Web Content Viewer
ActionsSau chiến thắng mùa xuân năm 1975, tôi xuất ngũ (25 tuổi) và được bố trí trong quân số của Bộ Tài chính nhưng tạm thời chưa có đơn vị công tác cụ thể. Vào một buổi chiều mùa thu năm ấy, tôi đến thăm một anh bạn cùng lớp hồi học đại học, sau 4 năm xa cách của chiến tranh, tôi đi bộ đội vào Nam chiến đấu còn anh ấy được phân công về làm việc tại chi nhánh Thanh Hóa. Sau khi hàn huyên tâm sự, anh ấy mời tôi ở lại ăn cơm, bữa cơm đạm bạc tự nấu thời bao cấp chỉ có nồi cơm độn ngô, rau muống và vài con cá trích nhưng thật vui và cảm động.
Chúng tôi đang nói chuyện vui vẻ thì bất ngờ có một vị khách ghé thăm, đó là bác Lưu Văn Bích - Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Thanh Hóa lúc bấy giờ. Anh bạn giới thiệu tôi là bạn cùng học đi bộ đội trở về đang chờ Bộ Tài chính phân công công tác. Lúc ấy cá nhân không được lựa chọn mà tổ chức phân công làm việc ở đâu thì mọi người đều chấp hành nghiêm túc, kể cả đi về miền núi, hải đảo, tôi cũng sẵn sàng theo sự phân công của tổ chức. Thấy vậy bác Bích bảo ngày mai nhân dịp có chuyến đi công tác ở Hà Nội bác sẽ vào Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương để xin tôi về Thanh Hóa. Tôi mừng lắm vì nghĩ sẽ được làm việc ở thành phố, gần nhà.
Một tuần sau đó, tôi có quyết định của Ngân hàng Kiến thiết Trung ương bố trí công tác tại chi nhánh Thanh Hóa. Tôi còn nhớ bác Bích đã gọi tôi lên và bảo: Cậu có quyết định của Ngân hàng Kiến thiết Trung ương về Thanh Hóa và tổ chức phân công cậu ra công tác tại công trình trọng điểm xây dựng Nhà máy xi măng Bỉm Sơn. Lúc đó, công trình cách nhà tôi 60 cây số. Nhận lệnh của tổ chức giao phó, tôi chuẩn bị nhanh và xách balô ra Ga Thanh Hóa đi về Ga Đò Lèn (Hà Trung), rồi lại đi bộ 4 km về phòng chuyên quản Hà Trung (như chi nhánh cấp 2 bây giờ), lúc đó phòng chuyên quản Hà Trung cách công trình hơn 10 km. Được 1 tháng, bác Trưởng phòng chuyên quản cử tôi đi họp với bên A và bên B. Để kịp thời gian, tôi phải đi bộ từ chiều hôm trước 10km để sáng hôm sau họp và chiều lại đi bộ trở về chi nhánh.
Lúc bấy giờ, người có xe đạp trong cơ quan còn rất ít, chỉ khoảng 1/3 cán bộ. Người vào ngân hàng ít nhất 15 năm mới được xét mua xe đạp cung cấp. Vì chưa có phương tiện đi lại, mặt khác công trường được xác định là công trình trọng điểm, nên tôi xin phép cơ quan được ở lại luôn công trường khi nào họp mới trở về. Công trình xi măng Bỉm Sơn lúc đó có 63 hạng mục công trình và tổng dự toán ban đầu là 386 triệu đồng với công suất 1,2 triệu tấn/năm. Với công suất tương tự như thế, ở thời điểm hiện tại cũng phải chi phí khoảng 250 triệu USD. Điều đó cho thấy giá trị tiền Việt Nam lúc ấy cũng không kém USD là mấy.
Nhà máy xi măng Bỉm Sơn hiện nay (Ảnh: ximangbimson.com.vn)
Làm cán bộ cấp phát cho công trình này cực kỳ vất vả, phải giám sát công trình thậm chí cả 3 ca. Vì vậy nên tiêu chuẩn lương thực của cán bộ cấp phát khá cao: nếu tiêu chuẩn lương thực hồi đó của cán bộ kế toán được cấp sổ lương thực 13,5kg thì cán bộ cấp phát được cấp 17,5kg lương thực do lao động có tính chất nặng nhọc.
Tôi nhớ mãi một kỷ niệm trong việc giám sát để cấp phát cho khối lượng bê tông đổ móng cho nhà máy. Để làm móng theo đúng thiết kế thì phải đào hàng trăm hố móng kích thước 12 x 12 m, sâu 8 - 10 m để đổ bê tông. Tuy nhiên, trong khi thi công thì phát hiện ở dưới có hang castơ (dạng hang động dưới núi đá vôi). Để đảm bảo an toàn, chuyên gia Liên Xô lúc đó yêu cầu phải đào sâu xuống tận lớp đá gốc, rửa sạch mới cho đổ bê tông. Vì vậy mà có những móng độ sâu tới tận 23m. Độ sâu là như thế nhưng mặt đáy lại lồi lõm chỗ cao chỗ thấp, mà mỗi móng lại khác nhau không thể có thiết kế, lập dự toán được mà phải thanh toán thực thanh, thực chi, trong khi khối lượng mỗi móng lên đến hàng ngàn mét khối. Đó là một khó khăn rất lớn.
Lễ khánh thành 1 dây chuyền của Nhà máy xi măng Bỉm Sơn - công trình trọng điểm do Ngân hàng Kiến thiết cấp phát vốn xây dựng
(Ảnh: ximangbimson.com.vn)
Công trường lúc đó phải làm 3 ca để đảm bảo tiến độ. Ban đầu tôi và cán bộ kỹ thuật bên A, bên B phải đếm từng xe bê tông một, xe bê tông tươi, xe to, xe nhỏ, xe đầy, xe vơi,... Bên A, bên B còn có cán bộ thay thế còn Ngân hàng Kiến thiết thì chỉ có một mình tôi. Mà đi liên tục như thế cả mấy tháng trời thì thật là khó khăn, nhiều khi nghĩ không kham nổi. Nhưng nếu mình không có mặt giám sát thì khi nghiệm thu khối lượng sẽ không chính xác và thường là bên B tìm cách để ghi tăng khối lượng sẽ làm thất thoát một số vốn rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Vì vậy, sau khi đi giám sát được mấy ngày, tôi bèn nghĩ cách để quản lý thế nào cho tốt. Cũng may là do hồi học Đại học có học toán tích phân, tôi nhớ tới các phép tính tích phân nên bàn với bên A, bên B sau khi đào móng xong rồi cho máy đo 50cm2 để tính độ sâu bình quân (máy đo cứ 50cm2 có 4 điểm đo độ sâu và tính bình quân độ sâu toàn bộ diện tích bề mặt móng), sau đó lấy bình quân độ sâu nhân với diện tích móng thì ra khối lượng bê tông cần đổ. Được A, B nhất trí và từ đó tôi chỉ cần có mặt lúc nghiệm thu hố móng chuẩn bị đổ bê tông để đo độ sâu bình quân và đổ móng, còn quá trình giám sát chất lượng A, B tự làm. Tuy chỉ là một đề xuất nhỏ nhưng có ý nghĩa trong việc quản lý chặt chẽ khối lượng cấp phát, tiết kiệm vốn cho Nhà nước, cho 1 công trình công nghiệp xi măng hiện đại đầu tiên có quy mô lớn nhất cả nước sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đó là kỷ niệm sâu sắc đầu đời công tác, từ bấy đến nay đã hơn 30 năm có lẻ nhưng tôi vẫn còn nhớ mãi.
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0849351080/ 0822808588/ 0842152355/ 0766151080/ 0763238588/ 0784132388/ 0358201080/ 0357638588/ 0334282388
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng