Không thể mờ phai

08/03/2022
Thời kỳ 1961 - 1965 khởi đầu của kế hoạch năm năm lần thứ nhất, cả nước sôi sục khí thế thi đua: “Vì miền Nam ruột thịt”, “thi đua giành ba cao điểm” do Chính phủ phát động.

Khắp nơi từ đồng ruộng, công trường, nhà máy, cơ quan trường học liên tục mở những hội thi tay nghề, chọn thợ giỏi, chọn sản phẩm tốt. Ở đâu có sản xuất nhiều, chất lượng tốt, giá thành hạ là ở đó được biểu dương, cổ vũ, và kết quả được nhân rộng kịp thời. Hoà chung trong cao trào đó, khí thế thi đua trong toàn ngành Ngân hàng giành mục tiêu 3 cao điểm nhằm phục vụ kịp thời cho sản xuất và chiến đấu cũng hết sức sôi động.

Miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) (Ảnh: Internet)

Để động viên kịp thời phong trào, đến tháng 2 năm 1965, sau nhiều tháng chuẩn bị chu đáo, Chính phủ mở Đại hội 3 cao điểm (sau đổi thành 3 điểm cao) tại Ba Đình - Hà Nội, tôi cùng chín đồng chí khác được Ngân hàng Trung ương chọn đại diện cho toàn ngành đi dự Đại hội và để báo cáo điển hình trước Đại hội về kết quả công tác tín dụng phục vụ ngành than, góp phần giành thắng lợi lịch sử sản xuất 6 triệu tấn than sạch.

Tuy đã được dự nhiều cuộc họp chuyên đề và một vài lần được báo cáo trước hội nghị tổng kết thi đua toàn ngành có các đồng chí lãnh đạo Ngân hàng Trung ương và các địa phương, nhưng vì mình tuổi nghề còn ít, trình độ còn non yếu, thành tích kinh nghiệm chỉ là khởi đầu mà đứng trước hội nghị lớn như vậy thì nỗi lo nhiều hơn mừng. Lo vì toàn ngành chỉ được một báo cáo đọc ở Đại hội, nếu thực hiện không thành công thì trách nhiệm trước ngành ra sao, lo vì nhỏ bé quá mà đứng trước các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước báo cáo một việc làm, một phong trào của một Ngân hàng ở địa phương phục vụ một ngành sản xuất lớn, nói gì và nói sao để các đại biểu các cấp, các ngành về dự Đại hội hiểu và thông cảm được chức năng phục vụ và kiểm soát sản xuất thông qua đồng vốn của Ngân hàng, những kết quả của Ngân hàng nói chung và của tín dụng nói riêng trong nhiều năm phục vụ sản xuất, tiêu thụ than, việc làm của Ngân hàng gắn được với khẩu hiệu “Tổ quốc cần than như con thơ cần sữa mẹ” mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khởi xướng. Hiệu quả phục vụ và tác động của Ngân hàng góp phần xứng đáng để ngành than đạt được mốc lịch sử 6 triệu tấn, phải được ngành than xác nhận, đấy là những vấn đề khó khiến tôi lo lắng.

Tuy nhiên, được bác Trần Dương chỉ đạo, bác Phạm Thọ cùng ban thi đua Ngân hàng Trung ương, anh Huỳnh Công Tâm giúp đỡ, tôi đã hoàn thành được nhiệm vụ và chững chạc bước vào tham luận ở Đại hội một cách tự tin. Khi đoàn chủ tịch cho tôi lên trình bày, báo cáo được nhiều lần vỗ tay xác nhận. Sau đó tôi được một số đồng chí trong ban thi đua Chính phủ là lãnh đạo ngành động viên cổ vũ, tôi được đi báo cáo một vài nơi về kinh nghiệm đưa công tác Ngân hàng vào sản xuất, kinh nghiệm xây dựng tổ đội trong phong trào thi đua.

Công nghiệp hoá ở miền Bắc giai đoạn 1961-1965 (Ảnh: internet)

Đã 37 năm kể từ ngày vào công tác trong ngành, đó vẫn là một kỷ niệm mà tôi không thể quên ơn sâu sự giáo dục giúp đỡ của lớp người đi trước, của các đồng chí lãnh đạo ngành, hướng cho mọi cán bộ nắm vững quan điểm sản xuất để kiểm nghiệm chất lượng công tác Ngân hàng và đó là mục tiêu để xây dựng và phát triển, ở thời điểm nào vẫn thấy đúng.

Một kỷ niệm lớn khác trong đời là lần đầu được gặp Bác Hồ. Vào giờ đầu ngày Thứ Hai của Đại hội này, khi đoàn chủ tịch trong đó có bác Phạm Văn Đồng, bác Tạo, bà Nguyễn Thị Thập... điều khiển chương trình Đại hội, tự khắc cả 3 hàng chủ tịch đoàn đều đứng dậy và Bác xuất hiện trong bộ ka-ky giản dị. Bác giang tay đón chào mọi người, cả hội trường đứng dậy vỗ tay hoan hô như sấm dậy, ai cũng muốn bứt khỏi hàng ghế của mình để được gần Bác hơn và nghe rõ tiếng nói ấm tình của Bác. May mắn, Đoàn của Ngân hàng được ngồi đoạn giữa nên được nhìn và nghe Bác nói rất rõ.

Sau nhiều lần vỗ tay, Bác khoát tay mời các đại biểu ngồi xuống. Bác hỏi thăm sức khoẻ, biểu dương chúc mừng đại hội xong, Bác góp nhiều ý kiến trong đó: một ý kiến là theo Bác: Đại hội này nên gọi là Đại hội 3 điểm cao, không nên gọi phong trào thi đua đạt 3 cao điểm mà phải nói phong trào thi đua đạt 3 điểm cao. Bác phân tích sự khác nhau và ý nghĩa rộng lớn của 3 điểm cao với 3 cao điểm, cả hội trường hoan hô tiếp thu lời Bác dạy. Bác Tạo thay mặt ban thi đua Chính phủ lên thay mặt Đại hội chúc sức khoẻ và tiếp thu những lời giáo huấn của Bác và tiễn Bác ra về.

Về nhà, tôi cứ ngẫm nghĩ mãi, Bác Hồ nói rất xa nhưng lại rất gần, rất chiến lược nhưng lại rất cụ thể, ai cũng dễ hiểu, dễ diễn đạt lại ý Bác nói. Đạt 3 điểm cao ở trong công tác Ngân hàng là làm được thật nhiều việc, có chất lượng, chi phí ít. Mỗi người, mỗi tổ chức, mỗi công việc cụ thể của Ngân hàng ai cũng thực hiện được lời dạy của Bác.

Mặc dù sau đó tôi còn nhiều dịp được gặp Bác về Quảng Ninh, nhưng kỷ niệm lần đầu vẫn in sâu đậm nhất vì nó mở ra nhiều ký ức về công tác của tôi trong ngành.

Tác giả: Lê Năm Thắng - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Quảng Ninh
Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}