Web Content Viewer
ActionsMùa xuân 1970, tôi tạm biệt gia đình đến nhận công tác tại Chi hàng Kiến thiết Hà Bắc. Người đầu tiên tôi gặp là bác Nhận - Phó Chi hàng (nay bác không còn nữa). Bác là một người cởi mở, nhanh nhẹn, tận tình. Bác dẫn tôi sang phòng Kế toán giới thiệu và giao nhiệm vụ. “Cán bộ gì mà bé tí teo” - những lời xì xào rất nhỏ nhưng cũng đủ lọt vào tai tôi. Biết phận mình (tôi nặng chưa đầy 40kg), tôi mím môi, nín thở, đưa mắt nhìn lướt nhẹ mọi người và quan sát một lượt không gian xung quanh. Tôi cũng cảm thấy hơi mặc cảm, vì tôi sinh ra và lớn lên từ một làng quê nghèo, đất nước đang trong giai đoạn chiến tranh, kinh tế gặp thời kỳ khó khăn nhất, nhà đông con, cơm không đủ ăn làm sao đủ dinh dưỡng để to khỏe được, may mà có ít chữ cũng quý lắm rồi.
Đầu tháng 3/1970, tôi bắt đầu làm việc, cũng là những ngày đầu Chi hàng ổn định sau một thời gian dài đi sơ tán về. Phòng Kế toán cũng mới được thành lập, vì trước đây công tác kế toán nằm rải rác ở các phòng nghiệp vụ. Tôi được giao nhiệm vụ theo dõi chi tiết các loại tài khoản tiền gửi. Lúc này, nhiệm vụ chủ yếu của Ngân hàng Kiến thiết là cấp phát ngân sách cho xây dựng cơ bản và kinh phí sự nghiệp, chi tiêu nội bộ còn ít và đơn giản lắm, sau này có thêm nghiệp vụ cho vay thay tạm ứng (cho vay không thu lãi). Vì thế, số lượng các loại tài khoản rất hạn hẹp, việc định khoản và hạch toán không mấy phức tạp. Phương tiện phục vụ công việc thì hết sức giản đơn, ngoài bàn ghế và sổ sách, cả phòng chỉ có hai cái bàn gảy (bàn tính bằng gỗ), hầu như mọi người tính nhẩm vẫn là chủ yếu.
Sự ngoan ngoãn, nhanh nhẹn, thật thà, chịu khó của cô gái quê đã xoá nhanh đi những mặc cảm ban đầu, các anh chị luôn rất tận tình hướng dẫn tỉ mỉ, cầm tay chỉ việc cho tôi. Dù năm tháng qua đi, tôi vẫn còn nhớ rất rõ lời dặn của anh Hồng, chị Đông, chị Lành, chị Hòa, chị Oanh: “Vào sổ chi tiết phải tóm tắt nội dung sao cho ngắn gọn, đầy đủ, dễ hiểu; khi lập sổ sách, bảng kê, báo cáo phải viết các dãy số thẳng hàng, có như thế khi cộng nhẩm mới nhanh và không bị nhầm, đỡ phải tìm sai số, vất vả lắm!”. Anh Hồng còn dặn: “Khi sao giấy báo có, báo nợ phải ghi nắn nót, rõ ràng, đánh dấu đúng và đầy đủ để đơn vị có thể đọc và hiểu ngay”, “Nghề kế toán không khó, khó nhất là phải đúng”.
Bàn gảy của cán bộ kế toán thời Ngân hàng Kiến thiết được lưu giữ tại Phòng Truyền thống BIDV hiện nay
Cuối năm 1972, giặc Mỹ lại tiếp tục bắn phá Miền Bắc, tất cả các đơn vị được lệnh phải đi sơ tán khỏi Thị xã Bắc Giang. Chúng tôi, tất cả đoàn viên thanh niên, đều sẵn sàng ngày làm việc, đêm ra đầu cầu sông Thương lấp hố bom để hàn gắn tuyến đường huyết mạch, đảm bảo vận chuyển thông suốt những chuyến hàng viện trợ của các nước XHCN cho Việt Nam. Trong khó khăn, mọi người luôn luôn thương yêu, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua gian khổ và cùng nhau hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Có nhiều hôm đang làm việc phải xuống hầm để tránh bom đạn, nhưng sau đó công việc lại được duy trì. Hành trình của Nhật ký, chứng từ, bảng kê, cân đối, tài khoản như bài ca lần lượt nối đuôi nhau, cứ tiếp diễn mãi.
Đến năm 1978, Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam điều động tôi vào Nam tăng cường cho Phòng đại diện Ngân hàng Kiến thiết Bến Tre. Ngày 5 tháng 8, một ngày trước lúc đi xa, cả khu tập thể Chi hàng rộn ràng, lưu luyến tiễn đưa. Cả những đứa trẻ nhỏ cũng túm tụm kháo nhau: “Cô Định phải đi đâu xa lắm, nhà tớ làm cơm mời ăn buổi chia tay”, “nhà tớ cũng thế”. Vì không thể từ chối, ngày đó tôi phải ăn tới 7 bữa cơm của các gia đình để khỏi phụ lòng các anh, các chị.
Tôi đã vào nghề với những ngày đầu như thế. Nhờ sự yêu thương, vun đắp của các anh chị đi trước mà tôi đã trưởng thành. Những tình cảm tốt đẹp đó đã tạo nên sự thủy chung, son sắt với nghề. Để rồi, cả những lúc khó khăn nhất, hoặc khi cơ chế chuyển đổi, hay phía trước là sự huy hoàng hơn nếu chuyển sang một ngành mới, mà mọi người “vẫn không nỡ ra đi”.
* *
Năm tháng đã qua đi, song tôi vẫn không thể nào quên kỷ niệm về những ngày đầu thành lập Chi hàng Kiến thiết đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, nay là Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Hôm ấy, ngày 26/5/1980, tại Chi hàng Kiến thiết Bến Tre, anh Thông - Phó Chi hàng gọi tôi lên nghe điện thoại của anh Phạm Học Lâm - Phó Giám đốc Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam. Qua điện thoại, anh Lâm nói: “Tình hình gấp quá rồi! Anh Trà, anh Thành và anh San đang chờ kế toán trưởng để triển khai thành lập Chi hàng Kiến thiết đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Có một bì thư gửi chú Tư Ái, cô nói anh Thông bóc ra, trong đó là quyết định điều động cô” (chú Tư Ái, tức anh Nguyễn Văn Tài - Trưởng Chi hàng, mấy ngày đó đi vắng). Ngày 7/6/1980, tôi chưa kịp bàn giao xong tại Chi hàng Bến Tre thì anh Trà gọi điện nói: “Cô phải lên ngay Sài Gòn để ký giấy thông báo mẫu chữ ký gửi các tỉnh và các ngành ở đặc khu”.
Đúng là đặc khu nên cũng có nhiều điều đặc biệt, ngay cả việc thành lập Chi hàng cũng có hai quyết định. Một Quyết định của Ủy ban nhân dân đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo và một quyết định của Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam (lúc này trực thuộc Bộ Tài chính). Ngân hàng Kiến thiết lúc đó vẫn được tổ chức theo ngành dọc, nhưng do nhu cầu quá cần thiết và cấp bách, nên Ủy ban nhân dân đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo đã ra quyết định thành lập Chi hàng Kiến thiết. Nhờ sự ưu ái đó mà sau này, Chi hàng Kiến thiết đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo được cấp căn nhà lớn, có vị trí đẹp và thuận lợi nhất lúc bấy giờ (nay là số 72 Trần Hưng Đạo). Bản thân tôi cũng có tới hai quyết định, một của Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam do bác Phạm Mai - Giám đốc ký và quyết định của Ủy ban nhân dân đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo do bác Nguyễn Tấn Thời - Phó Chủ tịch ký.
Ngày 25 tháng 6, từ Sài Gòn, anh Trà, anh San và tôi mỗi người một xe đạp đi Biên Hòa để nhận bàn giao của Chi hàng Kiến thiết Đồng Nai. Buổi chiều ngày hôm ấy, chúng tôi quay lại Sài Gòn để tiếp tục nhận bàn giao của Chi hàng Kiến thiết Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày hôm sau.
Từ vùng đồng bằng Cửu Long sông nước mênh mang, cây cối xanh tươi trù phú, đến Vũng Tàu, nhìn thấy quang cảnh hoang sơ, vắng vẻ và cằn cỗi, tôi nghĩ nơi đây có vẻ nghèo nàn. Đặt chân đến miền đất mới, vào khách sạn cũng phải qua Ủy ban nhân dân để lấy giấy giới thiệu. Tôi được bố trí nghỉ tại khách sạn Đại La Thiên, đường Nguyễn Thái Học (bây giờ là đường Ba Cu).
Vũng Tàu những năm 1970 (Ảnh: internet)
Những ngày tiếp theo, chúng tôi tiếp tục nhận bàn giao từ Chi hàng Kiến thiết Hậu Giang và Sở Tài chính đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Ngày đầu, cơ quan chỉ có 5 người, gồm các anh, chị: Nguyễn Sơn Trà (Quyền Giám đốc), Đào Thiện Thành (Phó giám đốc), Dương Bá San (Phụ trách phòng Cho vay và Thanh toán), Tạ Anh Hùng (Phụ trách phòng Kinh tế - Kỹ thuật), Nguyễn Thị Định (Kế toán trưởng). Chi hàng Kiến thiết đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo chính thức hoạt động từ ngày 01/7/1980.
Hồ sơ, sổ sách, chứng từ nhận bàn giao không nhiều, mọi việc đều thuận lợi, nghiệp vụ quan trọng nhất là cấp phát ngân sách và cho vay. Lúc này, khách hàng mở tài khoản cũng không nhiều lắm, tất cả đều là đơn vị của nhà nước. Nhiệm vụ quan trọng nhất của đặc khu nói chung cũng như Ngân hàng Kiến thiết là phục vụ cho sự nghiệp thăm dò và khai thác dầu khí. Lúc đó, cụm từ hay dùng là “quản lý và phục vụ”. Quản lý thì đúng nguyên tắc, chặt chẽ đôi khi rất máy móc. Còn phục vụ thì tận tình, vô điều kiện nhiều lúc cả ngoài giờ.
Trong khó khăn, qua công việc, đơn vị và Ngân hàng gắn bó với nhau, tạo điều kiện hỗ trợ nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ. Ngân hàng cũng như các đơn vị đã chia sẻ từng cây kim, sợi chỉ cho đến những cái bánh chưng ngày tết. Những năm đó, số liệu và đóng góp của Ngân hàng Kiến thiết về cấp phát, cho vay, tiến độ xây dựng các công trình, hiệu quả vốn đầu tư, tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong lĩnh vực xây dựng cơ bản rất quan trọng và luôn được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tin tưởng.
Cùng với sự đổi thay của đất nước, của địa phương, của ngành, BIDV Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã đổi thay và lớn lên từng ngày. Giờ đây, mỗi lần dạo bộ trên núi lớn, ngắm nhìn toàn cảnh Vũng Tàu, lòng tôi rộn ràng nhớ về những kỷ niệm xưa. Nơi tàu bè ra vào nhộn nhịp là cảng dịch vụ Dầu khí, xưa kia chỉ là khu Tiền cảng nhỏ bé, xung quanh toàn những bãi sình lầy và sú vẹt; Trung tâm thương mại sầm uất bây giờ xưa kia là trại tạm giam, vắng vẻ, hoang tàn; hay con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa với khu chợ mới sôi động, 30 năm trước là những ruộng rau muống, ít ai lui tới..., và nhiều nữa những con đường mới mở, các công trình đồ sộ liên tiếp mọc lên. Tất cả những nơi đó đều in dấu chân thầm lặng của các cán bộ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam qua các thời kỳ, kiểm tra, cấp phát, cho vay kịp thời, đúng, đủ những đồng vốn để sớm đưa các công trình vào sản xuất, sử dụng, góp phần xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.
(Nguồn tư liệu: Sách “Những kỷ niệm khó quên”, xuất bản tháng 4/2007 -
Nhà Xuất bản Lao động)
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0822808588/ 0842152355/ 0763238588/ 0784132388/ 0357638588/ 0334282388/ 0357071080/ 0357041080/ 0764263180/ 0764860580/ 0942551080/ 0947591080
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng