Web Content Viewer
ActionsQuyết định của Bộ là tôi thay anh Chính làm trưởng, anh Hữu vẫn là phó, nhưng chỉ một thời gian ngắn thì Bộ điều anh Hữu đi sang phụ trách cấp phát của Thác Bà. Lúc tôi làm ở Sở Tài chính Phú Thọ, anh Chính là cán bộ của Đảng được đào tạo bồi dưỡng để làm trưởng phòng cấp phát của công ty. Khi Ngân hàng Đầu tư Phát triển thành lập thì phòng cấp phát chuyển ra ngoài Sở Tài chính, gọi là Chi hàng, anh Chính là chi hàng trưởng và anh Hữu là chi hàng phó.
Khi chuyển sang cương vị mới, thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm nên tôi làm theo nề nếp từ thời anh Chính làm trưởng chi nhánh. Tôi phân công anh Hữu thường trực giải quyết công việc hàng ngày còn tôi đi sâu vào nghiên cứu 2 văn bản của Thủ tướng Chính phủ, một bản là văn bản về cấp phát 157, sau đó một ít lâu có Điều lệ cấp phát vốn xây dựng cơ bản số 64. Trên cơ sở 2 văn bản đó, tôi xác định nội dung công việc. Tất cả mọi việc đều theo chế độ cấp phát ngân sách. Đấy là một khó khăn khi tôi nhận nhiệm vụ ở Ngân hàng Kiến thiết. Cái khó thứ hai là, khi Ngân hàng ở phố Điện Biên mới có hơn 20 cán bộ nhân viên, lúc tôi chuyển sang thì số nhân viên tăng lên 30. Phòng kế toán chỉ có 2 - 3 người là công chức lưu dụng, là ông Cầu, ông Cao Ngọc Lan, ông Sanh. Phải thừa nhận công chức lưu dụng được Pháp đào tạo chính quy, họ có trách nhiệm, có nghiệp vụ, đó là điều tin cậy được. Lương tôi bấy giờ bậc 10 từ Phú Thọ về, anh Chính lúc bấy giờ bậc 9, khi tôi làm Giám đốc, anh Chính là phó thì lương tôi bậc 11 còn anh Chính là bậc 10. Còn cán bộ lưu dụng giữ nguyên lương, gấp 3, 4 lần cán bộ lãnh đạo. Tôi cho rằng chủ trương của Đảng như thế mới sử dụng được người tài chứ chúng tôi lúc bấy giờ làm thì gay go, biết đâu mà làm. Làm cấp phát ngân sách thì dễ hơn chứ hạch toán kinh tế thì khó, nhưng kế toán thì rõ ràng phải có nghiệp vụ, rõ ràng là như thế. Nếu không thì không thể nào lên cân đối được, đấy là một cái khó trong khi tôi sang lãnh đạo. Anh em thì bảo nhau xác định vừa làm, vừa để thử, vừa làm.
Công việc của tôi là mở sổ theo dõi một số công trình trọng điểm, cán bộ nghiệp vụ báo cáo với tôi về tiến độ công trình, kế toán thì báo cáo về số liệu..., trên cơ sở đó tôi thống kê số liệu bên kế toán, so sánh với số liệu của cán bộ nghiệp vụ cấp phát thì nhiều khi cũng phát hiện sai. Cán bộ cấp phát phải mở sổ ghi chép để theo dõi hoạt động công trình, có vấn đề gì khó khăn, đã giải quyết như thế nào thì phải biết rõ. Ví dụ như công trình Cảng và Nhà máy xi măng, chính tôi phải mở sổ, phải nắm rõ tình hình, đi hiện trường để gặp các lãnh đạo xem có khó khăn gì, nhất là thời kỳ phục hồi. Bấy giờ tôi còn nhớ ông Đỗ Mười làm Phó Thủ tướng, phụ trách về vấn đề phục hồi xây dựng; cứ mỗi lần công trình trọng điểm, đặc biệt là nhà máy xi măng, gặp khó khăn gì là báo cáo với Phó Thủ tướng, để ông ấy xem ngành nào chịu trách nhiệm giải quyết khó khăn này. Thế cho nên khi Phó Thủ tướng Đỗ Mười đi đến công trình nào là phải có một loạt các vị ở trong các bộ có liên quan và ở Hải phòng ngành nào có liên quan ông đều cho triệu tập.
Nhà máy xi măng Hải Phòng (Ảnh: internet)
Thời kỳ thực hiện chế độ hạch toán kinh tế, không hạch toán theo kiểu cấp phát ngân sách, đòi hỏi về mặt kế toán phải thực hiện đúng nguyên tắc chế độ kế toán, tức là những chứng từ ghi sổ. Nhưng ở đơn vị thì công việc này còn yếu, họ chưa biết làm theo kiểu ghi chép để hạch toán. Tôi nghĩ, ngân hàng phải có một cán bộ trực tiếp xuống đơn vị làm giúp người ta. Tôi đề nghị ở trên gửi một số cán bộ trung cấp tài chính để bố trí họ xuống đơn vị trực tiếp hướng dẫn họ làm, để thực hiện được chế độ kế toán này. Uỷ ban Kế hoạch nhà nước cũng cử một cán bộ về Chi hàng Kiến thiết cùng theo dõi và phổ biến cách làm. Công việc ghi chép chính xác ngay từ đơn vị thi công nên chứng từ kế toán ghi rõ ràng lắm, chứ không tuỳ tiện được. Đấy là kinh nghiệm nếu mình muốn làm tốt công tác của mình thì phải giúp đỡ đơn vị cơ sở.
Về việc thực hiện chức năng giám đốc tài chính và phát hiện, tôi có suy nghĩ: chế độ cấp phát vốn không đem lại hiệu quả mà có khi lại hại thêm. Thí dụ như vấn đề muốn hiện đại hoá nhanh về nông nghiệp, tôi đi xuống công trường thấy một cái máy gặt đập sa lầy ở cánh đồng vì làm gì có đường cho máy gặt đi đâu, thế nhưng địa phương vẫn yêu cầu được cấp máy; đến khi được cấp phát, máy đã đưa xuống tới địa phương nhưng do cơ sở hạ tầng chưa thích hợp để máy vận hành nên bỏ lửng ở đấy. Suốt dọc đường từ Hải Phòng đi vào Kiến An, một loạt các thiết bị để ngoài trời không được bảo quản, mục cả ra vì không đủ điều kiện về đường sá cho loại thiết bị máy móc ấy đâu. Các hợp tác xã nông nghiệp ở Kiến An hồi ấy cũng cứ yêu cầu đầu tư máy móc gì đó, tôi phát biểu với các đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách tài mậu: anh xem thế nào chứ đầu tư nhiều vào những máy móc đó nhưng làm gì có công nhân, làm gì có đường sá mà thực hiện được, thành ra vừa tốn công tốn của mà sau thành một cái bãi thiết bị hỏng anh phải dọn à?”.
Về vấn đề khuyến khích động viên anh em cán bộ học tập nâng cao trình độ, chúng tôi quy định chiều thứ 3 hàng tuần tổ chức sịnh hoạt nghiệp vụ. Ngoài ra khuyến khích anh em học đại học tại chức. Cơ quan bắt đầu có cán bộ trung cấp, đại học về làm việc, công việc được theo dõi sâu sát hơn trước. Một là, trong kế hoạch đã có bộ phận thẩm tra thiết kế dự toán để Ngân hàng có thể giám sát ngay từ khâu thiết kế dự toán. Chức năng tài chính là giám đốc từ đầu đến cuối khi quyết toán công trình. Do đó phải bằng nghiệp vụ để thực hiện thẩm tra dự toán để hạn chế lãng phí. Hai là, để động viên những cán bộ trước đây chưa được học trường lớp cơ bản, từ cán bộ thường đến trưởng phó phòng, anh nào muốn tiến bộ để được nâng cấp, nâng bậc thì phải đi học. Từ đó cơ quan có một số anh chị em sau khi được đào tạo, có trình độ nghiệp vụ đạt yêu cầu đều được đề bạt trưởng phó phòng.
Trước thời gian Mỹ bắn phá, anh em phải đi lại nhiều vì thời kỳ đó Chi hàng Kiết thiết phải chia thành 5 chi điếm. Chi điếm nội thành do anh Mạnh phụ trách, có trách nhiệm nặng nề hơn cả là phải phối hợp với các đơn vị, các ngành để giải quyết tốt việc đảm bảo giao thông. Bởi vì Mỹ ném bom bắn phá cầu cống, phá hoạt đường, rải mìn ở biển,... Lúc nó bắn phá thì mình phải có hầm tránh; nó đánh phá xong mình phải tổ chức cho đồng chí thường vụ Phó Chủ tịch uỷ ban, đại diện các ngành xây dựng, tài chính, chi hàng Kiến thiết, kỹ thuật bên A, bên B liên quan đến việc khôi phục sửa chữa đến ngay hiện trường để xác định ngay khối lượng, xác định ngay giá dự toán và thi công hoàn thành với thời gian nhanh nhất và ngân hàng phải thanh toán kịp thời cho họ.
Trong thời kỳ sơ tán, các chi điếm Ngân hàng phải đảm bảo giao thông, đảm bảo xây dựng nhà xưởng, nhà ở cho các xí nghiệp phân tán, sơ tán kịp thời ổn định. Do đó, cán bộ chi hàng cũng phải đi đến những nơi sơ tán đó để xác định các loại công việc mình phải cấp phát vốn xây dựng. Lúc đó công việc vất vả nhưng có hoạt động thanh niên để tạo không khí cơ quan phong trào vui vẻ, khoẻ khoắn. Lúc bấy giờ phải nói là anh em rất chịu khó, chịu khổ, sinh hoạt ở nhà dân, mà nhà dân thì có rộng đâu nhưng phong trào văn hoá ca hát vẫn rất mạnh. Tôi vẫn nhớ những buổi chiều sau giờ làm việc, anh chị em thanh niên lại ngồi ca hát chuẩn bị biểu diễn cho một ngày kỷ niệm nào đó, nghe tiếng hát tiếng đàn Talư rất hay. Từ mấy ông già lưu dụng đến thanh niên, trung niên đều lên sân khấu hát cả. Chính những hoạt động đó khiến cho người ta có thể quên đi những khó khăn trong công việc, giữ được tình thần vui vẻ. Khi tổ chức biểu diễn tại một cái đình làng thì người dân địa phương cũng đến xem khá đông.
Tháng 5-1978 tôi nghỉ hưu sau 18 năm gắn bó với Ngân hàng Kiến thiết Hải Phòng, đi qua gần cả một cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Ngày nay, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã có rất nhiều thay đổi tốt đẹp. Nghĩ về ngân hàng của ta từ Chi hàng Kiến thiết lên Ngân hàng Đầu tư và Phát triển như hiện nay, tôi thật vui mừng. Đối với Ngân hàng Đầu tư, nghĩ chặng đường mình đã qua để tự hào, tôi mới làm bài thơ này:
Kết đoàn một khối tinh thông
Phục vụ sản xuất chung lòng dựng xây
Bên nhau tay bắt chặt tay
Vừa làm vừa học hăng say tiến đều
Cạnh tranh lành mạnh bao nhiêu
Thi đua yêu nước thêm yêu cuộc đời
Một xã hội có tình người
Đẹp thay lý tưởng sáng ngời niềm tin
Mừng Đảng, đất nước bình yên
Phát huy truyền thống càng thêm tự hào.
(Nguồn tư liệu: Sách “Những kỷ niệm khó quên”,
xuất bản tháng 4/2007 - Nhà Xuất bản Lao động)
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0849351080/ 0822808588/ 0842152355/ 0766151080/ 0763238588/ 0784132388/ 0358201080/ 0357638588/ 0334282388
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng