Về với công trình và ký ức thời gian

28/02/2022
Đây là một trong nhiều mẩu chuyện mà tôi viết để nhớ lại một thời đánh Mỹ đã qua, thời mà mỗi cán bộ Ngân hàng Kiến thiết Quảng Bình không chỉ là một cán bộ kinh tài mà còn là một chiến sỹ.

Những công trình mọc lên trong vùng chiến sự.

Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ (5/8/1964), tại Quảng Bình, không quân và tàu chiến Mỹ ngày đêm bắn phá, nhiều tuyến đường bị phong tỏa khiến cho nguồn tiếp tế chi viện từ miền Bắc vào gặp rất nhiều khó khăn. Lương thực, thực phẩm và các loại nhu yếu phẩm khác trở nên vô cùng khan hiếm. Xe cộ hư hỏng nhiều không có đủ nguyên vật liệu để sửa chữa, các loại nông cụ sản xuất của nhà nông như xẻng, cuốc, các loại xe thô sơ phục vụ cho thanh niên xung phong sửa chữa đường xá thiếu thốn mọi bề.

Lực lượng vũ trang Quảng Bình tham gia làm đường giao thông (Ảnh: baoquankhu4.com.vn)

Trước tình hình đó, Trung ương và tỉnh quyết định gấp rút thành lập khu công nghiệp miền Tây - Bố Trạch. Trước mắt xây dựng 4 xí nghiệp xà phòng, xí nghiệp rượu cồn, công cụ (ở Bồng Lai, Troóc). Xây dựng xí nghiệp rượu cồn và xà phòng thoạt nghe thì có vẻ là chưa cần thiết. Nhưng thực tế chiến trường đòi hỏi cần phải có cồn để tẩy trùng, tiệt trùng băng bó, điều trị vết thương cho thương bệnh binh và cả rượu để sưởi ấm cho bộ đội, thanh niên xung phong trong những đêm mưa rừng rét mướt, bom đạn cận kề. Xà phòng để cung cấp cho bộ đội và thanh niên xung phong và cả nhân dân trong vùng để giữ vệ sinh, đảm bảo sức khoẻ để chiến đấu lâu dài. Hai thứ hàng trên Trung ương không thể vận chuyển kịp trong lúc phải ưu tiên phương tiện để tiếp tế súng đạn, xăng dầu… Nói vậy, để thấy rõ tầm quan trọng của việc khẩn trương xây dựng các xí nghiệp trên ở miền Tây Quảng Bình.

Thành lập chi điếm phục vụ thời chiến

Để quản lý và cấp phát vốn xây dựng cơ bản theo đúng yêu cầu của tỉnh và Trung ương nhằm kịp thời phục vụ cho thời chiến, Ngân hàng Kiến thiết Quảng Bình (gọi tắt là Chi hàng Kiến thiết) đã thành lập chi điếm 2 Bố Trạch do đồng chí Võ Khắc Sang làm trưởng. Hồi ấy tôi đang ở chi nhánh tỉnh, anh Phạm Quang Toản - Trưởng chi nhánh gọi tôi lên nói rõ việc tôi chuyển về chi điếm 2 nhận công tác và giao nhiệm vụ quản lý cấp phát vốn cho khu công nghiệp mới ở miền Tây Bố Trạch sắp khởi công. Dạo ấy đang là đầu mùa hè tháng 4/1967, trời tạnh ráo nên máy bay Mỹ cả ngày lẫn đêm quấy nhiễu, không lúc nào ngớt tiếng gầm rú, tiếng bom đạn của lũ giặc trên bầu trời miền Tây Quảng Bình.

Để nắm chắc tình hình, tiến độ thi công, quản lý cấp phát vốn kịp thời đáp ứng nhu cầu thời chiến, chi điếm giao cho tôi nhiệm vụ bám sát Ban quản lý và đơn vị thi công. Trong thời điểm bắt đầu khởi công đến lúc hoàn thành công trình thời gian là 4 tháng. Từ Vạn Trạch nơi ở của chi điếm đến các xí nghiệp trên xa gần 40 cây số, đường đi phải qua nhiều trọng điểm đường, ngầm, phà nguy hiểm thường xuyên bị đánh phá. Nhưng với quyết tâm của người cán bộ Ngân hàng Kiến thiết, tôi xác định phải bám sát, cùng ăn cùng ở với đơn vị xí nghiệp, xong lại phải về cơ quan báo cáo xin ý kiến chỉ đạo rồi lại tiếp tục lên đường cho đến khi nghiệm thu hoàn thành công trình. Cứ như vậy như con thoi đi lại Chi điếm - xí nghiệp - Chi điếm…

Những kỷ niệm khó quên khi đi qua mưa bom bão đạn

Trong một lần từ công trường xí nghiệp về cơ quan, qua động Phong Nha, xuôi theo dòng sông Son vừa đến bến phà Xuân Sơn thì tôi gặp 1 tốp máy bay Mỹ lao tới điên cuồng thả bom. Cả đoàn người nhảy vội xuống nước. Cả 1 vùng trời bom đạn và sóng nước mịt mù… Mãi đến khi 1 chiếc F4H4 trúng đạn của bộ đội phòng không bốc cháy thì những chiếc còn lại mới vội vã bay ra biển. Tôi thoát chết và phát hiện ra một nữ thanh niên xung phong bị thương nằm bên mép nước. Tôi ôm cô gái đưa lên bờ để băng bó rồi giao cho các thanh niên xung phong đưa về trạm xá dã chiến cách đó gần cây số.

Khoảng 9 giờ tối, tôi cùng 1 cô thanh niên xung phong lên xe về hướng Thọ Lộc, xe đến Khương Hà thì lại tắc đường vì bom địch cày nát, tôi quyết định đi bộ để chiều mai kịp họp cơ quan. Đêm đã về khuya, hai chúng tôi tạt vào một ngôi nhà trong làng Khương Hà xin ngủ lại qua đêm. Ông cụ chủ nhà chỉ cho chúng tôi căn hầm. Sau một phút đắn đo, cả hai chúng tôi ngồi lại với nhau trước cửa hầm nói những chuyện về chiến tranh, về quê hương Hà Tĩnh, Quảng Bình, về hai dòng sông Son và sông La… rồi dựa vào thành hầm ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Tảng sáng, tiếng rú của máy bay cùng tiếng bom nổ kéo chúng tôi dậy, chào từ biệt ông cụ đi tiếp.

Đi được khoảng cây số lại máy bay, lại nhảy vội xuống cái hầm tránh bom. Một loạt bom rơi khét lẹt, nhìn lại có một hố bom mới nổ cách hầm hơn 5m. May mà quả bom nổ là loại nhỏ không thì chả ai biết mà tìm. Lúc đó, máy bay vẫn quần thảo phía phà Xuân Sơn thả một loạt pháo sáng. Gió nam đưa dù pháo sáng về phía tôi. Tôi nói vui: “thoát chết rồi em ạ mà lại nhặt được chiến lợi phẩm”. Tôi tặng lại em gái một chiếc dù, tôi giữ một chiếc (mỗi dù có thể may được 4 vỏ chăn). Đó là món quà kỷ niệm trong chống Mỹ mà tôi cất giữ rất lâu.

Trưa hôm ấy tôi về đến Chi điếm ở Vạn Trạch và chia tay với cô gái thanh niên xung phong trong nỗi nhớ nhung… Và cũng từ đó đến nay không còn được gặp lại bởi một lẽ chiến tranh biết ở đâu mà tìm.

Cán bộ Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam sinh hoạt cùng anh em thanh niên xung phong

Hoàn thành nhiệm vụ

4 tháng sau, các xí nghiệp kể trên đã hoàn thành trước thời hạn 10 ngày. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và xí nghiệp đều biểu dương khen ngợi sự đóng góp tích cực, vượt qua nhiều khó khăn gian khổ trong thời chiến của các cấp các ngành, của cán bộ và thanh niên xung phong. Trong đó, Ngân hàng Kiến thiết đã tạo mọi sự thuận lợi để cấp phát vốn cho các công trình của khu công nghiệp phía tây. Ngày khánh thành, đồng chí Thanh - Giám đốc xí nghiệp rượu và đồng chí Lợi - Giám đốc xí nghiệp xà phòng tặng cho tôi 1 lít rượu 400 là sản phẩm của mẻ rượu đầu tiên và 10 bánh xà phòng ra lò mẻ đầu tiên. Tôi đưa về Chi điếm để chia sẻ với mọi người. Riêng rượu để dành lại cho buổi họp sơ kết 6 tháng. Sau buổi họp, chúng tôi liên hoan có rượu cùng với thịt bò xào (thịt bò có được là trong một trận ném bom ở Vạn Lộc, bò chết nhiều nên đồng chí chủ nhiệm hợp tác xã đã biếu các cơ quan lân cận 5 kg). Có lẽ, đây là một bữa liên hoan khó quên nhất trong thời buổi chiến tranh ác liệt trên bom dưới đạn. Năm sau, trong buổi lễ tổng kết 5 năm Quảng Bình sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi tổ chức tại hang Phong Nha - Kẻ Bàng, nhiều đơn vị đã được tặng danh hiệu 2 giỏi “Sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi”, trong đó có Ngân hàng Kiến thiết Quảng Bình.

Riêng tôi, được cơ quan cấp giấy khen và đề nghị tặng danh hiệu “Chiến sĩ hai giỏi”. Sau đó, tôi nhận được tấm ảnh Bác Hồ cỡ 12cm x 20cm phía sau có chữ ký của Bác đề tặng “Chiến sĩ hai giỏi” cùng với một số anh chị em khác.

Trong 4 tháng quản lý cấp phát công trình trọng điểm ở miền Tây - Bố Trạch, tôi đi về một tháng 4 lần, mỗi lần lên công trình ở lại 1 tuần rồi 1 tuần ở lại cơ quan. Cứ thế tính ra phải đi bộ xấp xỉ 1.000 cây số vượt qua nhiều suối, khe, rừng rậm. Trên các con đường nguy hiểm và các trọng điểm luôn bị máy bay địch oanh tạc như ngã 3 Thọ Lộc, đồi Cự Nẫm, ngầm Khương Hà, phà Xuân Sơn… Tính lại có đến 6 lần trực diện với bom đạn và cũng là 6 lần thoát chết trong gang tấc.

(Nguồn tư liệu: Sách “Những kỷ niệm khó quên”,

xuất bản tháng 4/2007 - Nhà Xuất bản Lao động)

Tác giả: Lê Bá Hùng - Cán bộ hưu trí BIDV Quảng Bình
Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}