Những kỷ niệm khó quên về công tác pháp chế - chế độ

23/04/2022
Tôi gia nhập ngôi nhà BIDV tháng 10/1994, đây là thời điểm mà BIDV đang đứng trước một bước ngoặt lớn, BIDV không tiếp tục thực hiện chức năng tiếp nhận và quản lý các nguồn vốn của Nhà nước dành cho đầu tư phát triển mà sẽ do Tổng cục Đầu tư Phát triển đảm nhiệm.

Nhiều thông tin cho rằng khi mất chức năng tín dụng mang tính chất cấp phát, BIDV sẽ khó mà tồn tại. Là một cán bộ mới, thực ra cũng chưa hiểu gì nhiều, nhưng tôi vẫn có dự cảm BIDV sẽ thành công khi trở thành một ngân hàng thương mại thực thụ. Dự cảm đó trở thành một niềm tin chắc chắn khi tôi được nghe những lời phát biểu tại các cuộc họp cũng như những chỉ đạo triển khai của các đồng chí lãnh đạo cao cấp BIDV chuẩn bị cho BIDV trên bước đường mới.

Một trong những việc triển khai mà Phòng Pháp chế - chế độ lúc đó mà trực tiếp là tôi được giao nhiệm vụ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phó Tổng Giám đốc Trịnh Ngọc Hồ (sau này là Tổng Giám đốc giai đoạn từ 1996-2003) là sửa đổi Điều lệ tổ chức và hoạt động của BIDV cho phù hợp với yêu cầu mới và quy định của pháp luật. Theo Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính còn hiệu lực lúc đó thì BIDV là một loại hình ngân hàng không phải là ngân hàng thương mại mà là “ngân hàng quốc doanh, nhận vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước để đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế - kỹ thuật của Nhà nước và huy động vốn trung hạn, dài hạn trong nước, ngoài nước để cho vay trung hạn, dài hạn là chủ yếu” (Khoản 2 Điều 2 Pháp lệnh).

Vấn đề pháp lý được đặt ra là làm thế nào để vẫn tồn tại “Ngân hàng Đầu tư và Phát triển” theo pháp lệnh nhưng không còn tính chất hoạt động cấp phát trong đầu tư phát triển nữa. Cuối cùng, đồng chí Trịnh Ngọc Hồ đã truyền đạt ý tưởng cho tôi viết công văn trình Ngân hàng Nhà nước sửa Điều lệ theo hướng cho phép Ngân hàng Đầu tư và Phát triển được hoạt động như một ngân hàng thương mại. Nội dung này đã được đồng chí Trịnh Ngọc Hồ đề cập, kiến nghị tại rất nhiều cuộc họp do Ngân hàng Nhà nước tổ chức trong thời gian đó. Cuối cùng, đề xuất đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Ngày 21/03/1995, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký quyết định số 79/QĐ-NH5 cho phép áp dụng Điều lệ mới của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Tại Điều 2 của Điều lệ mới đã quy định “Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam ... đồng thời được thực hiện các hoạt động của ngân hàng thương mại...”. Những con chữ này nếu đọc qua thì thấy không có gì đặc biệt, nhưng để có chúng phải mất không ít công sức, thời gian và là một sự “linh hoạt” rất khéo cho sự tồn tại và phát triển của một thương hiệu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển như ngày nay. Đây cũng là một bài học rất sâu sắc cho một cán bộ làm công tác pháp chế như tôi trong quá trình thực hiện công tác tư vấn pháp lý cho hoạt động của BIDV.

Một kỷ niệm sâu sắc nữa đối với tôi đó là việc tôi được tham gia xử lý đặc biệt Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Đô trong thời gian 3 tháng đầu tiên. Vào năm 1998, sau hàng loạt những hoạt động sai phạm trong tín dụng, Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Đô đã mất khả năng chi trả và bị Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Đây cũng là thời kỳ diễn ra khủng hoảng tài chính Châu Á, nên để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng cũng như ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương giao cho BIDV tham gia kiểm soát và xử lý Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Đô nhằm xử lý êm, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, tận thu nợ. Tiếp nối chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Tổng Giám đốc BIDV đã ký quyết định số 147/QĐ-TCCB ngày 12/09/1998 thành lập Tổ công tác đặc biệt gồm 4 người ban đầu là: đồng chí Trần Bắc Hà, Giám đốc Chi nhánh Bình Định - Tổ trưởng, đồng chí Lưu Thị Kim Oanh, Trưởng phòng Tài chính kế toán (nay đã nghỉ hưu) -  Tổ phó, đồng chí Nguyễn Bá Vượng - Phó giám đốc Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh - Tổ phó và tôi là Tổ viên. Tổ công tác sau này bổ sung thêm nhiều người như đồng chí Trần Thị Hưng nay là Giám đốc Chi nhánh Phú Mỹ, đồng chí Đặng Quang Vinh nay là Phó chánh văn phòng, đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn nay là Phó Giám đốc Công ty cho thuê tài chính 2, đồng chí Nguyễn Văn Phúc Trưởng phòng tín dụng Chi nhánh Khánh Hoà... Tổ công tác có trách nhiệm đánh giá toàn bộ thực trạng Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Đô và đề xuất hướng xử lý.

Thời gian này, trên đài truyền hình Việt Nam có chiếu bộ phim Chuyện Làng Nhô và mọi người gọi đùa Tổ công tác đặc biệt là “Đội cực nhanh”. Cả Tổ công tác được phân ra các nhóm nhỏ, đều căng sức ra làm việc cả ngày lẫn đêm; ban ngày thì kiểm tra, đối chiếu sổ sách, ban đêm thì lập báo cáo. Tôi và đồng chí Tuấn được đồng chí Bắc Hà giao nhiệm vụ tổng hợp và báo cáo chung, luôn đi theo bên cạnh để sẵn sàng lập biên bản, lập báo cáo ngay lập tức! Vì vậy chúng tôi được đồng chí Hà ưu tiên ra tận chợ Bến Thành, bỏ tiền túi mua cho mỗi người một cặp khoá số Samsonite trông rất oách. Mọi việc của Tổ công tác được làm một cách bài bản và “thần tốc” dưới sự chỉ đạo, đôn đốc hết sức quyết liệt của đồng chí Trần Bắc Hà. Sau một thời gian, Tổ công tác đã đề xuất thành lập Ban xử lý tài sản và thu hồi nợ Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Đô do đồng chí Trần Bắc Hà làm Trưởng ban.

Vào thời gian này, đồng chí Bắc Hà vẫn kiêm giữ chức Giám đốc Chi nhánh Bình Định nên thỉnh thoảng đồng chí Bắc Hà vẫn bay ra Bình Định để giải quyết công việc. Việc điều hành của đồng chí Bắc Hà rất quyết liệt và nhanh chóng nên mọi người gán biệt danh cho đồng chí là “Bão”. Giữa cán bộ của Tổ công tác đặc biệt và Chi nhánh Bình Định có liên hệ với nhau, khi đồng chí Bắc Hà từ Bình Định bay vào thì cán bộ của Chi nhánh gọi vào: “Bão đang vào!” còn khi từ thành phố Hồ Chí Minh bay ra Bình Định thì chúng tôi lại gọi ra: “Bão sắp về!”. Với quan niệm “làm ra làm, chơi ra chơi”, thỉnh thoảng đồng chí Trưởng ban cho chúng tôi một bữa “nhậu” xả hơi, không quản lý giờ giấc nhưng với yêu cầu công việc vẫn phải hoàn thành đúng tiến độ. Vì vậy, có lần sau khi dự tiệc, tôi và đồng chí Tuấn phải về chuẩn bị báo cáo đến 1 giờ 30 phút sáng. Ngủ được một chốc thì đến 5 giờ sáng thì đồng chí Bắc Hà đã gọi điện yêu cầu trình dự thảo để đồng chí duyệt, ký gửi trước 6 giờ 30! Thời gian tham gia Tổ công tác đặc biệt tuy ngắn nhưng đã để lại trong tôi những kỷ niệm không bao giờ quên. Đây cũng là một thời gian thử thách và học hỏi hết sức bổ ích giúp cho tôi trưởng thành và thành công hơn trong công việc được giao.

Tác giả: Phạm Đức Ấn
Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}