Người BIDV ở thành phố Hồ Chí Minh

05/04/2022
Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương phát triển kinh tế, tài chính năng động nhất cả nước, dù đã phải trải qua nhiều lúc vặn mình vượt qua khủng hoảng để phát triển bền vững. Đất lành chim đậu. Hết bão tố phong ba thì trời lại quang mây tạnh. Có thể nói: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) luôn đồng hành với hành trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và đổi mới của thành phố Hồ Chí Minh.

Thời bao cấp đẫm mồ hôi và lo âu

Có một buổi chiều Sài Gòn ngập nắng, tôi và các đồng nghiệp báo chí, văn chương được gặp các “lão thần” của Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư Phát triển thành phố Hồ Chí Minh và Chi nhánh Sở giao dịch 2. Tóc bạc. Da mồi. Bước chân chậm nhưng, trí nhớ thì vẫn không biến mất theo thời gian. Thành phố những năm đầu sau giải phóng bề bộn khó khăn, cần phải sắp đặt lại theo một trật tự mới. “Có thực mới vực được đạo” và “Dân dĩ thực vi thiên”, trước hết phải no cái bụng đã, rồi sau đó mới giàu và đẹp. Các cơ sở sản xuất, các nhà máy, công trình bị chiến tranh tàn phá lần lượt được khôi phục bằng cái nhìn của người thắng cuộc. Những khu kinh tế mới Lê Minh Xuân, Phạm Văn Cội... các hệ thống kinh mương tưới tiêu cho đồng ruộng Củ Chi, các dự án chống triều cường, ngập mặn... được xây dựng. Quy hoạch thành phố với tầm nhìn năm 2000 cũng được vạch ra và đưa vào hiện thực. Ngổn ngang. Bề bộn. Cái gì cũng cần đến vốn, đến tiền. Công cuộc xây dựng của Thành phố đang rất cần ngân hàng đồng hành.

Ngân hàng được ví như hệ thống mạch máu của nền kinh tế quốc gia. Mỗi đồng tiền coi như một tế bào trong hệ thống mạch máu đi nuôi cơ thể nền kinh tế. Mỗi cá nhân, mỗi thành phố, mỗi quốc gia muốn tồn tại và phát triển không thể không có tiền. Đất nước thống nhất, chính trị, kinh tế tài chính cũng phải được thống nhất nhanh chóng. “Đồng tiền có chân biết đi gần đi xa”, nhưng không thể đi một cách không định hướng trong sự rối loạn, khủng hoảng, mà phải được vận hành có tổ chức trong huyết mạch thống nhất là tài chính ngân hàng. Năm 1976, ông Phạm Học Lâm đang giữ chức Phó giám đốc Ngân hàng Kiến thiết Trung ương (tiền thân của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển) được cử vào Nam xây dựng một số chi nhánh và kiêm luôn Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết thành phố Hồ Chí Minh. Đến bây giờ, các thế hệ ngân hàng thành phố vẫn còn lưu luyến nhớ cái trụ sở ban đầu ở chung với Sở Tài Chính tại 182- Xô Viết Nghệ Tĩnh ấm cúng, thân thiết, gần gũi. Thời ấy, cả nước còn nghèo, áo quần đơn sơ, bữa ăn đạm bạc. Nhiều bữa ăn bo bo, ăn sắn khoai. Mặt mũi xanh lướt vêu vao. Làm được đồng tiền không dễ, phải đổi mồ hôi phải sôi nước mắt.

Chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết thành phố chủ yếu làm nhiệm vụ cấp phát vốn cho các công trình đầu tư của Trung ương và địa phương theo kế hoạch. Đói cùng thành phố, no cùng thành phố. Thôi thì, nước nổi bèo cũng nổi. Bụng đói đi làm, tiền đầy két nhưng không ai lấy ra để mà tiêu và hy vọng ngày mỗi ngày kinh tế khá hơn. Từ thời ông Phạm Học Lâm làm giám đốc đầu tiên đến ông Võ Văn Nỷ, rồi ông Phạm Ngọc Côn đã bảo đảm cấp vốn cho hàng loạt công trình xây dựng lớn của thành phố: Cảng Sài Gòn, Cần thơ, Dự án trồng cao su Sông Bé, Đường sắt Thống Nhất (từ Sài Gòn - Đà Nẵng), Đường dây cao thế Sài Gòn - Long Xuyên, Đường bộ Sài Gòn - Đà Nẵng, Thủy điện Trị An, Dầu khí Vũng Tầu....

Đường sắt Thống Nhất là một trong những công trình xây dựng lớn của thành phố được BIDV cấp vốn 

Lúc này, các chi nhánh phía Nam như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Sông Bé, Đồng Nai, Vũng Tầu... đã được thành lập, nhưng được giao cho Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh một lượng lớn vốn đầu tư cho các công trình lớn, trọng điểm vẫn cấp phát. Đặc biệt hàng loạt công trình xây dựng đang dở dang, bị phá hoại hoặc tạm dừng từ thời chiến tranh được cấp vốn khôi phục đi vào hoạt động tốt, có hiệu quả, được ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố khen ngợi. Năm 1981, Chính phủ chuyển Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam từ Bộ Tài chính sang Ngân hàng Nhà nước và mang tên gọi mới là Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam, vẫn làm chức năng quản lý các nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng cơ bản nền kinh tế. Năm 1986, chi nhánh thành phố là đơn vị đầu tiên huy động vốn ngoài dân cư và cho vay vốn lưu động cho các doanh nghiệp nhà nước và cả tư nhân. Sau này lại phục vụ chủ trương của thành phố phát hành trái phiếu đô thị, huy động vốn cho Dự án đường Nguyễn Tất Thành và Liên tỉnh lộ 14.

Những năm 1981 đến 1990, đất nước ta lâm vào cuộc khủng khoảng kinh tế trầm trọng. Lũ lụt. Mất mùa. Cấm vận. Lạm phát phi mã. Đổi tiền năm 1985 lại càng làm đồng tiền mất giá. Đổi mới hay là... chết? Cả dân tộc đứng trước sự lựa chọn vẫn tiếp tục nền kinh tế tập trung, bao cấp hay đổi mới, thực hiện nền kinh tế thị trường? Năm 1986, đất nước chập chững những bước đầu tiên vào kinh tế thị trường đầy mới mẻ, hấp dẫn song cũng vô cùng lạ lẫm. Giữa lúc nền kinh tế khủng hoảng, khó khăn tưởng không vượt qua được, thì Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng trong đó có chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh lại... đứng vững và phát triển. Ông Phạm Ngọc Côn nói với chúng tôi: “Chi nhánh thành phố có nguồn tiền quá nhiều và đến mức đủ nguồn vốn để cho vay vốn lưu động ,không phải nhận điều hòa vốn từ NHĐT TW, còn hỗ trợ nguồn vốn cho các chi nhánh khác”. Mấy chục triệu đồng thời những năm ấy to lớn lắm, giá trị lắm. Nhưng, “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí” đang ăn nên làm ra thì hệ thống NHĐTXD có nguy cơ bị giải tán. Năm 1988, là năm lao đao nhất, 22 chi nhánh bị giải thể, chỉ còn 28 chi nhánh trong đó còn Đồng Nai, Vũng Tầu, và thành phố... Ông Côn cứ bức xúc: “Mọi việc đang làm tốt. Việc gì phải giải tán?”. Cái bước đi chập chững ban đầu trong mớ chuyển đổi bao cấp sang thị trường ấy là bài học phải trả phí quá đắt, nhưng cần thiết. Mọi việc, mọi sự đều như “dò đá qua sông”, rồi vỡ dần ra. Năm 1989, chi nhánh là thành viên sáng lập Ngân hàng Phát triển Nhà thành phố Hồ Chí Minh (nay là Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh) là một trong hai ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên trên toàn quốc. Hàng loạt các công trình lớn được Chi nhánh thành phố cấp phát và cho vay là: Cảng Sài Gòn, Dệt may Việt Thắng, các công ty giày da, Nhà máy nhựa Bình Minh, Công ty Hóa chất cơ bản miền Nam...vv. Có thể nói đồng tiền cấp phát hoặc cho vay của chi nhánh chúng tôi có mặt ở nhiều dự án, công trình quan trọng, làm thay đổi diện mạo của thành phố trong những năm đầu đổi mới.

Cảng Sài Gòn năm 1989

Bước ngoặt và tầm cao mới

Năm 1990, Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam được củng cố, bước vào một giai đoạn mới, bằng cái tên mới: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam  (BIDV) vừa làm nhiệm vụ CP vừa bổ sung nhiệm vụ mới: kinh doanh tiền tệ trong cơ chế thị trường. Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh cũng làm một cuộc lột xác, bước vững chắc vào chặng đường mới đầy hào hứng, say mê. Tự lo vốn để phục vụ đầu tư phát triển của thành phố với sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa và kinh doanh đa năng theo chức năng Ngân hàng thương mại.

Lúc này, nhu cầu tiền vốn cho công cuộc phát triển thành phố. Các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đều cần tiền đầu tư sản xuất kinh doanh. Sở Giao dịch 2 được thành lập là đáp ứng nhu cầu thành phố trong giai đoạn phát triển mới, có thêm một đơn vị của BIDV, hợp sức với chi nhánh thành phố để phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. “Các anh Nguyễn Văn Phẩm, Hoàng Huy Hà, Đoàn Ánh Sáng, Phan Văn Nguyện và các ông Phạm Học Lâm, Võ Văn Nỷ, Phạm Ngọc Côn, Trần Văn Vĩnh và Lê Kim Hòa, Văn Đình Hải gắn bó với BIDV trong các thời kỳ” là những chứng nhân đồng hành với các dự án, công trình của thành phố suốt mấy chục năm qua. Còn hàng ngàn lượt cán bộ không thể kể hết tên, đã gắn bó với hàng loạt công trình trọng điểm như: Xa lộ Hà Nội, đại lộ Hùng Vương, đường An Sương - An Lạc, cầu Bình Triệu II, quốc lộ 51, quốc lộ 20, 30, 63, dự án BOT cầu Phú Mỹ...

Những ai từng đến thành phố Hồ Chí Minh cũng phải đôi lần than phiền về tình trạng ách tắc giao thông. Nguyên do là Sài Gòn ngày trước hay thành phố HCM bây giờ thì lúc nào cũng là trung tâm kinh tế văn hóa xã hội nhộn nhịp, sầm uất nhất nước. “Nước chảy chỗ trũng” tinh hoa dồn đến. Hạ tầng cơ sở từ thời 300 ngàn dân, dù có mở mang, xây dựng, song cũng không đáp ứng nổi cuộc di dân có kiểm soát và cả tự do nữa. Vả lại, đời sống khá lên thì mua chiếc xe máy, cái ô tô cũng không quá khó khăn. Người người cùng với xe nhoai ra đường phố làm cuộc vật lộn mưu sinh. Chi nhánh Sở giao dịch 2 đã đầu tư cho dự án vận tải hành khách công cộng 1318 xe buýt. Hơn một ngàn chiếc xe buýt hành trình trên nhiều tuyến phố: Bến Thành đi bến xe Miền Tây, An Sương, bến xe Miền Đông,... đã góp phần giao thông đô thị thành phố theo hướng văn minh hiện đại.

Thành phố Hồ Chí Minh văn minh hiện đại, nhưng cũng còn nhiều nơi xộc xệch, những xóm nước đen, các khu ổ chuột ở nhiều quận, thống kê tới 15 000 căn nhà ở ven kênh rạch, còn nhà cắm cột tua tủa dựng tạm trên các kênh rạch cũng gần 28 000 căn, cửa liếp nhếch nhác, tồi tàn, dân cư nheo nhóc. An cư mới lạc nghiệp. Người Việt nghèo đói mấy cũng chắt chiu dành dụm tiền để mua một chốn nương thân. Song, nghèo thì tiền đâu ra. Thành phố có chương trình nhà ở người trung lưu trở lên và cho cả các hộ nghèo. Nhiều khu đô thị mới được quy hoạch và xây dựng, nhưng bài toán phải giải ra đáp số là tiền thì khó quá. Sở Giao dịch 2 và Chi nhánh BIDV thành phố đã góp phần tích cực vào chủ trương này, tham gia tài trợ và …..các dự án hạ tầng xây dựng những khu dân cư mới: Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng được coi là khu đô thị kiểu mẫu; Chung cư Phúc Thịnh; Chung cư Waseco; Chung cư Cửu Long, khu công nghệ phần mềm Quang Trung; Công trình cao ốc 68 tầng của Bitexco (65 triệu USD); Dự án xử lý chất thải rắn Đa Phước (45 triệu USD); Dự án chung cư tại KDC Cát Lái - Quận 2 (2063 tỷ đồng), khu căn hộ khách sạn cao cấp Lemeridien (2609 tỷ đồng)....  

Suốt 40 năm đồng hành cùng thành phố mang tên Bác, Chi nhánh BIDV thành phố được Ủy ban nhân dân và các sở ban ngành tín nhiệm bởi năng lực thẩm định dự án đầu tư và tham mưu tư vấn ngay từ khâu lập KH, lập dự án và thường được các Ngân hàng bè bạn chọn là ngân hàng đầu mối thu xếp vốn trong các dự án cho vay hợp vốn. Cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, khu chế xuất được chi nhánh BIDV thành phố đầu tư hoạt động có hiệu quả: Cảng Bến Nghé, Sân bay Tân Sơn Nhất, Cảng rau quả thành phố. Công trình thủy lợi Kênh Đông Củ Chi, Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nhà máy Ba Son, 2 Nhà máy nước mỗi nhà máy công xuất 300.000m3 /1 ngày đêm. Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp Tân Tạo, Khu công nghiệp Tân Bình. Cải tạo nầng cấp bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện nhân dân 115...

Chính thị trường bất động sản đóng băng, các doanh nghiệp bất động sản đổ cả đống tiền xây các căn hộ không bán được. Châu Âu khủng hoảng nợ công, đơn đặt hàng ít đi, theo đó nhà cung cấp nguyên phụ liệu cũng chết chìm theo. Sở Giao dịch 2 và BIDV thành phố đã đồng hành cùng các doanh nghiệp tìm cách tháo gỡ: tái cơ cấu các khoản vay cho phù hợp, hỗ trợ vốn chia sẻ doanh lợi. Giảm lãi xuất cho vay cũng có nghĩa là BIDV giảm lợi nhuận. Doanh nghiệp bất động sản bán được sản phẩm. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, BIDV giúp doanh nghiệp vượt qua lúc đầu sóng ngọn gió. Hết sóng cả thì thuyền nổi, bình an. Khách hàng nhớ người giúp nhau trong lúc hoạn nạn, người ta nhớ đến cái ân nghĩa lúc gian nan. Họ trở thành người khách truyền thống bền vững của BIDV. Những ngôi nhà chọc trời, mây bay lãng đãng ngoài ô cửa sổ. Siêu thị dưới tầng trệt tấp nập người mua. Sự tăng trưởng của khu đô thị mới tạo ra diện mạo mới cho quá trình hội nhập quốc tế. Người BIDV ở thành phố đã góp phần tạo ra giá trị mới này.

Để có Park Hyatt Saigon hôm nay

Khách sạn Park Hyatt Saigon nằm ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, mặt tiền hướng ra sông Sài Gòn, bên phải là Nhà hát Thành phố và các khách sạn giàu sang, bên trái là đường Hai Bà Trưng. Chỉ cần đi bộ khoảng 15 phút là đến chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, dinh Thống Nhất. Park Hyatt Saigon cao chín tầng, mang kiến trúc phong cách Pháp, màu trắng ngà, có vườn hoa và hồ phun nước phía trước. Nhiều phòng treo tranh với chủ đề đời sống và con người Việt Nam: Thiếu nữ bên cầu ao. Hoàng hậu Nam Phương nét mặt sang dịu dàng. Thiếu nữ áo dài. Thiếu nữ bên hoa sen... và nhiều bức ảnh Sài Gòn xưa. Khách ra vào tấp nập, là địa chỉ lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế đến thành phố. Nhưng rất ít người biết được Park Hyatt Saigon Hotel có vốn đầu từ 48 triệu USD một thời hết tiền, thi công dở dang, đứng trơ gan giữa nắng mưa, chìa những thanh sắt rỉ lên trời tua tủa.

Bắt đầu từ ý tưởng lớn của tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo – người đã từng giữ chức vụ phó thủ tướng trong chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đồng ý và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện dự án với tinh thần đại đoàn kết dân tộc và trân trọng những đóng góp của Việt kiều. Theo thỏa thuận, Công ty Khách sạn Grand Imperial Sài Gòn TNHH được thành lập (GISH) gồm: Công ty Xây lắp công nghiệp đại diện bên Việt Nam, cùng Công ty của tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo và Công ty của ông Jaya J.B Tan ở Malaysia được ông Hảo lựa chọn. Ông Jaya J.B Tan chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn vốn vay 40 triệu USD cho dự án, nhưng Công ty của ông không đủ năng lực nên không vay được vốn, từ khi khởi đầu đến ngày khai trương Park Hyatt Saigon Hotel. Dự án lâm vào cảnh thiếu tiền, không triển khai xây dựng tiếp được, lao đao, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Năm 1997-2000 lại xảy ra cuộc khủng khoảng tài chính trầm trọng ở khu vực Đông Nam Á, dự án Park Hyatt Saigon Hotel đã ngắc ngoải lại bị thêm một cú đẩy nữa đến bên bờ vực thẳm. Cột sắt thép rỉ nghoèn, tua tủa chọc lên nền trời cao. Tường rêu mọc xanh đen loang lổ trong nắng mưa, gió bụi. Đêm đêm tiếng mèo hoang động đực gào thảm thiết. Rồi những bóng người như ma lướt nhanh như gió đến chui lủi hút chích, ống bơm kim tiêm vứt dải rác, nhìn phát rợn tóc gáy. Ai ai đi qua hoặc đến Nhà hát thành phố cũng kinh sợ, chán nản. Thành phố như cô gái đẹp mặc áo mới bị một mụn vá cũ lại sờn rách. Tuy vậy, vị trí này rất đắc địa, là miếng ngon thèm muốn của nhiều nhà triệu phú đô la muốn đầu tư khai thác. Báo chí và dư luận lên tiếng đòi thành phố thu hồi đất cấp cho doanh nghiệp khác có năng lực tốt hơn. Công ty liên doanh GISH thực sự tan vỡ chỉ còn chờ thời khắc.

Song, Park Hyatt Sài Gòn Hotel không chết. Cuộc tham gia giải cứu ngoạn mục của ngành ngân hàng, vớt GISH đang chết đuối sắp chìm nghỉm lên bờ. Một cuộc bắt tay kỳ diệu liên ngân hàng gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Sài Gòn Thương tín, Ngân hàng Công thương, mà chủ yếu và chủ trì là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) cho Công ty Park Hyatt Sài Gòn Hotel nhiều đợt vay vốn, tổng cộng là 31 triệu USD. Dự án khởi sắc, tưng bừng khởi công trở lại từ cuối năm 2002 và hoàn thành tháng 7.2015. Ba tháng nữa trôi qua, Khách sạn quốc tế 5 sao Park Hyatt Sài Gòn sau bao nhiêu sóng cả mà không ngã tay chèo chính thức khai trường. Tháng 11. 2006, phía Việt Nam đề nghị thuê Công ty kiểm toán quốc tế độc lập Grant Thornton, kết quả được công báo: Số tiền 31 triệu USD vay liên ngân hàng được thực hiện và sử dụng minh bạch, đúng pháp luật. Cho đến năm 2017, Park Hyatt Sài Gòn Hotel vẫn đón khách và lợi nhuận cao. Theo báo Thanh Niên: “... không thể không nhắc đến công lao to lớn của các ngân hàng cho vay, chủ trì là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã vực dậy được một dự án đang chực chờ sụp đổ. Đến thời điểm này, có thể nói dự án đã thành công. Park Hyatt Saigon đang là một khách sạn quốc tế 5 sao có uy tín, hoạt động hiệu quả, đang là một con gà đẻ ra trứng vàng.”

Khách sạn Park Hyatt Saigon hôm nay

An sinh xã hội đồng hành cùng nhân dân

Theo quy hoạch ban đầu, bản thiết kế của trung tá công binh Pháp là Paul Florent Lucien Coffyn thì Sài Gòn - Chợ Lớn chỉ dành cho khoảng 500.000 dân sinh sống, với mật độ 20.000 dân/km2. Thời được gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông thuộc Pháp, Sài Gòn cũng chỉ rộng khoảng 3km2, đi xa 20 cây số là rừng rậm, cá sấu quẫy và thú dữ gào tru. Theo nhà văn Sơn Nam trong “Bến Nghé xưa” thì năm 1914 Chợ Bến Thành hoàn thành mà “trước mặt còn là ao vũng sình lầy. Giữa Sài Gòn và Chợ Lớn phía đất thấp…, còn ruộng lúa với người cày, ao nuôi vịt, ngọn rạch cạn. Giữa Sài Gòn và ở phần đất cao còn nhiều chòm tre, cây da, mồ mả to xen vào những đám rẫy trồng rau cải và bông hoa, những xóm nhà ổ chuột; bầy bò dê đi lang thang ăn cỏ”. Bây giờ, nhà cao tầng san sát, kín đặc người, rập dìu du khách. Được mệnh danh là thành phố giải trí, phồn vinh, nhộn nhíp nhất nước, nhưng đến năm 1997, thành phố vẫn còn tới 25.000 căn nhà lụp xụp rách nát ở ven và trên kênh, rồi xả thải xuống các kênh: Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Ông Buông - Lò Gốm và kênh Tẻ - kênh Đôi. Có tới 290 xí nghiệp không xử lý, nhắm mắt xả thải trực tiếp xuống kênh rạch. Mùi hôi thối nồng nặc bốc lên giữa trưa hè, thành phố ô nhiễm trầm trọng, chỉ còn biết kêu trời mà trời chẳng thấu.

Một “Chương trình kênh rạch” được đề ra cho dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé... Thực hiện dự án này phải di dời 10.000 căn hộ lụp xụp, tã rách trên dòng kênh đen; nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất giấy, bao bì, nhôm, các lò mổ, mất vệ sinh, độc hại, xả thải vô lối cũng được xem xét và quyết di dời. Di dời vì: Tiếng ồn. Khói bụi. Độ rung. Bụi bẩn... Thành phố không thể sống trong bầu không khí ngột ngạt, tanh tưởi. Vốn từ BIDV đổ vào “Chương trình kênh rạch”, và di dời nhà máy ra khỏi thành phố. Bây giờ, nước sông Thị Nghè đã trong xanh, chiều chiều cụ già đi bộ tập dưỡng sinh, nam thanh nữ tú ngồi trên ghế đá nhìn dòng nước mát trôi lững lờ.

Triều cường không lạ lẫm gì từ xưa đến nay, song có lẽ thành phố phát triển mạnh, cư dân đông nghịt, hồ ao lấp nhiều, thì triều đã cường rồi còn dữ dội hơn ngày trước vì chính chúng ta đang lầm lẫn trong quá trình đi tới văn minh công nghiệp khiến bao nhiêu hồ ao lấp thành đất bằng để xây nhà ở, xây công sở, nơi vui chơi giải trí nên phải lãnh đủ những hệ lụy sau đó. Dù sao thì những nỗ lực của thành phố Hồ Chí Minh giải cứu ngập lụt do triều cường trong những năm qua, muộn còn hơn không, cũng là những ghi nhận tích cực. Trong hành trình này, BIDV cũng ghé vai gánh vác cùng nhân dân và chính quyền thành phố. Có thể kể ra chuyện BIDV tài trợ vốn cho dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu” rất hiệu quả. Dự án sẽ kiểm soát ngập lụt do triều cường và chủ động phòng tránh biến đổi khí hậu. Các kênh rạch sẽ được điều tiết hạ thấp mực nước để tăng năng lực tiêu thoát, bơm nước từ các hệ thống thoát nước đô thị đổ ra kênh mương, sông lớn và xây dựng 63km kè ngăn triều cường...

Dự án có số tiền đầu tư là gần 10.000 tỷ đồng trải rộng ở các huyện, quận: 1,3,4,5,6,7,8,10,11,12, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Chánh, Nhà Bè,  Bình Thạnh, Hóc Môn. Có 6 cống kiểm soát triều cường ở Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định. Khởi công từ tháng 06/2016, dự án hoàn thành sẽ kiểm soát ngập lụt do triều cường, phòng tránh biến đổi khí hậu cho 6,5 triệu dân ở trung tâm thành phố và bờ hữu sông Sài Gòn với vùng diện tích 570 km². Trong lễ khởi công dự án ngày 26/06/2016, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV khẳng định: “Với vai trò là định chế tài chính được Chính phủ tin tưởng giao nhiệm vụ tài trợ vốn cho dự án, BIDV cam kết thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo cung ứng tín dụng, dịch vụ ngân hàng kịp thời, đúng kế hoạch. Dự án triển khai thành công sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, thiết thực, đảm bảo điều kiện sống, phát triển kinh tế an toàn cho vùng trung tâm thành phố diện tích 570km2 với mật độ dân cư đông hơn 6,5 triệu dân; củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, cải thiện hình ảnh của một đô thị văn minh, tiếp tục khẳng định Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Tổ quốc”.

Người BIDV ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang cần mẫn, lặng thầm buồn vui cùng những thăng trầm của trung tâm kinh tế lớn nhất nước, khát khao cùng nhân dân thành phố giành lại vị thế Hòn Ngọc Viễn Đông. Và rất có thể, người BIDV bất chợt nhớ hoặc đi qua một công trình nào đó mà mình cùng đồng nghiệp đã từng giải cứu hoặc tiếp sức xây dựng bằng những con số biết nói, bằng tình cảm chân thành, chắc hẳn trong lòng sẽ ngập tràn niềm vui.

Tác giả: Nhà văn Sương Nguyệt Minh
Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}