Tình yêu đất mỏ

04/03/2022
Quảng Ninh có thể nói là “Việt Nam thu nhỏ”. Tình yêu đất mỏ đã hun đúc cho tôi nghị lực, niềm tin và hy vọng. Đã đặt nền móng cho tôi lớn lên và trưởng thành cùng đất nước, cùng BIDV và đất mỏ, tôi cảm ơn mảnh đất vô cùng thân yêu đưa lại cho tôi hạnh phúc - niềm yêu ngành, yêu quê hương - đất nước hôm nay.

Cuối năm 1970, tôi tốt nghiệp trường Đại học Tài chính - Kế toán với lời tâm huyết “Đi bất kỳ nơi nào Tổ quốc cần đến”. Thấm thoát đã 37 năm tôi lớn lên và trưởng thành với BIDV. 37 năm qua suốt thời kỳ gắn bó với Chi hàng Kiến thiết Quảng Ninh, Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam, Chi điếm 4 Ngân hàng Kiến thiết Đông Anh, phòng cấp phát đầu tư Sóc sơn, Chi nhánh Ngân hàng ĐT&PT Đông Anh, cuối cùng là Chi nhánh Ngân hàng ĐT&PT Thành phố Hà Nội. Ở đâu cũng có kỷ niệm vui buồn, ở đâu cũng có những sự gắn bó máu thịt, không thể nào quên.

Nhưng có lẽ thời kỳ mới ra trường từ năm 1971-1977 công tác tại Chi hàng Kiến thiết Quảng ninh là thời kỳ của một tâm hồn trong trẻo mà tôi nhớ nhất.

Cầm quyết định đi nhận công tác ở Quảng Ninh, tôi mua vé tàu từ ga Hàng Cỏ và đến chiều tối tới Hải Phòng, ngủ ở Hải Phòng 1 đêm để sáng sớm hôm sau đi tàu thuỷ từ bến Bính về Hồng Gai rồi đi bộ khoảng 2km về đến “Chi hàng Kiến thiết Quảng ninh”. Sau hai ngày về được vị trí công tác trong quyết định, tôi bồi hồi và xao động vì chưa bao giờ đi đến vùng “xi bê ri” của Tổ quốc.

Sáng hôm sau, đồng chí trưởng phòng tổ chức cán bộ mời 6 anh em chúng tôi lên (Tuấn, Vượng, Thệ, Sử, Thương, Lê) để quán triệt về “Tinh thần công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, phải rèn luyện, thử thách trong 3 năm thực tập có nhận xét tốt của cơ sở… mới được vào biên chế”, chứ không được sướng như các sinh viên bây giờ chỉ gói gọn trong thời gian 2 tháng.

Tôi được phân công về “phòng cấp phát trọng điểm” tức là quản lý vốn cấp phát ngân sách cho các công trình trọng điểm (chủ yếu là ngành than và đóng tàu). Được phân công bước đầu theo dõi “Mỏ Tây Khe sim” xí nghiệp Xây lắp 6 thuộc Tổng Công ty than Bộ điện than.

Ngồi làm việc trên chiếc ghế và bàn bằng gỗ thông, trên tường treo một khẩu hiệu chữ đậm:

“Chuyên quản ngành than, gian nan không sờn

 Đi sát hiện trường, tăng cường quản lý”.

Với một tâm hồn trong trẻo, một bầu nhiệt huyết, một tinh thần hăng hái của thanh niên, tôi bắt đầu “đi sát hiện trường”.

Mỏ “Tây Khe sim” ở Cẩm Phả, cách Hồng Gai gần 30 km, nhưng qua nhiều dốc cao, hiểm trở (đặc biệt là dốc Đèo Bụt được gọi là dốc “Tịt đẻ” vì mỗi lần dắt xe đạp lên được đỉnh dốc, ai cũng cảm thấy “hết hơi”).

Cảng than Cửa Ông - công trình do Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam cấp phát vốn xây dựng

Thế mà tuần nào tôi cũng có mặt ở mỏ cùng với các đồng chí kỹ thuật và tài vụ của ban kiến thiết mỏ, đi sâu vào đường lò chính, đường lò bên đông, đường lò bên tây, để nghiệm thu, để kiểm tra khối lượng đường lò mà bên thi công (B) lên phiếu giá thanh toán và hôm sau chữ “Tuấn” được ký vào phiếu giá trước khi đưa cho trưởng phòng ký, và thế là tiền được chuyển từ tài khoản của BTK báo có vào tài khoản của XNXL6. Xí nghiệp lại có tiền để trang trải hoạt động. Mãi về sau, cứ mỗi lần nhìn nét mặt rạng rỡ của Giám đốc xí nghiệp, của kế toán trưởng xí nghiệp…, tôi mới thấy chữ ký của mình quan trọng như vậy, “Oai” như vậy. Trong lòng tôi chỉ nghĩ về đường lò được xây dựng dài ra, được bám vào các vỉa than, và được tận mắt nhìn thấy “vàng đen” của Tổ quốc trong những dãy núi cao. Sau này, tôi được thường xuyên đi vào mỏ Mạo Khê, Vàng Danh thuộc “Vòng cung Đông Triều”.

Có những hôm không đi được vào lò vì đồng chí cán bộ kỹ thuật “Báo cáo anh” hôm nay lò gặp sự cố “Phay nước”, “Phay cát” nên phải xử lý mới đi tiếp được. Hôm nay mất điện nên hệ thống thông gió không hoạt động được, anh em công nhân phải nghỉ đi lò. Hôm nay chưa mua được “Cột” chống lò. Hôm nay chưa mua được 5 chiếc bóng đèn, 5 chiếc buri ô tô cho xe chở đất đá…, và hôm nay… Không phải hôm nào cũng thuận lợi, xuôn xẻ cho người thợ lò làm việc trong lòng đất.

Cuối năm 1972, đế quốc Mỹ ném bom “Huỷ diệt Hồng Gai”.

Phòng “Cấp phát trọng điểm” của chúng tôi được Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam cho trở lại thành “Chi điếm Ngân hàng Kiến thiết Cẩm Phả” đóng tại cây số 7 trong một hang núi sâu. Công việc hàng ngày của chúng tôi một phần vẫn cấp phát vốn cho xây dựng hầm lò, cho bóc “đất đá” nhưng cũng một phần cấp phát cho công việc di chuyển máy móc, thiết bị, bộ máy của các đơn vị xây dựng, của BTK, của các kho thuốc nổ… vào trong hang núi và mỗi lần tiếng bom phá hoại của giặc Mỹ chấm dứt. Tôi lại đến XNXL6 nắm tình hình thiệt hại về tài sản, con người. Có lần trong cùng với thiệt hại về tài sản có 14 công nhân đã bị trúng bom vĩnh biệt giai cấp công nhân vùng mỏ.

Hang núi tuy dài nhưng chỉ đủ để làm việc, tối đến tôi và anh Dương Bá San (sau này là Giám đốc Ngân hàng ĐT&PT Bà Rịa - Vũng Tàu) phải ngủ trên vách núi, nhờ vào những tảng đá “ngả” ra như cành cây che đỡ chúng tôi. Nhưng những hôm không mưa còn đỡ, những hôm mưa thì chúng tôi đành nói chuyện “tiếu lâm” suốt đêm nên bây giờ “kho tiếu lâm” của tôi nhờ đó mà “phong phú”, mà quên đi gian khổ. Chúng tôi mỗi người chỉ có 2 bộ quần áo để thay đi thay lại mà đến giờ không còn nhớ lúc đó giặt như thế nào, giặt ở đâu. Và vì thế những năm 2003, 2004 tôi nghe nguồn tin không chính thức anh Dương Bá San có thể bị kỷ luật vì ……. Từ Hà Nội, hai hàng nước mắt tôi cứ rưng rưng vì thương anh ấy, vì thương nhau quá.

Những năm tháng gian khổ, hào hùng của dân tộc làm chúng tôi lớn lên, trưởng thành và hiểu được phần nào ý nghĩa của ngày hôm nay.

Và mới hiểu vì sao mỗi lần nghe bài “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ, “Tôi là người thợ lò” của Hoàng Vân, tôi lại thấy một niềm tự hào bất tận; tôi lại muốn thả tâm hồn mình hoà vào cùng sóng biển Hạ Long; để ngân lên “Quảng ninh thân yêu ơi”, và để cảm nhận rằng: Hôm nay, hôm nay mình được là Giám đốc Ngân hàng ĐT&PT Thành phố Hà Nội đầy gian nan thử thách vì mình “Sinh ra trên đất mỏ”, vì mình như nhìn thấy “Có những ngày cờ đỏ bay trên núi Bài thơ” … và “Núi Bài thơ” vẫn sừng sững hiên ngang đứng giữa trời.

Hạ Long xưa (Ảnh: Lao động)

Nói đến công việc, nhiệm vụ ở Quảng Ninh mà không ôn lại, không hồi tưởng lại chút tình riêng, thiêng liêng và sâu thẳm thì thật là không phải, không đầy đủ với Quảng Ninh.

Có thể nói công tác ở vùng mỏ, chỉ cần nói thế thôi nhiều người cũng hình dung ra khó khăn, thử thách trong sinh hoạt và công tác, nhưng tính thơ mộng, lãng mạn và tình yêu “Bờ cát” thì lại theo cảm nhận của từng người. Nhất là vào thời kỳ thanh niên chúng tôi cầm cây đàn ghi ta bên bờ biển cũng có thể bị kiểm điểm về “vấn đề tư tưởng”.

Chuyện không thể quên giặc Mỹ bắn phá dữ dội Hồng Gai.

Chuyện không thể quên khi cơ quan sơ tán vào Hoành Bồ, các cặp vợ chồng không được cùng ở một nhà dân. Rồi chuyện Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của Ngân hàng được đón nhận cờ Nguyễn Văn Trỗi.

Chuyện có cô giáo môn bơi ở trường Đại học TDTT Từ Sơn về cơ quan 2 tháng để dạy đoàn viên công đoàn Ngân hàng tập bơi buổi chiều được 100% đoàn viên hưởng ứng. Đồng chí Giám đốc cũng đi nhưng chỉ ngắm anh chị em tập mà không tắm... Chuyện đồng chí Giám đốc 61 tuổi lấy chị cán bộ ở Chi điếm Uông bí 39 tuổi…

Và chuyện tình cảm của tôi

Có lẽ cảnh đẹp của Quảng Ninh, con người ở Hồng Gai đã làm tôi nguôi đi nỗi nhớ nhà, nhớ bạn. Hoạt động của Đoàn Thanh niên ở đây có thể nói là điển hình của tỉnh và toàn quốc. Đoàn Thanh niên của chúng tôi thường xuyên đi đón các đoàn đại biểu ở nước ngoài về thăm tỉnh. Khi thì đoàn cấp cao của Đức do Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng đi, khi thì Thủ tướng Hunggari, Rumani, khi thì đ/c Nguyễn Đức Tâm - Bí thư Tỉnh uỷ nói chuyện về kết quả kỳ họp quốc hội tại Hà Nội.

Và rất nhiều lần Đoàn Thanh niên tỉnh tổ chức hội diễn văn nghệ chào mừng…, hội diễn văn nghệ quần chúng, tôi thường có mặt ở các buổi hội diễn đó. Có nữ đoàn viên thanh niên của Chi hàng Kiến thiết chúng tôi hay tham gia hội diễn với tiết mục đơn ca. Khi thì bài “Bà mẹ Việt Nam tay không diệt Mỹ”, khi thì “Việt Nam trên đường chúng ta đi” rồi “Người lái đò trên sông Pơ cô”…; giọng hát trong trẻo, mượt mà đó như thấm dần vào tâm hồn tôi lúc nào không biết. Như hoà nhập trong tình cảm cùng cơ quan, trong tình yêu thiên nhiên, con người… đã nảy nở tình yêu trong tôi với người con gái đất mỏ. Tình yêu rồi tình yêu thương ngày càng gắn bó chúng tôi như “Trời se duyên vậy”. Tôi nhớ mãi một buổi trưa, người yêu đi bộ về nhà ở Hồng Gai thì trời đổ mưa. Tôi đang nằm trên bàn ngồi bật dậy viết:

     Tôi ước trái tim tôi

     Dát mỏng thành chiếc áo

     Cho em khoác chống mưa

     Và coi thường gió bão

Và chúng tôi đã nên vợ nên chồng tại đất mỏ thân yêu. Đã gần 36 năm sống cùng một mái ấm, anh em vẫn gọi là cặp vợ chồng Tuấn - Mậu.

 

Tác giả: Nguyễn Đường Tuấn - Giám đốc BIDV Hà Nội
Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}