Web Content Viewer
ActionsNăm 1976, bước vào tuổi 22 và cũng là thời điểm tôi bước chân vào cửa Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam với tư cách là một cán bộ để rồi cùng Ngân hàng thân yêu của tôi bước đi trên một chặng đường hơn 30 năm. Trên chặng đường dài đó đã diễn ra biết bao sự kiện lớn lao trọng đại, nhưng với tôi vẫn luôn nhớ những chuyện “vụn vặt” nho nhỏ…
Ngày ấy, Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam được gọi là Ngân hàng Kiến thiết (thuộc Bộ Tài chính), tầm vóc của nó chỉ tương đương một Vụ của Bộ Tài chính. Chi đoàn thanh niên Ngân hàng Kiến thiết sinh hoạt trong Đoàn Bộ Tài Chính, cùng xếp hàng ăn cơm theo vé tháng tại bếp ăn tập thể Bộ, xếp hàng mua hàng phân phối tại Căn-tin, xếp hàng lấy xuất thịt và gạo nếp được phân phối trước ngày nghỉ tết Nguyên Đán. Ngày ấy, làm cái gì cũng phải xếp hàng, nếu bận quá thì đặt nửa viên gạch vỡ, một cái rổ hay thậm chí như chị em chúng tôi có thể tháo ra một chiếc guốc để thay mặt mình, nhân danh mình vào xếp hàng chờ đến lượt được nhận phần phân phối. Khi thì một chiếc lốp xe đạp sao vàng, khi thì nửa bánh xà phòng giặt, cũng có khi may mắn bốc thăm được 2m vải lụa đen… Mọi thứ đều quá hiếm hoi và mọi thứ đều thiếu thốn.
Một số nữ cán bộ trong những năm đầu của Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam
Trụ sở Ngân hàng Kiến thiết lúc đó còn chật chội lắm. Phòng Kế hoạch của tôi phải ngồi chung với phòng Chế độ và phòng Kinh tế kĩ thuật trong một căn phòng rộng không tới 20 m2. Đã có không biết bao nhiêu chuyện “khó xử”, những điều “tế nhị” xảy ra vì ngồi chung như vậy. Ví dụ như khi liên hoan phòng hoặc có “ăn tươi” chẳng hạn. Tôi nhớ có một lần, phòng Kế hoạch liên hệ được với khách hàng ở Hải Phòng mua được 3 lô cá thu ướp. Trưởng phòng nháy mắt ra hiệu cho từng nhân viên đến một địa điểm ngoài cơ quan để chia nhau để khỏi “tai tiếng”. Trước khi chuẩn bị dao, thớt để chia cá, có một cán bộ trong phòng đọc thánh thót câu: “Cơm áo không đùa với khách thơ”… thế là cả phòng cùng cười, thật ấm cúng.
Phòng Kế hoạch của tôi lúc ấy có thể nói là một bộ phận tham mưu chủ lực nhất của Ban giám đốc, là bộ phận đầu não của cả hệ thống vì thời ấy “Kế hoạch” là “cương lĩnh thứ 2”. Chỉ tiêu kế hoạch lúc ấy được gọi là chỉ tiêu pháp lệnh, nhà nước điều khiển sự vận hành của nền kinh tế và đời sống xã hội thông qua hệ thống các chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh, nên những gì có tên là kế hoạch cũng rất quan trọng.
Từng tháng, từng quí và từng năm, phòng Kế hoạch chúng tôi chỉ làm những công việc đơn điệu là vẽ ra những “tờ sớ” bằng kinh nghiệm và thói quen để lại… rồi nộp quyển, rồi trình duyệt, rồi sau khi kí duyệt tức là pháp lệnh, ai làm trái với pháp lệnh đó thì tức là phạm pháp. Thời ấy chưa có khái niệm cho vay như bây giờ, mà là cho B vay tạm ứng, sau đó cấp phát cho A để thanh toán. Do vậy, nói là vay nhưng thực chất là “cấp”. Cái thời như vậy người ta gọi là thời bao cấp. Cái cơ chế như vậy, người ta gọi là cơ chế “kế hoạch hoá tập trung”.
Cái cơ chế như vậy kéo dài từ ngày tôi chào đời cho đến ngày tôi tròn 35 tuổi thì đất nước bắt đầu bước vào thời kì đổi mới. Những chuyện chia gạo nếp, chia cá, bốc thăm lốp xe đạp ngày nào bỗng trở thành chuyện cổ tích. Trước đó khoảng dăm ba năm, giữa thập kỉ 80 của thế kỉ trước, đâu đó người ta “phá rào”, không chịu được cảnh “ngăn sông cấm chợ”. Bọn trẻ trong cơ quan kháo nhau: “Nghe đâu trên Chính phủ có bác Trần Phương tài giỏi đề xướng các cuộc cải cách Giá - Lương - Tiền nhằm xoá dần cơ chế bao cấp xin - cho sang cơ chế thị trường tự trang trải, tự lo liệu…”. Ngân hàng Kiến thiết chuyển thành Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng.
Sự sống của Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng được thở bằng 2 lá phổi: 1 là nguồn Tín dụng ưu đãi cho đầu tư XDCB của Chính phủ, chảy theo động mạch chủ của cơ chế bao cấp. Lá phổi thứ 2 thông qua hằng hà sa số những tĩnh mạch xuyên sâu vào nền kinh tế để thu hút những nguồn lực nhàn rỗi của các doanh nghiệp và toàn xã hội. Dòng thứ 2 này ngày càng đa dạng, phong phú và ào ạt từ những kênh, rạch biến thành sông suối tưới vào cơ thể Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng. Một sức sống mới kì lạ giống như cô gái lỡ thì bừng tỉnh trong màu áo mới tươi trẻ và duyên dáng chuẩn bị bước vào phòng cưới.
Cán bộ Ngân hàng Nhà nước cùng cán bộ Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam chụp ảnh kỷ niệm với Đoàn cố vấn quốc tế sang giúp Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam về nghiệp vụ (1981-1985)
Đầu thập kỉ 90, Ngân hàng Đầu tư thích ứng dần với cơ chế thị trường. Hoạt động của cả hệ thống trở nên nhộn nhịp, ở Hội sở chính xuất hiện huy động vốn có thưởng. Nghĩa là ngân hàng có một khoản thưởng bằng tiền cho những cán bộ huy động được vốn nhàn rỗi của các doanh nghiệp để tạo nguồn vốn tín dụng cho ngân hàng. Cơ chế này vừa thúc đẩy được tính năng động, sáng tạo của các cán bộ vừa khắc phục được tình trạng đói vốn nghiêm trọng của cả một hệ thống ngân hàng vừa thoát khỏi chế độ bao cấp. Đồng thời với cơ chế thúc đẩy huy động vốn, lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã trình và được Chính phủ đồng ý cho thực hiện các hình thức huy động vốn khác, trong đó đáng nhớ nhất là hình thức phát hành “Kì phiếu huy động vốn bằng vàng”. Trong chiến dịch này có một kỉ niệm mà mỗi lần nhớ đến, dẫu đang đi một mình tôi cũng không khỏi không bật cười…
Vào một ngày đẹp trời, tôi được lãnh đạo phân công mua xôi ăn sáng để phục vụ chiến dịch, tôi không thể giải thích được: Tại sao huy động vốn bằng vàng mà lại phải mua xôi, chẳng lẽ tất cả cán bộ đều chưa kịp ăn sáng chăng? Sau đó tôi mới vỡ lẽ, hoá ra những gói xôi đó được phục vụ để “nịnh” khách hàng. Những vị khách vô tư nhận những gói quà sáng trong khi xếp hàng chờ mua kì phiếu. Họ vừa ăn xôi vừa chuyện trò vui vẻ và cảm ơn sự quan tâm của Ngân hàng. Câu chuyện khuyến mại khách hàng bằng nắm xôi luôn làm tôi bật cười vì tính hiệu quả tức thời của nó, bật cười vì vẻ giản đơn quá đỗi của nó! Tuy nhiên, sau sự bật cười bao giờ tôi cũng bị xúc động. Xúc động vì vẻ đẹp tuyệt mĩ trong hành vi giản dị của cả Ngân hàng lẫn khách hàng. Xúc động trong sự đón nhận sự chân thành của khách hàng đối với những nắm xôi mà chính tôi mua mời họ. Tôi nghĩ rằng sự bật cười và niềm xúc động này có lẽ rồi sẽ theo tôi suốt những năm tháng sau này.
Rồi cuộc sống nửa bao cấp, nửa thị trường cũng đến ngày chấm dứt. Năm 1994, Nhà nước thành lập Tổng cục Đầu tư trực thuộc Bộ Tài chính, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam phải điều động một phần nguồn lực và nhân sự sang Tổng cục Đầu tư. Phần còn lại thực sự trở thành 1 ngân hàng thương mại, hoạt động theo cơ chế thị trường. Tại thời điểm này, nguồn vốn bao cấp của Nhà nước gần như không còn nữa, tài khoản tiền gửi của ngân hàng gần như cạn sạch tiền… Tôi nhớ rất rõ nét mặt đồng chí Tổng Giám đốc lúc đó căng thẳng đến chừng nào. Trước tết Nguyên Đán năm Ất Hợi (1995), toàn bộ nhân viên phòng nguồn vốn kinh doanh của chúng tôi cũng căng thẳng và lo lắng dốc sức chạy xô đi khai thác nguồn vốn tại các doanh nghiệp, và rồi vận may cũng đến… Trong những ngày giáp Tết, chúng tôi đã huy động được gần 500 tỉ VNĐ và gần 100 triệu USD từ Tổng cục Hàng không Việt Nam và Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam. Kết quả khả quan đó làm rạng ngời nhiều nét mặt, đặc biệt với những người mang nặng tư tưởng truyền thống, cho rằng nếu mùng 1 Tết mà tài khoản hết tiền thì cả năm kinh doanh sẽ không may mắn, nghèo đói. Rất may cho chúng tôi, mùng 1 Tết năm đó tài khoản tiền gửi VND và tài khoản ngoại tệ của cả hệ thống đã có một lượng vốn đáng kể, có lẽ nhờ vậy mà Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam ngày càng ăn nên làm ra…
Hôm nay, tôi ngồi viết lại những điều vụn vặt này tại phòng làm việc, căn phòng mà tôi đựơc cơ quan bố trí bây giờ chắc chắn là đầy đủ tiện nghi hơn nhiều lần so với phòng làm việc của đồng chí Tổng Giám đốc trước đây trong thời bao cấp. Cứ nghĩ đến là tôi lại thấy ngậm ngùi và càng kính phục những cha, anh đã đi trước để tôi có được như ngày hôm nay.
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0849351080/ 0822808588/ 0842152355/ 0766151080/ 0763238588/ 0784132388/ 0358201080/ 0357638588/ 0334282388
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng