Web Content Viewer
ActionsNăm 1947 - 14 tuổi thoát ly gia đình, tôi đi tham gia kháng chiến chống thực dân pháp. Tháng 10/1950 tình nguyện vào quân đội cống hiến tuổi thanh xuân, góp phần nhỏ bé giành lại độc lập cho dân tộc.
Là một chiến sỹ - báo vụ viên vô tuyến điện tôi đã góp phần của mình đảm bảo mạch máu thông tin bằng cánh sóng cho lực lượng bộ đội miền tây Nam bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Hai mươi mốt tuổi, tháng 12/1954 tập kết ra Bắc, người lính Nam Bộ này tiếp tục tham gia lực lượng vũ trang, là đài trưởng mạng thông tin vô tuyến điện, bảo vệ vùng biển từ Nghi Xuân - Hà Tĩnh đến Đèo Ngang - Quảng Bình. Có bao nhiêu kỷ niệm tôi không bao giờ quên.
Năm 1955, có thời gian tôi đóng quân tại thành phố Vinh - Nghệ An. Nhiều cơ quan Đảng, chính quyền, tài chính, ngân hàng, công an, quân đội đã được xây dựng trong thành phố sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Có một cơ quan lúc đó với biển tên đề: “Chi hàng Kiến thiết Nghệ An” gần sân vận động Thành phố Vinh. Chữ khắc với màu sơn rất đẹp ở phía dưới rặng cây xà cừ xanh tốt. cơ quan đó làm nhiệm vụ gì, lúc đó tôi không thể biết được.
Bốn chữ “Chi hàng kiến thiết” tôi cứ ngây ngô tưởng là một cửa hàng bán vật liệu xây dựng. Thời gian cứ trôi đi, tôi rời Thành phố Vinh mà không quan tâm gì đến cơ quan ấy nữa.
Tháng 10/1960, năm 27 tuổi, tôi được cấp trên cho chuyển ngành về Bộ Tài chính và được phân công xuống Chi hàng Kiến thiết Thái Nguyên, tôi thật sự bất ngờ! bất ngờ và buồn cười nhớ lại sự lý giải của mình năm xưa. Nếu trước đây tôi không hiểu gì về chức năng nhiệm vụ của Chi hàng Kiến thiết Nghệ An thì từ tháng 10/1960, tôi hiểu được nhiệm vụ chức năng của Chi hàng Kiến thiết Thái Nguyên - nơi tôi trực tiếp công tác ở buổi ban đầu với bước đi chập chững trong ngành. Lúc bấy giờ anh Mạc Đức, người dân tộc Dao làm Chi hàng trưởng, anh Phan Đăng, anh Dậu, anh Oanh, anh Thụy đầy tình nghĩa đã giúp đỡ dẫn dắt tôi trong công tác nghiệp vụ.
Chi hàng Kiến thiết Thái Nguyên là cơ quan cấp phát xây dựng Khu Gang thép Thái Nguyên (lò cao, lò cóc, lò luyện gang), nhà máy điện Cao Ngạn, mỏ sắt Trại Cau, góp phần xây dựng nền móng công nghiệp nặng của chế độ XHCN một tỉnh lớn của chiến khu Việt Bắc, căn cứ cách mạng Việt Nam. Ba năm công tác tại Khu Gang thép Thái Nguyên, tôi đã lớn lên một bước, cấp phát theo chế độ thực thanh thực chi, bước đầu cấp phát theo khối lượng công trình hoàn thành - một hình thức cấp phát tiến bộ hơn.
Do nhu cầu phát triển của ngành, năm 1963 (30 tuổi), tôi được chuyển về Chi hàng Kiến thiết Hà Nội. Chi hàng thành lập 3 chi điếm:
Tôi được phân công về Chi điếm I do anh Quảng làm chi điếm trưởng cấp phát cho nhà máy trung quy mô, một công trình đầu đàn của ngành công nghiệp cơ khí ở nước ta, nhà máy dụng cụ cắt gọt, cao su Sao Vàng, thuốc lá Thăng Long, nhà máy nước Hạ Đình, Giầy Vải Thượng Đình, Phân lân Văn Điển, Pin Văn Điển. Những bước chân không mỏi trên hiện trường của những công trình lịch sử ấy.
Nhà máy Phân lân Văn Điển do Chi hàng Kiến thiết Hà Nội cấp phát vốn
Năm 1967, tôi về Chi điếm II trong thời kỳ chống chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra nhằm phá hoại hậu phương lớn miền Bắc, hạn chế chi viện người và của cho miền Nam ruột thịt. Công tác cấp phát chủ yếu các công trình, nhà máy phải sơ tán nhằm duy trì sản xuất phục vụ cho chiến đấu và tiêu dùng.
Nhớ lại, nếu như trước đây ở Chi hàng Kiến thiết Thái Nguyên thực hiện cấp phát theo chế độ thực thanh thực chi là chủ yếu thì về Chi hàng Kiến thiết Hà Nội, trình độ cấp phát, cho vay đã nâng lên một bước cả hình thức và nội dung:
Có thể nói, khi tôi về Chi hàng Kiến thiết Hà Nội là một bước ngoặt trong đời cả về mặt nghiệp vụ và tư tưởng đạo đức. Về nghiệp vụ như trên tôi đã nói. Về tư tưởng đạo đức, tôi đã hấp thu được cái tâm, cái đức của anh Đỗ Công Lộ - Giám đốc Chi hàng Kiến thiết Hà Nội. Anh dạy chúng tôi liêm khiết, chí công vô tư, chống chủ nghĩa cá nhân, trong công tác nghiệp vụ, không vun vén cho bản thân, lấy của công làm của tư…
Tháng 11/1976 (43 tuổi), tôi được Ngân hàng Kiến thiết Trung ương điều về thành lập Chi hàng Kiến thiết Hậu Giang sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Hồi ấy, còn trắc trở khó khăn về cơ sở vật chất và con người - nhất là con người sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Một số cán bộ từ miền Bắc chi viện cho miền Nam. Cán bộ chủ chốt miền Bắc làm cái khung cho Chi hàng Kiến thiết ra đời, ngay từ buổi ban sơ.
Mừng vui về sự ra đời của Chi hàng Kiến thiết Hậu Giang. Đó là sự nỗ lực của bản thân tôi và sự ủng hộ mạnh mẽ của Tỉnh uỷ, UBND, Sở Tài chính tỉnh Hậu Giang về tinh thần và vật chất. Tôi nhớ ơn anh Ba Rế - Giám đốc Sở Tài chính đã chi viện cả người và trang thiết bị cơ quan, kể cả chỗ ăn chỗ ở cho cán bộ, nhân viên đang lúc gặp khó khăn khi mới thành lập.
Thời gian từ tháng 4/1977 đến tháng 12/1993, trên nền tảng nhận thức và sự hiểu biết nghiệp vụ từ Chi hàng Kiến thiết Hà Nội - nơi đã bồi dưỡng truyền đạt cho tôi những kiến thức của ngành, nên tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình tại Chi hàng Kiến thiết Hậu Giang (nay là chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh Cần Thơ).
Nếu như Ngân hàng Kiến thiết từ tháng 4/1957 trực thuộc Bộ Tài chính thì đến năm 1981 trực thuộc hẳn về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngày nay kế thừa của Ngân hàng Kiến thiết là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, với chức năng nhiệm vụ nặng nề hơn, đa năng hơn. Tín dụng ngắn hạn với các tổng công ty, công ty và các thành phần kinh tế khác. Tín dụng trung hạn với các công trình, xí nghiệp vừa và nhỏ. Tín dụng dài hạn với các công trình xây dựng quy mô lớn mang tầm cỡ quốc gia và khu vực. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển ngày nay có quyền huy động vốn dưới nhiều hình thức mà Ngân hàng Kiến thiết trước đây chưa bao giờ có được. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam ngày nay đang cạnh tranh lành mạnh trong hệ thống ngân hàng thương mại quốc doanh và trong “làng” các ngân hàng thương mại cổ phần có mặt tại Việt Nam trong và ngoài nước. Thực là một bước trưởng thành to lớn mà ngày ấy, khi mới vào ngành, chúng tôi không tưởng tượng nổi. Càng ngẫm, càng thấy vui.
(Nguồn tư liệu: Sách “Những kỷ niệm khó quên”,
xuất bản tháng 4/2007 – Nhà Xuất bản Lao động)
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0849351080/ 0822808588/ 0842152355/ 0766151080/ 0763238588/ 0784132388/ 0358201080/ 0357638588/ 0334282388
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng