Hai mươi năm với Sông Đà

06/03/2022
Ngân hàng Kiến thiết Sông Đà được thành lập ngày 4/5/1976 theo Quyết định số 150/TC của Bộ Tài chính. Nhiệm vụ chính của Ngân hàng Kiến thiết Sông Đà là cấp phát vốn ngân sách cho việc thi công xây lắp công trình thuỷ điện Hoà Bình trên sông Đà và vốn di dân lòng hồ sông Đà; cho vay vốn lưu động và quản lý các xí nghiệp xây lắp thuộc Tổng công ty Thuỷ điện sông Đà và Xí nghiệp lắp máy 10.

Tham gia xây dựng đơn giá

Ngay từ những ngày đầu về đây, tôi đã phải tham gia vào việc xây dựng đơn giá công trình thủy điện Hoà Bình. Thành phần Ban đơn giá gồm có: Ban quản lý công trình thủy điện Hoà Bình trên sông Đà, gọi tắt là bên A; Tổng công ty xây dựng thủy điện sông Đà, Xí nghiệp lắp máy 10, gọi tắt là bên B và Ngân hàng Kiến thiết Sông Đà. Trưởng ban đơn giá lúc bấy giờ là đồng chí Nguyễn Gia Hạc, Vụ trưởng, là Phó trưởng ban Quản lý công trình thuỷ điện Hoà Bình trên sông Đà.

Bộ phận bên A, từ đầu đến cuối đều do anh Vũ Đức Thìn phụ trách. Bộ phận này gồm có 5 kỹ sư và 1 trung cấp như các anh Dũng, anh Diễn, anh Đảng, anh Thuần, anh Hội, chị Chanh... Ngay từ năm 1983 - 1984, anh Diễn đã mất vì bệnh hiểm nghèo. Anh Đảng bị mất tích. Anh Vũ Đức Thìn sau này trở thành Trưởng Ban quản lý công trình Thuỷ điện Sơn La, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Công trường thủy điện Hòa Bình (Ảnh: Tư liệu)

Bộ phận bên B, lúc đầu do anh Khánh, sau đó là anh Ngãi và cuối cùng là anh Luật phụ trách. Tôi được phân công là thường trực của Ban đơn giá.

Đơn giá xây dựng công trình thủy điện Hoà Bình phải được Ủy ban xây dựng cơ bản nhà nước duyệt mới được thực hiện. Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản nhà nước là đồng chí Đỗ Quốc San, Phó chủ nhiệm là đồng chí Khúc Văn Thành. Ủy ban Xây dựng cơ bản nhà nước có một bộ phận trực tiếp theo dõi và hướng dẫn Ban đơn giá công trình thủy điện Hoà Bình. Phụ trách bộ phận này là anh Quýnh - trưởng phòng và chị Quý là phó phòng, nhân viên có anh Lục và anh Châu. Việc áp dụng đơn giá của công trình gồm hai phần:

          - Phần áp dụng đơn giá địa phương, theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Sơn Bình: áp dụng cho công trình lán trại và một phần của công trình phụ trợ.

          - Phần áp dụng đơn giá theo quyết định của Uỷ ban Xây dựng cơ bản nhà nước: áp dụng cho công trình chính và một phần của công trình phụ trợ như đơn giá bê tông át phan, bê tông đúc sẵn.

Bộ đơn giá của công trình thủy điện Hoà Bình, sau khi được Ủy ban Xây dựng cơ bản nhà nước duyệt, đã được áp dụng cho một số các công trình như nhà máy thuỷ điện Trị An, nhà máy nhiệt điện Phả Lại, công trình thuỷ điện Y-a-ly…

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình  là một trong những công trình trọng điểm do Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam cung ứng vốn

Để phục vụ cho công tác xây dựng đơn giá, Ban đơn giá tổ chức đi tham quan một số công trình như cảng Hải Phòng, nhà máy xi măng Hoàng Thạch, nhà máy nhiệt điện Phả Lại…

Sáng sớm ngày mồng 4 tết âm lịch năm 1979, đích thân đồng chí Trưởng ban đơn giá đến Ngân hàng điều tôi đi công tác gấp. Xe đưa chúng tôi phóng một mạch về đến Hà Nội. Chúng tôi được đồng chí Trưởng ban cho ăn cơm sáng tại nhà đồng chí. Cơm không phải độn bo bo, ăn với đậu om. Chúng tôi ăn rất ngon lành và no nê. Sau đó, xe đưa chúng tôi đi tiếp xuống cảng Hải Phòng. Cảng còn vắng tanh, chỉ có một người bảo vệ cảng. Sau khi xem giấy giới thiệu, anh ta đưa chúng tôi đi tham quan một số nơi trong cảng. Đó là những đống hàng hoá, mà chủ yếu là sắt thép của Liên Xô. Từng đống, từng đống, đủ các loại nằm chồng chất lên nhau, han gỉ. Người hướng dẫn giải thích, đó là những đống hàng vô chủ, vì không đủ tiền nộp phí lưu kho lưu bãi và phí vận chuyển nên họ bỏ cuộc, trong khi nhân dân ta đang phải chắt chiu từng hòn than, mẩu sắt. Thấy cảnh này, lòng sao khỏi xót xa.

Chiều, chúng tôi được ăn tết tại cảng. Chủ nhà là người thân của đồng chí Trưởng ban. Lần đầu tiên, tôi được ăn một bữa cỗ khá thịnh soạn. Đủ các loại hải sản, các loại rượu ngoại. Ông chủ nhà cho biết, ông bà có cậu con đi lái tàu viễn dương. Thảo nào....

Những chuyện vui thời bao cấp

Tôi về đây được một thời gian, chi bộ tiến hành đại hội. Bác Ngọc Thanh Quang trúng cử Bí thư chi bộ, tôi Phó bí thư. Tiếp đến là đại hội công đoàn. Tôi trúng cử Thư ký công đoàn. Anh Hoàng Bá Ka là Phó thư ký. Chi nhánh thành lập bộ phận kinh tế kỹ thuật, nhân sự gồm có tôi và anh Ka, tôi phụ trách. Tôi được gia đình anh Hoàng Bá Ka mời ăn bữa cơm thân mật với gia đình. Trong bữa cơm, bà cụ thân sinh ra anh Ka nói: “Chúc bác có một lúc ba tin mừng”.

Chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra. Anh chị Thành - Dung có 3 cháu trai thì cháu Tâm và cháu Phương lên đường nhập ngũ chống quân bành trướng Bắc Kinh. Công đoàn ra tờ báo tường để động viên tư tưởng cả chi nhánh. Chủ đề chính là tham gia xây dựng công trình thủy điện Hoà Bình, hoàn thành tốt nhiệm vụ hậu phương góp phần chi viện cho tiền tuyến.

Đồng chí Đào Thiện Thi, Bộ trưởng Bộ Tài chính về thăm chi nhánh. Đồng chí nói chuyện về tình hình biên giới. Cuối cùng đồng chí kết luận “Ta ở bên cạnh Trung Quốc, như ở bên cạnh ông hàng xóm trái tính. Nhưng nước ta không phải là cái thuyền. Vì vậy, về lâu dài, ta phải có một đối sách chiến lược để chung sống hoà bình với họ”.

Đầu năm 1980, cơ quan tổ chức phát nương trồng sắn. Lúc đầu, chúng tôi đã làm việc với anh Hà Văn Khoá, chủ tịch xã Hoà Bình để mượn đất. Nhưng vì đất ở đây dốc và nhiều đá, do vậy cơ quan lại chuyển hướng, mượn đất của xã Dân Hoà, ở dưới bến Phà Thia. Căn cứ số người, công đoàn giao đất cho từng phòng. Các phòng tự lo tổ chức từ khâu khai phá, trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch. Tất cả đều làm vào ngày nghỉ, làm tập trung cả cơ quan. Bộ phận kinh tế kỹ thuật có tôi, anh Hứa và anh Ka. Bộ phận này yếu nhất, vì cả ba người đều chân cò, tay vượn. Phòng quản lý Xí nghiệp xây lắp khá nhất. Anh Dương và bác Quang tham gia với phòng Hành chính Kế toán. Vì có sức khoẻ, anh Trạch thường hỗ trợ chị Lan từ khâu thu hoạch đến khâu vận chuyển. Cơ quan có nhiều người hút thuốc lào như anh Hứa,  bác Quang, anh Cử, anh Hồng và tôi. Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, anh Thành làm cho chúng tôi một chiếc điếu cày.

Khi đi làm, mỗi người mang theo một cặp lồng cơm và một bi đông nước chè. Buổi trưa từng nhóm tụm lại với nhau, ăn uống nghỉ ngơi. Cặp lồng cơm thì mỗi người một vẻ, nhưng đều là các món thời bao cấp:  cơm độn sắn khô hoặc hạt bo bo, thức ăn sang thì mấy miếng thịt kho, vài khúc cá ướp lạnh hoặc mấy hạt lạc rang. Cực khổ nhưng thắm tình đồng đội. Cuối buổi chiều ra về, dụng cụ chúng tôi mang gửi vào nhà ông Hậu thợ may. Các bà tranh thủ, mỗi bà đèo sau xe đạp một bó củi khô.

Cuối năm, sắn thu hoạch đem về cơ quan, chia theo ngày công của từng người. Ai đem về nhà ấy. Chỉ có ba người ở khu tập thể như bác Quang, tôi và anh Trạch, chế biến tại chỗ. Bác Quang vụng về, thái sắn thường bị đứt tay, mọi người xúm vào băng bó cho bác. Tôi, anh Trạch, bác Quang lúc đầu báo cơm ở nhà ăn tập thể của Ban quản lý. Tôi và anh Trạch leo cả lên mái nhà bếp để phơi sắn. Thấy tôi yếu, anh Trạch thương thường làm đỡ cho tôi những động tác nặng nhọc như khuân vác sắn. Ở phía ngoài khu thương nghiệp có sân và hè bằng bê tông. Mọi người tranh thủ mang sắn ra để phơi. Anh Trạch thường dậy rất sớm mang sắn ra đó, khi tôi lọ mọ ra đến nơi thì anh đã phơi gần xong. Tôi chỉ biết thầm cảm ơn anh về tấm thịnh tình đó.

Thời bao cấp, cửa hàng ăn sông Đà của bà Na có món mì “không người lái”. Cửa hàng thương nghiệp sông Đà bán phân phối theo sổ mua hàng từ chiếc quần đùi, chiếc áo may ô, từ nút vải màn, chiếc dây phanh xe đạp, đến từng gói thuốc lào, từng cái kim, sợi chỉ…

Có lần tôi phải lấy mảnh vải màn cũ, nhuộm với quả mồng tơi để may cái áo may ô mặc. Các bà, các chị tha hồ mà cười, tôi vẫn tỉnh bơ. Ngày chi nhánh được phân phối một cái mâm nhuôm, mọi người nhường tôi vì nhà đông con. Chiếc mâm nhuôm đó, tới nay tôi vẫn còn giữ làm kỷ niệm. Nhìn gia cảnh bên ngoài, ai cũng bảo nhà tôi “quá nhà chị Dậu”. Tôi cảm kích làm bài thơ tựa đề Nét đẹp tình người:

Mười gian lán trại, một Ngân hàng

Sáu gian hội sở, còn bốn gian

Phin, Ka - Quế, Thành - Dung, Lan - Hứa,

Từ Thác Bà về với Đà Giang.

 

Mấy anh tập thể ở gian bên

Chè, thuốc, sớm chiều sang Quyến - Phin,

Phát câu được cá, Phin cho mỡ

Để mấy chàng nhấm nháp qua đêm.

 

Hàng phân phối, được chiếc mâm nhuôm

Thương Phát đông con, tập thể nhường

Nhổ sắn trên nương, chiều đông lạnh

Trạch đỡ phần gánh nặng cho Lan

*

Tình đồng đội, keo sơn gắn bó,

Hai mươi năm, chia ngọt sẻ bùi

Hai mươi năm, mưa nguồn thác lũ

Vẫn còn đây, nét đẹp tình người.

Năm 1983, có hai lần tôi ra cửa hàng thương nghiệp sông Đà. Tôi thấy họ mới chuyển về hai thứ: là quần đùi và  dây phanh xe đạp. Tôi chạy vội về lấy tiền, khi ra thì đã hết. Sau đó mới biết, họ chỉ bán chiếu lệ mấy cái, còn phần lớn bị nhân viên cửa hàng tuồn ra cửa sau. Tôi bực mình làm một bài thơ Quần chuồn, dây phanh lủi:

Thấy người ta bán quần đùi

Mau về moi vội lấy vài đồng xu

Khi ra, lặng ngắt như tờ

Dẫy quần treo bán, bây giờ còn đâu ?

Quần chuồn theo ngách cửa sau

Cho cô mậu dịch, thêm giàu thêm sang.

*

Thấy người ta bán dây phanh

Lại về, rồi lại ra nhanh kịp thời

Dây phanh, lủi hết đâu rồi

Thương mình phanh đứt, mạng rồi sao đây ???.

Cửa hàng rau quả sông Đà, chịu trách nhiệm thu mua rau quả của các hợp tác xã chuyên trồng rau cung cấp cho công trường. Sau đó cửa hàng lại bán ra theo sổ mua hàng của cán bộ công nhân viên trên công trường xây dựng thủy điện Hoà Bình trên sông Đà. Nhưng nhân viên của cửa hàng lại tuồn rau ra cửa sau, bán cho con buôn theo giá cao. Rau quả bị rò rỉ ra chợ đen rất nhiều. Tôi có bài thơ đăng trên báo Nhân Dân, số ra ngày 24/4/1983 tựa đề là Rau:

Ngày ngày ghé mắt trông ra

Cửa hàng rau quả sông Đà lạnh tanh

Quầy rau, không mớ rau xanh

Nhân viên vắng bóng, dân tình ngẩn ngơ

Chợ đen rau muống, cà chua

Con buôn chẹn cổ, người mua đứt lòng.

*     

Cảnh này ai biết cho chăng

Công trường, cả một công trường đói rau

Số người hàng vạn ít đâu

Sớm chiều vét túi làm giàu cho phe

Hỏi ngành thương nghiệp nghĩ gì!

Vì bài thơ này mà năm 1983, cửa hàng này mất lao động tiên tiến.

Nhà nhà nuôi lợn, người người trồng rau. Nhà anh Thành nuôi lợn. Tôi đưa chị Dung đến nhà anh Bấn lái xe ở bên khu Chăm Mát. Anh chị Bấn - Thu là anh em bên đằng vợ tôi. Anh chị để cho chị Dung một đôi lợn giống, giống lai kinh tế. Lại một lần khác, tôi đưa anh chị Ka - Quế vào nhà ông Thống mán, ở trong Đồng Chụa để mua lợn. Về nhà tôi, lợn xổng ra mất một con. Nó chạy lên đồi. Cả nhà tôi, cùng với anh chị Ka - Quế, quần đảo cả buổi chiều mới tóm được nó. Nghe anh Xưng ở Ngân hàng Trung ương kể chuyện về việc nuôi lợn của nhà anh, chúng tôi cứ há mồm ra mà nghe. Nhà anh chị chỉ có một gian tập thể ở tầng hai. Anh chị phải thu vén hiện trường cho thật gọn gàng và rất khoa học để lấy chỗ nuôi lợn. Ví dụ, chiếc khung xe đạp thì buộc treo dưới thang giường, chiếc tủ lạnh Liên Xô Salatop chỉ dành để chứa rau nuôi lợn. Hàng ngày giải quyết cái khoản đầu ra của lợn, từ tầng hai xuống dưới phải rất kín đáo, tế nhị, vì là khu tập thể. Anh Vương Quốc Trạch cũng nuôi lợn. Anh làm hẳn một cái chuồng rất vững chắc ở đằng sau cơ quan. Anh bắt chuột, làm mắm chuột cho lợn ăn. Anh đun cám lợn vào giữa giờ làm việc. Mùi mắm chuột xông sang cả phòng làm việc. Nấu cám lợn không cần dùng đến củi. Điện là điện của công trường, dùng thả phanh, mai xo mua từ Liên Xô, to như cái đũa. Thành ra nuôi lợn rất lãi. Cô Đỗ Thị Nga, ở bộ phận ngân quỹ, nuôi lợn mỗi tháng tăng trọng 30kg. Cả công trường đua nhau nuôi lợn và nấu rượu. Họ đua nhau ngốn điện của công trường theo cái kiểu “làm nghề gì ăn nghề ấy”.

Còn rau thì ai cũng phải trồng. Nếu không trồng thì không có cái gì để mà ăn. Tôi trồng được một cây đu đủ rất sai quả. Sau khi đi mổ dạ dày về, thì ai đã vặt trụi hết.

Mùa thu năm 1980, Ngân hàng Trung ương mở một lớp tập huấn dài ngày. Địa điểm ở Ngân hàng Kiến thiết tỉnh Hải Dương, do anh Trì là Chi nhánh trưởng.

Từ chiều hôm trước, anh Hứa sang nhà tôi. Nhà tôi ở bên khu Chăm Mát, cách cơ quan gần chục km, lại phải qua sông qua đò. Anh sang nhà tôi ngủ, để sáng sớm hôm sau hai anh em ra bến xe Chăm Mát, xếp hàng mua vé xe đi Hà Nội. May nhà tôi cùng tổ dân phố với nhà ông Bùi Văn Tiếu, là trưởng bến xe nên ông lấy hộ vé cho chúng tôi. Nhà có con gà, thịt để anh Hứa ăn. Về sau anh cứ nhắc mãi cái câu “Tôi vào nhà, anh chị thịt gà cho tôi ăn”...

Về Hà Nội, chúng tôi ở nhà khách của Bộ Tài chính. Vì mưa bão, xe tắc đường, chúng tôi phải chờ đợi mấy ngày. Trong những ngày nằm chờ đợi, anh Hứa kể chuyện với tôi về gia cảnh nhà anh. Trời tạnh, chúng tôi ra bến xe Kim Mã xếp hàng mua vé đi Hải Dương. Tôi cầm vé xe, bỏ vào túi ngực. Khi lên xe, người đông quá, chen lấn nhau thục mạng. Kẻ gian lấy cùi tay chẹn cổ tôi, nó móc lấy mất hai cái vé. Chúng tôi lại phải quay lại nhà khách, đến hôm sau mới đi được.

Về dự lớp tập huấn Ngân hàng Kiến thiết Trung ương có bác Phạm Mai là giám đốc. Bác Mai đã ký quyết định tiếp nhận tôi về Ngân hàng Kiến thiết sông Đà. Các anh chị ở Ngân hàng Kiến thiết Trung ương có anh Trương Công Phú, anh Nguyễn Văn Doãn, anh Trịnh Ngọc Hồ và chị Phùng Thị Vân Anh. Các Trưởng, Phó chi nhánh và trưởng phòng kinh tế kỹ thuật của các tỉnh phía Bắc như: Sơn La có bác Biền, phó chi nhánh, anh Đường là trưởng phòng kinh tế kỹ thuật. Anh Đường đẹp trai, lại có khiếu thể dục thể thao nên rất được các em bên thương nghiệp săn đón. Ở Hà Nam Ninh có anh Quân là phó chi nhánh. Anh Quân có cái điếu cày nên phòng của anh là trung tâm tụ hội của dân nghiện thuốc lào. Bác Biền tóc bạc trắng, rất chịu khó học bài, hôm nào cũng học tới khuya. Anh Canh là trưởng phòng kinh tế kỹ thuật Hà Nội. Anh giảng bài “thẩm tra dự toán”. Ở Hà Sơn Bình có anh Lộc Hà là trưởng chi nhánh và anh Trọng là trưởng phòng kinh tế kỹ thuật. Hôm khai mạc lớp học, bác Phạm Mai sau khi phát biểu lời khai mạc, xuống ngồi cạnh tôi, châm thuốc lá hút. Tôi chào bác bằng nụ cười biết ơn...

(Nguồn tư liệu: Sách "BIDV trong tôi",

xuất bản tháng 4/2012 – Nhà Xuất bản Hội Nhà văn)

Tác giả: Tống Đức Phát - Nguyên cán bộ BIDV Hoà Bình
Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}