Ngân hàng Kiến thiết Hải Dương thuở ban đầu

25/02/2022
Chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Hải Dương là 1 trong 11 chi nhánh đầu tiên của ngành được thành lập vào 27 tháng 5 năm 1957. Ở nơi đó, các thế hệ cán bộ chúng tôi đã sống và cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp kiến thiết - dựng xây và đầu tư phát triển đất nước.

Những năm tháng khó khăn

Cơ quan lúc đầu chỉ có 9 người, 1-2 tháng sau bổ sung thêm lên hơn 10 người. Chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ cấp phát chứ chưa cho vay. Nguồn vốn từ ngân sách địa phương, ngân sách trung ương đưa về. Công trình nào thuộc danh mục trung ương, công trình nào của địa phương thì dựa vào đó mà cấp phát. Vốn cấp phát cho mỗi công trình khoảng hàng trăm nghìn, hàng chục nghìn hoặc triệu đồng là cao lắm rồi chứ không phải là nghìn tỷ, mấy chục nghìn tỷ như bây giờ. Những công trình thuộc đối tượng phục vụ cấp phát chủ yếu là thuỷ lợi, thuỷ nông, nạo vét (cũng chưa có công trình đào kênh mương lớn như bây giờ); xây dựng hệ thống cửa hàng, trại chăn nuôi, trường học (Đông Bắc Hưng Hải, thuỷ nông Chí Linh- Nam Sách…) gọi chung là công trình: trường, trạm, trại; sau này mới phát triển đến những công trình trong lĩnh vực công nghiệp như: công trình xây dựng đường dây điện cao thế Đông Uông Hải (Đông Anh, Uông Bí, Hải Phòng); công trình vượt sông Cấm Hải Phòng.

Lúc bấy giờ tôi làm Trưởng Chi nhánh và bác Trì làm phó. Hai anh em chúng tôi gắn bó với nhau hơn 20 năm trong Ngân hàng Kiến Thiết này. Trụ sở Ngân hàng từ năm 1957 khi mới thành lập phải đổi mấy lần, lúc đầu ở 27 Quang Trung, được gần 7 tháng chuyển sang 24 Phạm Hồng Thái, được một thời gian lại chuyển sang 1A Hàng Đồng (bây giờ gọi là Đồng Xuân), rồi chuyển về 40 Xuân Đài. Năm 1964, chi nhánh xin Uỷ ban tỉnh cho 1 miếng đất cũng khá lớn ở gần khu vực ga rồi xây 1 cái nhà 2 tầng ở đó. Đó là căn nhà 2 tầng đầu tiên ở miền Bắc - Trụ sở Ngân hàng Kiến thiết Hải Dương. Về sau, chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết ở Hà Bắc, Quảng Ninh đến lấy mẫu thiết kế ngôi nhà đó để về địa phương xây trụ sở. Bây giờ căn nhà đó là trụ sở của Ngân hàng Công Thương, cái cổng xưa vẫn còn nguyên.

Lúc đó chúng tôi đặt ra chỉ tiêu là phải thẩm tra dự toán, phải có tăng, có giảm, chỗ nào chưa đúng thì góp ý sửa cho người ta. Cán bộ Ngân hàng Kiến Thiết trình độ có hạn nên chúng tôi phải tự học, phải tập huấn, không học có hệ thống như kỹ sư kiến trúc, giao thông thủy lợi nhưng có tập huấn nên cũng biết tính toán được, nhưng chủ yếu là theo kinh nghiệm và sự nhanh nhạy của mình. Trong điều lệ tạm thời 64/CP, Hội đồng Chính phủ cho phép Ngân hàng Kiến thiết được là một thành viên trong công tác nghiệm thu, được tham gia phân tích kế hoạch đầu tư. Ngay từ giai đoạn dự toán đầu tư, Ngân hàng Kiến thiết đã được tham gia ý kiến có nên đầu tư hay không (như bây giờ gọi là thẩm định đầu tư); khi công trình hoàn thành thì được tham gia nghiệm thu công trình. Những nhiệm vụ đó vất vả, phức tạp quá khả năng của cán bộ ngân hàng. Để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao, chúng tôi phải tuyển cả kỹ sư xây dựng, kỹ sư giao thông, thuỷ lợi… ngoài việc trực tiếp tham gia vào các giai đoạn đầu tư công trình, họ còn huấn luyện cho anh em chúng tôi chuyên môn của họ.

Trong giai đoạn Mỹ oanh tạc đánh phá cầu, đường, tàn phá thành phố (khoảng 1965 – 1967), anh em tôi đi sơ tán, cơ quan đóng cửa để lại, giao cho công ty Thị Chính, lập biên bản giao cho họ, nhờ quản lý hộ.  Hoàn cảnh sơ tán, cán bộ đi lại hoạt động thì khó khăn, toàn đi cầu phao, đi ban đêm vì ban ngày địch đánh phá. 8h sáng địch kéo vào đánh, xong rồi mình lại làm chủ, chiều khoảng 3h chúng lại đánh, biết quy luật hoạt động của địch thế thì mình tránh đi, bố trí lệch giờ với chúng. Lúc đó khó khăn thật nhưng mà không cảm thấy khổ. Chỉ mong sao cho chiến tranh kết thúc đi để làm ăn.

Một trong hàng ngàn chiếc cầu đã bị phá hủy nghiêm trọng

Sau đó Ngân hàng phát triển tương đối mạnh vì công nghiệp phát triển nên công việc đầu tư đòi hỏi cao, cho nên Ngân hàng thành lập ra 6 chi điếm, ngoài chi nhánh trên Hải Dương, còn 6 chi điếm: Chi điếm 1 là Chí Linh, Chi điếm 2 là Chiêm Thành, Chi điếm 3 là Bình Giang, Chi điếm 4 là Yên Mỹ, chi điếm 5 là ở thị xã Hưng Yên, chi điếm 6 ở Yên Mỹ. Bấy giờ sát nhập tỉnh nên biên chế Ngân hàng phát triển mạnh. Trước gọi là chi điếm, bây giờ gọi là chi nhánh khu vực, đấy là từ cổ từ năm 1951 khi ngân hàng mới thành lập. Đến 1981, các chi điếm Ngân hàng đầu tư chỉ còn có 2 nơi, đó là chi điếm khu vực công nghiệp Hoàng Thạch, chi điếm khu vực Nhiệt điện Phả Lại. Chi điếm ở các huyện giải thể hết.

Gây dựng niềm tin bằng sự chân thành

Ngân hàng Kiến thiết, có vai trò rất cần thiết cho nền kinh tế, cho các thành phần kinh tế. Nhưng cũng có một lúc nào đó lãnh đạo tỉnh muốn sát nhập nhưng lúc chúng tôi trình bày họ nhận ra lại thấy rất hay, rất tin. Ngày xưa bao cấp, không cẩn thận thì lãng phí vốn vô kể, bởi vì toàn là xin – cho. Anh xin thì muốn xin thật nhiều, anh cho thì cứ muốn cắt xén. Mà xin được rồi nếu không có ai theo dõi chặt chẽ thì anh ấy chi tiêu cũng vô tội vạ. Đã quen cái bao cấp xin - cho càng nhiều càng tốt, rồi muốn làm gì thì làm. Nếu như không có vai trò của Ngân hàng Kiến thiết này thì lãng phí vô cùng.

Chúng tôi họp các đơn vị, bây giờ gọi là họp khách hàng, có anh giám đốc đơn vị nói thế này: “Sinh ra chúng tôi là người tiêu tiền, sinh ra các anh là người quản lý tiền, chúng tôi cũng công nhận là nếu không có các anh quản lý, chúng tôi tiêu bạt mạng thì Nhà nước cũng đến chết”. Ông Quế, Phó Ty Nông nghiệp lúc đó, cũng nói: không có các anh thì chúng tôi tiêu bạt mạng cũng chết, mà không khéo vào tù...  Chúng tôi phải vận dụng Điều lệ 64 của Hội đồng chính phủ, điều lệ tạm thời về xây dựng cơ bản, quản lý rất chặt nhưng có tình có lý. Tôi là người phụ trách, hay nói thế này: “cán bộ ta giỏi hay không giỏi phải có thước đo, chứ không chỉ giỏi nói mà phải biết vận dụng vào thực tế. Điều lệ đưa ra qui định và nguyên tắc nhưng vận dụng thế nào để vừa được việc mà vẫn không sai nguyên tắc ấy mới là cán bộ giỏi”. Các đơn vị khách hàng rất tin mình vì mình lúc ấy có khẩu hiệu thế này: Tạo thuận lợi đến tối đa, giảm phiền hà đến tối thiểu. Chúng tôi công khai với khách hàng như thế. Vì vậy Ngân hàng Kiến thiết rất có tín nhiệm với các đơn vị kinh tế, tín nhiệm với Đảng, với Nhà nước, với cấp uỷ địa phương.

Chuyện về quy trình cấp phát

Về nguyên tắc thì quy định gồm một chuỗi, nhưng vận dụng thì cũng khéo khéo một tý. Bất cứ công trình nào, theo quy định của Điều lệ tạm thời 64 - CP, về quy trình xây dựng, người ta quy định trình tự đề nghị cấp phát vốn cho xây dựng cơ bản như sau: Công trình nào muốn đến Ngân hàng Kiến thiết mở tài khoản để được cấp phát vốn đầu tư thì trước hết phải có kế hoạch đầu tư (kế hoạch thông báo chính thức từ trên bộ ngành dọc xuống về đây) thì bên A (Ngân hàng Kiến thiết) phải qua Ngân hàng Trung ương thông báo có kế hoạch đầu tư; Thứ hai là căn cứ cấp phát phải có đồ án thiết kế.

Phương thức thanh toán giai đoạn đầu là thực chi thực thanh. Thực chi có nghĩa là công trình thực tế hết bao nhiêu thì ngân hàng cung cấp bấy nhiêu, nhưng mà có xem xét, có thẩm tra, có nghiệp vụ. 

Giai đoạn hai là cấp phát theo khối lượng hoàn thành. Cấp phát theo khối lượng hoàn thành cũng chia làm mấy giai đoạn. Công trình nhỏ thì cả một cái nhà gọi là hạng mục. Nhưng nếu cái nhà to quá thì cắt ra từng bộ phận: phần móng, phần xây, phần lắp ráp xây dựng… thì từng bộ phận khi hoàn thành là được cấp phát hết. Đấy là cái quy ước gọi là quy ước cấp phát. Trung ương quy định và hướng dẫn như vậy thì cứ cấp phát theo đúng trình tự như vậy. Trong quy trình cấp phát này chúng tôi có khái niệm điểm dừng kỹ thuật, tức là khi xong một bộ phận, một phần việc, ví dụ như khi xây xong cái móng, người ta nghiệm thu cái móng xong thì có thể cấp phát toàn bộ phần vốn xây cái móng đó; cái móng xong hoàn toàn rồi chỉ việc chồng tường lên thôi, cái đấy gọi là điểm dừng kỹ thuật.

Để xác nhận các phần việc đó có hội đồng nghiệm thu. Bên A, bên B và một số các cơ quan chức năng, Ngân hàng Kiến thiết cũng tham gia, nhận xét, phân tích v.v… sau đó lập biên bản A, B và hội đồng nghiệm thu. Có biên bản nghiệm thu lúc bấy giờ Ngân hàng Kiến thiết mới cấp phát. Mà vẫn còn phải thẩm tra, chúng tôi xem lại, soi rọi xem các tiêu chuẩn định mức có đúng không.

Để anh em dễ nhớ chúng tôi cụ thể thành khẩu hiệu: “tạo thuận lợi tối đa, giảm phiền hà tối thiểu”. Lúc bấy giờ cứ phải nghĩ ra những cái như thế để phục vụ cho nghiệp vụ của mình, để cổ vũ anh em và để cho anh em dễ nhớ.

Năm 1981, Trung ương trưng dụng tôi vào làm cố vấn trong Ngân hàng Kiến thiết Vũng Tàu với nhiệm vụ cố vấn về nghiệp vụ và tổ chức cho chi nhánh. Năm 1982 tôi nhận quyết định hưu sau 24 năm gắn bó với những thăng trầm của Ngân hàng Kiến thiết Hải Dương. Và từ đó đến nay, nhiều năm trôi qua, tôi vẫn luôn dõi theo từng bước đi, từng thành quả của chi nhánh Hải Dương nói riêng và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nói chung.

(Nguồn tư liệu: Sách “BIDV trong tôi” - 

Nhà Xuất bản Hội Nhà văn - tháng 4/2012)

Tác giả: Đặng Huy Sách - Nguyên Giám đốc Ngân hàng Kiến thiết Hải Dương
Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}