Web Content Viewer
ActionsDuy Sơn 2 có trạm thuỷ điện nhỏ từ năm 1983, điều này cả nước đều biết. Duy Sơn 2 đưa điện về thắp sáng đến tận từng hộ dân, cả lương lẫn giáo, cũng đã được hàng trăm hợp tác xã nông nghiệp ở Quảng Nam - Đà Nẵng mười năm trước mơ ước. Điều muốn nói hôm nay là Duy Sơn 2 đã đưa nguồn điện phát ra từ con suối Cái trong rặng núi ở phía Tây Duy Xuyên ấy vào phục vụ đời sống và sản xuất như thế nào. Phạm Văn Du - trưởng ngành tiện của hợp tác xã giới thiệu thêm cho tôi biết về việc khai thác nguồn điện:
- Cái sân gạch này, bây giờ là sân tập thể dục hàng ngày cho chị em công nhân. Còn mấy cái kho kia đã được tân trang. Kho vật tư trở thành phân xưởng cắt may. Kho lúa trở thành phân xưởng hoàn thành. Đây là chị Nguyễn Thị Hồng, trước là kế toán hợp tác xã nay là tổ trưởng tổ hoàn thành. Kho sắn, đậu, nay là phân xưởng giao nhận sản phẩm dệt. Đây là anh Nguyễn Đình Dương, từ kế toán nay là phụ trách ngành may… Còn đây là phòng đặt vi tính. Bộ phận Văn phòng dồn lại giành một nửa diện tích nhà hành chính trước đây cho việc sản xuất công nghiệp nhẹ…
Về Duy Sơn 2 mà không hỏi lại hoạt động sản xuất nông nghiệp là thiếu sót bởi vì đó là cái bắt đầu cho Duy Sơn 2 đi lên, đó còn là cơ sở để khẳng định một mô hình HTX ở nông thôn tồn tại và phát triển được. Tại sao nó tồn tại và phát triển trong lúc hàng trăm HTX đã vươn lên loại khá dần dần không phát huy tác dụng?
Năm 1995 đạt 3498 tấn lương thực đạt 99,52% kế hoạch, tăng 0,89% so với 1994. Tổng đàn trâu 214 con, bò 269 con, lợn 2377 con, vịt thời vụ 3600 con, trồng 54,4 hecta rừng và 30 ngàn cây phân tán. Chi 7.896.000 đồng cho công việc chống hạn.
Trong những lúc kết quả của sản xuất nông nghiệp, của cây lúa, cây màu, cây rừng trên các gò đồi và trên sườn núi những năm sau này có tác dụng tích cực của nguồn thuỷ điện.
Theo thiết kế ban đầu, trạm thuỷ điện nhỏ Duy Sơn 2 có công suất là 400 KW/h. Từ 25/01/1984, nguồn điện ban đầu này phát huy tác dụng tích cực vào sản xuất thì Duy Sơn 2 thấy rằng phải xin đầu tư, nâng cấp để khai thác tối đa sức mạnh của nguồn nước dồi dào này chảy ra tưới lúa, tưới khoai…
Một dự án kinh tế - kỹ thuật nhằm tăng thêm một máy phát điện tuốc bin có công suất 800 KW đưa công suất nhà máy thuỷ điện Duy Sơn 2 lên 1200 KW được thiết lập.
Vấn đề đặt ra là, nguồn vốn đâu để thực hiện Luận chứng kinh tế - kỹ thuật nâng cấp này lên tới 1 tỷ 406 triệu đồng. Quỹ của HTX và sức xã viên chỉ được 400 triệu đồng. Sở dĩ phải đặt câu hỏi này vì lúc bấy giờ - vào năm 1990 - nguồn vốn Ngân hàng Nhà nước cho vay với lãi suất thấp rất hiếm, chỉ cho các cơ sở sản xuất quốc doanh vay và gần như không dám cho các đơn vị ngoài quốc doanh vay, huống chi, đây là một HTX sản xuất nông nghiệp, lại vay với một lượng tiền lớn.
Trong một tờ trình của HTX trình lên UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng xin vay của Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng (Nay là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển) 500 triệu đồng, tôi thấy không những có 7 con dấu tròn, đỏ chót mà còn có 3 ý kiến viết tay của ba nhân vật quan trọng lúc bấy giờ ở Trung ương.
Ý kiến đồng chí Phan Văn Khải, lúc ấy là Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước “Kính chuyển anh Trần Đức Lương, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng: Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước đã có văn bản đề nghị cho HTX Duy Sơn 2 vay vốn làm thuỷ điện. Đây là nhu cầu rất bức bách, đầu tư vào sẽ đem lại hiệu quả lớn. Theo tôi biết, các đồng chí bên Ngân hàng Đầu tư còn nhắc về các nguyên tắc là chưa có chủ trương cho HTX vay trong số vốn 300 tỷ đồng. Đây là trường hợp cần ưu tiên. Tôi đã đến tận nơi xem xét, HTX Duy Sơn 2 có khả năng hoàn trả vốn và lãi. Có sự bảo lãnh của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đề nghị anh giải quyết yêu cầu vay vốn của HTX Duy Sơn 2”.
Sau khi đọc, đồng chí Trần Đức Lương ghi “Kính chuyển xin ý kiến đồng chí Sáu Dân” Đồng chí Võ Văn Kiệt, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ghi bên lề tờ trình: “Như đã kết luận hôm 25-4, tập trung vốn cho các công trình trọng điểm và cho công trình khôi phục sản xuất. Các công trình phi sản xuất kiên quyết cắt. Nếu thật cần thì vay Ngân hàng, lãi suất bình thường (do Ngân hàng xem xét). Trường hợp này là cho nhu cầu sản xuất, chỉ còn lãi, Ngân hàng và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước xem xét và giải quyết”.
Tôi nói với Nguyễn Quang Thử và Phạm Văn Du, thời đó mà thầy trò các anh lặn lội ra tới Hà Nội chầu chực cho được những ý kiến này thật là kỳ công. Xin kính phục!
Cầm được một văn bản chắc nịch này trong tay, Lưu Ban cùng hai cộng sự đắc lực Thử và Du mừng như được vàng. Song đêm nằm không ngủ được họ nghĩ bằng cách nào đây nhanh chóng biến cái tờ trình vĩ đại này thành tiền, thành máy phát điện, thành đường dẫn nước…
Bây giờ 500 triệu đồng Việt Nam không có gì lạ, những nhà tư sản mới, trẻ có cả 500 triệu đô la kia. Nhưng lúc đó, với một hợp tác xã nông nghiệp thì lớn lắm, lớn đến mức những người ký tên, đề nghị cho vay đều lo hợp tác xã không có khả năng chi trả, sợ rồi họ cũng chạy như hàng loạt đơn vị quốc doanh… Năm 1990, giá 1kg lúa là 300đ; 500 triệu đồng mua được 1.666 tấn lúa, tức là bằng một nửa tổng sản lượng lương thực hợp tác xã Duy Sơn 2 làm ra trong một năm được mùa!
Người mà ba thầy trò Lưu Ban cần gặp cho được lúc này là đồng chí Nguyễn Văn Doãn, lúc đó là Phó Tổng giám đốc thường trực Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng, bởi vì khi mang tờ trình đến bộ phận chức năng để làm thủ tục cho vay thì các cán bộ ở bộ phận này chỉ có thể cho vay trong giới hạn 300 triệu đồng! Đồng chí Doãn nói đùa với Lưu Ban: nếu anh không có giấy chứng nhận gì giá trị hơn nữa thì anh đưa giấy chứng nhận Anh hùng lao động cho tôi làm bảo lãnh, để chúng tôi cho anh vay đủ 500 triệu đồng.
Lưu Ban mừng đến rơi nước mắt.
Ôi! Một quyết định táo bạo mà đúng đắn đã làm lợi cho người dân Duy Sơn - Duy Xuyên biết bao nhiêu!
Trong Đại hội xã viên, kỷ niệm 10 năm ngày thành lập hợp tác xã (06/10/1978 đến 06/10/1988), hợp tác xã đã biểu dương 1860 lao động tiên tiến, 256 xã viên xuất sắc, 52 chiến sỹ thi đua, 8 đơn vị và tập thể tiên tiến xuất sắc. Đây là một phong trào lao động xã hội chủ nghĩa mà hợp tác xã Duy Sơn 2 đã đạt được sau 10 năm xây dựng.
Đại hội xã viên năm 1992, lúc chủ nhiệm Lưu Ban tròn 65 tuổi, sức lại yếu, đau ốm liên miên, vì vậy Đại hội nhất trí bầu Nguyễn Quang Thử, nguyên là kế toán trưởng, rồi phó chủ nhiệm, lên làm chủ nhiệm thay cho Lưu Ban được nghỉ, làm vai trò cố vấn.
14 năm làm chủ nhiệm, bên cạnh Lưu Ban là những cộng sự trẻ, có năng lực và trung thành, vì vậy hoạt động của hợp tác xã năng động và đạt hiệu quả. Điều tuyệt diệu là Lưu Ban cùng bà con xã viên đã hợp sức làm cho những cánh đồng còi cọc luôn bị khô hạn mất mùa thành những cánh đồng cao sản, đưa các đồi trọc hoang hoá thành những đồi cây xanh mát, biến những đêm dài bên ngọn đèn dầu heo hắt thành những đêm vui với ánh đèn ne-ông sáng rỡ.
Tôi hỏi chủ nhiệm Nguyễn Quang Thử, hợp tác xã vay một số tiền lớn như vậy để làm thuỷ điện, trong khi hợp tác xã vẫn phát triển nông nghiệp mà cũng là thuần nông, liệu có trả nợ nổi không, trả bằng cách nào? Thử nói cho tôi phương trình trả nợ: Thời gian vay 30 tháng kể từ tháng 051990, như vậy phải trả nợ đúng 30 tháng, bắt đầu từ tháng 01/1991. Đến kỳ, mỗi tháng trả nợ 17,2 triệu, hàng quý trả 51,6 triệu và một năm phải trả 206,6 triệu nợ. Và đến 31/05/1994, hợp tác xã trả xong nợ, theo đúng hợp đồng vay, dĩ nhiên là không dễ dàng chút nào, bởi cùng một lúc, hợp tác xã phải nộp thuế tài nguyên, thuế doanh thu và thuế lợi tức theo luật định. Hợp tác xã hoàn thành nợ, các anh ở tỉnh, ở trung ương rất mừng, các anh chị ở Ngân hàng rất tin, nhờ vậy sau đó hợp tác đi vay tiền, không đòi hỏi gì.
Tôi xem bảng thu tiền của hợp tác xã từ 25/11/1995 đến 25/12/1995 ở các đơn vị mua điện của hợp tác xã gồm: trạm Ươm tơ, Trạm chợ Võ, Trạm Vạn buồng, Trạm 1 Duy Trinh, Trạm 2 Duy Trinh, Hồ dệt Duy Xuyên, Nông súc sản Duy Xuyên, trạm máy kéo Duy Xuyên, với mức giá 1 kw trên dưới 526 đồng, hơn giá điện sản xuất ở Đà Nẵng, thu được 66.024 đồng.
Năm 1995 dù nắng hạn kéo dài, công suất điện mùa hè thấp vẫn đạt 1.950.315 kw đạt 88% so với kế hoạch, doanh thu 692.409.253 đồng.
Khi bắt tay làm thuỷ điện, Duy Sơn 2 làm gì có thợ điện, khi tổ máy phát điện, bất kỳ một hỏng hóc nào cũng phải chạy ra Đà Nẵng mời thày, rước thợ. Bây giờ thợ điện con em của Duy Sơn có thể điều hành và xử lý mọi ách tắc, giữ cho hai tổ máy chạy cả ngày thâu đêm, suốt tháng, suốt năm, cả mùa khô lẫn mùa mưa, đưa nguồn điện của hợp tác xã Duy Sơn 2 hoà vào lưới điện quốc gia.
Từ những người nông dân chân lấm tay bùn chỉ biết dùng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu và cày máy, họ đã tạo ra lớp người công nhân công nghiệp quả là một bước tiến đáng kể, không chỉ chuyển đổi cung cách làm ăn mà còn chuyển đổi lớn trong cách nghĩ, cách sống của một vùng dân cư rộng lớn…
Tôi hỏi Lưu Ban: bây giờ hợp tác xã Duy Sơn 2 có bao nhiêu hộ dùng ti- vi, Lưu Ban bảo: ti-vi là bình thường. Đáng lẽ anh phải hỏi, có bao nhiêu tủ lạnh, bao nhiêu máy giặt… Thật thú vị với câu trả lời của Lưu Ban. Tôi hỏi thầm: Vậy thì ta, có bao nhiêu Honda? Lưu Ban lại nói, anh phải hỏi có bao nhiêu Dream, Honda thì rất nhiều.
Riêng các hoạt động ngành nghề, năm 1995, hợp tác xã lãi 164.941.996 đồng. Trong số này, nộp thuế lợi tức 20.008.190 đồng chia theo cổ phần xã viên, giành cho quỹ phát triển sản xuất 46.774.806 đồng, quỹ công ích 40.186.000 đồng trong đó trích ngân sách xã viên 20.400.000 đồng. Hợp tác xã chi trợ cấp cứu tế, mai tang, đường giao thông, giúp ủng hộ các đoàn thể, đóng góp tu sửa nghĩa trang liệt sỹ, hỗ trợ các Bà mẹ Việt Nam anh hùng…
Lưu Ban nằng nặc không cho tôi về Đà Nẵng, bảo ở lại một đêm với Duy Sơn 2 để chứng kiến cảnh núi rừng của Duy Sơn, đã có điện thay sao, để tôi được đi giữa Duy Sơn 2 dưới ánh đèn cao áp sáng rực, nhìn anh chị em thanh niên, thiếu niên vui chơi, ca hát và tình tự… nhìn một nông thông đang hoá phố phường.
Lâu nay ta nghe nói, cố đưa nông thôn tiến kịp thành phố. Tôi nghĩ đó là một mơ ước còn xa, một lời vẫy gọi để thúc đẩy xã hội tiến lên. Sức phát triển theo chiều hướng của Duy Sơn 2 cho ta sự so sánh hai nơi vốn xa xôi này trở nên gần lại và hiện thực, một sự so sánh không mấy khập khiễng.
Buổi sáng khi thăm lại nhà máy thuỷ điện nhỏ nằm khiêm tốn dưới sườn núi chúng tôi không thể không dừng lại chiêm ngưỡng vẻ đẹp thuần khiết của thiên nhiên, có chút ít bàn tay con người vuốt ve, chăm sóc và cũng chưa bị con người làm ô nhiễm - nước trong veo róc rách chảy ra từ trong các vách đá - Nước cũng trong veo như thế rì rào uốn quanh theo con mương ngoằn ngoèo, sau khi qua bể áp lực, qua hai tổ máy, chảy xuống chân núi tạo thành một hồ nước lớn trong xanh trước khi chảy ra cánh đồng lúa Hóc chợ, Hóc Bính, Đồng Eo, Đồng Cau… Nắng lên, nước reo như nước gọi…
Những cây phi lao, thông Ca ri bê, keo lá tràm vút lên mơn mởn giữa cây rừng đủ loại, dựa vào, chen chân với triệu triệu tảng đá đen sù sì, ngổn ngang tự lòng khe lên tận đỉnh núi… Tất cả cây, đá, nước và công trình thuỷ điện tạo thành một vùng non nước hữu tình, đầy sức hấp dẫn, sẵn sang chào đón bất cứ ai.
(Nguồn tư liệu: Sách “Những kỷ niệm khó quên”,
xuất bản tháng 4/2007 - Nhà Xuất bản Lao động)
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0849351080/ 0822808588/ 0842152355/ 0766151080/ 0763238588/ 0784132388/ 0358201080/ 0357638588/ 0334282388
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng