được trên tiến trình quản lý xây dựng cơ bản của nước ta.

Năm 1968, Mỹ xuống thang, hoà bình trở lại miền Bắc, Ngân hàng Kiến thiết thời kỳ này đã lại điều chỉnh, nâng cao nghiệp vụ, như cấp phát và thanh toán theo từng bộ phận công trình hay toàn bộ công trình hoàn thành, nâng cao và mở rộng thêm hình thức công tác nghiệp vụ như cho vay sản xuất phụ, sản xuất phù trợ của các xí nghiệp xây lắp... Do bám sát thực tiễn xây dựng cơ bản, nên ngân hàng đã tham gia ý kiến vào kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản ở các cấp từ kiến thức thu hoạch qua thẩm tra dự toán, tiến lên tham gia ý kiến vào các dự án đầu tư xây dựng cơ bản.

Hiệu quả của những nhiệm vụ công tác mới này ngày càng lớn nên về sau, Ngân hàng Kiến thiết đã chuyển thành Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng rồi Ngân hàng Đầu tư và Phát triển. Một sự chuyển hoá từ nội tại rồi được nhà nước công nhận. Đó là một hiện tượng của việc: Nắm được quy luật vận động nội tại, thuận theo nó mà thúc đẩy tiến lên, rồi “hoá thân” thành cái mới, rất mới mà lại là kế tục cái cũ. Cũng vì vậy mà sau này khi nhà nước giao nhiệm vụ cấp phát sang cơ quan   khác, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển đã nhanh chóng thích ứng với tình hình mới và đã có đủ lông, đủ cánh để vươn lên thành một hệ thống Ngân hàng nước ta được nhận danh hiệu: Đơn vị Anh hùng của thời kỳ đổi mới.

Sức sống của một cái cây, chủ yếu là do chất nhựa được hút lên từ gốc, rễ. Ngân hàng Kiến thiết đã sớm nhận ra rằng: hoạt động kinh tế kỹ thuật của các đơn vị, xí nghiệp là nguồn sức sống của tài chính. Đồng thời ngân hàng Kiến thiết nêu khẩu hiệu coi các đơn vị đối tác là bạn đường của mình, coi kinh tế bao gồm cả kỹ thuật là gốc, là nguồn sức sống của mình, coi các đơn vị đối tác là những người bạn đường đã cùng nhau tương tác tương hỗ, đoàn kết với nhau vì mục tiêu và mục đích từng thời kỳ của cách mạng xã hội chủ nghĩa, dần dần hình thành một trong những truyền thống của ngành Ngân hàng Kiến thiết trao lại cho ngân hàng Đầu tư và Phát triển ngày nay.

Về tổ chức và cán bộ, Ngân hàng Kiến thiết coi khâu tổ chức là khâu then chốt để đạt thành quả công tác và cán bộ, con người là quyết định. Ngân hàng Kiến thiết coi đây là yếu tố quyết định, nên đã đặc biệt quan tâm. Là một cán bộ ngân hàng của Nhà nước cách mạng đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, điều đòi hỏi trước tiên là phải trung thành với lý tưởng cách mạng, ra sức làm tốt nhiệm vụ của mình nhưng không thể chỉ là người cách mạng “chung chung”, người cán bộ ngân hàng phải giỏi tay nghề, thạo kỹ năng.

Khi mới thành lập, Ngân hàng Kiến thiết được Đảng và nhà nước điều chuyển qua một số cán bộ của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Trung ương làm nòng cốt, cộng với các anh em bộ đội chuyển ngành, cán bộ miền Nam tập kết và số học sinh trung cấp ra trường, cán bộ cốt cán của địa phương chuyển qua, nên học tập nghiệp vụ là vấn đề cấp thiết. Bài vở chưa có, phải mượn của Trung Quốc và Liên Xô để giảng dạy, vừa học vừa làm. Tất cả cán bộ của ngành phải được trải qua học tập nghiệp vụ kể cả các đồng chí lãnh đạo cao nhất của ngành. Ngân hàng Kiến thiết cũng đã có tuyển một số sinh viên mới tốt nghiệp đại học các ngành kinh tế như: xây dựng, giao thông, thuỷ lợi, nông nghiệp, ngân hàng vào ngành, rồi yêu cầu các cán bộ phải tự học thêm lớp đại học Ngân hàng Kiến thiết khi công tác, các đồng chí này nói chung đã tiến rất nhanh, nhiều đồng chí sau này đã là những cán bộ lãnh đạo cao của ngành.

Người cán bộ Tài chính - Ngân hàng không chỉ đòi hỏi trung thành với cách mạng, giỏi nghiệp vụ mà còn cần những phẩm chất như: Trong sáng về tiền tài danh vọng, có ý thức tiết kiệm cao đối với của cải của nhà nước và xã hội, có tinh thần đồng đội, không chịu lùi trước bất cứ khó khăn nào, dám chịu trách nhiệm và hành động một cách thông minh sáng tạo. Để làm được như vậy, Ngân hàng Kiến thiết đã thực hiện mấy phương châm sau đây: Hướng dẫn, giáo dục cán bộ, biến động cơ cá nhân chuyển hoá thành niềm tự hào về thành tựu và tinh thần trách nhiệm xã hội cách mạng, với động cơ cao cả hơn; luôn cùng đồng đội và bạn đường khắc phục bất kể khó khăn nào, cùng nhau mưu cầu lợi ích chung, trong đó có mình... Những giá trị tinh thần ấy đã được hun đúc rèn luyện trong một bầu không khí trên dưới một lòng, đùm bọc, bảo ban giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau tiến tới dần dần thành một yếu tố về giá trị tinh thần của ngành, tạo thành một trong những truyền thống của Ngân hàng Kiến thiết trao lại cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển.

Tôi đã rời ngành Ngân hàng sau 15 năm công tác ở đó. Luôn tâm niệm rằng: “Con hơn cha, nhà có phước, sau hơn trước nước chóng giàu”. Các đồng chí ngày nay đã vượt xa chúng tôi - những người cũ và đã trở thành một đơn vị anh hùng lao động do Đảng và Nhà nước phong tặng. Tôi rất mừng và cũng mừng hơn khi trong buổi lễ đón nhận danh hiệu anh hùng, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của ngành hiện nay đã có nói: Vinh quang này thuộc về thế hệ cán bộ trước đây. Mừng về lời chúc thì ít nhưng mừng vì thấy các đồng chí đó quả là những con người chung thuỷ, đức tính chung thuỷ là một trong những hiển hiện đức tính tinh hoa hay còn gọi là bản sắc dân tộc của con người Việt Nam. Các đồng chí đó đã không quên ơn dĩ vãng mà còn vẫn muốn tiếp nối để phát huy những cái hay cái tốt đã qua dù rằng hiện nay các đồng chí đã vượt xa chúng tôi và đang còn trên đà vươn tới nhịp điệu chóng mặt mới.

Tôi rất tin tưởng ở thế hệ trẻ cán bộ Ngân hàng ngày nay, các đồng chí đã được sinh ra và lớn lên trong một đất nước anh hùng, được học tập dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, lại được các thế hệ trước truyền lại cho cái “hồn thiêng dân tộc”, đó là ý chí kiên cường - bất khuất, đầu óc thông minh - sáng tạo - tấm lòng nhân từ - bác ái.

Người cán bộ Ngân hàng chúng ta lúc này trước hết vẫn phải là người cách mạng trung thành với lý tưởng xã hội chủ nghĩa, nhưng nổi bật lên phải là người có năng lực và có tính năng động cao, năng lực đây là tri thức chứ không phải chỉ là bằng cấp học vị, năng động đây là dám làm dám chịu trách nhiệm với động cơ cao cả là niềm tự hào trước những thành tựu (không phải là thành tích). Tự hào về làm tốt trách nhiệm với xã hội. Các đồng chí sẽ sống một cuộc sống tràn trề hạnh phúc vì đã tìm ra giá trị đích thực và ý nghĩa của cuộc sống trong công việc bên cạnh hạnh phúc gia đình và sở thích riêng tư về văn học nghệ thuật như văn thơ, hội hoạ, âm nhạc, thể dục thể thao...

(*) Bài viết được đồng chí Phan Minh Tuệ viết nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập ngành (26/4/1957 -26/4/2002)

(Nguồn tư liệu: Sách “BIDV trong tôi”

- Nhà Xuất bản Hội Nhà văn - tháng 4/2012)

Tác giả: Phan Minh Tuệ - Nguyên Giám đốc Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam (1962 -1975)
Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}