Một thời để nhớ

30/03/2022
Sau khi tốt nghiệp Đại học Tài chính Kế toán cơ sở II tại Thành phố Hồ Chí Minh chuyên ngành Ngân hàng Kiến thiết, tôi có 2 nguyện vọng: được làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh hoặc tại tỉnh Gia Lai - Kontum. Đến tháng 03/1981, tôi nhận được quyết định của tổ chức điều động về công tác tại Ngân hàng Kiến thiết Chi nhánh tỉnh Gia Lai - Kontum.

Nhưng vào chính lúc này, ở hệ thống Ngân hàng Kiến thiết lại đang có sự thay đổi: Chính phủ quyết định điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và đổi tên Ngân hàng Kiến thiết thành Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng. Tuy chỉ là sự điều chỉnh cho phù hợp với nhiệm vụ mới nhưng ở chi nhánh có nhiều người hoang mang, lo lắng về tương lai của ngân hàng. Song tôi lại không nghĩ vậy mà chỉ tâm niệm một điều: mình vừa ra trường, điều quan trọng nhất là phải cố gắng làm việc, cố gắng học hỏi dù ở đâu, công việc nào cũng phải làm và làm cho tốt.

Tôi được phân công là cán bộ cấp phát chuyên quản giao thông và các đơn vị quân đội làm kinh tế sư đoàn 331, sư đòan 332… Nhưng lúc đó văn bản chế độ còn ít: chỉ có văn bản chế độ cấp phát cho vay vốn cơ bản và chế độ kế toán. Vì thế tôi phải vừa làm vừa học hỏi thêm qua sách vở, qua thực tế, qua kinh nghiệm của các anh chị đi trước. Đến năm 1983, thực hiện Quyết định số 60 của Thống đốc NHNN (lúc đó còn gọi là Tổng giám đốc) về thành lập các chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng tại các khu vực, tôi được bổ nhiệm là Phó Giám đốc phụ trách chi nhánh khu vực Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng thị xã Kontum. Năm 1985, tôi bắt đầu cuộc hành trình kinh qua tất cả các ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Bắt đầu là Ngân hàng Nhà nước rồi đến Ngân hàng Công thương và Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp. Giữa năm 1988, thực hiện Nghị định 53 của Chính phủ, Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng sắp xếp lại chỉ còn 17 chi nhánh tỉnh thành và 3 chi nhánh công trình trọng điểm. Chi nhánh Gia Lai - Kontum cũng bị giải thể. Đến năm 1989, khi công trình thủy điện Ialy được khởi công, theo yêu cầu của Chính phủ, đây là một công trình trọng điểm cần phải có ngân hàng phục vụ, nhờ vậy, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Gia Lai - Kontum mới được tái lập. Tôi được điều về làm Giám đốc Chi nhánh khi vừa sang tuổi 31. Hoàn cảnh lúc đó rất khó khăn vì chi nhánh đã giải thể, cán bộ thiếu, vốn thiếu nhưng nhờ có sự hỗ trợ của NHNN, của Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Trung ương, chúng tôi cũng đứng vững là hòan thành tốt nhiệm vụ của mình.

Nhà máy thủy điện Ya Ly

Cuối năm 1994, một sự kiện quan trọng đã tác động trực tiếp tới tiến trình đổi mới BIDV. Theo Quyết định số 654/TTg ngày 08/11/1994 của Thủ tướng Chính phủ, “từ 01/01/1995, Bộ tài chính thống nhất quản lý và cấp phát vốn ngân sách nhà nước đối với các dự án, mục tiêu chương trình theo quy định của Chính phủ”.

Thực hiện quyết định này, BIDV phải bàn giao toàn bộ nhiệm vụ cấp phát và tín dụng ưu đãi vốn đầu tư XDCB kèm theo tài sản, vốn, dư nợ, số liệu đến ngày 31/12/1994 sang Tổng cục Đầu tư và Phát triển thuộc Bộ Tài chính. Tổng số vốn tín dụng ưu đãi mà BIDV đã chuyển sang Tổng Cục đầu tư là 700 tỷ đồng. Không chỉ vậy, BIDV phải chuyển giao cho Tổng Cục Đầu tư gần 1/3 đội ngũ cán bộ của mình. Đây là mốc thời gian cực kỳ khó khăn thách thức đối với BIDV.

Đứng trước câu hỏi về sự tồn tại hay không tồn tại, toàn ngành thống nhất một câu trả lời chung: Chúng ta không thể chết. Chưa bao giờ lòng yêu nghề, yêu ngành và tinh thần trách nhiệm của tất cả cán bộ công nhân viên được khơi dậy mãnh liệt như vậy. Chính điều đó đã tạo cho BIDV sức sống, sự sáng tạo để tồn tại và phát triển trong thời điểm khó khăn có tính bước ngoặt.

Tôi còn nhớ khi đó các Chi nhánh khu vực miền Trung sôi lên như có lửa và quyết liệt sống còn để giữ tên tuổi. Đối với Chi nhánh Gia Lai, chúng tôi đã triệu tập một cuộc họp toàn chi nhánh và khẳng định quyết tâm phải vượt qua khó khăn để trụ vững và phát triển. Trường hợp xấu nhất, tôi tự nhủ, nếu như ngành không tồn tại mà phải sáp nhập vào đâu đó thì Chi nhánh Gia Lai sẽ xin được Nhà nước cấp cho một số vốn ban đầu và tách ra thành lập Ngân hàng TMCP, chúng tôi sẵn sàng chiến đấu để bằng giá nào cũng tồn tại. Sở dĩ chúng tôi có thể tự tin mình đứng vững là vì lúc đó BIDV Gia Lai đã và đang có những tiền đề hoạt động rất tốt.

Ngay từ đầu năm 1994, Chi nhánh Gia Lai đã triển khai rất thành công các chương trình huy động vốn do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Trung Ương khởi xướng cũng như những chương trình do Chi nhánh chủ động tiến hành như: In tờ rơi quảng cáo đến tận người dân về Chương trình Kỳ phiếu đảm bảo giá trị theo giá vàng và Tiết kiệm xây dựng Nhà ở (việc này đáng lẽ do TW đảm nhiệm nhưng vì TW không in nên Chi nhánh đã đề xuất được làm...). Tôi còn nhớ khi đó có câu khẩu hiệu: “Cơ hội lớn cho mọi nhà, Mua tiết kiệm được vay vốn xây dựng nhà ở”... Ở Chi nhánh Gia Lai, chúng tôi rất chú ý đến việc tuyên truyền, quảng bá trên báo đài và thường xuyên thuê sóng đài truyền hình địa phương để quảng cáo. Chính điều này đã tạo nên ấn tượng sâu đậm trong dân cư đến nỗi trẻ con cũng thuộc lòng những câu quảng cáo của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Mỗi lần tivi phát là mấy sắp nhỏ lại đồng thanh đọc theo: “Cơ hội lớn cho mọi nhà...” càng gia tăng hơn sự quan tâm chú ý của mọi người đến hoạt động của BIDV.

Cùng với chú trọng công tác huy động vốn - nền tảng cơ bản cho hoạt động ngân hàng - chúng tôi cũng chủ động mở rộng cho vay các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hộ cá thể... Vùng Tây Nguyên có tiềm năng rất lớn về cây cà phê nhưng khi đó BIDV lại chưa có một quy trình hay một văn bản hướng dẫn cụ thể về việc cho vay cà phê hộ. Nắm bắt đây là một cơ hội rất tốt để phát triển tín dụng, cuối năm 1993, tôi đã giao thành lập một nhóm để nghiên cứu cho vay cà phê hộ. Mất 6 tháng tìm hiểu thực tế và tham khảo các ngân hàng bạn, chúng tôi mới xây dựng được quy trình cho vay cà phê hộ.

BIDV triển khai cho vay cà phê hộ - một lĩnh vực tiềm năng lớn ở Tây Nguyên

Nhắc đến việc này, tôi lại nhớ khi mới vào ngành, tôi được giao là cán bộ cấp phát. Lần đầu đọc dự toán cấp phát vốn cho dự án trồng cà phê, trong đó có khoản mục “cà phê được tưới nước ba lần, làm cỏ, bón phân ba lần trong năm”, với suy luận đơn giản, tôi đã nói với người đi vay: 4 tháng, ngân hàng sẽ cấp vốn tưới nước một lần, 4 tháng cấp vốn bón phân một lần. Nghe tôi nói xong người đàn ông đó ngẩn mặt ra chưng hửng. Hỏi ra mới biết việc chăm sóc cà phê phải phụ thuộc vào thời tiết. Vào mùa khô thì phải tưới nước nhiều, ngược lại với mùa mưa thì lại phải bón phân. Đây chính bài học kinh nghiệm đầu tiên từ thực tiễn đã dạy cho tôi: làm cán bộ tín dụng cấp phát đầu tư vốn cần am hiểu những kiến thức về kinh tế, kỹ thuật về ngành, lĩnh vực được giao thì khi đó đồng vốn đầu tư, cho vay mới hiệu quả.

Sau khi xây dựng được quy chế cho vay cà phê hộ, chúng tôi đã đẩy mạnh triển khai và chương trình này đã thực sự đem lại hiệu quả rất lớn cho chi nhánh vào thời gian đó. Chữ tín giữa ngân hàng với khách hàng đặc biệt được chú ý. Thậm chí, một khách hàng vay tiền trồng cà phê từ năm 1989. Đến năm 1995 ông đi nước ngoài, khỏan nợ của ngân hàng đã được trả hết gốc, chỉ còn lãi gần 8 triệu. Vậy mà một thời gian sau khi về nước, ông ấy vẫn nhớ và đến thanh toán đầy đủ cho ngân hàng.

Một kết quả bất ngờ nhưng là tất yếu cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của Chi nhánh Gia Lai nói riêng, toàn hệ thống nói chung là nếu như cuối năm 1994, dư nợ toàn hệ thống chỉ có 1.900 tỷ thì đến quý I năm 1995 đã tăng lên 3.000 tỷ. Tại Hội nghị Tổng kết toàn ngành được tổ chức tại Hà Nội, đồng chí Phó TGĐ Vân Anh đã miêu tả đó là sự phát triển “kỳ diệu”. Không thể nói hết niềm vui và hạnh phúc của toàn hệ thống bởi không ai có thể tưởng tượng được rằng BIDV không những đã “tồn tại” mà thành quả đạt được còn ngày càng thêm rạng rỡ và sáng chói hơn.

Năm tháng đi qua, những kỷ niệm về một thời để nhớ vẫn vẹn nguyên trong tôi. Cùng với sự phát triển của BIDV, tôi càng thêm trưởng thành, thêm yêu và gắn bó với ngành. Để hôm nay, dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, tôi cũng mong muốn được cống hiến để xây ngành vững mạnh.

Tác giả: Trần Anh Tuấn - Ủy viên HĐQT BIDV
Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}