Đường Hồ Chí Minh ngày ấy và bây giờ

26/02/2022
Năm 1971, đến nhận công tác ở phòng chuyên quản 71- I trực thuộc Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam làm nhiệm vụ quản lý, cấp phát vốn xây dựng cơ bản đường mòn Hồ Chí Minh, tôi đã bắt đầu gắn bó với nghiệp ngân hàng.

Đường mòn Hồ Chí Minh đã hình thành từ những năm đầu của thập kỷ 60, đường giao liên đã đưa hàng triệu cán bộ, bộ đội vào Nam (gọi là chiến trường B) chi viện cho tiền tuyến lớn. Chủ trương của Đảng, Nhà nước ta xẻ dọc Trường Sơn làm đường đánh Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, trên cơ sở sửa chữa, nâng cấp, mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh hay gọi tắt là đường 71 (khởi công năm 1971) cùng với các công trường 71A, 71B, 71C, các đơn vị thi công chủ lực trực thuộc công trình I (tiền thân của Liên hợp giao thông 4 hiện nay). Phòng chuyên quản 71 - I trực thuộc Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam được ra đời, cán bộ được điều động từ chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Nghệ An và cán bộ người gốc Nghệ An, Hà Tĩnh của các chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Thanh Hóa, Hà Bắc, Hòa Bình đến nhận nhiệm vụ.

Bước chân lên dãy nhà lán trại, kết cấu cột gỗ chôn đất, mái và phên che đều bằng nứa đã được xây dựng trước náu mình bên sườn rừng, ngay trên bờ sông Ngàn Phố, ấy là văn phòng làm việc và nơi sinh hoạt của cơ quan chúng tôi. Ở xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, cán bộ cấp phát được trang bị ba lô con cóc, đèn pin, bi đông nước, giày cao cổ… như một công nhân quốc phòng. Phòng chuyên quản 71 - I có nhiệm vụ quản lí cấp phát vốn xây dựng cơ bản tuyến đường thuộc 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có chiều dài hơn 200km.

Đường mòn Hồ Chí Minh ngày ấy chủ yếu bám vào rừng, chạy dọc Trường Sơn nhiều đoạn sát biên giới Việt - Lào, đa phần vượt qua núi cao, suối sâu so với tuyến đường Hồ Chí Minh hiện nay. Tôi đã thấy và biết cách xa nhau nhiều lắm, như đoạn qua Rộ của Thanh Chương ngày ấy, chạy mãi trên xã Thanh Thủy xuyên qua xã Sơn Hồng, Sơn Tây, Sơn Kim của huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh nằm trên tuyến mới ở thị trấn Phố Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh chừng 30 km.

Đường mòn Hồ Chí Minh ngày ấy chủ yếu bám vào rừng, chạy dọc Trường Sơn nhiều đoạn sát biên giới Việt - Lào

Phương án thi công ngày ấy cơ giới kết hợp với thủ công, mỗi công trường chỉ có dăm chiếc xe ủi C100 hoặc ĐT54 và khoảng 10 xe vận tải loại Din-ben của Liên Xô cũ, hoặc xe ben giải phóng Trung Quốc, trọng tải tối đa chỉ 5 tấn/xe. Những nơi núi cao đá nhiều thì dùng mìn nổ, công nhân dùng xẻng xúc, hoặc xe cải tiến là phương tiện vận chuyển duy nhất nên năng suất lao động thấp, hiệu quả không cao. Bởi thế, 3 năm thi công (1971 - 1974) tuyến đường chưa thông xe được.

Cán bộ cấp phát chúng tôi ngày ấy coi công trường là nhà, cơ quan là tạm trú, những ngày đến công trường cùng cán bộ kỹ thuật của đơn vị trèo đèo, lội suối tuy có mệt nhưng là dịp được tận hưởng cảnh quan thiên nhiên phong phú, kỳ vĩ, giàu có, đẹp đẽ nên thơ của núi rừng sừng sững hiên ngang giữa trời, điểm tựa vững chắc để tuyến đường chạy qua.

Còn nhớ, đi công tác ở công trường 71A mãi ở xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, anh thương binh Trần Ngọc Quỳ cũng là cán bộ của phòng, đạp xe vượt gần 150km, phải qua 4 lần đò ngang, đi qua đi lại trên 2 dòng sông Ngàn phố ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh và sông Lam ở Nam Đàn, Đô Lương của tỉnh Nghệ An; với hàng chục trọng điểm, bọn đế quốc Mỹ thường xuyên thả hàng vạn tấn bom, mìn xuống như ngã ba sông Lĩnh Cảm, eo núi Rú Trét ở xã Nam Đông, ở dốc Truông Bồn,… không ít lần đi công tác anh Qùy phải vất cả xe đạp bỏ chạy, tránh bom, mìn Mỹ đánh xuống. Quần áo rách tả tơi, chân tay xây xước rưng rưng máu, nhưng không hề nản chí, anh Quỳ vẫn đều đặn hàng tháng dành thời gian đến với hiện trường, nắm chắc khối lượng hoàn thành, kịp cấp phát đủ vốn, đúng khối lượng thực tế sát với dự toán được duyệt.

Công trường 71C ở mãi xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, anh Trịnh Xuân Cường với chiếc xe đạp Hunggari, loại xe đạp này ở đất nước Hunggari dùng để chở cỏ cho bò, cho ngựa, viện trợ sang Việt Nam, phân phối cho cán bộ làm phương tiện đi lại công tác. Hơn 100km đường trường phải trải qua nhiều trọng điểm như ngã ba sông Lĩnh Cảm, ngã ba Đồng Lộc, Phà Địa Lợi,… anh Cường phải chọn thời điểm thích hợp để vượt qua những nơi lắm bom, nhiều mìn của đế quốc Mỹ, kịp thời có mặt đến với công trường. Những đợt thẩm tra dự toán, kiểm tra số liệu kiểm kê vật tư, nhiên liệu khi có chủ trương điều chỉnh giá, hoặc nghiệm thu khối lượng công trình hoàn thành, những việc làm ấy không thể thiếu cán bộ cấp phát của Ngân hàng Kiến Thiết. Cần phải tập trung cán bộ, cả ba anh em cán bộ cấp phát chúng tôi (anh Quỳ, anh Cường và tôi) chọn phương án đi tắt đón đầu, chọn giải pháp đi bộ men qua sau thị trấn Phố Châu, vượt qua sông Ngàn Sâu hơn 50km là đi tới nơi công trường 71C. Nơi đây không có đò ngang, nhưng sông sâu, nước chảy chúng tôi gói hết tư trang cá nhân vào bọc ni lông làm phao cứu hộ, vượt qua sông an toàn.

Xã Sơn Tây, Sơn Kim của huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh những năm của thập kỷ 70 dân cư thưa thớt, dân góp của nhiều xã vùng xuôi của huyện Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc di dân lên xây dựng vùng kinh tế mới, sản xuất nông nghiệp không đủ ăn, nhà nước còn phải trợ cấp. Dân làm đủ nghề để kiếm sống như: chặt cây nứa, mét, gỗ, củi kết thành bè đưa về xuôi theo dòng sông Ngàn Phố để bán. Đất có rộng, nhưng dân số thực lại đông đúc, bởi công trường xây dựng đường Hồ Chí Minh. Đoàn vận tải của bộ đội, các kho trung chuyển hàng nội, ngoại thương viện trợ cho chiến trường Lào, xen kẽ nhau đóng quân dọc theo quốc lộ 8. Nhiều mặt hàng tiêu dùng đã thiếu lại trở nên khan hiếm, các loại rau trở nên cạn kiệt, chủ yếu chuối xanh, rau rừng ăn mãi cũng chán. Đặc sản của Hương Sơn nhiều nhất là mít, ghé vào nhà dân ăn mít không phải trả tiền, bỏ lại hạt cho chủ nhà là được, hạt mít được mang ra phơi khô rồi đem cất đến mùa thu, mùa đông đưa ra bóc vỏ nấu với ngô hạt ăn đến đâu ngon và bùi đến đó, chỉ thấy no mà không ngán, hoặc hạt mít luộc chín giã nhỏ dầm với tương hoặc nước mắm loại nước chấm đặc biệt (gọi là chẻo) thì rất ngon.

Cơ quan chúng tôi dành 2 chủ nhật mỗi tháng để cuốc đất trồng rau, trồng sắn hoặc vào rừng hái măng, nhặt củi nhập cho nhà bếp. Mọi người ai ai cũng thi đua phấn đấu đạt chỉ tiêu Công đoàn giao, thương binh hỏng một tay như anh Nguyễn Hữu Phơ không dùng cuốc, dùng xẻng được vẫn trèo đèo lội suối vào rừng hái măng, nhặt củi, tháng nào cũng vượt chỉ tiêu về trước. Chị Đậu Thị Thanh Minh những năm tháng ấy, có vóc dáng của một tiểu thư, xin chuyển công tác từ tỉnh Hòa Bình về nơi chôn rau cắt rốn cho gần mẹ già, ai dè lên miền tây Hà Tĩnh, xa nhà gần 200km, so với tỉnh Hòa Bình không gần được là mấy, phương tiện đi lại thì khó khăn trở ngại nhiều lần, chị vẫn cuốc đất trồng rau, hái măng, kiếm củi…, những việc làm mà từ nhỏ tới lớn chị chưa từng phải làm, lúc đầu chưa quen dần cũng trở nên thành thạo. Rau má là loại rau khoái khẩu của 2 bác Ngọc Thanh Quang - trưởng phòng và bác Lê Minh Châu - phó phòng, bữa ăn nào cũng thế, không nhiều thì ít 2 bác đều lo cho anh em đĩa rau má vừa tươi, vừa thơm, đời sống của anh em ngày một cải thiện.

Ba năm công tác ở phòng chuyên quản 71 - I là 3 năm làm bạn với rừng thiêng, nước độc, nơi được hưởng 20% phụ cấp chế độ độc hại, làm bạn với ruồi vàng, vắt rừng, muỗi… cuộc sống đã dần quen, cũng là lúc Nhà nước quyết định đình chỉ thi công (tháng 3/1974).

Nay đã gần 40 năm xa tuyến đường Hồ Chí Minh, có dịp đi qua trên mặt đường thảm nhựa đen bóng, trời nắng in rõ bóng người và phương tiện, tuy tuyến đường đã dịch xa về xuôi có nơi hàng chục km, nhưng vẫn vượt qua núi cao, suối sâu, có ai biết được phía dưới mặt đường ấy bao nhiêu mồ hôi, công sức, xương máu của hàng ngàn anh chị công nhân giao thông, thanh niên xung phong, quân nhân quốc phòng, cùng cán bộ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã đổ xuống.

Một đoạn đường Hồ Chí Minh ngày nay (Nguồn: TTXVN)

Dọc 2 bên vệ đường, nhiều rừng cây, đồi chè đã phủ xanh đồi trọc, thấp thoảng nhiều cánh đồng lúa bậc thang, nương ngô ven theo triền núi đã đến kỳ thu hoạch, trĩu hạt, nặng bông, óng ả thả mình đua nhau phơi nắng, báo hiệu một mùa bội thu. Nhiều thị tứ, thị trấn đã mọc lên, hàng hóa phong phú, các công trình điện, đường, trường, trạm được xây dựng, làm cho bộ mặt nông dân, nông thôn ngày nay càng khởi sắc. Văng vẳng đâu đây sau lũy tre làng vọng về câu ca ngọt ngào, mà sâu nặng:

“Bàn tay ta làm nên tất cả.

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

Đường Hồ Chí Minh, đường kinh tế, đường của đổi mới, đường của hội nhập.

Đã về với đời thường, tim tôi còn in bóng bao kỷ niệm ngày ấy và bây giờ về đường Hồ Chí Minh. Nhân dịp 55 năm ngày truyền thống của ngành (26/04/1957 -26/04/2012), tôi xin được bày tỏ kỷ niệm về đồng chí, đồng đội như một lời tri ân với các đồng chí đã góp công, góp sức xây dựng thành công công trình mang tên Bác Hồ vĩ đại, công trình thế kỷ, là món quà nhỏ góp phần vào bảng vàng danh dự của hệ thống BIDV. 

(Nguồn tư liệu: Sách “BIDV trong tôi” –

Nhà Xuất bản Hội Nhà văn – tháng 4/2012)

Tác giả: Lê Đình Phúc - Nguyên Phó Giám đốc BIDV Nghệ An
Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}