Web Content Viewer
ActionsSinh ra và lớn lên ở miền Trung, tôi thấm thía vô cùng cái vất vả, nghèo khó của người dân ở vùng đất hẹp mang danh “chiếc đòn gánh” của non sông Việt này. Nghèo khó đeo đẳng bám níu người dân miền Trung bởi nắng gió dữ dằn, bão lũ triền miên và không thể không nhắc tới giặc giã binh đao đã nhiều lần chà xát tan hoang mảnh đất này. Vâng, xứ sở ấy, dải đất hẹp ấy, tôi biết đang ẩn chứa nhiều tiềm năng to lớn với rừng vàng biển bạc đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng, có Con đường di sản lừng danh với Thành Nhà Hồ, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quần thể di tích cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn… cùng các giá trị văn hóa phi vật thể khác đã được UNESCO xếp hạng như Ví dặm Nghệ Tĩnh, Nhã nhạc Cung đình Huế… Tuy nhiên, để cho những tiềm năng đó được khai thác tốt, sinh tiền đẻ của không thể không cần tới đồng vốn. Nói gì thì nói, có bột mới gột nên hồ. Dải đất đòn gánh này muốn cất cánh bay lên, bay cao, bay xa cần phải có vốn liếng để đầu tư và phát triển.
Chuyện cũ nhớ lại trên chuyến bay…
Trên dọc chuyến bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng khi ánh ngày đã tắt, bỗng dưng tôi nhớ tới một câu chuyện của năm cũ, năm Bính Thân 2016. Mùa hè năm ấy, tôi về quê Quảng Bình, nghe dân kháo nhau cá biển bị chết dạt lên bờ rất nhiều. Cũng có không ít người rủ nhau ra bờ biển nhặt cá về nấu ăn. Không chỉ Quảng Bình mà các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cũng có hiện tượng này. Sau đó ít lâu, thì thủ phạm gây ra thảm họa biển ở bốn tỉnh Bắc miền Trung đã bị chỉ ra. Không ai khác chính là Nhà máy Formosa Hà Tĩnh xả thải chất độc hại vào biển gây nên. Một vùng biển mênh mông bị ô nhiễm, chính xác hơn là bị tổn thương nghiêm trọng từ mặt nước đến tầng đáy. Tôi không quên được gương mặt u ám đầy lo toan của những ngư dân ngồi trên bờ ngóng ra biển vắng bóng tàu thuyền. Những làng chài buồn hiu xao xác khi cái nghề mưu sinh muôn thuở có nguy cơ bị chặn đứng. Biết bao buổi chợ không có cá tôm cua mực bày trên mẹt, trên sạp. Những khu du lịch ven biển thưa thớt hay vắng hẳn khách đến. Những cơ sở chế biến hải sản phải đóng cửa… Đúng là, khổ chồng lên khổ, nói đúng giọng miền Trung là khộ chồng lên khộ.
Cái chuyện khộ ấy thì chắc nhiều người đã biết và chia sẻ với dân bốn tỉnh rồi. Điều tôi muốn nhắc lại như một nghĩa cử đẹp làm ấm lòng bao người dân miền Trung lúc gian nan tưởng chừng khó vượt qua được. Đó là, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp vào ngày 01/05/2016 và ý kiến của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, BIDV đã kịp thời triển khai gói tín dụng 1.500 tỉ đồng hỗ trợ các đối tượng thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến, nuôi trồng, tiêu thụ thủy hải sản… cho bốn tỉnh Bắc miền Trung bị ảnh hưởng của sự cố Formosa Hà Tĩnh. Trong đó, gói tín dụng dành cho doanh nghiệp là 500 tỉ đồng; cá nhân và hộ gia đình là 1.000 tỉ đồng với lãi suất 6% năm với loại ngắn hạn; 8% năm với trung, dài hạn. Vẫn còn đó những day trở, lo âu nhưng không thể không vui khi biển các tỉnh chịu ảnh hưởng từ sự cố Formosa Hà Tĩnh đang dần trong sạch trở lại, tàu thuyền tấp nập ra khơi, các cơ sở chế biến, nuôi trồng, tiêu thụ thủy hải sản tiếp tục hoạt động, nhiều khu du lịch hồi sức khởi sắc. Về quê, tôi không còn phải ấm ức khi chẳng được ăn hải sản tươi ngon được đánh bắt lên từ biển thân quen. Đến ngọn gió nồm thổi lên từ bao la biển cả dường như cũng trong lành lại. Góp phần làm nên điều tốt đẹp đó không thể không nhắc tới BIDV với sự chia sẻ đầy trách nhiệm, giàu nhân văn của mình.
BIDV triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho ngư dân
Thiết nghĩ, khi nói tới sự phát triển kinh tế của dải đất miền Trung cần nêu lên mấy con số ấn tượng sau đây. Trong những năm gần đây, qui mô hoạt động của BIDV tại khu vực duyên hải miền Trung đã tăng trưởng khá nhanh. Huy động vốn tăng trưởng bình quân khoảng 24% năm; dư nợ tăng trưởng bình quân 18% năm. BIDV đã cung ứng vốn tín dụng cho các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng như nâng cấp quốc lộ 1A qua các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…, mở rộng đầu tư chiều sâu các cảng biển Đà Nẵng, Quy Nhơn. Được biết, giai đoạn 2016 - 2020, BIDV dành 3 tỉ đô la Mỹ hỗ trợ hạ tầng du lịch miền Trung. Ngân hàng đã và sẽ cung ứng vốn tín dụng, tài trợ triển khai dự án khu du lịch nghỉ dưỡng biển tại Hội An (Quảng Nam); dự án quần thể khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng; dự án quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp FLC tại Quảng Bình; dự án khu du lịch Vinpearl Hải Giang; dự án quần thể FLC Qui Nhơn (Bình Định)… Ngoài ra, BIDV còn dành 1-2 tỉ đô la Mỹ tài trợ triển khai các dự án hạ tầng giao thông quan trọng khác ở khu vực miền Trung.
Thương người như thể thương thân là nét văn hóa đáng ghi nhận của lãnh đạo, cán bộ BIDV luôn hướng tới những việc làm nhân ái vì cộng đồng, vì đất nước thân yêu. Năm 2016, BIDV đã dành 2,9 tỉ đồng ủng hộ, hỗ trợ cho nhân dân và chính quyền bốn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị vượt qua cơn lũ lụt kinh hoàng. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, những việc làm như thế càng làm cho hình ảnh BIDV tỏa sáng, gần gũi với nhân dân hơn. Trong cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau, thật đúng như thế.
Trong suốt chuyến đi, tôi được gặp những con người BIDV luôn gắn bó với nhân dân bằng tình cảm và trách nhiệm của mình. Những con người góp phần không bé nhỏ vào sự lớn mạnh liên tục của BIDV. Nói một cách hình ảnh thì đó là những ngọn đèn làm cho thương hiệu BIDV ngày thêm tỏa sáng.
Từ một ngôi nhà hộ sinh thời đất nước chia cắt
Tòa nhà 10 tầng tọa lạc tại 90 Nguyễn Chí Thanh, thành phố Đà Nẵng là trụ sở của Chi nhánh BIDV. Trên nền đất này, thời đất nước còn chiến tranh là một nhà hộ sinh. Có nhiều đứa trẻ đã cất tiếng khóc chào đời ở đây, bên dòng sông Hàn lặng lẽ chảy về xuôi trong đó có Trần Thanh Điện. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên đến cảm động, nơi Trần Thanh Điện sinh ra cũng là nơi anh gắn bó tới 35 năm (1980 - 2015) với một ngân hàng từ cán bộ bình thường đến Giám đốc Chi nhánh BIDV Đà Nẵng. Anh ra đời năm 1955 tại nhà hộ sinh đó. Ba má anh làm trong ngành ngân hàng thời chế độ cũ. Ba anh mất từ năm 1970, sau đó năm năm mẹ anh cũng ra đi. Sau khi học xong Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh (trước đây gọi là Trường Đại học Kỹ thuật Phú Thọ) cầm tấm bằng kỹ sư thủy lợi trong tay, Trần Thanh Điện đi xin việc làm. May là ngân hàng đang cần những người có chuyên môn như anh để thẩm định các công trình thủy lợi. Chân ướt chân ráo nhận việc, chàng kỹ sư trẻ Trần Thanh Điện có ba tháng chốt ở công trình thủy lợi Phú Ninh để làm nhiệm vụ. Đất nước sau hàng chục năm chiến tranh tàn khốc muôn vàn thiếu thốn gian khó, có lúc nhai hạt bo bo trẹo cả hàm, hột muối ăn cũng phải phân phối. Nhớ lại những ngày chưa xa mấy đó để càng quý trọng nâng niu những thành quả hôm nay, dù chưa sung túc thỏa mãn nhưng phần lớn dân ta cũng đã được cơm no áo ấm. Trần Thanh Điện tâm sự: “Chi nhánh chúng tôi cũng như BIDV đã chuyển đổi qua nhiều kênh, phải đổi tên nhiều lần cho phù hợp với nhiệm vụ chức năng nhưng lúc nào cũng gắn bó máu thịt với địa phương, tích cực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đó là điều cốt lõi tôi rút ra từ những năm công tác trong ngành ngân hàng của mình”. Anh kể, có lúc ngân hàng đã cho ngân sách tỉnh vay tạm thời chờ kế hoạch không lấy lãi như trường hợp làm cầu Tùng Phước năm 2003.
Hòa vào dòng hồi tưởng về một thời gian khó, anh Nguyễn Văn Chính, vốn quê Điện Bàn (Quảng Nam) - nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh BIDV Đà Nẵng nay giữ chức vụ Trưởng Văn phòng đại diện BIDV tại đây kể: “Trước thời đổi mới 1986, những người làm ngân hàng như chúng tôi cũng khó khăn lắm. Có Tết nguyên đán, được một đơn vị ở miền núi cho củi, cho heo, anh em mổ thịt chia phần. Nghĩ lại, càng thấm thía tình cảm anh em đồng nghiệp dành cho nhau”.
Từ chỗ cấp phát vốn ngân sách đến cấp tín dụng ưu đãi, rồi làm thương mại, tư duy của những người trong ngành ngân hàng nói chung và BIDV Đà Nẵng nói riêng chuyển đổi rất nhanh. Sự chuyển đổi của mỗi người cộng hưởng thành dòng chuyển động mạnh mẽ của một ngân hàng có tầm vóc, vị thế đáng nể trong nước, khu vực và thế giới như BIDV. Hiệu quả của đồng vốn cho vay là thước đo thành công. Muốn thế, việc cho vay phải biết định hướng đúng vừa phục vụ chiến lược phát triển kinh tế toàn quốc, vừa dựa trên tính chất vùng miền. Dựng nước đi đôi với giữ nước, đấy là quy luật sinh tồn phát triển muôn đời của dân tộc Việt. Xây dựng đất nước gắn liền với bảo vệ Tổ quốc. Với miền Trung, dải đất “đòn gánh” cong cong, lưng tựa vào vạn lý Trường Sơn trùng điệp, mặt nhìn ra biển Đông bao la có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trăm nghìn hòn đảo lớn nhỏ khác là phần lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của đất nước, thì việc cho vay vốn cũng phải tập trung vào những ngành nghề có lợi thế vùng như lâm, nông, ngư nghiệp, công nghệ cao và du lịch.
Có vẻ kiệm lời nhưng Trần Hải Vân, Giám đốc Chi nhánh BIDV Đà Nẵng cũng kịp cho chúng tôi biết đôi nét về quan điểm làm việc của đơn vị mình. Theo anh, nên Chậm mà chắc và phải Lấy chất lượng làm đầu. Chất lượng đội ngũ. Chất lượng công việc. Tuy hai mà một, theo mối quan hệ nhân - quả. Muốn thế, phải thường xuyên đào tạo về kinh nghiệm và biết hài hòa nội bộ (nguyên văn chữ dùng của Trần Hải Vân). Phẩm chất của cán bộ ngân hàng là đáng quan tâm nhất. Trần Hải Vân kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện về một cán bộ ở Chi nhánh. Hôm đó, Trần Hải Vân đang làm việc thì có tiếng gõ cửa. Một thanh niên trẻ đẹp bước vào xin gặp anh. Đó là Phạm Bảo Thắng, cán bộ tín dụng. Thắng nói: “Hôm qua có một khách hàng ở Hải Phòng sau khi giao dịch xong có để lại trên bàn em một phong bì. Em tưởng ít nên nhận cho khách vui lòng. Nào ngờ, khi khách về rồi em mở ra thì số tiền là 10 triệu đồng. Em mang lên báo cáo anh và xin trả lại cho khách”. Nói là làm, Phạm Bảo Thắng đã liên hệ và trả lại toàn bộ số tiền cho khách hàng.
Những ngày ở Đà Nẵng, chúng tôi đã đến một số công trình do BIDV cho vay vốn và đang hoạt động có hiệu quả. Có thể coi đó là những điếm nhấn của du lịch Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung. Đó là Son Tra Peninsula, một công trình thơ mộng, lãng mạn nằm ở bãi Bắc, bán đảo Sơn Trà. Kiến trúc sư nổi tiếng Bill Bensley bằng tài năng của mình đã biết hòa phối tinh hoa của kiến trúc Việt truyền thống với kiến trúc hiện đại. Những gì do con người dựng nên ở đây cực kỳ hòa nhập với cánh rừng nguyên sinh rậm rạp và bãi biển tinh tươm sạch sẽ. Ngỡ như nghe được hồn biển, hồn rừng trong từng đường nét, ngóc ngách công trình. Đó là Crowne Plaza Đa Nang, một tổ hợp khách sạn sang trọng ven biển Đà Nẵng đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao với diện tích 200 mét vuông và số vốn đầu tư hơn 160 triệu đô la Mỹ. Trong khuôn viên có khu vui chơi giải trí cao cấp Crown Games Club thiết kế theo phong cách Châu Âu có diện tích 15.000 mét vuông. Đó là “Vòng quay mặt trời - Sun Wheel” nằm trong quần thể kiến trúc thể hiện rõ sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và các nước châu Á cũng do Bill Bensley thiết kế. Và, khó mà cưỡng lại sự hấp dẫn của Ba Na Hills, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng thuộc địa phận huyện Hòa Vang cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 30 cây số về phía tây nằm ở độ cao 1487 mét so với mặt biển, có cáp treo dài 5801 mét và độ chênh là 1368 mét. Một bản sao chùa Linh Ứng được xây dựng tại đây cùng với tượng Phật Thích Ca màu trắng nổi bật giữa nền trời lồng lộng.
Nguồn thu từ những dự án du lịch này không nhỏ, chỉ tính riêng Ba Na Hills mỗi năm có khoảng 1 triệu đến 1,5 triệu du khách. Tiền thu từ cáp treo cũng đã là con số lớn. Anh Trần Thanh Điện cho tôi biết rằng, cứ 3 ngày Chi nhánh lên thu tiền mặt một lần, khoảng từ 1 tỉ - 1,5 tỉ đồng.
Những vần thơ mộc mạc ở Chi nhánh BIDV Hải Vân
Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay. Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi. Nhớ khi xưa qua đèo qua suối. Mà lòng ta mơ tàu qua núi cao…Giai điệu bài hát Tàu anh qua núi của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa do NSND Thanh Hoa biểu diễn cứ ngân nga trong tôi khi đến BIDV Hải Vân. Chẳng biết ai nghĩ ra cái tên Hải Vân trữ tình đặt cho Chi nhánh BIDV thuộc tây bắc Thành phố nằm bên sông Hàn này. Khi bắt tay Đào Hữu Quyết, Phó Giám đốc Chi nhánh, tôi đã đọc ngay một câu ca dao để làm quen: Hải Vân bát ngát nghìn trùng/ Hòn Hồng ở đấy là trong vịnh Hàn. Đào Hữu Quyết cười tươi: “Anh em ở Chi nhánh này cũng mê thơ ca lắm đấy ạ!”.
Cứ hẵng biết thế, thơ ca sẽ nói sau, bây giờ xin được điểm qua “Sơ yếu lý lịch” của BIDV Hải Vân cái đã. Với mục tiêu mở rộng mạng lưới hoạt động của BIDV, đặc biệt tại Đà Nẵng góp phần phục vụ có hiệu quả các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và thành phố, Chi nhánh BIDV Hải Vân được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/12/2004. Ban đầu cũng vất vả lắm, nhà làm việc phải đi thuê của dân. Số cán bộ Chi nhánh mới có 36 người. Qua gần mười ba năm xây dựng, qui mô và mạng lưới của BIDV Hải Vân ngày càng phát triển và hoạt động hiệu quả. Có thể nói rằng phát triển nền khách hàng là một điểm sáng, đánh dấu sự đi lên của Chi nhánh. Từ 882 khách hàng ban đầu, đến nay Chi nhánh đã có một nền khách hàng bền vững cả về qui mô (gần 90 nghìn) và cơ cấu. Không nghi ngờ gì nữa, đấy chính là nền tảng cho việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích ngân hàng đa dạng, trên tất cả các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu… Việc phát triển mạng lưới luôn được quan tâm; đến nay Chi nhánh đã có 3 Phòng giao dịch, hệ thống máy ATM, POS được lắp đặt rộng khắp đáp ứng tối đa nhu cầu giao dịch ngày càng cao của khách hàng. Xin được điểm qua một số dự án quan trọng mà BIDV Hải Vân đã tham gia cho vay/đầu tư như Khu Công nghiệp Hòa Khánh, Khu Công nghiệp Hòa Khánh mở rộng; Khu Công nghiệp Liên Chiểu; kết cấu hạ tầng Khu đô thị Phước Lý (Tổng mức đầu tư 800 tỉ đồng, trong đó BIDV Hải Vân tài trợ vốn 300 tỉ); Khu vui chơi giải trí Helio (Tổng mức đầu tư 369 tỉ đồng trong đó BIDV Hải Vân tài trợ 50%); Khu du lịch nghỉ dưỡng Silver Shores (Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 160,47 triệu USD, trong đó BIDV Hải Vân tài trợ 96 triệu USD). Đến nay dự án đã đi vào hoạt động hiệu quả.
Với phương châm Mỗi cán bộ của Chi nhánh là một lợi thế cạnh tranh như Giám đốc Nguyễn Thanh Dũng đã từng nhấn mạnh, bản sắc văn hóa BIDV Thân thiện - Chuyên nghiệp - Tuân thủ đã đi vào cuộc sống sinh động. Nhiều khách hàng đã coi Chi nhánh BIDV Hải Vân là người bạn đồng hành đáng tin cậy của mình. Ông Yao Jian Wei, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triến Silver Shores đã phát biểu: “Trong giai đoạn đầu tư, Ngân hàng đã tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, giải ngân kịp thời góp phần đưa dự án đi vào hoạt động đúng tiến độ. Bên cạnh đó, BIDV đã cung cấp đầy đủ các sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, hiện đại tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế”… Ông Trần Đình Nhân, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc EVN CPC đã gọi BIDV Hải Vân là “Đối tác tin cậy của chúng tôi”. Đại tá Đặng Văn Quân, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên 532 (Quân đội) thì cho rằng: “Về mặt địa lý, Công ty và BIDV Hải Vân cùng đóng trên cùng một địa bàn quận Liên Chiểu - là một thuận lợi. Và thực tế đã chứng minh, BIDV Hải Vân là người bạn và là đối tác của Công ty trong việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là đáp ứng các nhu cầu vốn tín dụng để Công ty thực hiện các công trình thi công, bao gồm các công trình trọng điểm của thành phố Đà Nẵng và các công trình ở vùng sâu, vùng xa biên giới Tổ quốc…”
Chi nhánh BIDV Hải Vân rất quan tâm đến công tác an sinh xã hội vì cộng đồng. 32 tỉ đồng là số tiền Chi nhánh đã đầu tư tài trợ cho y tế, giáo dục, ủng hộ người nghèo, gia đình chính sách, đồng bào bị bão lụt trong hơn một thập kỷ qua.
Người ta thường bảo, thơ là nơi lưu giữ tâm hồn con người. Đọc những vần thơ mộc mạc, chân chất của cán bộ nhân viên Chi nhánh BIDV Hải Vân tôi càng tin thêm điều đó. Những vần thơ phản chiếu phần nào đời sống tình thần của những cán bộ nhân viên BIDV nói chung cũng như Chi nhánh Hải Vân nói riêng. Và, điều này làm cho tôi cảm thấy thú vị. Cũng như tôi đã từng nghe chị Phùng Thị Vân Anh, một trong những thủ lĩnh của BIDV trước đây đọc và trò chuyện về thơ.
Đằng sau những con tàu vươn khơi
Đặt chân xuống Quảng Ngãi, trong tôi bật dậy ngay câu ca dao bùi ngùi có từ thời các đội hùng binh ở đảo Lý Sơn thừa lệnh vua ra trấn giữ “Bãi cát vàng”: Hoàng Sa trời nước mênh mông / Người đi thì có mà không thấy về… Tôi hình dung ra những chiếc thuyền gỗ căng buồm lướt sóng giữa mây nước mênh mang nhằm hướng Hoàng Sa tiến tới. Trước đó, mỗi ngư binh khi bước xuống thuyền ai cũng phải mang theo một tấm chiếu cói, ba sợi lạt mây để phòng khi điều xấu nhất xảy ra thì có cái để bạn mình “gói” lại thả xuống biển. Giông tố bão táp có thể nổi lên bất cứ lúc nào khi trong tay những người đi biển không hề có một tấm bản đồ, một chiếc sa bàn. Hải trình của những ngư dân Việt thời ấy bị nhiều mối hiểm nguy rình rập và họ chỉ biết cầu Trời khấn Phật phù hộ độ trì cho bình an. Nhắc lại chuyện xưa cũng để nói về hôm nay, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc bao giờ cũng thiêng liêng và không được xao nhãng. Chúng ta mãi mãi khẳng định biển là không gian sinh tồn của dân tộc Việt. Phát triển kinh tế biển đồng thời với việc giữ gìn lãnh hải đất nước là nhiệm vụ của toàn dân, của Quảng Ngãi nói riêng cũng như các tỉnh miền Trung đều có biển. Đầu tư để phát triển kinh tế biển cũng chính là đầu tư nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Nghị định 67 của Chính phủ ngày 07/07/2014 trong Điều 4 Chính sách tín dụng đã nêu cụ thể hạn mức vay, lãi suất vay và mức bù chênh lệch lãi suất: Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7% năm trong đó chủ tàu trả 1% năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 6% năm. Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay vốn Ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7% năm trong đó chủ tàu trả 3% năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 4% năm. Đối với đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ, bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải, thiết bị phục vụ khai thác; ngư lưới cụ; trang thiết bị hải sản thì trong trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ nguyên liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400 CV đến dưới 800 CV chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7% năm trong đó chủ tàu trả 2% năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 5% năm. Còn trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7% năm, trong đó chủ tàu trả 1% năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 6% năm… Nghị định cũng quy định rõ thời hạn cho vay 11 năm, trong đó năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc.
BIDV ký kết hợp đồng tín dụng hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu khai thác xa bờ theo Nghị định 67 của Chính phủ
Trong cuộc gặp gỡ với các nhà văn, Giám đốc Chi nhánh BIDV Quảng Ngãi Nguyễn Văn Đông bày tỏ: “Nghị định 67 của Chính phủ rất đúng đắn. Chúng tôi thấu hiểu ý nghĩa của việc kết hợp phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền quốc gia. Chắc ai cũng biết rằng nếu đất nước không còn biển thì lấy gì để phát triển kinh tế biển, làm giàu cho Tổ quốc. Chính vì thế mà Chi nhánh đã không chần chừ trong việc cho ngư dân vay vốn đóng tàu lớn để vươn khơi”.
Mấy năm qua, Chi nhánh BIDV Quảng Ngãi đã cho vay gần 400 tỷ đồng trong đó 140 tỉ đồng đóng 12 tàu đánh bắt xa bờ và tàu vỏ thép có tổng công suất máy chính 800 CV với vốn đầu tư là 18 tỉ đồng. Tàu vỏ gỗ có vốn đầu tư tư 8 đến 9 tỉ đồng. 11 chiếc đã có mặt ở các ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Riêng đảo Lý Sơn có 2 chiếc tàu đóng mới làm công tác hậu cần và 240 tỉ để đóng mới là 22 chiếc tàu hậu cần..
Để có những con tàu vươn khơi như thế không thể không nhắc tới sự đóng góp của ngành ngân hàng nói chung và BIDV nói riêng. Tôi nghĩ, với một ngân hàng thương mại thì trông giỏ bỏ thóc vẫn là cái cách người ta thường làm. Tuy vậy, trong trường hợp cho ngư dân vay tiền đóng tàu, mua sắm ngư cụ, trang thiết bị đi biển thì ngân hàng vẫn phải hài hòa giữa lợi ích riêng và lợi ích của đất nước. Từ năm 1997, khi chương trình vươn khơi xa được chuyển qua cho Ngân hàng Phát triển. Hiện có 3 chiếc tàu quá hạn trả nợ cho BIDV Quảng Ngãi với số tiền khoảng 40 tỉ. Chẳng trách, nỗi lo canh cánh không vợi tan trong lòng Nguyễn Văn Đông và đồng nghiệp của anh.
Thế đấy, làm ngân hàng thời nào cũng có cái khổ, cái khó riêng như chị Trương Thị Ngang, một cựu cán bộ trong ngành tâm sự. Chị Ngang sinh năm 1942 nay đã 76, vượt xa ngưỡng Nhân sinh thất thập cổ lai hy rồi, mái tóc bạc trắng nhưng đi lại vẫn nhanh nhẹn, nói năng lưu loát. Có một thời chị làm việc ở trong Ngân hàng Kiến thiết TW. Sau giải phóng về Ngân hàng Kiến thiết tỉnh Nghĩa Bình (cũ), sau này là giám đốc chi nhánh Quảng Ngãi. Chị cười, nhắc lại một kỷ niệm xưa, thời địa phương làm công trình thủy lợi Thạch Nham. Chỉ vì ngân hàng đang thẩm định, thẩm tra dự toán, còn tỉnh thì nóng ruột nên Chủ tịch tỉnh Nghĩa Bình đòi “bẻ giò ngân hàng”… Chị chia sẻ, làm cái nghề này phải biết ứng nhân xử thế biết thuyết phục mới tránh được những khúc mắc hiểu lầm giữa ngân hàng với chính quyền, với khách hàng…
Chưa đi hết các Chi nhánh BIDV suốt dọc dài miền Trung. Còn nhiều người chúng tôi chưa được gặp, nhiều câu chuyện nghề, chuyện đời chưa được nghe. Đằng sau vẻ tươi tắn, ôn hòa, ánh mắt thân thiện, nụ cười gần gũi kia là bao nỗi lo công việc. Đây là lần đầu tiên, tôi có chuyến đi thực tế dài ngày, được gặp nhiều người trong một ngành nghề còn rất xa lạ với tôi nhưng phải nói rằng BIDV đã để lại trong lòng tôi những ấn tượng tốt đẹp và niềm tin sâu sắc. Cảm giác xao xuyến khi phải chia tay những cô gái, chàng trai BIDV mình đã gặp gỡ, chuyện trò là điều có thật. Ở họ, toát lên một điều gì đó thật đáng yêu, đáng quý. Phải chăng, đó chính là bản sắc văn hóa mang tên BIDV mà nội hàm của nó không gì khác chính là sự chia sẻ, hợp tác, thân thiện. Càng chia sẻ, hợp tác, thân thiện càng có cơ hội thành công. Tôi tin thông điệp Chia sẻ cơ hội, hợp tác thành công của BIDV sẽ ngày càng lan tỏa và bén sâu vào cuộc sống, không chỉ trong nước mà còn đến với bè bạn bốn biển năm châu.
Sự hoàn thiện nào cũng luôn luôn ở phía trước và con đường đi tới cái đích tốt đẹp đó còn dài, rất dài nhưng tôi tin vào nội lực dồi dào của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Niềm tin đó chắc chắn phải bao gồm cả khát khao dải đất “đòn gánh” miền Trung của quê hương tôi cất cánh bay lên cao, bay đi xa trở thành hiện thực. Chuyện cổ tích thế kỷ XXI của miền Trung quê tôi sẽ được viết lên bởi những con người miền Trung can trường và BIDV năng động.
Đà Nẵng - Quảng Ngãi - Hà Nội, tháng 3 năm 2017
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0849351080/ 0822808588/ 0842152355/ 0766151080/ 0763238588/ 0784132388/ 0358201080/ 0357638588/ 0334282388
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng