Web Content Viewer
ActionsBIDV kỷ niệm 40 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Lúc bấy giờ đã vào những tháng giữa năm 1996, mọi công việc chuẩn bị cho lễ kỷ niệm lần thứ 40 ngày truyền thống Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam vào 26/04/1997 đã được Đảng uỷ, Hội đồng Quản trị cũng như Ban Tổng Giám đốc điều hành chuẩn bị xong kịch bản, những việc như đề nghị Chủ tịch nước xét thưởng huân chương, dự kiến khách mời, quà tặng, địa điểm, báo cáo… cũng như việc chỉ đạo cụ thể đã được phân công cho từng đồng chí lãnh đạo đến các phòng tại Hội sở chính thực hiện. Trong cái đống công việc bề bộn này, thì việc lo cho một chương trình văn nghệ cũng lắm chuyện phức tạp. Lãnh đạo cũng nhiều ý kiến, công đoàn cũng đề xuất nhiều ý kiến. Anh em cũng thế, người đề xuất nên thế này, người đề xuất nên thế kia. Tuy nhiên, cũng phải có phương án cụ thể để mà chỉ đạo, để mà làm.
Sau khi tham khảo các ý kiến, anh Nguyễn Văn Doãn lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV đã triệu tập cuộc họp liên tịch để thống nhất chủ trương, kế hoạch và biện pháp triển khai thực hiện mảng công việc này cho kịp thời gian. Đại thể chủ trương của Ban lãnh đạo về vấn đề này là phải tổ chức cho được một chương trình biểu diễn văn nghệ trước giờ khai mạc buổi lễ thật sôi động, hoành tráng, chuyên nghiệp và mang đậm những đặc trưng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Để thực hiện chủ trương này, Ban lãnh đạo giao cho phòng Thông tin tuyên truyền và Công đoàn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển làm đầu mối phối hợp tổ chức thực hiện. Công đoàn thì phát động phong trào thi đua sáng tác thơ, ca khúc để ngợi ca những truyền thống, công việc và con người đã đóng góp xây dựng ngành, đóng góp xây dựng và phát triển kinh tế đất nước…Phòng Thông tin tuyên truyền thì lo mời một số nhạc sỹ chuyên nghiệp, có tên tuổi như nhạc sỹ Hồng Đăng, Thuận Yến, Tân Huyền đến khảo sát, đi thực tế để viết một số ca khúc về BIDV.
Ngoài lo toan công việc bộn bề của cả một hệ thống với trách nhiệm rất nặng nề nhưng anh Doãn cũng cố gắng bố trí thời gian để chỉ đạo, tham gia vào hoạt động này, nhất là vào các buổi ngoài giờ làm việc. Tuy rằng một nốt nhạc bẻ đôi không biết, nhưng anh rất yêu thích lĩnh vực nghệ thuật này. Cái yêu thích của anh xuất phát từ tình yêu nghề nghiệp, tình yêu đối với con người, đối với BIDV mà anh đã suốt một đời gắn bó. Thông qua hình thức hoạt động văn hoá, anh cũng muốn chuyển tải tình yêu của mình đến với mọi người bằng những câu thơ, bài hát để cùng tự hào, cùng yêu ngành hơn, mọi người nỗ lực hơn cho sự tồn tại và lớn mạnh của BIDV.
Đã có nhiều năm gần gũi với anh trong công việc cũng như cuộc sống riêng, tôi cũng hiểu khá nhiều điều về anh, tin và cảm phục tài năng và phẩm giá của con người anh và đánh giá cao những gì anh đã làm cho BIDV, nhất là trong những năm có thể nói là khó khăn nhất của cả hệ thống chúng ta. Những nhọc nhằn, gian khổ và cả sự hy sinh, chịu đựng của người thuyền trưởng khi chèo lái con thuyền để vượt qua giông bão cũng như khi có được niềm hạnh phúc, vinh quang lúc trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, con thuyền cứ lướt sóng băng về phía trước thì anh vẫn là anh, vẫn chỉ là một con người bình thường. Anh chỉ muốn thể hiện tất cả những nỗi niềm ấy, những cảm xúc cháy bỏng tự đáy lòng mình thành những vần thơ, những câu từ sâu lắng, thiết tha, dân dã, nóng bỏng, bộc trực mà minh bạch như bản thân anh vậy.
Anh nói với tôi: Tao có một cái dở là chẳng biết nhạc nhưng tao sẽ viết, sẽ làm thơ về ngân hàng của mình để cho các ông nhạc sỹ tham khảo, sử dụng phổ nhạc, vì các nhạc sỹ có hiểu nhiều lắm công việc của ngân hàng mình đâu. Họ có kỹ thuật, ta có lời ca thì bài hát mới là của ngân hàng mình được. Anh làm rất nhiều thơ nhưng không phải là thơ vì nó chẳng theo một luật lệ nào nhưng anh cứ viết, viết những gì đang lắng đọng trong anh, viết những gì mà anh yêu, những gì anh muốn nhắn nhủ,… nên có bài thơ nào của anh được đăng tải đâu thế nhưng nó lại chính là nhạc, là những giai điệu đằm thắm, người trong ngành khi nghe cứ như có mình trong đó, bâng khuâng, nhớ mãi như lời bài hát “Đồng tiền và những tấm lòng”, “Hát về em cô gái ngân hàng”, “Có một ngân hàng như thế”… mà nhạc sỹ Thuận Yến đã phổ nhạc. Một số ca từ trong một số tác phẩm âm nhạc của nhạc sỹ Hồng Đăng, nhạc sỹ Tân Huyền, nhạc sỹ An Thuyên cũng sử dụng ý thơ của anh để viết về BIDV.
Nhưng điều trăn trở lớn nhất của anh trong việc này là làm thế nào để có được một bài hát mà anh gọi là “Ngành ca”. Ý định này anh cũng đã trao đổi với các nhạc sỹ chuyên nghiệp có đẳng cấp cao như nhạc sỹ Thuận Yến, Hồng Đăng, Tân Huyền, Phan Huấn hay các anh có nghề viết nhạc đang làm việc trong hệ thống BIDV như anh Nguyễn Xuân Sinh, Vũ Thạch Hùng… mong muốn các nhạc sỹ tìm hiểu để viết ca khúc này cho BIDV. Hồi kỷ niệm ngày truyền thống 35 của ngành tôi cũng có viết một ca khúc lấy tên là “Yên lòng Mẹ ơi” nhưng để hoàn thành nó tôi cũng rất vất vả. Chắc anh không hy vọng tôi có thể viết được một bài hát thể loại “ngành ca” như thế nên không bảo tôi viết. Thực ra, tôi cũng dốt nhạc lắm, có được học hành bài vở gì đâu, chỉ tập toẹ biên biết một ít thôi. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc mình có thể viết được một ca khúc như thế…
Ông Nguyễn Văn Đường - tác giả bài viết trong Hội đồng Khoa học BIDV
Thế rồi vào một ngày chủ nhật khoảng tháng 8, tháng 9 năm 1996, tôi tranh thủ ngày nghỉ đến nhà anh Doãn vừa là đến chơi thăm anh vừa là có việc cần xin ý kiến của anh vì trong giờ hành chính khó gặp anh lắm mà có gặp cũng không nói được nhiều. Mọi người ở ngân hàng tôi đều biết tính anh rất cởi mở, có gì nói nấy, chẳng dấu diếm điều gì và điều mà anh em chúng tôi thích nhất ở anh là cái tính dân dã, không quan cách, không phân biệt đối xử nên đến chơi nhà anh rất thoải mái. Xong việc với tôi, anh em tôi hàn huyên đủ mọi chuyện cho đến lúc tôi xin phép ra về thì anh bảo tôi nán lại chút nữa, tưởng chuyện gì hoá ra anh bảo tôi: Tớ hát cho cậu nghe một câu mà tớ muốn nó có trong bài “ngành ca” để cậu nghe xem có được không. Trời ơi, thì ra anh vẫn luôn trăn trở, ấp ủ và rất mong muốn có được một bài ca riêng cho BIDV. Tôi sẵn sàng để nghe anh hát. Sau khi nghe anh hát, tôi buồn cười quá, cười chảy cả nước mắt, chị Phúc vợ anh Doãn trong nhà nói vọng ra: “chú đừng có mà nghe ông ấy hát, ông ấy nhà tớ dở hơi đấy”. Tôi nói chắc chị yêu cái dở hơi của anh ấy nhất phải không? Có gì đâu, câu mà anh hát cho tôi nghe đấy là cụm từ “Đầu tư ta những chặng đường lịch sử” theo giai điệu của bài hát “Hành quân xa”. Bạn cứ thử hát cụm từ ấy theo giai điệu “Hành quân xa” mà xem. Tôi kêu lên: Bố Doãn ơi là bố Doãn, bố giỏi thế sao mà cái việc này bố lại “cố đỉn” thế, như thế là phạm luật đấy, cứ như là hát xuyên tạc bài hát của người khác, như thế không được.
Chuyện thật khôi hài nhưng nó lại như gợi lên trong tôi, như thúc giục tôi hãy nghĩ đi, hãy phát triển câu hát theo giai điệu “Hành quân xa” của anh thành một ca khúc để cho anh, cho tôi, cho những lớp người đã, đang và sẽ làm việc tại BIDV hát được và chấp nhận nó. Nói như vậy thôi, nhưng tôi thì lực bất tòng tâm, sao mà nó khó quá, tôi có đi nói với mấy anh nhạc sỹ về ý tưởng của mình nhưng các anh ấy thờ ơ, chẳng để ý gì. Tôi ấm ức lắm vì các ông ấy coi thường mình quá, và chỉ được cái “tinh tướng”. Nhưng tôi vẫn nghĩ, tôi nghĩ phải viết cho được một ca khúc về Ngân hàng mình, tôi phải thử xem sao, tôi phải cố gắng lên. Nhưng tôi tin tôi sẽ làm được vì tôi có được những cảm nhận về ngân hàng của tôi mà nhiều người khác, nhất là các nhạc sỹ kể cả chuyên nghiệp cũng không thể có được.
Rồi đến một hôm, đúng ra là cả một đêm cũng vào một buổi tối ngày chủ nhật, tôi đi trông một người bạn bị ốm nằm ở bệnh viện Xanh-Pôn, Hà Nội. Ngồi chán trong nhà, bức bối quá, tôi ra ngoài đi dạo trong vườn cây bệnh viện, lòng buồn man mác, suy nghĩ mông lung đủ chuyện. Tôi chợt nghĩ đến ngân hàng của tôi, câu hát “Đầu tư ta những chặng đường lịch sử” lại vang lên đâu đó. Cái tên Ngân hàng Đầu tư và Phát triển này đã gắn liền với cả một giai đoạn đổi mới và phát triển của nó và cũng là gắn bó với cả hệ thống ngân hàng Việt Nam và sự phát triển của nền kinh tế đất nước…
Tôi cứ nghĩ, những suy nghĩ cứ trải dài mãi ra từ những ký ức xa xôi rồi quay về hiện tại. Ca từ mà anh Doãn hát cho tôi nghe đã được tôi viết đầu tiên của ca khúc thành: “Ngân hàng Đầu tư những chặng đường lịch sử”, chứ không là “Đầu tư ta những chặng đường lịch sử” nữa. Trời tối quá, giấy không mang theo, tôi phải viết vào lòng bàn tay dưới ánh sáng mờ nhạt của ánh đèn cao áp từ xa chiếu lại lọt qua những tán cây. Tiếp theo là gì nhỉ? tôi nghĩ cái gì đã làm nên những thành công của ngân hàng của mình? mà phải là cái gì cốt lõi, mang tính truyền thống thì mới được. Thôi đúng rồi, đó là tinh thần đoàn kết, truyền thống đoàn kết. Giai điệu mới hình thành với ca từ được ghi tiếp vào lòng bàn tay “Truyền thống kết đoàn góp phần dựng xây đất nước”… Đã đủ chưa? tôi thầm hỏi, còn thiếu cái gì ở đây nữa? Bốn mươi năm của ngân hàng tôi đã gắn bó với nhiều thế hệ, nhiều lớp người mới đang tiếp tục những công việc của những thế hệ cha anh đi trước, thế thì họ phải bước tiếp bước cha, anh để làm vẻ vang hơn truyền thống của BIDV chứ! Tôi thốt lên: “Bước tiếp bước Cha, Anh làm vẻ vang truyền thống Ngân hàng Đầu tư” và đó cũng là câu kết của ca khúc. Tôi dốt nhạc nên nghĩ lời đến đâu rồi làm nhạc đến đó, tôi khe khẽ hát lên theo một giai điệu mà tôi sẽ viết thành những nốt nhạc….
Sáng hôm sau, sáng thứ hai, vào đầu giờ làm việc tôi rẽ qua phòng làm việc của anh Doãn. Thấy anh đang đứng sau bàn làm việc và xem cái gì đó, tôi chào và nói với anh là tôi có viết một ca khúc về ngân hàng mình và muốn hát thử cho anh nghe, vì bài hát ra đời nhờ vào ý tưởng của anh. Anh nói luôn: Đây này tao cũng mới nhận được một số bài của mấy ông nhạc sỹ đây, nhạc thì tao không biết nhưng lời thì tao thấy nó thế nào ấy, chưa được. Tôi nói với anh: Em thì anh biết rồi, trình độ nhạc lý thì cũng kém lắm nhưng em cứ hát thử cho anh nghe xem có được không. Thực tình lúc đó tôi chưa soạn xong nhạc mà chỉ hát cho anh Doãn nghe bản viết bằng lời theo giai điệu mà tôi định viết thôi. Trước khi hát để anh Doãn nghe tôi cũng đã hát qua điện thoại cho anh Vũ Thạch Hùng nghe thử và được anh Hùng khen hay và rất được nên khi hát cho anh Doãn nghe tôi cũng khá tự tin. Nghe tôi hát xong anh Doãn ngạc nhiên và cảm thấy rất thích thú và bảo tôi: Tớ thấy được đấy, chú mày khá lắm. Tôi thấy nóng bừng cả mặt, lặng người đi mà không nói được lời nào. Tôi cảm thấy như mình đã làm đuợc một cái gì đấy đẹp đẽ lắm cho ngân hàng của mình. Hôm đó vừa là ngày đầu tuần, lại là ngày đã triệu tập họp Hội đồng quản trị, anh Doãn bảo tôi xuống nói với Văn phòng báo hoãn và cho triệu tập lãnh đạo, Đảng uỷ, BCH Công đoàn, BCH Đoàn thanh niên, những đồng chí có mặt ở nhà để tham gia ý kiến vào bài hát này, vì lúc này cũng đã vào cuối năm 1996 rồi. Mọi người nghe tôi hát, gật gù hưởng ứng, ủng hộ và đánh giá rằng bài hát này được, rất dễ nhớ, vừa đặc trưng vừa có tính khái quát cao, rất Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, giai điệu khoẻ và lôi cuốn. Trong đó, anh Lê Xuân Đạm có đề nghị sửa câu đầu ở lời hai bài hát thành: Ngân hàng Đầu tư những công trình mới mở chứ không lặp lại là: Ngân hàng Đầu tư những chặng đường lịch sử như lời một nữa. Sau này, khi xong phần soạn nhạc, anh Nguyễn Xuân Sinh có tham gia nâng cao độ cho chữ “thống” để tăng thêm điểm nhấn cho ca khúc.
Ngay sau buổi họp kiểu “liên tịch” này, anh Doãn cho gọi ngay hai cô là Hải Long và Thu Hà phòng Quan hệ quốc tế sang để dịch lời bài hát sang tiếng Anh ngay. Nghĩ cũng hay, dịch bài hát sang tiếng nước ngoài đâu phải chuyện dễ, nó cũng cần có những kỹ thuật riêng nhưng anh Doãn nói hai cô cứ dịch nôm na theo kiểu phiên dịch là được. Sau khi dịch xong, hát thử cũng thấy xuôi tai, nghe cũng được không đến nỗi nào và anh Nguyễn Xuân Sinh được giao nhiệm vụ cùng với tôi cho đội văn nghệ của công đoàn và đoàn thanh niên tiến hành tập luyện ngay để kịp biểu diễn vào ngày gặp gỡ khách hàng nước ngoài nhân dịp Noel năm 1996.
“Hành khúc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam” đã ra đời như vậy đấy, nó ra đời từ những cảm xúc không chỉ của riêng anh Doãn, của tôi, mà là của tất cả những con người đã sống và làm việc cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, của những con người đã gắn bó với nó và yêu nó thiết tha. Họ chính là tác giả đích thực của nó, mọi người hát nó vì nó là hiện thân của họ, là khát vọng cháy bỏng cho sự thịnh vượng và hạnh phúc của các thế hệ hôm qua, hôm nay và cả mai sau. Tôi chỉ giúp mọi người ghi lại mà thôi.
Đến hôm nay, BIDV đã có bề dầy truyền thống 65 năm. Chúng ta tiếp tục phải đổi mới sâu sắc, toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa. Lớp chúng tôi vẫn bước tiếp bước cha, anh để làm vẻ vang truyền thống BIDV. “Hành khúc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam” cũng cần được đổi mới. Chúng ta không những cần phải đoàn kết mà còn cần phải có bản lĩnh, lòng dũng cảm, trí tuệ và tài năng. Chúng ta không chỉ có những công trình mới mở mà còn phải có rất nhiều những sản phẩm, dịch vụ của một ngân hàng thương mại hàng đầu ở trong nước và khu vực mà còn phải là một tập đoàn tài chính hùng mạnh được vận hành trên nền công nghệ tiên tiến, hiện đại…
Một giai đoạn mới đã bắt đầu, những ca khúc mới của chúng ta sẽ tiếp tục ra đời để nối tiếp và phát huy cao hơn, đầy đủ hơn, hoành tráng hơn mà “Hành khúc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam” đã thể hiện…
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0822808588/ 0842152355/ 0763238588/ 0784132388/ 0357638588/ 0334282388/ 0357071080/ 0357041080/ 0764263180/ 0764860580/ 0942551080/ 0947591080
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng