Web Content Viewer
ActionsSau khi nhận được tin thắng lợi về Hiệp định Giơnevơ, trường Kinh tế Tài chính Trung ương(1) ngừng giảng dạy. Hơn một nửa học viên chuyển qua chuẩn bị tiếp quản Thủ đô. Từ đó tôi trở thành cán bộ Sở Tài chính Hà Nội. Sau hai đợt đi tham gia cải cách ruộng đất ở Gia Lâm - Hà Nội và phúc tra cải cách ruộng đất ở Phú Thọ, trở về công tác cũ ở Sở Tài chính Hà Nội được mấy tháng thì khoảng cuối quí III/1956, tôi được cử đi học lớp huấn luyện ba tháng về cấp phát vốn Xây dựng cơ bản do Bộ tài chính mở tại một làng ven đô thuộc huyện Thanh Trì. Đối tượng dự học là là cán bộ tài chính ngân hàng các tỉnh miền Bắc, bộ đội chuyển ngành, cán bộ miền Nam tập kết, một số công chức lưu dung, một số học sinh tú tài của nội thành cũ. Sau khoá huấn luyện, khoảng đầu năm 1957, một số chúng tôi gồm các anh: San - thiếu tá chuyển ngành, Hồng, Tình, Ngôn... chị Nhân, chị Thư và tôi được giao nhiệm vụ trở về phòng lập cấp phát vốn Xây dựng cơ bản trực thuộc Sở Tài chính Hà Nội, do anh San làm trưởng phòng. Phòng chỉ có tôi quen với công tác tài chính nên được giao nhiệm vụ thường trực giao dịch và giải quyết cấp phát vốn. Công việc mới mẻ còn nhiều bỡ ngỡ nhưng đều là lớp trẻ tập hợp lại nên linh hoạt, vui vẻ, thoải mái, thỉnh thoảng có ăn tươi, vui nhộn.
Thành lập chi hàng Hà Nội:
Cuối quý II/1957, theo chỉ thị của Bộ Tài chính, phòng Cấp phát vốn Xây dựng cơ bản tách ra thành lập Chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Hà Nội - gọi tắt là Chi hàng Hà Nội - với bác Nhiên làm trưởng và anh San làm phó Chi hàng, cùng với anh Quỳ - do Ngân hàng Kiến thiết Trung ương điều về - và tôi làm Trưởng và Phó phòng Cấp phát, bác Qui làm Trưởng phòng Kế toán, anh Phước phụ trách hành chính. Bắt tay làm việc, chúng tôi ghi nhớ lời anh Trịnh Huy Quang, Giám đốc(2) trong buổi ra mắt Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam: “Ngân hàng ta bước đầu nhỏ bé chưa tinh thông nhưng sẽ dần dần lớn lên cùng với sự lớn lên của đất nước”.
Nghị định số 233-NĐ-TC-TCCB ngày 27/5/1957 của Bộ Tài chính
Tổ cấp phát tại công trình Đại thuỷ nông Bắc Hưng Hải (ĐTNBHH)
Để kịp thời giải quyết vốn cho công trình trọng điểm ĐTNBHH(3), Ngân hàng Kiến thiết Trung ương quyết định thành lập tổ cấp phát vốn xây dựng cơ bản nằm tại công trường, chủ động cấp vốn tại chỗ, dùng dấu “Chi hàng Hà Nội”. Tổ gồm có tôi - tổ trưởng và anh Chửng cán bộ chuyên quản thuỷ lợi từ Chi hàng Thanh Hoá đến. Công trường hoạt động sôi nổi ngày đêm lôi cuốn mọi người hăng hái thi đua bao gồm lực lượng dân công các huyện lân cận thuộc các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, lực lượng bộ đội Đoàn viên quan, đoàn Đồng Bằng... Loa phóng thanh phát tin sáng kiến tăng năng suất đào đắp đất hoà quyện vào âm thanh réo rắt những bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, “Câu hò bên bến Hiền Lương” của các ca sỹ Ngọc Dậu, Tân Nhân...
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trường đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải ngày 25 /12/1958 (Nguồn: Sách Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11 - NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật)
Nhớ mãi hình ảnh thân thương Bác Hồ về thăm, ân tình, giản dị, không nghi thức giữa không khí lao động rộn ràng không nghỉ tay. Có những đêm khó ngủ tôi và anh Chửng rủ vài bạn lên ngồi trên đê sông Hồng lộng gió, nhấm nháp lạc rang với nước chè, nhìn xuống biển người chuyển động rộn ràng trong ánh sáng những ngọn đuốc chập chờn, dưới bầu trời đầy sao nhấp nhánh, lòng lâng lâng trước cảnh lao động cực nhọc, hào hùng. Tại buổi lễ khánh thành và chiêu đãi mừng công do Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi Trần Đăng Khoa chủ trì, tổ cấp phát chúng tôi được biểu dương cạnh những đơn vị bạn. Tôi và anh Chửng đều được tặng huy hiệu ĐTNBHH. Chúng tôi cùng các đại biểu, chuyên gia và công nhân Trung Quốc nâng cốc chúc mừng sự thắng lợi của công trình.
Hệ thống thủy nông Bắc-Hưng-Hải là đại công trường thủy nông kiểu mẫu, là biểu tượng đậm nét, làm thay đổi bộ mặt nông thôn các tỉnh Bắc Ninh - Hưng Yên - Hải Dương và Hà Nội.
Bộ đơn giá xây dựng cơ bản đầu tiên:
Yêu cầu lập dự toán công trình và cấp phát theo khối lượng công trình đúng đắn đòi hỏi xây dựng bộ đơn giá xây dựng cơ bản của khu vực Hà Nội. Tôi được cử cùng với anh Ngọc, kỹ sư của công ty Kiến trúc Hà Nội(4) làm việc ấy. Sau ba tháng khảo sát tính toán(5) chúng tôi lập xong bộ đơn giá(6) được thành phố và Ngân hàng Kiến thiết Trung ương chấp nhận dùng cho việc lập và thẩm tra dự toán. Với thành tích ấy, anh Ngọc và tôi được Uỷ ban Hành chính thành phố cấp giấy khen nhân kỷ niệm 6 năm khôi phục và phát triển Thủ đô (1960). Sau đó theo đề nghị của Chi hàng Kiến thiết Hải Phòng, tôi được anh Phiên - cán bộ NHKT/TW - đến giúp Chi hàng Hải Phòng xây dựng bộ đơn giá xây dựng cơ bản của Hải Phòng. Lần đầu tiên, chúng tôi được chi hàng Hải phòng bao đi tắm biển Đồ Sơn, vẫy vùng giữa bao la trời nước mênh mông...
Quan hệ thanh toán và tín dụng với xí nghiệp xây lắp (XNXL)
Quá trình hoạt động của Ngân hàng Kiến thiết là quá trình nhận thức rõ hơn mối quan hệ mật thiết giữa hai nhiệm vụ: Cấp phát vốn cho bên A; Thanh toán và cho vay ngắn hạn với bên B.
Tình trạng phổ biến hồi này là các công trình thi công nham nhở tràn lan không tập trung hoàn thành dứt điểm từng hạng mục nên thời hạn xây dựng công trình bị kéo dài, không đảm bảo tiến độ đưa vào sản xuất của bên A, đồng thời không được thanh toán khối lượng công trình cần thiết, phải dật gấu vá vai cho dự trữ vật liệu. Từ đó phát sinh bất đồng về cấp phát, thanh toán và sử dụng vốn giữa Chi hàng Hà Nội và Công ty kiến trúc khu Bắc, dẫn đến cuộc kiểm tra của Bộ Tài chính do anh Kim(7) làm trưởng đoàn kiểm tra. Buổi họp tổng kết kiểm tra có Phó Thủ tướng chủ nhiệm Uỷ ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước Nguyễn Côn, Giám đốc và Phó giám đốc NHKT/TW Phan Minh Tuệ và Trần Khánh Vinh cùng dự. Sau khi tranh luận sôi nổi, hội nghị thống nhất kết luận Chi hàng Hà Nội đã hành động đúng cần phải phát huy nhưng cũng cần mở rộng tín dụng ngắn hạn cả về thời hạn và mức độ phù hợp với đặc thù xây dựng cơ bản. Sau cuộc họp anh Khuyến trưởng Chi hàng Hà Nội tươi cười đến bắt tay tôi và nói “Mình tin ở cậu”. Từ kinh nghiệm ấy, anh Khuyến trưởng Chi hàng Hà Nội giao cho đội xây dựng phương án cải tiến tổ chức hoạt động của Chi hàng xoay quanh ba nhiệm vụ cấp phát, cho vay, thanh toán. Thông qua tranh luận và bổ sung, phương án ấy cũng góp phần quán triệt trong toàn ngành Ngân hàng Kiến thiết.
Thành lập 3 Chi điếm Ngân hàng Kiến thiết ở Hà Nội
Năm 1963 với quy mô và phạm vi hoạt động mở rộng, lúc này, anh Đỗ Công Lộ là Trưởng Chi hàng, Chi hàng lập 3 chi điếm, mỗi chi điếm khoảng 8 - 10 người:
- Chi điếm 1 đóng tại Mai Động, do tôi và anh Cung làm Trưởng và Phó.
- Chi điếm 2 đóng tại Cầu Giấy, do bác Quy và anh Bẩm làm Trưởng và Phó.
- Chi điếm 3 đóng tại Gia Lâm, do anh Kỉnh làm trưởng chi điếm.
Công việc đang tiến hành mỹ mãn thì giữa năm 1965 tôi được điều đi làm công tác giảng dạy tại trường Cán bộ tài chính - kế toán - Ngân hàng Trung ương - sau chuyển thành trường ĐH Tài chính kế toán - Ngân hàng. Ở trường, tôi tham gia giảng dạy các môn Ngân hàng Kiến thiết, kinh tế xây dựng, tài vụ xây dựng, phân tích hoạt động kinh tế xí nghiệp xây dựng... đều là những môn học có liên quan đến hoạt động của Ngân hàng Kiến thiết. Sau 14 năm làm việc ở trường (10 năm ở trường đại học, 4 năm ở trường trung học tài chính - kế toán II), tôi được điều về phụ trách phòng chế độ Ngân hàng Kiến thiết TW vừa đúng dịp tham gia xây dựng phương án chuyển Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam thuộc Bộ tài chính sang Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
(1) Trường Kinh tế tài chính Trung ương do Chính phủ lập giữa năm 1953 và giao cho hai Bộ- Bộ Kinh tế và Bộ Tài chính trực tiếp quản lý. Trường đặt tại Tuyên Quang (khu ATK) có khoảng 500 học viên đều là cán bộ kinh tế tài chính - phần lớn là lãnh đạo - do các tỉnh, các liên khu cử về học. Đây là khoá đầu và cũng là khoá cuối cùng. Sau này, Nhà nước thành lập trường Đại học Kinh tế tài chính tại Hà nội.
(2) Đại tá Trịnh Huy Quang chuyển ngành là giám đốc đầu tiên của ngân hàng Kiến thiết Việt Nam, sau đi làm đại sứ ở CHDCND Triều Tiên.
(3) Công trình Đại thuỷ nông Bắc Hưng Hải dẫn nước sông Hồng - khu vực Văn Giang tưới nước cho vùng lúa của ba tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương cũ. Đoạn kênh từ sông đưa nước vào cống Xuân Quang đi qua gần sát làng gốm Bát Tràng.
(4) Công ty Kiến trúc Hà Nội là công ty duy nhất phụ trách xây dựng ở Hà Nội lúc ấy. Sau đó tách thành hai công ty: Công ty kiến trúc Khu Nam và công ty kiến trúc Khu Bắc.
(5) Tính nhẩm và ghi chép hàng vạn con tính, không có máy tính, phương tiện duy nhất là thước logarit.
(6) Lúc đầu bộ đơn giá được in Roneo nặng nề dày cộp, sau dần dần được hoàn chỉnh, in typo và đóng thành sách.
(7) Anh Đỗ Trọng Kim lúc ấy làm Chánh văn phòng Bộ Tài chính được cử làm trưởng đoàn kiểm tra. Trước đó, anh làm Giám đốc Ngân hàng Kiến thiết Trung ương thay anh Trịnh Huy Quang. Sau đó, anh làm hiệu trưởng trường Cán bộ Tài chính Kế toán Ngân hàng Trung ương. Sau chuyển thành trường Đại học Tài chính - Kế toán – Ngân hàng. Anh Phan Minh Tuệ làm giám đốc Ngân hàng Kiến thiết trung ương thay anh Kim.
(Nguồn tư liệu: Sách “Những kỷ niệm khó quên”,
xuất bản tháng 4/2007 - Nhà Xuất bản Lao động)
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0822808588/ 0842152355/ 0763238588/ 0784132388/ 0357638588/ 0334282388/ 0357071080/ 0357041080/ 0764263180/ 0764860580/ 0942551080/ 0947591080
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng