Web Content Viewer
ActionsVào cuối năm 1979, tôi được trở về quê hương sau những năm học tập ở miền Bắc và những tháng được điều động đi tham gia với đoàn công tác cải tiến của Bộ Tài chính ở Thành phố Hồ Chí Minh. Mong muốn được về sống và làm việc trên thành phố quê hương đã trở thành hiện thực. Tôi thật sự xúc động và bồi hồi khi cầm tờ quyết định nhận công tác tại “Chi hàng Kiến thiết tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng”. Sáng 02/10/1979, tôi đạp xe đến cơ quan. Cơ quan lúc bấy giờ chỉ là một ngôi nhà nhỏ, một nửa diện tích là 2 tầng, một nửa diện tích là 1 tầng mà trước đây là một nhà hộ sinh tư nhân được UBND tỉnh tiếp quản giao cho làm trụ sở cơ quan.
Vào phòng Hành chính, tôi được hướng dẫn lên gặp Giám đốc chi nhánh ở tầng một. Với tâm trạng hồi hộp, bỡ ngỡ, tôi bước vào căn phòng nhỏ, gặp chú Lê Văn Ba - Giám đốc cơ quan - người Giám đốc đầu tiên trong cuộc đời công tác của tôi. Chú có vóc dáng tầm thước, đôi mắt sáng, tóc điểm bạc... Ấn tượng đầu tiên của tôi về chú là sự thông minh và nghiêm nghị. Chú dành thời gian hỏi thăm tôi về tình hình học tập, ngành nghề chuyên môn, thời gian công tác tại đoàn Cải tiến của Bộ Tài chính. Chú còn hỏi thăm cả về gia đình ba mẹ tôi, về nguyện vọng bản thân rồi chú ân cần dặn dò tôi: “Nay đã là Cán bộ Nhà nước, phải cố gắng công tác thật tốt, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, góp phần vào hoạt động của ngành Ngân hàng Kiến thiết, xây dựng lại quê hương, xứng đáng với truyền thống của quê hương và gia đình”...
Phút bỡ ngỡ ban đầu đã qua, những trao đổi dặn dò của chú đối với người cán bộ mới cho tôi thấy sự yêu thương, gần gũi và quan tâm đến nhân viên như những người em, người con của chú khiến tôi không dấu nổi sự xúc động. Và những ấn tượng, cảm nhận ban đầu của tôi về chú đã hoàn toàn đúng. Không chỉ với riêng tôi mà đối với tất cả mọi người trong cơ quan, chú đều dành những tình cảm như thế suốt trong những năm tháng chú ở cương vị là Giám đốc.
Ngày đó, tôi được phân công tại phòng Cấp phát địa phương (Cấp vốn cho các công trình xây dựng cơ bản do Ngân sách địa phương tài trợ), quan hệ với những Ban quản lý và các Ban ngành trong tỉnh rất rộng. Ngoài những chỉ đạo sâu sát về nghiệp vụ của chú, tôi còn nhớ rõ những điều chú dặn: “Làm cán bộ ngân hàng phải giữ phẩm chất cho trong sạch, không để lợi ích của bản thân trên lợi ích tập thể, phải thận trọng, mỗi chữ ký là chi hàng trăm triệu đấy cháu ạ!”. Trong những lần cần viết các công văn, hay văn bản nghiệp vụ, dù rất bận nhưng chú đã giành thời gian để chỉnh sửa cho tôi từng câu từ, từng đoạn văn, xúc tích và chặt chẽ về nghiệp vụ, sáng ý về hành văn và ngữ pháp, chú rất chu đáo cho dù phải sửa đi sửa lại nhiều lần. Sau này khi trưởng thành hơn trong công tác, khi gặp gỡ một vị Giám đốc doanh nghiệp có nhận được công văn liên quan về tín dụng của Ngân hàng, ông than vãn với tôi rằng: “Ngân hàng viết công văn sao mà chặt quá!”. Tôi lại thấy biết ơn chú Ba hơn vì sự rèn luyện những buổi ban đầu. Phẩm chất đạo đức trong công việc của chú là tấm gương mà tôi luôn noi theo cho đến tận bây giờ.
Những năm 1979 - 1980, trong cái khó khăn chung của đất nước sau giải phóng do hậu quả chiến tranh để lại còn quá nặng nề, lại thêm chế độ bao cấp khiến cho cuộc sống của cán bộ và nhân dân cả nước nói chung và Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng gặp muôn vàn khó khăn, tưởng chừng như không thể vượt qua được. Nhưng giữa những khó khăn, thiếu thốn về vật chất ấy thì ở Chi hàng Kiến thiết tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng luôn có những tấm chân tình của anh em, đồng nghiệp dành cho nhau, chia sẻ và động viên cùng vươn lên trong cuộc sống mà người đầu tầu giúp chúng tôi gắn kết lại và yêu thương nhau hơn không ai khác ngoài chú Ba.
Đà Nẵng những năm 1980
Thời gian ấy, để tự túc một phần lương thực, một nửa cơ quan ở lại thành phố làm việc và một nửa còn lại đến vùng nông thôn để tham gia sản xuất lương thực. Chú Ba đã lớn tuổi và là lãnh đạo, không thuộc diện phải đi, nhưng chú không ngại khó, không ngại khổ. Chú đã cùng với anh em ngược sông Nam, sông Bắc để tham gia trồng lương thực. Ngày đi trồng sắn, tối đến tất cả mọi người cùng trải ni lông ngủ trọ trên nền ngôi trường nhỏ của thôn. Trời về đêm miền núi, cái lạnh như cắt da, cắt thịt. Mọi người không ngủ được bèn rủ nhau chơi “xì điện”. Theo trò chơi này, tất cả mọi người đều có thể phải hát nếu ai đó gọi đến tên mình mà không kịp xướng tên một người khác trong hội chơi. Khi chị Thu hát xong, chị vội hô lên “Ba” - tức chú Ba - mọi người cùng ồ lên cười vui vẻ... Trong đêm tối hoang vu, nơi núi đồi lạnh lẽo nhưng tôi cảm thấy những người đồng chí của mình sao mà gần gũi, thân thương quá. Qua khó khăn, gian khổ, tình đồng chí, đồng đội mới ấm áp và trọn vẹn nghĩa tình, nó khiến bao nhiêu vất vả của một ngày lao động như tan biến mất. Nghe gọi tên mình, chú Ba vội đáp: “Có tôi, tôi xin nhận nhiệm vụ, tôi sẽ đọc một bài thơ”... Rồi chú đọc bài thơ viết về tình yêu giữa chú với cô Kim - người vợ thân yêu của chú, tuy mộc mạc nhưng thật chân tình và xúc động. Nó khiến cho chúng tôi thêm hiểu, gần gũi và kính trọng chú hơn.
Chú Ba còn là một tấm gương cần kiệm, nghiêm túc và một tinh thần quyết tâm học tập rất cao. Từ những năm 1979 – 1980, chú đã là Phó tiến sĩ kinh tế. Với tầm nhìn xa, trông rộng qua bao thay đổi về cơ cấu tổ chức của ngành, chú đã cùng với các đồng chí lãnh đạo bảo vệ và giữ vững cái tên Ngân hàng Đầu tư và Phát triển mà tiền thân là Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng qua bao thăng trầm, và ngày càng lớn mạnh như hôm nay.
Để BIDV có được những thành quả như ngày hôm nay, có rất nhiều công sức xây dựng của nhiều lớp thế hệ cha anh đi trước với những phong cách chuẩn mực và đạo đức nghề nghiệp, luôn luôn là tấm gương sáng để thế hệ trẻ BIDV soi vào và phấn đấu. Và chú Lê Văn Ba là một người như thế. Người lãnh đạo đầu tiên của cuộc đời công tác đã để lại trong tôi những ấn tượng và kỷ niệm vô cùng sâu sắc. Qua thời gian dài trong công tác, tôi cảm nhận được một điều là: những thế hệ trong cơ quan chúng ta đã sống và làm việc có rất nhiều khó khăn vất vả, nhưng dù trong giai đoạn nào, thì tình đồng chí, đồng đội, sự chia sẻ gắn bó vẫn luôn là điều cao cả nhất.
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0822808588/ 0842152355/ 0763238588/ 0784132388/ 0357638588/ 0334282388/ 0357071080/ 0357041080/ 0764263180/ 0764860580/ 0942551080/ 0947591080
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng