Web Content Viewer
ActionsChiều mùa hè, hạ tuần tháng 5/1972, trong căn phòng nhỏ tại vùng Cộn nơi cơ quan Ngân hàng Kiến thiết Quảng Bình trụ lại sau 7 năm chống Mỹ, tôi phổ biến kế hoạch của trên cho tổ hành chính. Những ngày gần đây, bất chấp lời cam kết ngừng ném bom, giặc Mỹ lại leo thang bắn phá, oanh tạc cả ngày lẫn đêm trên đất Quảng bình kể cả bằng B52. Cơ quan đã triển khai phương án 2, di dời về đồi Đức Ninh làm nhà hầm và hầm trú ẩn nhưng chưa đáp ứng được với tình hình, cần phải củng cố thêm cho thật vững chắc để có thể chịu đựng được các đợt oanh tạc bằng B52 của giặc.
Tôi nhớ lại hôm ra Hà Nội trực tiếp gặp các anh Phan Minh Tuệ, anh Hà Trường Thịnh trong Ban Giám đốc Ngân hàng Kiến thiết Trung ương để xin thêm kinh phí làm hầm hào, hai anh nhất trí cấp thêm theo yêu cầu của Chi hàng và căn dặn: "Quảng Bình giặc Mỹ đánh phá ác liệt và sắp tới chúng còn đánh phá ác liệt hơn. Vì thế các đồng chí cần quan tâm cố gắng làm tốt hầm hào cho kiên cố để bảo vệ tính mạng cho cán bộ nhân viên cơ quan". Lời dặn dò đó thể hiện sự quan tâm của Trung ương đối với chi hàng Quảng Bình trên tuyến đầu miền Bắc. Tôi đã tâm sự lại với anh chị em như vậy và phổ biến chủ trương của lãnh đạo giao cho tổ hành chính đi nhận và bốc 5m3 gỗ tại xưởng cưa Ba Rền cách xa 30 km trong rừng sâu. Hai giờ sáng ngày mai, anh Dũ, chị Thức, chị Mai và tôi sẽ lên đường đến đội xe lâm nghiệp ở Cầu Cúp để cùng đi theo ô tô vận chuyển về. Các tổ khác ở nhà lo nhiệm vụ đào hầm, đổ đất.
Tối hôm đó, không ai ngủ được, người thì nấu cơm, nấu nước, người thì sửa xe, chỉnh lại xích, bơm lại lốp. Công việc chuẩn bị xong xuôi, tôi và anh Dũ ngồi lại pha trà Ngọc Sơn với bao thuốc Tam Đảo là tiêu chuẩn của Thủ trưởng cho anh em vui vẻ trước lúc đi làm nhiệm vụ. Không gian vọng lại tiếng rì rầm máy bay, tôi nói anh em ngả lưng để có sức mai đi đường.
Hai giờ sáng, bốn anh em chúng tôi lên đường với 4 chiếc xe đạp trong màn trời đêm le lói trăng hạ tuần ngả dần về phía núi. Bốn anh em lặng lẽ âm thầm đạp xe trên đường 15 (Trường Sơn), tiến về phía chân núi. Vừa đi được một cây số bắt gặp đoàn xe vận tải của bộ đội từ Bắc vào, xe đi đầu dừng lại hỏi đường. Tôi nói với anh em cứ đạp xe đi trước tôi sẽ theo kịp. Chỉ đường cho đồng chí lái xe xong, tôi lên xe đạp đi chừng dăm trăm mét bỗng có tiếng rì rầm của máy bay Mỹ mỗi lúc một gần. Trên trời treo lơ lửng ánh đèn dù pháo sáng soi rõ cả con đường và đoàn xe đang đi. Biết nó sắp thả bom, tôi gọi to cho Dũ, Thức và Mai biết để tìm hầm trú ẩn. Thế rồi tôi lao xe bên vệ đường, tìm được một hố tăng- xê nhảy xuống. Cũng vừa lúc nhiều tiếng nổ chát chúa quanh mình, tiếp đến hàng trăm ngàn tiếng nổ của bom bi, từng ánh lửa chớp liên hồi, chốc chốc từng tiếng nổ lớn, từng đám lửa lớn lại bùng lên. Tôi nghĩ bụng, thôi chúng phát hiện và đánh đoàn xe rồi, không biết Mai, Thức và Dũ nằm ở đâu, có tìm được hầm trú ẩn không. Thế rồi liên tiếp hai tiếng đồng hồ, máy bay Mỹ quần thảo hết tốp này đến tốp khác, thay nhau oanh tạc đoàn xe. Tiếng nổ đinh tai nhức óc, đất đá bay rào rào, khói bom mù mịt toả ra hơi cay. Mãi đến 5h sáng tiếng máy bay mới xa dần. Tôi đứng dậy phủi vội bụi đất, tìm chiếc xe đạp vội vã đi về phía ngầm Cầu 4 với mong ước gặp lại anh em. Thế là đợt đi đành bỏ dở vì giờ này trời đã sáng, xe không thể tiếp tục đi được nữa.
Đi tiếp vài trăm mét, nhìn phía trước tôi thấy hai chị Mai và Thức đang đi tới. Vừa gặp nhau, chưa kịp hỏi, nước mắt hai chị đã tuôn trào. Tôi đoán ra ngay sự việc. Tôi hỏi to anh Dũ đâu, hai chị nói trong nghẹn ngào nức nở: anh Hùng ơi, anh Dũ chết rồi. Thế là hai chị ôm chầm lấy tôi và ba anh em cùng khóc lặng người hồi lâu. Lau nước mắt, tôi bảo hai chị cùng tôi đến chỗ anh Dũ nằm trong khi tiếng bom bi nổ chậm vẫn lác đác quanh vùng. Anh Dũ nằm ngay bên trái đường xuống ngầm Cầu 4, anh nằm trong tư thế nằm sấp. Tôi lật anh lại, mắt anh vẫn mở to như nhìn lần cuối 3 anh em chúng tôi. Cả ba cùng oà khóc. Tôi đưa tay vuốt nhẹ đôi mắt anh và nhận thấy anh bị chừng chục viên bi găm vào vùng bụng và ngực. Hỏi chị Mai và Thức, tôi hiểu ra rằng anh Dũ đã che đỡ và hứng chịu quả bom bi đó để hai chị được yên lành. Tôi phân công hai chị về báo lại với cơ quan, còn tôi ở lại thu xếp công việc. Tôi ra đường tìm cách liên hệ với dân quân địa phương để được giúp đỡ và được chứng kiến thêm cảnh đoàn xe bị oanh tạc, nhiều xe bị cháy, nhiều anh em lái xe hy sinh trong tư thế ngồi trên tay lái hoặc nằm bên vệ đường.
Được sự hỗ trợ của dân quân và địa phương, gần 2 tiếng đồng hồ hầu hết số anh em bộ đội bị thương được cáng về Viện Quân y cứu chữa, số anh em hy sinh được đưa về trụ sở địa phương cách đó chừng cây số trong đó có anh Dũ và 14 đồng chí bộ đội lái xe. Sau khi được tin, cơ quan cử thêm 5 người để cùng tôi lo việc mai táng chôn cất. Chúng tôi cho người về báo tin cho gia đình anh Dũ đồng thời phối hợp với địa phương làm mọi thủ tục truy điệu và mai táng các anh. Buổi truy điệu và tiễn biệt các anh hôm đó mặc dù không có cờ, hoa nhưng thay vào đó là những con người cầm súng đứng lặng lẽ, hứa trước vong linh các anh sẽ bắt giặc Mỹ phải đền nợ máu để trả thù cho các anh.
Hôm sau, trong cuộc họp cơ quan tổ chức lễ truy điệu anh Dũ, anh Thân Trọng Khi, thủ trưởng cơ quan đọc điếu văn đã nêu lên những thành tích, công lao đóng góp của anh Dũ. Anh là một Đảng viên Cộng sản Việt Nam, một cán bộ miền nam tập kết sớm tham gia cách mạng, nhiệm vụ nào của Đảng và cơ quan giao anh đều hoàn thành. Anh sống có tình có nghĩa, được anh em mến phục, không may trong chuyến đi làm nhiệm vụ đặc biệt lấy gỗ về làm hầm hào bảo vệ sự sống cho mọi người, anh đã bị bom Mỹ sát hại. Chúng tôi thầm hứa sẽ noi gương anh, sẵn sàng hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào được giao. Những ngày sau đó, cơ quan làm tờ trình gửi lên cấp trên và đã được cấp bằng "Tổ quốc ghi công" cho liệt sĩ Ngô Văn Dũ.
Từ đó đến nay thời gian đã đi qua gần nửa thế kỷ nhưng mỗi lần nhắc đến anh, những đồng nghiệp năm xưa cùng anh công tác, có đồng chí đã nghỉ hưu, có đồng chí đang tại chức vẫn luôn nhớ đến hình ảnh của anh, kể về anh với tấm lòng kính trọng, thương tiếc. Hiện nay, tại phòng truyền thống cơ quan, tấm hình Liệt sĩ Ngô Văn Dũ cùng với hai liệt sĩ Võ Văn Tương, Lương Ngọc Sưởng, Lê Quang Thiềm đã tô đậm thêm truyền thống của Ngân hàng ĐT&PT Quảng Bình.
Mười bảy cán bộ Ngân hàng Kiến thiết đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, đó là các anh, chị: Ngô Văn Dũ (Quảng Bình) Lê Quang Thiềm (Quảng Bình) Lương Ngọc Sưởng (Quảng Bình) Võ Văn Tương (Quảng Bình) Nguyễn Tất Quang (Nghệ An) Phạm Văn Hận (Hà Nam) Nguyễn Duy Hiển (Thái Bình) Đặng Trung Tá (Quảng Ninh) Nguyễn Đức Hiến (Quảng Ninh) Nguyễn Ngọc Nhân (Vĩnh Phúc) Quách Văn Khởi (Vĩnh Phúc) Vũ Xuân Chí (Phú Thọ) Bùi Đức Châu (Hải Phòng) Đinh Ngọc Luyến (Cao Bằng) Hà Đình Cửu (Sơn La) Nguyễn Văn Lới (Thanh Hóa) Trần Thị Bé (Hà Tĩnh) |
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0849351080/ 0822808588/ 0842152355/ 0766151080/ 0763238588/ 0784132388/ 0358201080/ 0357638588/ 0334282388
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng