Web Content Viewer
ActionsTây Nguyên đang mang trên nó những giá trị lịch sử văn hóa và tiềm năng kinh tế to lớn cần sự đầu tư đúng mức về mọi mặt trong đó các nguồn vốn cả ngân sách lẫn tín dụng để phát triển. Cho đến bây giờ có thể xem Tây Nguyên như nàng công chúa ngủ giữa đại ngàn mới được đánh thức dậy. Miền huyền thoại có chàng Đam San đi tìm Nữ thần Mặt trời ngày xửa ngày xưa đang sở hữu 2 triệu héc ta đất ba zan màu mỡ, chiếm tới 60% đất ba zan của cả nước. Đây là loại đất phù hợp với các loại cây có giá trị kinh tế cao như cà phê, ca cao, hồ tiêu, chè, dâu tằm… Hiện nay, Tây Nguyên có khoảng 290 nghìn héc ta cà phê, chiếm 4/5 diện tích đất trồng cà phê ở Việt Nam. Lễ hội cà phê và liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã nhiều lần được tổ chức tại đây, thu hút đông du khách và các đối tác làm ăn trong nước và thế giới đến dự. Diện tích trồng cao su ở Tây Nguyên cũng rất lớn, đứng thứ hai ở trong nước sau Nam Bộ. Tây Nguyên có nhiều cơ hội và nền tảng để đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Đây còn là vùng đất có thể phát triển chăn nuôi tốt theo hướng tập trung, hiện đại trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa đang là xu hướng tất yếu của nhân loại. Chưa hết, Tây Nguyên với nhiều thắng cảnh, giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể quý giá là cơ sở để đưa du lịch - ngành công nghiệp không khói - cất cánh bay lên. Những khu rừng nguyên sinh như Chư Môn Ray; Vườn quốc gia Yok Đôn; Lâm viên Ea Kao; núi Ngọc Linh…, các ngọn thác như Thủy Tiên; Dray Nur; Diệu Thanh; Ba Tầng; Dray Sáp, Xung Khoeng…, các hồ như Lăk; Buôn Triết; Ea Kao; Tơ Nưng (Biển Hồ)…; Buôn Đôn nổi tiếng với săn bắt thuần dưỡng voi rừng sẽ là các địa chỉ du lịch hấp dẫn. Ngày 15/11/2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Nguyễn Đức Thái, Phó Giám đốc Chi nhánh BIDV Đăk Lăk, một người yêu thích văn chương, phác thảo mấy nét lớn bức tranh kinh tế của Tây Nguyên hiện nay. Đó là, những năm gần đây, Tây Nguyên đang chuyển mình mạnh mẽ với sự năng động đáng ghi nhận trên cơ sở khai thác ưu thế đặc thù của vùng đất này là sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê, tiêu, cao su… Đáng chú ý nhất là việc phát triển cà phê bền vững đang được Chính phủ, địa phương và hiệp hội các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu hết sức quan tâm. Đáng mừng là sự gắn kết 4 nhà (Nhà nông - Nhà phân phối - Nhà xuất khẩu - Ngân hàng) ngày càng chặt chẽ nên tính chuyên sâu trong sản xuất được đảm bảo và giá trị ngành nông nghiệp được nâng cao. BIDV Đăk Lăk năng động bám sát thị trường, linh hoạt trong quản trị điều hành, nỗ lực triển khai đến từng khách hàng nên tạo được niềm tin vững chắc với đối tác và thu được những kết quả khả quan. Tín dụng bán lẻ thực sự đã ra hoa kết trái giữa lòng Tây Nguyên bao la. Năm 2014, dư nợ tín dụng bán lẻ của Chi nhánh đạt 1.702 tỉ đồng, chiếm 43% tổng dư nợ, đứng thứ 2 trong hệ thống và xếp đầu bảng ở Tây Nguyên. Tính đến cuối tháng 02/2017, dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt 1.200 tỉ đồng; số lượng khách hàng là 4.200 người. Năm 2017, tổng dư nợ đạt 3.098 tỷ đồng, nợ xấu dưới 1%.
Vì sao mà Chi nhánh BIDV Đăk Lăk thu được kết quả trên. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước hết nhờ sự thay đổi tư duy. BIDV Đăk Lăk đã chuyển dịch cơ cấu tín dụng. Từ tín dụng doanh nghiệp chiếm tỉ trọng lớn sang phát triển tín dụng bán lẻ, phù hợp với đặc thù của khu vực, có độ an toàn cao và hiệu quả lớn. Nhiều chương trình tập trung cho hoạt động bán lẻ đã được Chi nhánh triển khai như phát triển mạng lưới các phòng giao dịch ở đô thị song song với sự có mặt của BIDV ở vùng nông thôn; quy định lãi suất “mở” để tăng khả năng đàm phán của cán bộ quản lý khách hàng; chọn những cán bộ có trình độ, năng động, nhạy bén để giao công việc này… Thị trường nông nghiệp nông thôn là phân khúc BIDV Đăk Lăk hướng tới, nhằm đưa dòng vốn cho vay phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân. Ý nghĩa nhân văn của hoạt động bán lẻ thể hiện rất rõ ở đây; không ít hộ nông dân ở Tây Nguyên đã thoát nghèo và giàu lên nhờ tín dụng bán lẻ của BIDV.
Rừng cao su ở Tây Nguyên được BIDV cấp vốn tín dụng phát triển
Chúng tôi đã đến thăm một gia đình nông dân ở xã Ea Bar (huyện Buôn Hồ) đang là khách hàng của BIDV. Xe dừng trước một ngôi nhà mái bằng khang trang có sân phơi rộng rãi. Mới tháng ba mà nắng đã chói chang, nóng hầm hập. Cái nắng, cái nóng hao hao giống mùa hè ở miền Trung quê tôi. Mấy chú khuyển đang nằm “canh giữ” hạt tiêu phơi ở giữa sân bật dậy “gâu gâu” om sòm khi nghe tiếng người. Người phụ nữ dắt xe máy đi ra, thỏ thẻ chào chúng tôi. Phó Giám đốc Nguyễn Đức Thái nói: “Cô ấy sẽ dẫn đường cho chúng ta vào rẫy tiêu, cà phê của gia đình”.
Rẫy của chị nằm ở Ea Nuôl, một xã khác. Chúng tôi thích thú đứng ngắm hàng hàng “tháp” tiêu xanh tươi, chi chít hạt đang mùa thu hoạch xen kẽ với cà phê vừa bung hoa trắng ngát vây quanh một ngôi nhà xây lợp tôn dùng làm nơi nghỉ ngơi chăm sóc trông coi rẫy. Có tiếng người í ới gần xa. Những người này được chủ nhà thuê hái tiêu.
Bây giờ tôi mới có dịp hỏi chuyện một trong hai đồng chủ nhân của 4 héc ta tiêu cà phê, chị Nguyễn Thị Mỹ Nhật. Chồng chị, anh Trần Quốc Hùng, năm nay 43 tuổi, quê gốc Bình Định đi vắng nên Nhật tiếp chuyện chúng tôi. Có lẽ, đây là lần đầu tiên người phụ nữ 42 tuổi, có nước da rám nắng này nói chuyện với cánh viết lách nên rất lúng túng ngượng ngập. Tôi hỏi gì thì Nhật trả lời thôi. Chân chất, mộc mạc như nhiều người làm rẫy, làm vườn khác.
Câu hỏi đầu tiên: “Em quê ở đâu?”. Trả lời: “Dạ, em ở Hương Vân, Hương Điền, Thừa Thiên - Huế”. “Sao em lên làm ăn ở Tây Nguyên?”. “Dạ, ba mạ em đi vùng kinh tế mới từ năm 1982”. “Đất rẫy này của ba mạ em cho à?”. “Dạ, mô có, ba mạ em nghèo mà, lấy chi mà cho”. “Thế làm sao có đất để trồng tiêu, trồng cà phê nhiều vậy?”. “Dạ, vợ chồng em vay tiền ngân hàng của anh Thái đây. Nhờ trời thương nên mần ăn được.”.
Trước hết phải khen vợ chồng người nông dân này dũng cảm, dám nghĩ dám làm. Chắc cũng có chút máu “liều” mới dám vay 2 tỷ đồng của ngân hàng để mua 4 héc ta đất trồng tiêu, cà phê. Cũng phải trải qua nhiều lo âu, vất vả, những thấp thỏm, băn khoăn trong tình cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn thường xảy ra ở nước ta mới có niềm vui rưng rưng khi cầm trên tay đồng tiền sạch từ bông hạt nhà mình. Mỗi năm, nhà chị thu hoạch được 5 tấn cà phê, bán ra được khoảng 250 triệu đồng; 6 tấn tiêu mang về xấp xỉ 900 triệu đồng. “Vợ chồng em còn nợ ngân hàng bao nhiều nữa?”, tôi hỏi. Nhật trả lời “Dạ, em đang nợ chỗ anh Thái 850 triệu đồng nhưng ngày mai vợ chồng em sẽ trả tiếp 400 triệu đồng nữa”. Đồng tiền thu hoạch được từ những mùa màng thấm đẫm mồ hôi và có thể cả nước mắt nữa đã mang lại ấm no, sung túc, hạnh phúc cho người nông dân. Có thể lắm chứ, những người chân đất trở thành tỉ phú. Hay ít nhất, họ cũng được hưởng niềm vui bình dị, nuôi con ăn học nên người. Như vợ chồng chị Nhật có 3 con, cháu đầu đang là sinh viên Khoa Quản lý tài nguyên rừng, Trường Đại học Tây Nguyên; các cháu sau đứa lớp 9, đứa lớp 2 đều ngoan ngoãn chăm chỉ.
Nguyễn Đức Thái và các cán bộ Chi nhánh BIDV Đăk Lăk cùng đi như Văn Tuấn, H.Trương, Lê Thị Hồng Vân nhìn Nguyễn Thị Mỹ Nhật cười vui. Nụ cười vui mang tên BIDV, khi được chia sẻ, hợp tác thành công với những người nông dân bình thường trên nền đất ba za nâu sẫm.
Trường hợp như vợ chồng chị Nhật không phải là cá biệt ở Đăk Lăk. Chị Nguyễn Thị Thu, sinh năm 1963 cũng đã vay Chi nhánh BIDV Đăk Lăk 1,3 tỉ đồng để chăm sóc 1,7 héc ta hồ tiêu, thu hoạch bình quân mỗi năm từ 8 đến 10 tấn hạt. Ngoài ra chị Thu còn kinh doanh phân bón các loại và mở được 10 phòng karaoke. Cái đáng nói, là mặc dù nhà chị Thu ở cách trụ sở Chi nhánh tới 25 cây số trong khi ở địa bàn có các ngân hàng khác nhưng chị vẫn chọn BIDV bởi tầm vóc, uy tín của nó và lãi suất hợp lý.
***
Nền khách hàng của BIDV ở Tây Nguyên đa dạng và chất lượng. Đối tượng cho vay vốn, ngoài những hộ cá thể sản xuất nhỏ và vừa như chúng tôi đã minh chứng còn có những doanh nghiệp đình đám, có số má hẳn hoi như các “ông lớn” Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai hay Binh đoàn 15… Đấy là các khách hàng VIP lớn đóng ở Tây Nguyên có quan hệ tương trợ, hợp tác rất thân thiết với BIDV. Họ gắn bó với nhau trong những cơ hội và thách thức, thuận lợi và khó khăn, thành công và cả thất bại. Thương trường như chiến trường vậy, làm gì có chuyện bách chiến bách thắng, khi được khi mất là chuyện thường tình.
Nhiều khách hàng ghi nhận sự chia sẻ kịp thời của Chi nhánh BIDV Gia Lai trong cơn hoạn nạn. Một miếng khi đói bằng một gói khi no mà. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sau những khó khăn trắc trở nhất của mấy năm gần đây đã thấm thía điều đó. Từ một nhà sản xuất nội thất bé nhỏ, Công ty đã phát triển dần lên thành một Tập đoàn tư nhân lớn đa ngành nghề “xuyên quốc gia” thuộc các lĩnh vực chế biến gỗ, cao su, bất động sản, tài chính, du lịch, bóng đá, chữa bệnh… Hoàng Anh Gia Lai đã có mặt ở Lào, Căm Pu Chia, Myanmar, Thái Lan. Tuy vậy, bức tranh kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai không mấy sáng sủa trong thời gian qua khi giá cao su rớt xuống thảm hại (75%); khai thác khoáng sản thì không có đầu ra, còn chuyển sang nông nghiệp cũng chưa có thành quả rõ rệt. Tính đến cuối năm 2015, nợ phải trả của Hoàng Anh Gia Lai lên đến con số 32.900 tỉ đồng. Ba chủ nợ lớn nhất của “Bầu Đức” là BIDV hơn 10 nghìn tỷ đồng; EximBank gần 4 nghìn tỷ đồng; VP Bank 2.800 tỷ đồng.
Từ một nhà sản xuất nội thất bé nhỏ, HAGL đã phát triển thành một Tập đoàn tư nhân lớn đa ngành nghề với nguồn vốn tín dụng lớn từ BIDV
Anh Nguyễn Xuân Thắng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách nông nghiệp Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An chia sẻ: “BIDV là người bạn đồng hành tin cậy của Hoàng Anh Gia Lai trên 20 năm rồi. Trong hoàn cảnh tối tăm tưởng chừng sẽ bị chết như vừa qua BIDV đã kịp thời xử lý cơ cấu nợ, vẫn bơm dòng vốn cho Hoàng Anh Gia Lai. Bây giờ chúng tôi đã được củng cố niềm tin về triển vọng phát triển của Tập đoàn. Hoàng Anh Gia Lai đang đầu tư vào những địa bàn quan trọng ở A tô pơ (Lào), vùng ba biên giới Việt Nam - Lào - Căm Pu Chia, đặc biệt là Myanma… Tôi xin nói rằng, không có BIDV sẽ không làm được những dự án lớn. Hoàng Anh Gia Lai đang rất cần BIDV”.
Người ta đang nhắc tới “Con bò sữa” của Hoàng Anh Gia Lai tại Myanma. Đó là dự án Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center ở Yangon bao gồm trung tâm thương mại (30 nghìn mét vuông); 2 khối chung cư (2000 căn hộ), khách sạn 5 sao (400 phòng), cao ốc văn phòng với tổng mức đầu tư lên tới 440 triệu USD. Dự án bất động sản này đã bắt đầu tạo ra doanh thu, lợi nhuận từ năm 2016. Các tập đoàn dầu khí của Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Vietnam Airlines, BIDV… đã đăng ký thuê văn phòng tại Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center.
Một đối tác lừng danh khác của BIDV tại Tây Nguyên là Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Đây là một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu ở Việt Nam có 11 công ty thành viên, 3 công ty liên kết, kinh doanh đa ngành nghề như khai thác chế biến gỗ, đá, bến xe bãi đỗ, xây dựng cầu đường, năng lượng, bất động sản, linh kiện điện tử, nông nghiệp... Anh Phạm Anh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đức Long Gia Lai cho biết, doanh nghiệp đã tham gia dự án nâng cấp quốc lộ 14, với chiều dài 70 cây số hoàn thành trước thời hạn 6 tháng; hiện đang quản lý 4 trạm thu phí trên con đường này với số tiền thu được bình quân 1,4 tỉ mỗi ngày. Ở Tây Nguyên, Tập đoàn có 3.000 héc ta cao su, tạo điều kiện làm ăn, ổn định đời sống cho khoảng 2.000 lao động trong đó có nhiều người thuộc dân tộc thiểu số và có các trại chăn nuôi bò thịt, bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Đức Long Gia Lai có một nhà máy linh kiện điện tử tại Trung Quốc với hơn 3.000 lao động, một nhà máy ở Hàn Quốc và đang có dự án mua lại một nhà máy ở Hồng Kông. Phương châm hoạt động của tập đoàn này gói gọn lại trong ba chữ Đi là đến. Trong hành trình Đi là đến đó, Đức Long Gia Lai luôn coi BIDV là đối tác chiến lược như Tổng Giám đốc Phạm Anh Hùng đã khẳng định.
Tôi nghĩ, góp phần không nhỏ cho Tây Nguyên được khởi sắc như hôm nay phải nói đến Binh đoàn 15, một đơn vị của Quân đội nhân dân Việt Nam. Binh đoàn 15 làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp với bảo vệ Tổ quốc. Những thành tích đạt được trong sản xuất cùng với việc xây dựng được thế trận lòng dân ở Tây Nguyên là kết quả của sự nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ, chiến sỹ, công chức quốc phòng Binh đoàn 15. Đóng quân trên ba tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Kon Tum, Binh đoàn đã ổn định được 10 khu dân cư cả về phát triển kinh tế vững chắc, xây dựng đời sống lành mạnh và góp phần giữ vững biên giới, trật tự an ninh xã hội như Yên Thế, Đức Cơ, Ia Grai, Chư Prông, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ia H.Drai… Các cụm dân cư được tổ chức gắn với những khu sản xuất tập trung của các công ty, đội sản xuất đan xen với làng xóm thôn buôn. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ được tỏa sáng vào lòng dân qua những việc làm thiết thực của người lính Binh đoàn 15.
Công nhân nông trường 707 (Binh đoàn 15) khai thác cao su
Hiện nay, Binh đoàn 15 đang quản lý khoảng 41.000 héc ta cao su, 350 héc ta cà phê, 70 héc ta lúa nước… chủ yếu ở địa bàn vùng sâu, vùng xa của hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Ngoài ra, Binh đoàn còn chăn nuôi bò thịt ở Công ty 74, E 710; trồng chanh dây ở Công ty 715, trồng cây dược liệu ở Công ty Bình Dương, E 710. Trực thuộc Bình đoàn 15 có Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 79 với 17 nghìn lao động và hàng vạn nhân khẩu ở hàng trăm điểm dân cư bám trụ trên dọc biên cương của đất nước ở địa bàn Tây Nguyên có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng này. Điều đáng nói và cũng rất đáng mừng nữa là trong lực lượng lao động của Binh đoàn 15 hiện nay có 7.154 người dân tộc thiểu số tại chỗ.
Cái quan niệm Nước sông công lính không còn chỗ đứng ở các đơn vị quân đội làm kinh tế nữa. Nghĩa là, trong lĩnh vực kinh tế họ cũng phải chịu mọi tác động của thị trường, phải tính đúng tính đủ như mọi doanh nghiệp khác. Lãi ăn, lỗ chịu, thế thôi. Mọi nghĩa vụ đối với Nhà nước, quân đội, địa phương phải thực hiện đầy đủ theo chỉ tiêu được giao. Các chế độ của bộ đội và người lao động phải thực hiện nghiêm túc. Làm được điều đó chẳng dễ dàng chút nào nếu không muốn nói đấy là gánh nặng đặt lên vai lãnh đạo chỉ huy đơn vị. Tôi đã từng ở Binh đoàn 12 - Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn - trên 20 năm trước khi về Tạp chí Văn nghệ quân đội ở 4 Lý Nam Đế Hà Nội nên rất thấm thía điều ấy. Theo chỗ tôi biết thì Binh đoàn 15 cũng coi BIDV là đối tác lâu dài tin cậy của mình. Trong chặng đường đi lên, Binh đoàn 15 luôn nhận được sự chia sẻ, hợp tác tích cực và thân thiện của Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam qua các chi nhánh ở địa bàn đóng quân.
Khó mà nói hết những gì BIDV đã đóng góp cho vùng đất đỏ ba zan Tây Nguyên. Trong mỗi cánh rừng cao su, vườn tiêu, đồng lúa, trại chăn nuôi; mỗi công trình thủy điện, thủy lợi; mỗi cây số đường hiện đại, trạm thu phí, bãi đỗ bến xe; mỗi bệnh viện, khách sạn, trung tâm thương mại… và cả mỗi ánh mắt, nụ cười tươi vui trên xứ sở cồng chiêng và sử thi độc đáo này hầu như đều có ân tình BIDV. Đấy là ân tình của lòng thủy chung, của những ứng xử hài hòa trong bấy nhiêu thăng trầm thế cuộc, khi hanh thông khi trắc trở, lúc thịnh lúc suy. Ít nhiều, qua chuyến đi này, tôi đã cảm nhận được điều đó; lợi nhuận là cái cần phải đạt được trong mỗi cuộc “làm ăn” (chữ dùng dân dã thay cho khái niệm thương mại, kinh doanh) nhưng không phải là tất cả. Kinh doanh, thương mại nào cũng phải dựa trên cái nền văn hóa tốt đẹp của con người, vì con người, cho con người. Tôi nghĩ, BIDV đã, đang và sẽ thực hành tốt văn hóa đó. Khi giao tiếp, trong công việc đối tác nhận được sự dễ chịu, tin cậy và không có sự khởi đầu nào đẹp đẽ hơn thế.
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0849351080/ 0822808588/ 0842152355/ 0766151080/ 0763238588/ 0784132388/ 0358201080/ 0357638588/ 0334282388
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng