Web Content Viewer
ActionsẤn tượng đầu tiên của tôi khi tiếp xúc với anh là anh thật hiền và dễ gần. Tôi có cảm giác như anh cũng được sinh ra trên vùng quê nào đó của mảnh đất hình chữ S này, mà nếu không nói thì có lẽ cũng chẳng ai bảo anh không phải là người Việt vì anh nói tiếng Việt giỏi quá, rõ ràng, đúng ngữ điệu và biểu cảm. Trong suốt cuộc trò chuyện với tôi, anh hay nhắc đến gia đình. Có lẽ nỗi nhớ nhà, nhớ ba đứa nhỏ không lúc nào thôi day dứt trong trái tim anh...
Năm 1970, trên đất bạn Lào, chiến tranh bắt đầu leo thang ác liệt, trong đoàn người sang Việt Nam lánh nạn lúc ấy có gia đình cậu bé BuaVăn. Mới 9 tuổi nhưng cậu tỏ ra rất bạo dạn, thường rủ các anh chị đi chơi đến các làng người Việt ở gần. Cũng vào thời gian này, Việt Nam có chính sách đào tạo nguồn nhân lực để xây dựng đất nước sau chiến tranh giúp nước bạn, và may mắn thay, cậu bé BuaVăn đã được lựa chọn vào lớp học sinh đầu tiên ấy. Rồi chiến tranh tạm lắng xuống, cả gia đình về nước chỉ còn mình BuaVăn ở lại học. Anh bảo: “Lúc ấy ở với toàn người lạ nhưng chẳng thấy sợ, chỉ nhớ nhà, nhớ bố mẹ thôi.” Học xong phổ thông, BuaVăn theo học tiếp Đại học Tài chính - Kế toán ở Phúc Yên. Vì điều kiện đi lại khó khăn nên trong hơn 10 năm theo học tại Việt Nam ấy, anh không về thăm nhà, kể cả dịp lễ tết. “Tôi đã ăn 10 cái Tết Việt, bánh chưng với thịt mỡ dưa hành quen lắm rồi!” - BuaVăn nói.
Lễ chuyển giao và tiếp nhận 2 chi nhánh từ Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (LVB) về BIDV
Tốt nghiệp, anh về nước, đi làm ở một vài nơi rồi quyết định “dừng chân” tại Ngân hàng Ngoại thương Lào. Năm 1999, trên cơ sở sự hợp tác giữa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với Ngân hàng Ngoại thương Lào - (BCEL), LVB ra đời, anh được điều chuyển sang làm Trưởng phòng Kinh doanh tại Hội sở chính. Vì là ngân hàng liên doanh nên cán bộ của LVB thường xuyên phải luân chuyển từ Viên Chăn đi các chi nhánh; và tháng 04/2003, đến lượt anh được cử sang công tác tại Hà nội.
Thời gian đầu, anh kiêm luôn cả vai trò phiên dịch viên cho những đoàn khách cao cấp của Lào, rồi văn bản Hội sở chính mỗi lần đưa sang là một lần anh phải dịch lại. Với vai trò Phó Giám đốc, anh thường xuyên động viên giúp đỡ anh em. Đặc biệt, đối với những đồng nghiệp người Lào cùng sang công tác, anh đã trở thành chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy. Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt giữa các tổ chức tín dụng như hiện nay, công việc của những cán bộ ngân hàng như anh càng thêm bận rộn và nhiều sức ép. Dù vậy, anh luôn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sự nỗ lực của những cán bộ như anh đã mang lại cho chi nhánh kết quả đáng khích lệ: tăng trưởng ổn định, tín dụng an toàn, các hoạt động kinh doanh khác đều đạt kế hoạch đề ra...
Từ khi sang Hà Nội, anh thuê một căn nhà nhỏ làm chỗ đi về. Hàng ngày, hết giờ làm việc về anh lại tự mình cơm nước, “Khi nào ngại thì ăn cơm bụi, ở một mình cũng đơn giản thôi. Thức ăn ở Việt Nam cũng không khác ở Lào, với lại mình ở lâu rồi nên không thấy lạ miệng. Loại lương thực chính của người Lào là gạo nếp, bữa ăn của người Lào thường có cơm nếp. Sang Việt Nam ăn nhiều cơm tẻ rồi cũng thấy ngon. Bây giờ về nhà, cũng cứ một bữa nếp một bữa tẻ”. Tôi hỏi anh đi chợ có mặc cả không? Anh cười: “Không, cứ người ta bảo bao nhiêu thì mình mua vậy. Mới lại hình như đàn ông giả giá người ta không bớt đâu.” Bữa cơm của người đàn ông cũng thật đơn giản: bát canh, đĩa xào và một ít thức ăn mặn, mà với anh thường là thịt kho. Anh thích nhiều món ăn Việt Nam nhưng thích nhất là cá kho tộ. “Nhưng vì có một mình nên ít làm, lúc nào thích ăn là ra nhà hàng mua một niêu, khi ấy về chỉ việc cắm thêm cơm, vậy là có bữa.” Cuối tuần, ngôi nhà nhỏ của anh lại là điểm hẹn của bạn bè, đồng nghiệp. Mọi người trò chuyện rồi cùng nhau nấu vài món ngon để thưởng thức.
Hè vừa rồi, anh đưa cả gia đình sang Việt Nam chơi. Ba đứa nhỏ vui lắm. Anh đưa chúng ra biển Đồ Sơn, Bãi Cháy rồi Sầm Sơn... “Ở Lào không có biển nên khi nhìn thấy biển bọn trẻ rất ngạc nhiên. Chúng rất thích và bảo bố năm nay lại cho sang chơi nữa.” Nhìn lũ trẻ chơi đùa trên sóng biển, trong lòng anh tràn ngập niềm vui.
Công việc bận rộn nên một năm anh chỉ về thăm nhà được đôi ba lần. Mọi việc ở nhà đành giao phó hết cho chị. Nhưng mấy đứa con anh cũng ngoan và tự lập lắm. Anh kể: “Về nhà chẳng thấy con học bài cũng sốt ruột, nhắc chúng thì chúng bảo bố cứ yên tâm, con không bao giờ chưa học bài mà đến lớp hết. Quả vậy, nhất là cậu con cả, tự giác lắm nên mẹ cũng được nhờ.” Mấy năm vừa rồi, con anh đều đạt kết quả học tập khá, chúng biết làm yên lòng bố đang công tác ở nơi xa. Tết vừa rồi anh về nhà, đứa út 5 tuổi cứ quấn lấy... Hết phép, anh bảo “Bố phải đi công tác rồi”, thì nó ôm lấy chân “Không cho bố đi đâu, bố ở nhà thêm 10 ngày nữa.”
Thêm một năm nữa anh tạm xa gia đình, nhưng công việc có nhiều niềm vui khiến anh thấy tháng ngày trôi qua cũng nhanh...
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0822808588/ 0842152355/ 0763238588/ 0784132388/ 0357638588/ 0334282388/ 0357071080/ 0357041080/ 0764263180/ 0764860580/ 0942551080/ 0947591080
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng