Web Content Viewer
ActionsCòn nhớ, một ngày đầu tháng 01/2006, tôi và một phóng viên chuyên ngành được Ban biên tập Báo Nhân Dân cử đi công tác tại tỉnh Sơn La tìm hiểu thực tế về hiệu quả của nguồn vốn tín dụng đầu tư, hỗ trợ chính sách góp phần chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh tại vùng đất còn nhiều khó khăn này.
Được các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh và Ban tuyên giáo tỉnh ủy Sơn La tiếp đón và giới thiệu từ chiều hôm trước, thì sáng ngày hôm sau chúng tôi về làm việc với BIDV chi nhánh Sơn La. Chị Phạm Thị Kim Dung, Giám đốc và anh Lê Văn Quyên, Phó giám đốc chi nhánh vui vẻ, trịnh trọng tiếp đoàn phóng viên báo Đảng Trung ương. Những câu hỏi liên quan đến chủ đề công tác được nêu ra đều được ban lãnh đạo chi nhánh trả lời, cung cấp đầy đủ, thậm chí còn có đôi lời bình luận, kiến nghị về một vài vấn đề mà trong thực tế vận hành chưa thuận buồm xuôi gió. Sau đó, đích thân Giám đốc Kim Dung lên xe dẫn chúng tôi đi khảo sát thực tế, hỏi chuyện một số khách hàng vay vốn.
Đơn vị đầu tiên và cũng là một trong những khách hàng đã để lại dấu ấn trong bộ nhớ của chúng tôi trong chuyến đi công tác đó là Công ty TNHH Thanh Tùng. Được biết, Giám đốc Thanh Tùng vốn là một kỹ sư thuộc ngành giao thông - xây dựng, sinh ra và lớn lên ở một mảnh đất hiếu học miền Trung, khi nền kinh tế thị trường được mở ra, có chút vốn tự có, anh vay thêm vốn BIDV để kinh doanh tổng hợp: xây dựng, chăn nuôi bò thịt nhập ngoại, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, lập trường nuôi dạy trẻ có hoàn cảnh khó khăn, dịch vụ thương mại, nhà nghỉ… Năm 2003, Công ty đã mua 250 con bò (chủ yếu là bò lấy thịt) từ Úc, đưa về thuê nhân dân nuôi tập trung. Công ty hỗ trợ vốn để nông dân ở Bản Sà Và khoanh vùng trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Thịt bò được đăng ký thương hiệu AuSB, đạt tiêu chuẩn VSATTP Châu Âu, có đại lý bán tại đô thị mới ở Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội. Doanh nghiệp có nguồn thu khá ổn định. Bình quân mỗi năm ngoài cỏ nông dân tự lo, công ty còn mua trên dưới 400 triệu đồng sản phẩm phụ mà trước đây bà con đồng bào các dân tộc vứt bỏ để nghiền bột làm thức ăn cho bò như lõi ngô, củ sắn già, rơm, rạ… Nông dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, đời sống được cải thiện từng bước thoát nghèo, ai cũng phấn khởi. Vì vậy, cứ mỗi lần Giám đốc Tùng đến khảo sát trại nuôi bò ở bản Sà Và là bà con trong bản chạy ra chào đón thân mật và trịnh trọng như đón một cán bộ lãnh đạo từ tỉnh, Trung ương về… Chúng tôi không có đủ thời gian đến khảo sát các công trình, dự án nhỏ, các trang trại trồng cây công nghiệp khác trong đợt đi công tác lần ấy nhưng được biết, Giám đốc Thanh Tùng là một trong năm khách hàng kinh doanh, quản lý giỏi của tỉnh Sơn La, được BIDV mời về Hà Nội gặp gỡ đầu xuân với các tỉnh thành phố khu vực phía Bắc.
Hôm sau, Phó giám đốc Quyên đưa chúng tôi đi thăm công trình thủy điện Sơn La được khởi công ngày 02/12/2005 - là nhà máy có công suất 2400 MW, lớn nhất trong năm nhà máy thủy điện đã, đang và sẽ xây dựng theo quy hoạch trên dòng chảy sông Hồng. Chúng tôi đến khảo sát thực tế công trình thủy điện Sơn La vào dịp chuẩn bị chặn dòng. Con đập cao, to và dài nằm như một dãy núi chặn ngang sông. Cần cẩu, máy ủi đất cứ gật gù đào xúc trên núi. Xe trọng tải lớn cứ ngược xuôi, vào ra. Xe lu cứ gầm gừ lăn bánh. Một thoáng tham quan, chúng tôi rời đại công trình, đi gặp các gia đình đồng bào dân tộc thuộc các thôn bản tái định cư được dời về nơi ở mới dưới chân đèo Cao Pha và các huyện Quỳnh Nhai, Mường La.
Thủy điện Sơn La nằm trên sông Đà tại xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La do BIDV cho vay vốn xây dựng
Phần lớn, đây là những “thượng đế nghèo” đang được Nhà nước và các ngân hàng thương mại trên địa bàn, nhất là hai ngân hàng chủ lực là BIDV và Ngân hàng Nông nghiệp cấp vốn tín dụng sản xuất kinh doanh, xây dựng nhà mới, mái ngói mái tôn đỏ xanh lấp lánh, nuôi con ăn học xa nhà… Vất vả nhưng vì lợi ích quốc gia, vì sự ra đời của một nhà mát thủy điện lớn nhất nước đặt trên dòng sông chảy quê hương mình cho nên bà con dân bản ai cũng vui lòng, sẵn sàng hy sinh mọi quyền lợi riêng. Theo đó là được sự động viên, tài trợ, giúp đỡ của Đảng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, trong đó có BIDV, ai cũng yên tâm cố gắng làm ăn phát đạt, ổn định đời sống.
Một trong nhiều hộ, tiêu biểu cho mô hình đó là gia đình ông Lù Văn Trâm từ bản cũ Vịa Kướn năm 2005 rời lên bản mới Hoa Ban, thuộc xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai. Nơi ở cũ, trồng lúa, thường thu 3 tấn lúa nếp/năm. Nay lên bản mới, không có đất lúa thì trồng ngô, nuôi gia súc, gia cầm làm hàng hóa. Hơn một năm, sau khi đã chi 10 triệu đồng cho con học lái xe ô tô, ông Trâm còn gửi 20 triệu đồng tiết kiệm ở ngân hàng. Hoặc như chủ hộ Quảng Vản Lả, trưởng bản Phiêng Bủng, xã Mường Pú, huyện Mường La… đã gương mẫu di dời nhà ở sau cùng, khi bà con trong thôn, bản đến chỗ ở mới ổn định mình mới thu dọn tài sản “lên đường” cho nên nhà cửa hoàn thiện chậm hơn. Cả bản mới Phiêng Bảng có tám đảng viên (2006). Ai cũng luôn nêu cao tinh thần gương mẫu mọi mặt cho bà con trong bản, đoàn kết nương tựa nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, cuối năm 2005, trong đợt về thăm, đồng chí Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng đã tặng bản Phiêng Bủng một chiếc tivi màn hình phẳng 29 in. Nhiều khu tái định cư ở Sơn La nối đuôi nhau kéo dài như một dãy phố mới ở miền xuôi.
Rồi mới đây, dịp đầu tháng 02/2010, BIDV lại tổ chức tiếp cho các nhà báo một chuyến đi lên thăm, tặng quà và hỗ trợ tiền đón tết Canh Dần cho bà con nghèo huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La - một trong 62 huyện nghèo nhất nước. Được đi khảo sát thực tế lần này, tôi mới có cơ hội biết sâu hơn về Sốp Cộp: một huyện miền núi vùng cao, vùng xa và rất trẻ vì mới được tách ra từ huyện Sông Mã từ ngày đầu năm 2004. Sốp Cộp là tiếng nói của đồng bào dân tộc, là nơi gặp gỡ của ba con sông lớn đầu nguồn Nậm Ca, Nậm Bản và Nậm Lạnh. Chính nơi gặp đó đã ra đời nhà máy thủy điện Nậm Công, công suất 18MW…
BIDV trao quà Tết tại huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La
Đúng sáng 04/02, Huyện ủy, UBND huyện Sốp Cộp long trọng tổ chức “Lễ bàn giao nhà Đại đoàn kết và tặng quà tết Canh Dần cho người nghèo”. Chủ tịch UBND huyện Lò Quân Hiệp, dân tộc Thái, phấn khởi công bố trước đại chúng về việc hoàn thành chương trình xóa nhà tạm theo Quyết định 167/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ và nguồn vốn hỗ trợ của BIDV năm 2009 cho huyện nhà. Tất cả mọi người dự lễ đều đứng dậy vỗ tay, ca hát. Lãnh đạo BIDV Trung ương và địa phương, cũng như các phóng viên báo chí có mặt hôm đó được chứng kiến niềm vui vô bờ bến của huyện nghèo Sốp Cộp trước bước khởi điểm thoát đói nghèo bền vững.
Ngay sau buổi lễ, đoàn cán bộ BIDV Trung ương và địa phương cùng các nhà báo lên xe ô tô ngược bản Huổi Dồm, xã Dồm Cang giáp huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, cách thị trấn Sốp Cộp gần 10 km. Lãnh đạo BIDV thăm và tặng quà tết cho hộ nghèo Lò Thị Biên, đã làm được căn nhà mới sàn gỗ, tổng chi phí hết 20 triệu đồng, trong đó BIDV hỗ trợ ba triệu đồng, ngân sách Trung ương cấp bảy triệu, vay ngân hàng chính sách tám triệu đồng, còn lại là ngân sách tỉnh; Thăm bà Lò Thị Hặc, không có chồng, bị câm từ lúc bẩm sinh, ở nhờ bố mẹ. Nhờ các thành viên BIDV hỗ trợ hơn 20 triệu đồng, cùng sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể địa phương, anh em láng giềng thôn bản, bà Hặc đã dựng được căn nhà nhỏ ba gian, mái lợp ngói phi-bro-xi-măng khá đẹp. Đó là một nguồn động viên lớn cho người phụ nữ tàn tật, độc thân, giảm gánh nặng cho cụ thân sinh bà Hặc, đang đại thượng thọ 102 tuổi đời… Đón đoàn, bà Hặc cứ đứng im nhìn, còn bà con trong bản Huổi Dồm vây quanh thì kẻ cười, người khóc. Khóc, chính là do vui sướng quá mà thôi.
“Phố mới” của thôn bản Sơn La ngày nay bắt đầu đổi đời là thế.
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0849351080/ 0822808588/ 0842152355/ 0766151080/ 0763238588/ 0784132388/ 0358201080/ 0357638588/ 0334282388
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng