Web Content Viewer
ActionsNước nhà thống nhất, non sông thu về một mối, cả nước bắt tay khôi phục và xây dựng lại đất nước sau gần 30 năm chiến tranh tàn phá. Nằm trong vùng Đông nam bộ, thì Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, vùng ven sông Sài Gòn của Bình Dương và Đức Hoà, Đức Huệ của Long An còn muôn vàn khó khăn do địa hình, địa vật, địa chất phần lớn là núi, đồi, vườn cây cao su, đất bạc màu, khí hậu khắc nghiệt, năng suất lúa và cây lương thực thấp, chủ yếu là đồn điền cao su của thực dân. Nguồn nước cung cấp duy nhất là sông Sài Gòn, nhưng lòng sông sâu và hẹp rất khó khai thác. Hưởng ứng chủ trương làm thuỷ lợi, Đảng bộ và nhân dân trong vùng đã tích cực xây dựng một số công trình hạng vừa và nhỏ như công trình Tà Bằng, Trại Bí, Phước Chỉ, Trà Phí, Suối Ông Hùng … của Tây Ninh, hay một số trạm bơm của Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Nhưng các công trình này hoạt động kém hiệu quả, đã thiếu nước lại bị mặn theo sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông xâm thực vào sâu uy hiếp hàng vạn hecta cây trồng.
Đáp lại lòng mong đợi của người dân trong vùng, thể hiện quyết tâm khai thác tiềm năng đất đai, tăng năng suất cây trồng, phát triển kinh tế xã hội, Bộ Thuỷ lợi cùng UBND tỉnh Tây Ninh đã tiến hành khảo sát xây dựng hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng với quy mô lớn đầu tiên ở khu vực Đông Nam bộ trình Chính phủ. Với Quyết định số 190/TTg ngày 18/05/1979 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp thuận đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng. Công trình có tổng dung tích hồ chứa là 1.580 triệu m3 nước, làm nhiệm vụ tưới tiêu cho 172.000 ha, trong đó khu tự chảy 67.000 ha của kênh chính Đông và kênh chính Tây, khu tưới bằng bơm là 105.000 ha. Vốn đầu tư theo mặt bằng giá năm 1993 là 1.580 tỷ đồng tiếp nhận từ nguồn tài trợ của các nước “phi XHCN” (WB), chưa kể phần đóng góp của nhân dân gần 10 triệu ngày công lao động nghĩa vụ (khoảng 300 tỷ đồng) và hiến đất không lấy tiền đền bù ước tính 300 tỷ đồng.
Kênh Tây đưa nước về các huyện Châu Thành, Tân Biên (Ảnh: Báo Tây Ninh)
Công trình được Chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Tây Ninh, nay là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Tây Ninh, trực tiếp quản lý, cấp phát và cho vay vốn từ những ngày mới bắt đầu đền bù, giải phóng mặt bằng, thi công xây lắp, cho đến lúc hoàn thành đưa vào vận hành và khai thác. Đây là công trình thủy nông lớn nhất Việt Nam, và chính thức được khởi công vào ngày 28/04/1981, được chia thành hai khu vực thi công. Khu đầu mối gồm hồ chứa, đập tràn và 2 kênh chính Đông, chính Tây do các đơn vị thi công cơ giới của Bộ Thuỷ lợi thực hiện, toàn bộ hệ thống kênh cấp 1,2,3 và hệ thống kênh nội đồng do địa phương tổ chức thi công.
Ngày 29/04/1981, hệ thống kênh mương của tỉnh được khởi công xây dựng, mở đầu cho cuộc ra quân làm thuỷ lợi sôi nổi chưa từng có trong suốt 5 năm từ 1981-1985, cao điểm có lúc lên tới 36.304 người trên công trường, trong đó có sự đóng góp của lực lượng Đòan viên thanh niên và CBCNV Chi nhánh BIDV Tây Ninh. Thực hiện được 9.910.903 ngày công lao động, với khối lượng 7.523.037 m3 đất đào đắp, 25.994 m3 bê tông, 8.348 m3 đá xây, hoàn thành 237 km kênh mương cấp 1, 327 km kênh mương cấp 2, 76 km kênh cấp 3 và 956 công trình trên các kênh.
Việc chặn dòng đợt 1 vào ngày 12/04/1983 đã đánh dấu bước ngoặt trọng đại để chuẩn bị cho cột mốc quan trọng tiếp theo là chặn dòng vĩnh viễn dòng sông Sài Gòn vào ngày 09/12/1983, bắt đầu cho quá trình tích nước của Hồ Dầu Tiếng. Để chặn đứng sông Sài Gòn, quả thật ta đã phải bưng đặt vào đấy cả một ngọn núi đất, với chiều cao 29m, mặt đập rộng 8m, chân 200m và chiều dài 1.100m.
Toàn Tây Ninh là một đại công trường với tinh thần và ý chí vì Dầu Tiếng là vì miền Nam ruột thịt, vì Chủ nghĩa xã hội. Các đơn vị thi công cơ giới chủ lực của các Bộ, các trường Đại học, các nhà khoa học đoàn kết tương trợ, học hỏi lẫn nhau. Thuở đó “cạnh tranh” là một cụm từ hết sức xa lạ. Với sức mạnh tổng hợp, họ đã vượt lên trên cả thời gian để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đảm bảo chất lượng, đạt hiệu quả công trình và không để xảy ra lãng phí.
Sau 25 năm xây dựng và quản lý khai thác, Hồ Dầu Tiếng đã thực sự trở thành tài sản vô giá của Quốc gia, là túi nước khổng lồ của lữ khách trên sa mạc, đóng vai trò quan trọng cho việc phát triển nông nghiệp nông thôn nói riêng và kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng không những cho tỉnh Tây Ninh, mà cho cả vùng nói chung. Hằng năm, công trình đã phục vụ tưới tiêu cho hàng vạn hecta đất sản xuất, góp phần đáng kể cho việc tháo chua, đẩy mặn, phát điện, điều tiết khí hậu, cải thiện môi sinh môi trường và phát triển du lịch…. Và cũng góp phần định hình được các vùng chuyên canh, sản xuất tập trung cây công nghiệp ngắn ngày, vườn cây ăn trái với quy mô trang trại, sản xuất nông sản hàng hoá có giá trị kinh tế cao. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho các ngành khác, giúp nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi…
Hiện nay, Hồ Dầu Tiếng đã thực sự trở thành tài sản vô giá của Quốc gia
Từ những vùng đất hoang sơ, cằn cỗi của thời nắng lửa công trường ngày nào, nay đã trở thành một màu xanh bất tận quanh năm của những cánh đồng lúa, đậu, mỳ và những nông trường mía bạt ngàn, những cánh rừng cao su tít tắp đang cho ra những dòng nhựa trắng phục vụ cho xuất khẩu và làm giàu cho quê hương đất nước, đưa cuộc sống của người dân trong vùng ngày càng ấm no và hạnh phúc.
(Nguồn tư liệu: Sách “BIDV trong tôi” –
Nhà Xuất bản Hội Nhà văn – tháng 4/2012)
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0822808588/ 0842152355/ 0763238588/ 0784132388/ 0357638588/ 0334282388/ 0357071080/ 0357041080/ 0764263180/ 0764860580/ 0942551080/ 0947591080
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng