Web Content Viewer
ActionsKhi chúng tôi đến Hội sở BIDV Hải Phòng, Giám đốc Ngô Đức Chiến đi học ngoài Đồ Sơn, anh bố trí Nguyễn Doãn Thịnh, Phó phòng HCTC tiếp và làm cầu nối với một số cựu lãnh đạo của Hải Phòng.
Thịnh dẫn chúng tôi đến nhà nguyên Phó giám đốc Trần Mai (thời kỳ 1979 - 1993), Phó giám đốc Đàm Kim Trường (2002 - 2013), Kế toán trưởng Nguyễn Thị Liên (1964 - 1997). Nói về “thời các cụ”, Thịnh có một câu rất thú vị: “Thời đó sống bằng tinh thần là chính, còn cái nghèo thì rất công bằng”. Một xã hội “nghèo công bằng” thì mới… lạ làm sao!
Chả thế mà khi đến nhà bác Trần Mai (vào Ngân hàng Kiến thiết từ 1960), bác say sưa kể cái thời bao cấp nghèo nàn, cả Chi hàng Kiến thiết có mỗi cái máy tính quay tay cho bộ phận kế hoạch. Nhưng mà sống vui. Thời đó bác Mai còn làm Thư ký Công đoàn, hàng năm lo bình bầu, bốc thăm từng đôi dép nhựa “Tiền phong”, từng cái săm, lốp xe đạp, cục xà phòng phân phối. Vừa làm nghiệp vụ cấp phát vốn, vừa tăng gia cải thiện đời sống. Tăng gia bằng cách nào? Bác Mai kể: “Xin đất nông trường Vinh Quang, Tiên Lãng cấy lúa. Trời ơi, mấy cô gái thành phố sợ đỉa, thấy đỉa lội ngoằn ngoèo là la hét, chạy tán loạn cả lên, phát khiếp! Tết nhất lại đến các nông trường quốc doanh xin mua nào lợn, gà, gạo nếp, đậu xanh… về cho anh em ăn Tết”.
Người cựu binh Trung đoàn 42 anh hùng chống Pháp, Nam sông Luộc, chuyên đánh phục kích dọc đường 5 Trần Mai cứ ngồi nhớ lại những Giám đốc Bùi Mai, Phó giám đốc Phan Chính, Bùi Phúc Trạch... Giờ các ông ấy ra đi cả rồi. Mắt ông nhìn xa xăm lãng đãng. Cái thời Ngân hàng Kiến thiết ấy đâu đó chưa tới ba mươi con người, một phần ba là cán bộ miền Nam tập kết. Sau 1975 thì các anh chị ấy về Nam, chắc cũng đi vãn cả… Một tiếng thở dài thảng ra.
Bao nhiêu năm công tác, bác Mai cho rằng mình hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bác là Phó Giám đốc quản lý nguồn vốn và tiền mặt. Những đồng vốn cấp thời kỳ tái thiết Hải Phòng và những năm đầu xây dựng CNXH với các công trình trọng điểm: Xi măng Hải Phòng, Cảng Hải Phòng, sân bay Cát Bi, đường quốc lộ 5, nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, Bến Kiền, Nhà máy cơ khí Duyên Hải, vốn cho nông nghiệp… đem lại một sắc thái mới, diện mạo mới cho thành phố Cảng.
Thực ra, nguồn vốn cấp chỉ đáp ứng một phần ba nhu cầu, nên nhiều lúc - bác Mai cười mỉm - cứ thoáng thấy bóng khách hàng là phải trốn cho nhanh. Nhưng có khi họ rình, đón đường “bắt sống” mình, thúc vốn cho bằng được, khổ thế cơ chứ. Anh em phải xuống “ăn nằm” với công trường mà thẩm định, giám sát, làm đến đâu cấp đến đó, không bừa bãi được.
Biết bao gian khó, hy sinh những năm thành phố Cảng bị bom đạn Mỹ cày xới… Bác rưng rưng: “Thật là vui mừng anh ạ, trình độ nghiệp vụ, công nghệ của cán bộ giờ tiến xa, máy tính thì mỗi người một cái, BIDV phát triển không ngừng, tự hào lắm!”. Bác phấn khích cho xem quyển sổ như nhật ký tóm tắt đời hoạt động ngân hàng của mình, kẻo sợ nay mai, lẫn chẳng hạn, biết còn cái gì. Bác cho xem cả các danh hiệu: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Chiến sĩ thi đua nhiều năm… vẫn những tác phong mộc mạc, chân chất đầy chất lính.
Câu chuyện cuộc đời một cựu binh chống Pháp, một trong những bậc tiền bối của Ngân hàng Hải Phòng còn lại cứ làm chúng tôi bâng khuâng về tình nghề, cảm phục tình người, tận tụy và thủy chung nơi ông. Cứ thế nghĩ ngợi mà đắng đót!
Một góc cảng Hải Phòng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
*
Trong câu chuyện quá vãng, nguyên Phó Giám đốc Đàm Kim Trường và Kế toán trưởng Nguyễn Thị Liên đều nhắc đến những người đầy cảm mến, nể phục về phong cách quản lý, tính năng động, sáng tạo và sâu sát qua các thời kỳ như bác Bùi Mai, Nguyễn Văn Doãn, Vũ Quốc Sáu.
Chị Liên bảo, chúng tôi lúc ấy toàn học vấn cấp hai, cấp ba. Cán bộ trưởng, phó phòng chủ yếu bộ đội chống Pháp. Xin việc dễ lắm. Như chị, được giao làm kế toán là do lãnh đạo cho thử viết chữ, thấy chữ đẹp thì cho làm. Chị cũng cảm mến anh Bùi Mai và anh Sáu là chân thành, tình cảm, năm nào cũng gặp gỡ cán bộ hưu trí.
Còn Trường, vốn đã sống qua tám đời giám đốc Hải Phòng. Với anh Nguyễn Văn Doãn, Chủ tịch HĐQT BIDV thì bảo: “Anh Doãn vốn là kỹ sư xây dựng, giống nghề đào tạo của tôi. Anh ấy có giọng sang sảng, sống rất có tình. Là người có công chèo chống để bảo vệ sự tồn tại và phát triển của BIDV. Khi xét duyệt cho vay bao giờ anh cũng chất vấn, dự án này làm cái gì, sản phẩm đó bán được không, bán ở đâu, có lãi không? Nếu không bán được thì làm thế nào, giải quyết rủi ro ra sao…?”. Còn với anh Sáu: “Ngay khi còn ở Hải Phòng, anh ấy là người tâm huyết với nghề. Anh em lên báo cáo việc gì, anh cứ để cho họ thoải mái nói, sau đó tóm lại và hỏi, “vậy có cho vay được không?”. Hỏi vậy, nhưng anh ấy tự đánh giá cái nào được, cái nào chưa được. Nếu làm thì bỏ điều này, nên điều kia. Anh Sáu thường bảo, anh em báo cáo lãnh đạo phải lắng nghe, nghe để biết năng lực cán bộ thế nào. Nghe cũng là để học anh em, nắm bắt doanh nghiệp, từ đó phân tích, đánh giá cách làm thế nào cho hiệu quả”.
- Vậy điều gì của anh Sáu làm anh ấn tượng nhất? - Tôi hỏi Trường.
- Về nghiệp vụ, anh ấy luôn cân nhắc, cho vay phải xem kỹ nguồn thu của doanh nghiệp có bảo đảm trả nợ được không, nếu không thì xử lý cách nào? Anh ấy bảo, làm lãnh đạo phải có uy tín, nhưng trước hết phải có chữ tín. Đây là điều tôi nhớ và học được từ anh Sáu.
Tất nhiên, với anh Sáu, chúng tôi còn phải trở lại Hà Nội. Có cậu Bình đây vừa là cháu, vừa lái xe cho anh Sáu từ ở Hải Phòng. Tôi vừa nghe Bình thông báo: “Chú Sáu đang vào nằm Bệnh viện E, đợi một giáo sư Hàn Quốc sang đặt ống ten”. Ồ, thế thì sau Hải Phòng, Quảng Ninh thế nào chúng tôi cũng phải vào thăm anh Sáu ở bệnh viện rồi, anh là người của BIDV Hải Phòng mà.
Anh Trường kể rằng, những năm 80, là những năm nhộn nhạo của đất Cảng. Đó là thời kỳ nước ta khủng hoảng kinh tế - xã hội. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước ở Hải Phòng hầu như đổ bể hết. Nhưng Hải Phòng lúc ấy cũng được cho là năng động, với sự chuyển hướng, lấn biển làm ăn. Nên nhà thơ Tố Hữu mới có thơ Mừng Hải phòng: “Bốn cống, ba cầu, năm cửa ô/ Đào kênh, lấn biển mở cơ đồ/ Làm ăn hai chữ, à ra thế!…”. “À ra thế” là sự vỡ vạc, ngỡ ngàng nhận ra tín hiệu làm ăn khác của tiền đổi mới, chứ cứ “Pháo đài cấp huyện” mãi thì cố thủ bao cấp, quan liêu mệnh lệnh à?
Nhớ lại những ngày ấy và liên hệ nghề của mình, Trường cho rằng anh sống thoải mái, điềm đạm nên được anh em quý. Anh xử lý các công việc quản trị vào cuối chiều, lúc ấy bình tĩnh hơn để xem xét. Chữ “nhẫn” mà Trường cho rằng, cả quá trình chiêm nghiệm mới chế được mình. Nhưng nếu có vụ việc gì gay cấn với khách hàng là Trường lại được cử giải quyết. Mà anh phụ trách thẩm định, các phòng giao dịch, xây dựng cơ bản, Hội đồng chất lượng… hầu như không làm việc với khách hàng.
Như vụ một khách hàng hung hãn ép vợ đến rút tiền để đưa cho hắn tiêu, ầm ĩ cả cơ quan, các giao dịch viên sợ xanh mắt. Hay vụ phát hiện một trái phiếu, nghi giả vậy mà chủ trái phiếu kéo mấy người sừng sộ đến đòi lại trái phiếu. Anh Trường vừa khéo léo vừa kiên quyết, mời họ vào làm việc đàng hoàng: “Chúng tôi đã mời ngân hàng Trung ương, mời Bộ Công an xác minh trái phiếu này. Bây giờ các anh phải chờ cơ quan cấp trên xác minh. Nếu lẽ phải thuộc về các anh thì ngân hàng chúng tôi bảo đảm quyền lợi cho các anh”. Ấy là chưa kể thỉnh thoảng lại xảy ra vụ những ông “ngáo đá”, say rượu đòi… vay tiền, chất vấn ngân hàng sao không cho dân vay.
Trường bảo, đó là những kỷ niệm không thể quên, là kinh nghiệm của phép ứng xử “rút lửa đáy nồi”, biến hung thành cát.
Giám đốc Ngô Đức Chiến chỉ tranh thủ tiếp tôi vào cuối chiều khi anh từ lớp học chính trị về, tại cà phê Fantasy gần cơ quan, lúc đó đã 18 giờ. Thịnh bảo ngay sau đó Chiến lại có cuộc gặp khách hàng.
Chiến bảo: “Anh thấy đấy, nghề ngân hàng thương mại bây giờ quay như chong chóng”. Hầu như chưa hôm nào Chiến về nhà trước 8 giờ tối.
Hỏi vợ có ghen không? Chiến ngập ngừng, “chắc có… nhưng chán không alo vì mãi thế rồi. Em bèn mặc định là không ăn cơm, hôm nào ăn mới gọi”.
Chiến bảo, Hải Phòng chắc khó viết anh nhỉ? Ví dụ khoán 10 đi đầu nhưng lại chậm lớn hơn các tỉnh khác, so Quảng Ninh chẳng hạn. Quảng Ninh bây giờ phát triển nhanh lắm. Hải Phòng phố xưa thế nhưng mới chỉ có khách sạn 4 sao. “Anh biết không, cả Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh là các đại gia người Hải Phòng đấy”. Tôi cũng ngờ ngợ, ý Chiến nói như vậy là Hải Phòng chưa năng động chăng?
Nhưng Hải Phòng vẫn là địa phương thu ngân sách trong tốp đầu cả nước. Còn với BIDV, dù không ít khó khăn do phải tách thêm một vài chi nhánh với gần 100 cán bộ thuyên chuyển nhưng còn lại 161 con người ngày càng trẻ hóa, 7 phòng giao dịch và Hội sở. Trước đây, đầu tư lớn nhất của Hải Phòng là vận tải biển. Từ sau 2010 ưu tiên cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phương châm hiện nay của của Hải Phòng là không chạy theo tăng trưởng nóng, tiếp tục hoàn thiện và phát triển bán lẻ tại Chi nhánh.
Chiến không nói về các con số nhưng tôi biết Hải Phòng đã kế thừa thành tựu của những lớp người đi trước, không phải qua các Huân chương Lao động, Huân chương Độc lập… mà qua nhiệt huyết, kể cả những buồn vui của những con người đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội Thành phố Cảng, Thành phố bao năm kiên cường trụ vững bên bờ sóng, mở cánh cửa hội nhập với Thế giới.
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0849351080/ 0822808588/ 0842152355/ 0766151080/ 0763238588/ 0784132388/ 0358201080/ 0357638588/ 0334282388
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng