Kỷ niệm về cố Tổng Giám đốc Đỗ Trọng Kim

24/02/2022
Cứ mỗi lần có dịp về công tác tại Hội Sở chính, chúng tôi không quên ghé thăm Phòng Truyền thống của ngành. Bằng những hình ảnh cụ thể về con người và kỷ vật được bố trí theo thời gian, không gian đã nêu bật truyền thống 65 năm xây dựng và phát triển của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, gắn liền với từng giai đoạn lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đó cũng là nét đẹp văn hoá BIDV.

Một trong những hình ảnh khó phai mờ trong tâm trí tôi là bác Đỗ Trọng Kim, cố Tổng Giám đốc Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam (tiền thân của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam) thời kỳ 1958 - 1962 cũng chính là Hiệu trưởng Trường Cán bộ Tài chính - Kế toán Ngân hàng Trung ương (sau đổi tên là Trường Đại học Tài chính Kế toán - Hà Nội) trong những năm đầu thập kỷ 70. Bác không chỉ là Tổng Giám đốc mà còn là người thầy đáng kính của tôi.

Ông Đỗ Trọng Kim, Giám đốc Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam (1959-1961)

Là Tổng Giám đốc, Hiệu trưởng trường Đại học nhưng thầy luôn giản dị, gần gũi thân mật, ân cần chỉ bảo cho sinh viên (nhất là lớp trẻ vừa rời ghế trường Trung học phổ thông) trong đời sống, lao động cũng như trong học tập. Thầy hiệu trưởng có dáng người cao, hơi gầy, đầu bạc trắng luôn húi cao, trông thanh tao mẫu mực biết nhường nào.

Trong 3 tháng đầu năm học, chúng tôi được huy động tham gia đắp đê chống lũ ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú và dựng trường lớp bằng tre, nứa, lợp lá cọ. Mặc dù trời mưa rét, thầy khoác chiếc áo măng-tô-san đã bạc màu cùng một số cán bộ của trường đến động viên, chỉ đạo kiểm tra tiến độ kịp thời, lo công tác hậu cần cho sinh viên. Thầy đi đến từng tổ nhắc nhở kinh nghiệm xắn đất, chuyền tay nhau đưa đến chân đê, nền đất phải lèn chặt, nếu có kẻ hở tạo mạch nước ngầm lâu ngày sẽ gây vỡ đê, hậu quả khôn lường… Từ đó, ai ai cũng hăng hái, cùng cất cao tiếng hát, thi đua hoàn thành vượt mức chỉ tiêu được giao với chất lượng cao, được lãnh đạo huyện, tỉnh khen ngợi.

Trong học tập, bác Đỗ Trọng Kim lại càng chú trọng rèn luyện đức tính trung thực cho sinh viên. Quên sao được ngày gặp mặt sinh viên đầu tiên toàn khoá 9, trong hội trường bằng tre, nứa lợp lá cọ vừa mới dựng xong bên cạnh Đồi Sứ (nửa chìm, nửa nổi kiểu thời chiến), thầy gọi bốn sinh viên chia 2 nhóm, lần lượt lên bảng (trong đó có tôi), mỗi người viết và cộng tổng số 2 dãy chữ số theo lời thầy đọc, từ hàng ngàn đến hàng tỷ. Đến lượt mình, tôi run lập cập viết nhanh nhưng nét hơi láy không đạt chuẩn. Sau khi có kết quả của 4 sinh viên, thầy lần lượt nhận xét từng người và nhắc nhở chung: Các em nam viết nhanh nhưng số không rõ ràng dễ nhầm lẫn giữa số 5 và số 6, số 3 và số 8…, các em nữ tuy viết chậm nhưng có cẩn thận hơn. Làm người cán bộ tài chính - ngân hàng phải trung thực, liêm khiết, chữ số phải viết rõ ràng, cẩn thận,  hàng dọc, hàng ngang, theo hàng đơn vị hàng triệu, hàng tỷ… có dấu phẩy phân biệt số tiền lẻ hào, xu… Những con số trong các báo cáo tài chính phải là những con số biết nói, phản ánh trung thực, kịp thời, có khi chỉ cần nhầm hoặc sai một con số sẽ gây hậu quả rất đáng tiếc… Các em là những cán bộ tài chính ngân hàng tương lai, có nhiệm vụ học tập tốt sau này quản lý tài sản, tiền bạc của Nhà nước, của dân tuyệt đối an toàn không được tham ô, tư túi cá nhân… 

Một lớp học thời kỳ đầu của Trường Cán bộ Tài chính - Kế toán Ngân hàng Trung ương 

Học tập được một năm, tháng 9/1972, tôi cùng 5 anh em sinh viên khoá 9 vinh dự hoà trong đoàn tân binh lên đường chiến đấu. Trước khi nhập ngũ, chúng tôi được bác Đỗ Trọng Kim cùng tham dự buổi chia tay thân mật dặn dò đầy trách nhiệm và thắm đượm tình thầy trò: “Đây là nhiệm vụ thiêng liêng nhưng rất vinh quang của tuổi trẻ, là niềm vinh dự của trường. Chúc các em lên đường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu, hoà bình trở về trường tiếp tục học tập, góp phần xây dựng đất nước…”.

Tổ quốc thống nhất, non sông thu về một mối, tháng 11/1975 chúng tôi được lệnh trở về trường cũ (Phúc Yên, Vĩnh Phú) học tiếp. Nhưng ngày hội tụ, một người bạn đã không về, liệt sỹ Nguyễn Xuân Biền hy sinh anh dũng trong trận đánh Sân bay Thành Sơn - Phan Rang - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, còn thầy đã trở về công tác tại Bộ Tài chính - Hà Nội.   

Gần 25 năm công tác tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, tôi càng thấm thía lời dạy bảo vàng ngọc của cố Tổng Giám đốc về rèn luyện đức tính trung thực.

Bây giờ bác Đỗ Trọng Kim đã đi xa, nhưng tên tuổi, sự nghiệp của bác cũng như các đồng chí lãnh đạo cấp cao của ngành là tấm gương ngời sáng cho thế hệ tuổi trẻ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam noi theo. Những học trò xuất sắc của bác giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và Giám đốc các chi nhánh BIDV đã và đang và tiếp tục chèo lái con thuyền BIDV vươn ra biển lớn, hướng tới tập đoàn Tài chính- Ngân hàng đa năng, vững mạnh và hội nhập trong tương lai không xa.

(Nguồn tư liệu: Sách “BIDV trong tôi” - 

Nhà Xuất bản Hội Nhà văn - tháng 4/2012)

Tác giả: Nguyễn Văn Lợi - BIDV Quảng Nam
Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}