Web Content Viewer
ActionsTôi được cấp trên phân công về công tác tại Đồng Nai bắt đầu từ ngày 01/01/1977. Nhận nhiệm vụ là tôi lên đường ngay. Trước kia tôi chưa từng đặt chân tới miền Nam, chỉ loáng thoáng qua những câu chuyện mà các anh giải phóng quân về kể, trên xe người ta nói tôi đến Tam Hiệp thì xuống, nhưng tôi cũng chẳng biết đấy là đâu cả, thế là cứ đi theo sự chỉ dẫn của mọi người. Loanh quanh mãi tôi cũng đã hỏi được đường, họ bảo tôi xuống rồi lên, rồi xe đang bị hư phải dừng lại ở đây đã…
Cuối cùng tôi đã có mặt ở Biên Hòa đúng tám giờ sáng ngày 6/12/1976. Điều đầu tiên đối với tôi tất cả đều bỡ ngỡ. Tôi không thể nào quên hình ảnh tiệm nước mía, ngoài kia chỉ có nước vối và chè xanh để giải khát. Thế là tôi uống liền hai ly nước mía và ngồi đợi ở đó cho đến gần trưa thì mang hồ sơ vào Sở Tài chính nộp, tranh thủ nộp hồ sơ rồi tôi ra ngoài cổng cũng có một tiệm nước mía, thế là bữa trưa đầu tiên tôi toàn uống nước mía… Tôi có ấn tượng với mảnh đất Đồng Nai ngay từ giờ phút đầu tiên là như thế, và có lẽ vì vậy mà gắn bó suốt cả cuộc đời. Về sau này cũng vậy, vợ tôi cũng đã chuyển từ ngoài Phú Thọ vào đây, các con tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, giờ chúng cũng đang công tác trong ngành ngân hàng như bố mẹ. Các con tôi hầu như chưa bao giờ biết về nỗi vất vả của bố mẹ, mỗi lần cả gia đình sum họp tôi lại mang chuyện cũ ra kể... Tôi vẫn kể cho cả nhà nghe về ngày đầu tôi đặt chân đến mảnh đất Đồng Nai, và bữa cơm đầu tiên tôi không tài nào nuốt nổi, bác cấp dưỡng nấu quá cay. Và cũng ngay từ ngày đầu tiên, tôi tiếp xúc với các anh chị bên Sở Tài chính đầy ấn tượng, có chị Nguyễn Kim Anh trước đây là cán bộ tập kết, nay trở về quê hương, thấy người từ miền Bắc vào coi như gặp lại người quen cũ. Chị mời tôi vào phòng hỏi tình hình rồi trao đổi một số công việc và rất nhiệt tình giúp đỡ tôi, chị bố trí nơi ăn nghỉ, sáng hôm sau chị còn cho mượn cả một chiếc Honda 67 để đi thăm thú thành phố.
Có chiếc xe Honda trong tay như có con ngựa Xích Thố, và mình sẽ đến được mọi nơi theo ý thích. Nhưng thú thực con ngựa bằng da bằng thịt tôi còn biết, nhưng xe Honda toàn những thứ máy móc lằng nhằng. Khởi động máy nổ giòn tan, bóp côn, vào số tôi đã vút đi được một đoạn. Thế là mình đã khuất phục được con “chiến mã” này, giờ phải đi thăm người em trai là bộ đội đóng quân ở Xuân Lộc thôi! Tôi hỏi đường, người ta nói từ Đồng Nai đến Xuân Lộc mất chừng khoảng 50 cây số. Vậy là tôi có thể đi trong ngày là ổn thỏa! Nhưng chuyến đi của tôi kéo dài đến ba ngày hôm sau. Lý do thứ nhất là do tôi chưa đi thạo xe máy và chưa thuộc đường nên đi phải thật chậm để hỏi, quãng đường chừng 50 km mà tôi phải dừng lại đến sáu lần để hỏi thăm, chiều hôm đó tôi mới đến được đơn vị của người em trai, nhưng em trai tôi lại đi làm nhiệm vụ ở xa, phải mất gần hai tiếng sau mới có mặt. Và vì biết có tôi từ ngoài Bắc vào thăm nên cả đơn vị vô cùng xúc động, khi về đến nơi tôi thấy trên tay em mình xách theo cả một bu gà cùng một cái đùi heo. Tôi được coi là khách chung của cả đơn vị, bữa cơm tối hôm đó tổ chức linh đình có đầy đủ không thiếu một ai… Chúng tôi tổ chức liên hoan đến giữa đêm mới tàn, đến hôm thứ ba mới trở về được.
Mới vào mà vắng mặt lâu như thế khiến nhiều người khác phải lo lắng. Vì lúc đó tình hình còn bất ổn. Đúng lúc đó, chiếc xe lại trở chứng, vừa đi được một đoạn nó tự dưng tắt máy không tài nào nổ được. Loay hoay tôi chưa biết tính bằng cách nào vì giữa đường vắng tanh chẳng lấy có một bóng người, tôi dắt xe đi mãi cho đến lúc quá mệt thì tạt vào một nhà dân ven đường nghỉ tạm, và cũng định để hỏi cách sửa chiếc xe nhưng chưa gặp được ai, tôi dựng xe và ngồi xuống ngay bên cạnh gốc cây. Lúc đó tôi vô tình quan sát thấy trên xe có một đoạn dây bật ra lắc lư trước khung máy, tại sao lại có cái dây thừa ra như thế này? Tôi thử tìm lại chỗ lắp sợi dây vào rồi lên xe đạp thử. Máy nổ giòn tan! Thì hóa ra chiếc xe bị hỏng bugi.
Trở về Biên Hòa, tôi bắt tay vào việc ngay, mọi người lo lắng nhỡ chẳng may tôi có bị làm sao. Ngày đầu tiên đến Chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết tỉnh Đồng Nai, tôi thấy quang cảnh vắng tanh vắng ngắt, ở đằng trước là một ngôi nhà ngói vẩy cá năm gian, phía sau có một dãy nhà ngang và kéo ra sau là những khóm chuối, đến cuối cùng có một căn nhà nhỏ của một gia đình làm việc trong sở quan thuế cũ. Khu đất này thời cũ đã được bố trí cho ba cơ quan làm việc: Sở quan thuế, Ty quan thuế Biên Hòa, và một đơn vị gì nữa tôi không nhớ. Những ngày đầu bắt tay vào dọn dẹp trụ sở vô cùng gian nan, ngoài những đồ cũ nát vứt rải rác xung quanh thì trong kho còn chứa cả súng đạn nữa. Nhưng rồi khó khăn cũng sẽ qua đi, chúng tôi được tăng cường thêm lực lượng lên tới gần chục người để làm công tác bố trí trụ sở, trong số đó có người biết về cách xử trí bom mìn nên bớt đi nỗi lo âu.
Ban lãnh đạo đầu tiên có: Đồng chí Hai Bình (Nguyễn Thanh Bình) nguyên làm Phó Giám đốc Sở Tài chính được điều sang làm Giám đốc, đồng chí Hai Hàng làm Phó Giám đốc. Chị Nguyễn Kim Anh lúc đấy đang làm Trưởng phòng bên Sở Tài chính, và nguyên là cán bộ Ngân hàng Kiến thiết Gia Lâm nay được bổ nhiệm sang làm Phó Giám đốc. Tuy gọi là Ban Giám đốc nhưng anh Hai Bình đang đi học, còn anh Hai Hàng lúc đó đang đi làm thư ký riêng cho anh Đào Thiện Thi, Bộ trưởng Bộ Tài chính. Tôi biết về anh Hai Bình qua lời kể của một số đồng nghiệp vì trước đây đã có thời công tác ở trong rừng. Chức vụ của tôi đầu tiên là Trưởng phòng cấp phát vốn đầu tư trung ương, ngoài ra còn có phòng cấp phát vốn địa phương và một số phòng khác nữa. Và công việc của chúng tôi bắt đầu là như thế. Rồi để hợp lý hóa cuộc sống, đến năm 1978 vợ tôi cũng xin được chuyển vào làm tại chi nhánh ngân hàng này.
Trong công tác có một đồng nghiệp khiến tôi rất cảm phục đó là anh Nguyễn Văn Doãn, trước kia tôi là trưởng phòng chi nhánh thì anh ấy cũng làm trưởng phòng ngoài Trung ương. Sau này nhờ vào sự tháo vát xoay xở của anh mà các chi nhánh ngân hàng mới thoát được cơn khủng khoảng trong thời kỳ chuyển đổi từ Ngân hàng Kiến thiết sang Ngân hàng Đầu tư & Phát triển. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn chung nên việc chênh lệch giữa nguồn vốn đầu tư nhà nước thấp hơn so với nguồn vốn của ngân hàng. Ông Nguyễn Văn Doãn đã đề xuất với nhà nước cân bằng chung hai nguồn vốn này lại, lấy lãi suất trung bình đề cung cấp cho các đơn vị vay, việc làm này đã giảm một gánh nặng lớn cho các đơn vị phải chịu nguồn vốn của ngân hàng. Phải nói rằng giai đoạn đấy Ngân hàng gần như bị giải thể, còn ông Nguyễn Văn Doãn đã đưa các chi nhánh thoát khỏi sự giải thể là một công lao rất lớn khiến mọi người phải nể phục. Về sau này, ông Doãn có đi nhiều nơi vừa để thăm hỏi anh chị em cán bộ ngân hàng trong cả nước nhưng mục đích chính vẫn là thị sát để nắm bắt tình hình thực tế. Vì lúc đấy thú thực nhận thức của chúng tôi có hạn nên chưa thể nắm bắt hết những tinh thần của đồng chí Tổng Giám đốc nói, chúng tôi chỉ biết ghi nhận công ơn của ông ấy với anh chị em cán bộ, nhờ thế mà ngân hàng chúng tôi thoát khỏi khó khăn và tồn tại cho đến ngày hôm nay. Nói chung ngành ngân hàng phải tồn tại gắn liền với các ngành kinh tế khác theo quy luật tiền - hàng - tiền - hàng, để có đồng vốn quay vòng thì người cầm đầu cần có tầm nhìn và nắm bắt cả nền kinh tế nói chung để đầu tư phát triển đúng mục đích.
Trong cuộc đời làm cán bộ không hẳn đã suôn sẻ, người cán bộ ngân hàng cần thực hiện theo đúng nguyên tắc, đôi khi chỉ cần lơ là một ly là dẫn đến hậu quả khôn lường, thậm chí làm thiệt hại cả khối tài sản lớn của nhà nước. Cho nên suốt cuộc đời làm cán bộ, tôi luôn quán triệt chủ trương đường lối của cấp trên, thực hiện đúng theo sự chỉ đạo, nhưng có một kỷ niệm không thể nào quên được đó là tôi đã vinh dự được tiếp xúc với bác Đỗ Mười và bác Võ Văn Kiệt. Cơ duyên là nhờ vào quá trình Ngân hàng kiến thiết cấp phát cho Nhà máy Thủy điện Trị An được xây dựng trên sông Đồng Nai, đoạn chảy qua huyện Vĩnh Cửu. Nhà máy được xây dựng với sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ của Liên Xô từ năm 1984, khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 1991. Lúc đầu chi hàng kiến thiết Thành phố Hồ Chí Minh cấp phát, nhưng trong quá trình thực hiện, thấy bất hợp lý nên đã quyết định điều về Đồng Nai, tôi được cử lên làm Giám đốc Ngân hàng Đầu tư & Xây dựng Trị An. Nhưng trước ngày tôi chuẩn bị lên nhậm chức có một sự thay đổi đột ngột do cấp trên không thành lập Ngân hàng Đầu tư & Xây dựng Trị An nữa, mà thành lập Ngân hàng Nhà nước Trị An.
Nhưng có lẽ số phận tôi vẫn gắn bó với Nhà máy Thủy điện Trị An bởi sau sự thay đổi đó đến 1996 tôi lại được điều động lên phụ trách tại đó. Trong những năm 1984, Nhà máy Thủy điện Trị An là một công trình trọng điểm của cả nước, tất cả nhân lực và vật lực nhà nước đều dồn về đây, các chuyên gia Liên Xô, đội thi công, và công nhân kéo từ khắp về dựng doanh trại tấp nập như một khu đô thị. Lúc ấy bác Đỗ Mười đang là Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo quá trình xây dựng công trình thủy điện, là trọng điểm lớn nên có rất nhiều thành phần tham gia: Bộ Năng lượng, Bộ Xây dựng, Bộ Thủy lợi… bác Đỗ Mười làm chủ trì, và bác Võ Văn Kiệt lúc đó còn làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài ra có anh Ba Trần, trước là Thiếu tướng Tư lệnh Quân khu 7, sau đó sang làm Phó Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, rồi sang làm Thứ trưởng Bộ Năng lượng, đến năm 1990 được phong Anh hùng lao động. Bên Bộ Thủy lợi cử Tổng công ty Thủy lợi 4, do anh Lương Viên làm Tổng giám đốc, anh Giới, Thứ trưởng trực tiếp ở tại công trình; Bộ Xây dựng cử Tổng công ty 1 do anh Thanh Tần, trực tiếp tham gia… Với rất nhiều đơn vị thi công nên hàng tháng Phó Thủ tướng Đỗ Mười trực tiếp chủ trì các đơn vị giao ban báo cáo tình hình. Bước vào cuộc thấy tác phong ông khác hẳn, Phó Thủ tướng không ngồi trên ghế chủ tọa mà đi vòng quanh các vị trí trong hội trường đến từng ghế của thành viên. “Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh Phó thủ tướng Đỗ Mười lúc bấy giờ, quần anh xắn ngang đầu gối, áo phanh cúc ngực trông rất giản dị”. Trong cuộc họp thấy Phó Thủ tướng sâu sát thế nên ai cũng ngại. Những câu hỏi của bác Đỗ Mười rất cặn kẽ; ví dụ bác hỏi giá một khối gỗ, giá nhân công làm nhà nước và làm ngoài là bao nhiêu tiền một khối đất, rồi hỏi về việc bảo đảm khẩu phần cho công nhân… Có một kỷ niệm nhớ nhất với bác Đỗ Mười: Hôm ấy trong buổi họp báo cáo tình hình, tôi ngồi cạnh anh Cao Tần, Phó giám đốc Tổng công ty Thủy lợi 4; và anh Mẫn, Phó ban quản lý công trình. Do phụ trách kỹ thuật nên anh Mẫn cũng thường xuyên phải báo cáo, nhưng có nhiều vấn đề Phó Thủ tướng hỏi anh không báo cáo được. Rồi đến lượt Phó Thủ tướng hỏi anh Cao Tần về giá cả bảo đảm đời sống cho công nhân, chắc chắn là việc đó anh ấy không nắm chắc nên anh chuyển ngay:
“Báo cáo Phó Thủ tướng, những vấn đề này có anh Mẫn đều nắm được hết”.
Thế là anh Mẫn đứng lên báo cáo, nhưng nội dung báo cáo không bao quát hết các câu hỏi nên anh Mẫn nhanh trí chuyển tiếp sang tôi:
“Thưa Phó Thủ tướng, những vấn đề thuộc về giá cả gạo mắm thì phải hỏi anh Hữu thuộc về bên cấp phát bảo đảm”.
Tôi bị Phó Thủ tướng vỗ vai gọi đứng dậy:
“Ừ, thì anh Hữu bên ngân hàng đứng dậy báo cáo tình hình bảo đảm cấp phát”.
Phó Thủ tướng hỏi tôi khoảng chục câu hỏi nhưng tôi chỉ trả lời được năm câu. Phải nói rằng do chủ quan tôi cũng chưa nắm chắc được giá cả một lít nước mắm, một cân gạo, hay nhân công lao động bên ngoài phải trả bao nhiêu tiền, kể cả những vấn đề thuộc về nghiệp vụ phía bên trên. Bí quá tôi đành chống chế với Phó Thủ tướng:
“Dạ báo cáo với Anh, em là Đỗ Hữu là em của anh, có vấn đề gì em chưa nắm chắc cho em xin khất để báo cáo sau”.
Phó Thủ tướng Đỗ Mười nói ngay:
“Không, đây là việc cần phải cụ thể, tỉ mỉ, tôi còn làm việc ở đây, có vấn đề gì chưa chắc thì tối xuống Văn phòng 2 báo cáo”.
Hôm đó tôi yêu cầu toàn bộ anh chị em phải làm việc cật lực, làm báo cáo, không một ai được ngủ, bộ phận hành chính thì nấu cháo cho anh em. Gần sáng bản báo cáo mới được hoàn thành. Ngày hôm sau tôi xuống Văn phòng 2 gặp Phó Thủ tướng Đỗ Mười nhưng lúc đó ông đang làm việc với cơ quan dầu khí. Văn phòng 2, có đến những ba thư ký làm việc cho Phó Thủ tướng, tôi mang bản báo cáo vào rồi định quay về thì người thư ký nói:
“Phải trình bày cụ thể với Phó Thủ tướng xin ý kiến xong mới được về”.
Ngoài trời bắt đầu nắng, tôi ngồi ở hiên nhà trú mát, đợi đến khoảng mười giờ ba mươi phút bộ phận dầu khí mới ra về thì tôi tiếp tục vào nộp bản báo cáo và trình bày cụ thể từng mục một. Nhưng cũng phải mất hơn hai tiếng đồng hồ mới trả lời xong những câu hỏi của Phó Thủ tướng. Đúng là làm việc với Phó Thủ tướng khiến tôi nể phục, và nhớ mãi câu truyền miệng: “Đỗ Mười là vua về xây dựng đấy nhá, đừng có lơ mơ, đừng chủ quan!”.
Nhưng kể từ sau cái lần làm việc với Phó Thủ tướng Đỗ Mười đó mọi người thường đùa và gọi trìu mến tôi bằng câu: “Chào em của đồng chí Đỗ Mười”. Trong tâm trí tôi, cám ơn Phó Thủ tướng Đỗ Mười đã rèn luyện cho chúng tôi tác phong cặn kẽ tỉ mỉ, “muốn làm việc gì cũng cần phải thật sâu sát, tỉ mỉ”. Và giai thoại kể về bác Đỗ Mười không chỉ riêng đối với tôi. Hồi làm ở Thủy điện Trị An bác Đỗ Mười trực tiếp nằm vùng nên gặp rất nhiều chuyện như thế, bác đi nhiều xuống cơ sở sâu sát nên thành quen khiến mọi người không ai e dè nữa, có vấn đề gì người ta báo cáo trực tiếp luôn, nhưng thực tình nhờ có tác phong sâu sát như thế nên bác mới nắm được tình hình cụ thể. Tôi nghe kể có một lần bác Đỗ Mười xuống thăm nơi ăn chốn ở. Vừa đến nơi chị em đổ cơm ra thành đống mà chẳng ai đứng dậy chào Phó Thủ tướng, biết có vấn đề bất bình của công nhân nên ông hỏi ngay: “Ơ, sao cơm không chịu ăn lại đổ ra như thế này?”. Có một nữ công nhân nói bâng quơ: “Có gì ăn với cơm đâu mà chẳng đổ”. Ngay buổi chiều hôm đó Phó Thủ tướng triệu tập ngay một cuộc họp khẩn cấp để kiểm điểm các bộ phận về việc bảo đảm đời sống cho cán bộ công nhân toàn công trường.
Về sau này những điều rút ra được từ hồi còn làm ở Thủy điện Trị An tôi đã vận dụng vào trong quá trình quản lý, trước khi quyết định vấn đề gì tôi đều phải khảo sát thật cụ thể rồi mới dám ký, đến cuối cùng tôi trở về với cương vị Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Đồng Nai rồi nghỉ hưu. Trong quá trình đó mặc dù có nhiều lúc thăng trầm lên xuống nhưng tôi rất vui vì mình được gắn bó suốt quá trình công tác với mảnh đất Đồng Nai. Tôi luôn coi Chi nhánh BIDV Đồng Nai như ngôi nhà của mình, mỗi lúc rảnh rỗi tôi vẫn thường đến chi nhánh thăm đồng nghiệp và các cháu thế hệ sau để cùng chia sẻ: Anh Tấn, Phạm Quang Trung, anh Tý, anh Sơn là những cán bộ chủ chốt tại chi nhánh vẫn luôn coi tôi như một người bạn để sẵn sàng chia sẻ về tình yêu đối với BIDV…
(Viết theo lời kể của bác Đỗ Hữu, nguyên Phó giám đốc Chi nhánh BIDV Đồng Nai)
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0822808588/ 0842152355/ 0763238588/ 0784132388/ 0357638588/ 0334282388/ 0357071080/ 0357041080/ 0764263180/ 0764860580/ 0942551080/ 0947591080
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng