Web Content Viewer
ActionsViệc chuyển đổi từ một ngân hàng với nhiệm vụ chủ yếu là cấp phát và cho vay xây dựng cơ bản sang hoạt động kinh doanh thương mại (bắt đầu từ 01/01/1995) đã khiến cho ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là sự thiếu hụt nguồn vốn để cân đối với dư nợ cho vay trung, dài hạn đã tiềm tàng và làm nền tảng cho việc mở rộng kinh doanh của ngân hàng.
Tôi đã được chứng kiến những suy tư, trăn trở, những cố gắng, nỗ lực của tập thể lãnh đạo và cán bộ nhân viên toàn hệ thống để chèo lái “con thuyền đỏ cánh buồm xanh” vượt qua sóng gió. Là một cán bộ và sau này trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo công tác tài chính - kế toán của Ngân hàng, tôi đã được chia sẻ, được đóng góp sức mình trong những cố gắng và nỗ lực của BIDV vượt qua những khó khăn về tài chính. Trong gian khó, kỷ niệm của mỗi người dường như lắng đọng hơn và trở nên khó có thể phai mờ.
Đối với tôi, kỷ niệm đó sâu sắc còn bởi những hồi ức về nó đã tạo nên trong tôi một sự đồng cảm rất nhân văn với câu chuyện khoán nông nghiệp của Bác Kim Ngọc vào những năm 80 và cơ chế khoán 10 mà Đảng và Nhà nước ta áp dụng sau này.
Đó là năm 1995, năm đầu tiên sau khi BIDV bàn giao toàn bộ nghiệp vụ cấp phát cho vay vốn Đầu tư xây dựng cơ bản sang Tổng cục Đầu tư và Phát triển. Việc bàn giao này cũng đồng thời với việc BIDV không được sử dụng vốn tạm thời nhàn rỗi trong hoạt động cấp phát để đảm bảo nguồn vốn cân đối với dư nợ cho vay theo cơ chế thương mại. Việc chuyển sang hoạt động như một ngân hàng thương mại thực sự buộc Ngân hàng phải tích cực huy động vốn bằng mọi biện pháp. Đặc biệt với đặc điểm cho vay trung, dài hạn chiếm tỷ trọng lớn, đòi hỏi BIDV phải tìm được các nguồn vốn mang tính dài hạn.
BIDV ký kết vay 30 triệu USD từ Bangkok Bank
Đã có biết bao phương án được Ban lãnh đạo đưa ra phân tích, cân nhắc, cuối cùng phương án được BIDV lựa chọn là vay vốn của nước ngoài. Dưới sự bảo lãnh của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, BIDV thực hiện vay của Krung Thai Bank 100 triệu USD và vay của Bangkok Bank 30 triệu USD với thời hạn 5 năm. Hai khoản vay này đã giúp cho BIDV thoát khỏi sự mất cân đối về vốn dài hạn. Tuy nhiên, phương cách đó lại đặt BIDV vào một tình thế khó khăn khác. Đó là thực hiện nghĩa vụ trả nợ, trả lãi bằng ngoại tệ. Với số tiền ngoại tệ vay lớn, cứ định kỳ 6 tháng BIDV phải chuẩn bị sẵn sàng 17 triệu USD để trả lãi vay. Khó khăn này trở nên to lớn hơn trước một chữ “TÍN” mà BIDV phải giữ được với các đối tác nước ngoài cùng với cơ chế phạt lãi rất nặng trong trường hợp chậm trả lãi và nó đã tạo thành áp lực đòi hỏi BIDV phải có phương sách ứng phó. Để xử lý tình huống này, đồng thời cũng để đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng, đặc biệt chống đỡ được rủi ro về biến động tỷ giá, các nhà tài chính của BIDV đã thực sự sáng tạo khi thực hiện phân bổ lãi tiền vay hàng tháng vào chi phí, đồng thời chuyển đổi ra USD để sao cho đến kỳ trả lãi Ngân hàng đã có đủ ngay số tiền bằng USD để trả cho Krung Thai Bank và Bangkok Bank. Việc làm này vào giai đoạn 1995 - 1996 rất xa lạ và rất khác với cơ chế tài chính hiện hành. Vì khi đó, theo quy định của Bộ Tài chính, việc hạch toán lãi vay được thực hiện theo nguyên tắc thực thu - thực chi. Điều này đã khiến BIDV gặp phải rắc rối và ngân hàng phải thực hiện báo cáo giải trình với các cơ quan chức năng, các đoàn kiểm tra thuế nhưng cũng không được chấp thuận. Cuối cùng, Ban lãnh đạo BIDV đã phải có những buổi làm việc với các ngành. Trước sự giải thích về tính hữu ích của phương thức hạch toán mà BIDV thực hiện - một giải pháp mang tính tình thế nhưng đảm bảo phòng ngừa được rủi ro, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, của quốc gia, các cơ quan chức năng đã hoàn toàn bị thuyết phục.
Sau gần 5 năm, trong quá trình đất nước ta hội nhập kinh tế quốc tế, với việc tiếp cận các thông lệ quốc tế, có một sự trùng hợp không ngờ và thật lý thú rằng: bản chất ý tưởng sáng tạo trong xử lý tình huống của BIDV năm nào chính là nguyên tắc hạch toán dự thu - dự chi theo chuẩn mực kế toán quốc tế mà Chính phủ đã cho phép các Tổ chức tín dụng được áp dụng từ năm 2000 đến nay.
Như vậy là với tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm BIDV đã trở thành ngân hàng thực hiện nguyên tắc này từ rất sớm. BIDV đồng thời cũng là ngân hàng sớm có những tiếp cận với công tác kiểm toán quốc tế (từ năm 1996). Với những nền tảng vững chắc đó, BIDV đã rất chủ động, tự tin và phấn khởi đón nhận sự cho phép của Chính phủ trong việc áp dụng nguyên tắc hạch toán dự thu - dự chi.
Khi trên cương vị Giám đốc Ban Tài chính, một Ban có chức năng quản lý và tham mưu cho Ban lãnh đạo trong lĩnh vực Tài chính của Ngân hàng, tôi đã rất cố gắng, nỗ lực, không ngừng trau dồi và củng cố kiến thức từ kinh nghiệm thực tiễn, từ học hỏi nâng cao trình độ. Mong muốn của tôi là làm thế nào để nâng cao hơn nữa chất lượng những tham mưu với Ban lãnh đạo để có những đóng góp thiết thực vào việc nâng cao năng lực tài chính của BIDV, góp phần xây dựng BIDV ngày càng lớn mạnh sánh vai với các ngân hàng tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Hồi ức về những kỷ niệm trong quãng thời gian làm tài chính - kế toán của BIDV đã qua sẽ là nguồn lực, nguồn động viên vô giá, giúp tôi tự tin, vững bước trên chặng đường tiếp theo của nghề nghiệp tôi đã lựa chọn.
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0849351080/ 0822808588/ 0842152355/ 0766151080/ 0763238588/ 0784132388/ 0358201080/ 0357638588/ 0334282388
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng