Nhớ về Quảng Trị thời ấy

14/03/2022
Trách nhiệm và duyên phận xui nên để có những năm tháng tôi được đến với Quảng Trị, một miền quê hẹp nhất miền Trung giữa Bình - Trị - Thiên khói lửa thời kháng chiến chống giặc Pháp xâm lược.

Nói tới Quảng Trị còn phải nhắc tới miền gian nan khắc nghiệt từ ngọn gió Nam (còn gọi là Lào) cùng với bao la những vùng cát trắng, đất đỏ khô cằn. Dù có sự biến thiên bao đời cho đến ngày nay thì những hiểm hoạ ấy hàng năm hầu như không mấy nhẹ bớt. Có điều là con người với sức vóc hạn chế nhưng giàu tính kiên trung, quả cảm và tấm lòng rộng mở đã không quản ngại gian nguy đến nơi đây cùng sẻ chia để làm nên sức sống của màu xanh cây cỏ chống lại giặc cướp nước và thiên tai từ thế kỷ này sang thế kỷ khác...

Thời ấy...

Sau Hiệp định Genève về đình chiến ở Đông Dương (7/1954), đất nước ta tạm phân chia hai miền thì Quảng Trị là địa bàn tạm chia hai vùng Nam - Bắc, cầu bắc qua sông Hiền Lương phân chia nội tỉnh cũng là vạch phân chia một nước. Huyện Vĩnh Linh của Quảng Trị thuộc phía Bắc vĩ tuyến 17, các huyện, thị xã còn lại thuộc phía Nam.

Cầu Hiền Lương thời ấy (Ảnh: TTXVN)

Phòng Ngân hàng Vĩnh Linh một thời ấy là đại lý của Ngân hàng Quảng Bình, tôi được phân công về đó, anh Ngô Cháu làm trưởng phòng, anh Đỗ Văn Châu là tổ trưởng ba người của tôi và anh Nguyễn Khánh Khả. Xóm thôn sau chiến tranh còn tiêu điều, thiếu đói, hoạt động bằng đồng tiền chỉ có một ngân hàng quốc gia, chưa nói tới đầu tư công trình, xây dựng dự án mà trước hết là lo cho dân cái ăn, cái mặc, cuốn vở cho con em học chữ, đắp lại con đường đất trong mỗi xóm, thôn. Phái đoàn Liên hiệp Việt - Pháp đi đóng cột mốc phân biệt vùng phi quân sự dọc bờ giới tuyến từ bờ sông Hiền Lương trở ra Bắc 5km, họ phải tự mang theo cơm, bánh, nước uống... Điểm sáng nhất lúc đó là đầu tư cụm nhà trực và đồi gác phía Bắc cầu Hiền Lương cùng với cây cầu lát gỗ ván qua sông, sơn hai màu đỏ, xanh thể hiện hai chế độ. Ngành Tài chính và Ngân hàng lo tiền bạc, kinh phí chủ yếu được Trung ương cấp là vùng phi quân sự không có quân đội nhưng có các đoàn “Thanh niên xung phong” được điều động tới góp sức sửa chữa, phục hồi và xây dựng các công trình không chỉ vì tiêu biểu cho Vĩnh Linh - Quảng Trị mà còn là đại diện cho miền Bắc Việt Nam trong phe xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ... Tôi đến làng Mô Nham, xã Văn Thành vào loại nghèo nhất Vĩnh Linh. Làng ở đồi cao, có sự cố chỉ một đêm đất rung nhão ra cây cối chết trụi cả. Sau đó đất cứng đanh lại, mỗi hộ chỉ vay tiền 100 đồng được ngọn khoai để tưới nước mới mau có rau, củ chống đói. Tôi đến làng Vịnh Mốc xã Vĩnh Thạch cho vay thuyền, lưới đánh cá, thuyền nhỏ ra biển vào đất liền hàng ngày, cũng là cầu chi viện nhân vật lực ra đảo Cồn Cỏ xa 28 km (về sau Vịnh Mốc xây dựng hệ thống địa đạo 3 tầng sâu, dài trên 2.100m như kỳ quan nổi tiếng anh hùng trong đánh giặc Mỹ).

Những con thuyền giương cánh buồm no gió như tỏ rõ khí phách hào hùng băng sông nước từ đồng vốn Ngân hàng đưa tới. Đồng tiền, hàng hoá còn giúp dân qua lại sông Hiền Lương buôn bán làm ăn theo giấy phép của Uỷ ban Liên hợp cấp, in 2 thứ tiếng Việt - Pháp do Trung tá quân đội nhân dân Vịêt Nam Trần Chí Hiền ký. Bên kia tuyến là chợ Cầu, chợ Bạn, bên này tuyến là chợ Hồ Xá, chợ Do được chọn làm điểm thị trường tính tỷ giá tiền hàng ngày để trao đổi. Tỷ giá công khai 1 đồng Đông Dương bằng 30 đồng Việt Nam thì dễ tính, có thứ tỷ giá không tính được là lòng dân đôi bờ sông Hiền Lương âm thầm, nhỏ nhẹ nhắc nhau giữ vững niềm tin để chỉ 2 năm tạm phân cách giới tuyến theo Hiệp định Genève (1954 - 1956) rồi trở lại đoàn viên sum họp chung một nhà, một non sông nước Việt không thể nào chia cắt. Vậy mà khi quân Mỹ vào Miền Nam, dựng lên Chính quyền Sài Gòn, niềm tin ấy phải chịu đau thương, mất mát, nuôi giữ đến hơn 17 năm sau, vào giữa năm 1973 mới thật sự trở thành hiện thực.

Thời ấy, tôi đến Vĩnh Linh - Quảng Trị trong bao gian khó, làm việc và ở nhờ nhà dân, ăn “cơm bữa diếp” nghĩa là 3 ngày mới có 1 bữa cơm còn thường ngày là sắn lát hầm trộn muối vừng, lạc rang cốt là khỏi đói. Thế mà nghĩa tình sâu nặng, nghĩa vụ thiêng liêng. Một hệ thống Tài chính và Ngân hàng quốc gia mở đầu, để rồi có các tổ chức Ngân hàng, tín dụng, cấp phát đầu tư... ra đời nối tiếp và trưởng thành về sau... Lịch sử quê hương và con người không thể nào quên được...

Tiếp một thời ấy...

Sau chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, những đòn tấn công chiến lược và chớp thời cơ của quân dân Miền Nam nước ta vào các sào huyệt đầu não của Mỹ - Nguỵ tạm lắng, địch trở lại tái chiếm các vùng ta vừa mới giải phóng, lấn chiếm thêm một số vùng căn cứ của ta từ trước. Đặc biệt gay gắt là Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, cán bộ, chiến sĩ vào thành phố, thị xã và vùng ven bị đẩy “lên xanh”, cả lực lượng sinh viên, học sinh qua hoạt động Xuân Mậu Thân bị lộ diện cũng phải thoát ra khỏi địa bàn, tay không mà lên chiến khu, chuyển dần ra Bắc đồng thời có những đoàn quân lại tiếp tục vào Nam chuẩn bị những chiến dịch mới. Tình hình đó đặt ra nhu cầu ăn mặc, đồ dùng đi đường cho hàng vạn người rất cấp thiết, một khu vực hậu cần giáp ranh giữa Quảng Bình - Quảng Trị gọi là “tuyến thống nhất” được thành lập. Trong khu vực hậu cần ấy có Chi điếm Ngân hàng Nhà nước tuyến được hình thành, Trung ương giao cho Quảng Bình đảm nhiệm (Ngân hàng Quốc gia được đổi tên thành Ngân hàng Nhà nước từ 10/1961). Tôi được nhận nhiệm vụ tìm hiểu hành trình của các đoàn ra, vào, nắm các đầu mối cung ứng lương thực, hàng hoá thiết yếu đặt dọc tuyến, qua đó Ngân hàng có sự phối hợp phục vụ cho “quân ta” đi ngang qua tuyến hoặc dừng chân nghỉ lấy sức. Công việc trước hết của Ngân hàng là xây trụ sở kiêm kho, đặt ra sự phối hợp giữa Chi điếm Ngân hàng Nhà nước với Chi hàng Kiến thiết rất khẩn trương. Tìm hiểu lịch sử chưa có trường hợp nào cán bộ hai tổ chức Ngân hàng và Chi hàng hợp sức lại, có thêm một số anh chị em ở cửa hàng thương nghiệp tuyến cùng tham gia. Nhà 5 gian, vật liệu gỗ, lá, mây... anh em tự khai thác, 3 gian làm việc và ở 2 gian kho trát đất dày, chống đất dày, chống cháy, mối, chuột. “Công trình” hoàn thành trong 3 tháng, khánh thành dịp 19/5/1969 “lập công dâng mừng thọ Bác”, số quyết toán đúng giá trị 2.000 đồng, bao thứ thiếu vật liệu, ngày công anh em tự làm lấy, không chờ cấp thêm. Buổi khánh thành trụ sở được liên hoan bằng bánh lương khô do đồn biên phòng bên cạnh tặng, cũng gọi là kết nghĩa “quân - dân - chính”. Chi điếm Ngân hàng tuyến Thống nhất do anh Nguyễn Hữu Giải phó Chi điếm Ngân hàng Nhà nước Lệ Thuỷ làm trưởng, anh Nguyễn Quy Hoàn cán bộ Ngân hàng Nghệ An làm kế toán trưởng, anh Võ Quang làm thủ quỹ, anh Nguyễn Khắc Siêu từ Bố Trạch vào làm thủ kho... Anh em hoạt động không chỉ lo tiền bạc mà chuẩn bị cả “hậu cần” lương thực, thực phẩm, thuốc phòng bệnh, các đoàn quân, cán bộ, dân công vào ra, qua tuyến nhiều người gầy yếu lên cơn sốt nằm lại, cán bộ Ngân hàng tuyến ân cần chăm sóc đến giảm đau, bớt bệnh mới tiếp tục lên đường. Gian lao vất vả từ đầu và quá trình đùm bọc nhau cùng chung chiến tuyến như thế, đến sau chiến dịch đường 9 Nam Lào Xuân 1971, quân ta đại thắng thì cả Chi điếm Ngân hàng và Chi hàng được quyết định của trên cho kết thúc nhiệm vụ. Những gì đã góp phần làm nên chiến công chung một thời ấy có một không hai trong đời làm cán bộ ngành nắm vốn, giữ tiền...

Thêm một thời ấy...

Hiệp định Paris về ngừng chiến ở Việt Nam ký ngày 27/1/1973. Nhưng trước đó, thị xã Quảng Trị đã phải qua 81 ngày đêm mùa hè 1972 bị bom đạn Mỹ tàn phá tan tành, cày đi xới lại cháy đỏ từng tấc đất. Quảng Trị được giải phóng thêm thị xã Đông Hà và một vùng từ sông Hiền Lương vào đến sông Thạch Hãn, cách giới tuyến quân sự tạm thời 40 km. Một tỉnh có ba vùng được phân định:

  • Huyện Vĩnh Linh thuộc miền Bắc Việt Nam đã có Ngân hàng Nhà nước và Chi hàng Kiến thiết khu vực Vĩnh Linh ổn định từ trước.
  • Từ cầu Hiền Lương vào Nam sông Thạch Hãn mới giải phóng thuộc Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam, Ty Ngân tín Quảng Trị được lập ra từ tháng 6/1973 để phục vụ.
  • Từ sông Thạch Hãn trở vào chưa giải phóng thuộc ngụy quyền Sài Gòn kiểm soát. Tuy nhiên, với khí thế của lực lượng cách mạng nên tại vùng chưa giải phóng vẫn lập một phòng Ngân tín đóng tại xã Cam Giang, huyện Cam Lộ để phục vụ dân Hải Lăng, Gio Linh, Cam Lộ sơ tán.

Trên phần đất Quảng Trị được giải phóng (từ 1/1973), bên cạnh tổ chức Ngân tín có phòng xây dựng cơ bản trong Ty Tài chính tỉnh được thành lập do anh Nguyễn Hồng Quảng phụ trách cùng với Nguyễn Quang Bửu. Ty Ngân tín do anh Ngô Cháu làm trưởng Ty, cùng hoạt động song song với Ty Tài chính lo về ngân sách, cấp phát kinh phí do Uỷ ban nhân dân cách mạng tỉnh trực tiếp lãnh đạo, vừa thực hiện chính sách kinh tế, tài chính của Mặt trận dân tộc giải phóng, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam vừa thực hiện chính sách, biện pháp của hình thái Ngân hàng Quốc gia đặc biệt đầu tiên ở vùng mới giải phóng chưa có một tiền lệ nào. Nội dung cụ thể có ngành chuyên môn Trung ương chỉ đạo nhưng tại địa phương thì Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh Lê San chỉ thị: “Làm gì lợi cho cách mạng thì làm nhưng phải nhớ đây là “Xanh vỏ đỏ lòng” - Chính phủ Cách mạng lâm thời không phải nhất nhất cái gì cũng làm y như miền Bắc. Cụ thể như ghi chép hạch toán tiền bạc thì lấy đơn vị tiền Bắc để tính toán theo kế toán đề của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam soạn thảo, có thuận lợi là đa số cán bộ từ Miền Bắc thì luôn gắn bó với Quảng Trị. Cơ chế tiền mặt, thanh toán, tín dụng, cấp phát phải vận dụng cho phù hợp thực tế các đơn vị, các ngành và nhân dân vùng mới giải phóng, đề ra chính sách biện pháp gì phải được Chủ tịch UBND cách mạng tỉnh duyệt chặt chẽ...”

Cán bộ Ngân tín, Tài chính trong đó có cấp phát xây dựng cơ bản, hiểu cho được ý nghĩa tách bạch mà song trùng đó không đơn giản chút nào. Cán bộ sinh hoạt trong điều kiện vật chất thiếu thốn nhưng tinh thần hoà đồng tập thể thân thương, có già, trẻ, cũ, mới, có cán bộ tập kết ra Bắc trở về, có cán bộ đi B bám địa bàn hoặc du kích địa phương trưởng thành, có cán bộ Trung ương bổ sung thêm. Cuộc sống và tư cách mỗi người luôn có sự thận trọng, khôn khéo, nếu buông mình lúc này dễ vi phạm chính sách, mắc sai lầm... (như trường hợp ở Ty Ngân tín, cán bộ lợi dụng tham ô trong việc đổi các loại tiền giải phóng, tiền ngụy, tiền Miền Bắc và trong quản lý mua sắm tài sản, xây dựng cơ bản về sau đã bị pháp luật xử lý.)

Đến 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Quảng Trị được thành lập, là Chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết đầu tiên ở Miền Nam do anh Nguyễn Nhĩ làm trưởng Chi nhánh, anh Nguyễn Hồng Quảng làm phó. Cán bộ được điều động từ 3 nơi: Ngân hàng Kiến thiết Quảng Bình, phòng Ngân hàng Kiến thiết khu vực Vĩnh Linh, phòng xây dựng cơ bản trong Ty Tài chính Quảng Trị, tổng số 20 người. Khi hợp nhất tỉnh Bình - Trị - Thiên, anh Nguyễn Nhĩ vào làm trưởng Chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết tỉnh, tại Quảng Trị lập Chi điếm Ngân hàng Kiến thiết khu vực II - Quảng Trị do anh Đoàn Phúc Quát làm trưởng, chị Vũ Thị Hạnh làm phó. Khi anh Quát nghỉ hưu thì anh Nguyễn Đình Dung được thay làm trưởng.

Vùng đất Quảng Trị trước và sau giải phóng đến hợp nhất Bình Trị Thiên là một chảo lửa từ chiến tranh chống Mỹ để lại, khi giải phóng Miền Nam lửa vẫn chưa nguội bởi mỗi vùng đất, con đường còn dày đặc bom đạn các loại. Chỉ một vạch đất ngang qua Dốc Miếu, trong chiến tranh có tên là “Hàng rào điện tử Mc Namara”, trong những ngày trở về công binh ta đã rà phá nhanh hơn 6 triệu quả bom mìn, thế nhưng nhiều người đi lại vẫn bị va vấp, chịu thương tật, hy sinh. Những cán bộ Ngân hàng, Chi hàng Kiến thiết lại xông vào cuộc chiến mới thầm lặng để khắc phục hậu quả, tổ chức lại sản xuất, đời sống. Chi hàng Kiến thiết Quảng Trị (khu vực II Bình Trị Thiên) bắt tay vào nhiều công trình, hạng mục cũ bị tàn phá và các công trình mới xây dựng về kinh tế, văn hoá, xã hội. Trước hết là phục hồi các công trình thiết yếu cầu Hiền Lương, cầu Đông Hà, đoạn quốc lộ 1 từ Hiền Lương vào Đông Hà, mở đường qua Dốc Miếu - Cồn Tiên... những trọng điểm dân sinh, Bệnh viện Hà Lan, đập nước Vĩnh Phước, Nhà hát Nhân dân ngoài trời ở Đông Hà... Tính khẩn trương đặt ra, công trình xây dựng lên để xoá bớt cảnh tiêu điều, xơ xác, bộ máy khảo sát, thẩm định hoạt động thâu ngày đêm, từ công trình đơn vị này tiếp qua đơn vị khác, nhiều cán bộ ở cơ sở cả tuần mới về cơ quan một lần. Chưa đầy 2 năm 1976 - 1977, số vốn cấp phát xây dựng cơ bản trên 171 triệu đồng (giá 1 chỉ vàng lúc này 160 - 180 đồng). Cùng thời điểm này thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (12/1976), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bình Trị Thiên hợp nhất lần I hướng vào nhiệm vụ, mục tiêu trước mắt là “phục vụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đảm bảo như cầu lương thực, thực phẩm cho người, cho chăn nuôi và có phần dự trữ... Giúp nông nghiệp phục hoá, khai hoang, mở vùng kinh tế mới nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh đồng thời góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở phía Bắc, cải tạo và xác lập quan hệ sản xuất mới ở phía Nam, đưa dần hai miền trong tỉnh lên đồng đều...” (Trích NQ Đại hội Đảng bộ Bình Trị Thiên lần I).

Ngân hàng Nhà nước và Chi hàng Kiến thiết cùng thời ấy chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 32/CP ngày 11/2/1977 của Hội đồng Chính phủ, thúc đẩy tăng nhanh hàng loạt công trình đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư chiều sâu để “tăng cường xây dựng kinh tế cấp huyện”. Nhiều công trình kinh tế tiếp tục được phục hồi, xây dựng như nông trường Quyết Thắng, Bến Hải, nông trường Cồn Tiên, Tân Lâm, đồng muối Tuờng Vân, nhà máy điện Bến Hải... Đặc biệt lĩnh vực thủy lợi đầu tư công trình đại thuỷ nông Nam Thạch Hãn từ 1977 có công suất tưới 16.500 ha, vốn 153 triệu đồng, liền đó là các đầu mối nối kênh N1, xây dựng các hồ nước Miếu Bà, Thác Heo, Kinh Môn, Hà Thượng... Cùng với nông nghiệp thì giao thông huyết mạch được khôi phục nhanh đường tàu Thống nhất, xây mới cầu Thạch Hãn, cầu Đăkrông, Lai Phước, nâng cấp đường số 9 nối Lao Bảo qua Tà Khống (Lào). Ngân hàng Kiến thiết còn được giao nhiệm vụ vươn xa, đầu tư giúp tỉnh Savannakhet - Lào xây dựng mỏ thạch cao ở Đồng Hến, bệnh viện Sêpôn, nhà khách tỉnh ở Mường Phìn, nhà nghỉ của Ban C.K, kết hợp quốc phòng khởi công xây dựng nghĩa trang Trường Sơn, nhà và bể chứa nước ngọt ở đảo Cồn Cỏ... Cùng với đầu tư cấp phát vốn xây dựng cơ bản, vốn chiều sâu thì Ngân hàng còn mở rộng tín dụng vốn lưu động, cải tiến kỹ thuật, đầu tư 35 máy cày lớn MTZ Liên Xô, trên 2,5 vạn con trâu bò; 6,5 vạn con lợn giống, xây dựng lò gạch ngói ở Hải Chánh, Vĩnh Đại, nhà máy bột sắn vo viên xuất khẩu ở Đông Hà...

Một trong những kho hàng trong hang động tại Hạ Lào do Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam cấp vốn để xây dựng

Lịch sử đất nước còn ghi đậm mãi chương mới trên vùng đất Quảng Trị thời ấy với vị trí, trách nhiệm của Chi hàng Kiến thiết và Ngân hàng Nhà nước ở những miền cây cỏ hoang tàn, núi đồi và cát trắng để dựng nên những “pháo đài kinh tế”, chưa đầy 3 năm đưa vốn đầu tư cấp phát lên 671 triệu đồng (giá lúc này vàng đã lên 200 đồng/chỉ, gạo 2,4 đồng/kg...). Giá trị lúc này lớn chẳng những về số tuyệt đối mà cả ý nghĩa về sự quan tâm chăm lo vùng đặc biệt khó khăn, có lúc có nơi đã phải nghĩa tới câu ca “một miếng khi đói hơn một gói khi no” để đi tới tận cùng trách nhiệm của mỗi tổ chức và mỗi cá nhân.

Những đồng vốn đầu tư dưới bất cứ thể loại, hình thức nào của những thời ấy trở thành vật chất, tinh thần thấm đẫm vào đất đai, máu thịt của trên 53 vạn người dân Quảng Trị, đi vào xóa đói, giảm nghèo, góp làm nên sức bền bỉ chống giặc, phòng chống thiên tai... Và từ những thời ấy, con người có tích cốc phòng cơ để xây dựng và phát triển, gìn giữ cho thế hệ này qua thế hệ khác...

Đã qua đi hàng chục năm chiến đấu và xây dựng, đồng đội đồng nghiệp đều tuổi trên 70 - 80, do điều kiện công tác, sinh sống đã lưu tán đi nhiều nơi trên đất nước. Nhiều người đã “đi xa” để lại tiếc thương cho gia đình, bầu bạn như anh Ngô Cháu, Đỗ Văn Châu, Đoàn Phúc Quát... Qua mỗi thời ấy, lớp trước trao đổi kinh nghiệm cho lớp sau để tiếp tục đi tới không bao giờ dừng lại, bởi con đường sự nghiệp của ngành, của đất nước còn dài, ngày càng rộng mở trên mọi miền quê và hướng ra hoà nhập quốc tế...

Xin được gửi vào những dòng hồi ký này nỗi tâm tình của người con từng gắn bó với quê hương Quảng Trị anh hùng.

Tác giả: Nguyễn Văn Hiệp
Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}