Công nghệ ngành mình ngày ấy

24/03/2022
Các đồng nghiệp trẻ của tôi hãy tin rằng, sau này ký ức của các bạn sẽ vô cùng đáng nhớ nếu ngay tự bây giờ, ngoài việc thực hiện tốt các công việc được giao, các bạn hãy cùng nhau nhìn một cách bao quát vào hệ thống hiện nay, nhằm phát hiện các bất cập để kịp thời củng cố, để các bạn có thể chung sức quản lý, khai thác và tiếp tục phát triển nó một cách hiệu quả trên nguyên tắc "củng cố đi đôi với phát triển".

Thời tiền thân

Ngành mình được Bộ Tài chính đề nghị Nhà Nước cho thành lập ngày 26/04/1957 với tên khai sinh là Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam và được cấp trụ sở làm việc là cả một ngôi nhà 04 tầng to tướng nằm trong khuôn viên của Bộ Tài chính tại số 08 phố Phan Huy Chú. Ấy là nói vậy! Còn thực ra sau khi rời quân ngũ, do là một kỹ sư chuyên ngành vô tuyến nên ngày 23/08/1974, tôi mới được Ngân hàng Kiến thiết Trung ương tuyển dụng chính thức. Bác Giám đốc Phạm Mai (dạo ấy, tuy mỗi tỉnh thành trong cả nước hầu như đều có chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết nhưng to nhất Ngành người ta cũng chỉ kêu là giám đốc) gọi anh Lê Xuân Hoan, trưởng phòng máy tính lên phòng giám đốc nhận lính mới và dặn rằng: lực lượng này sẽ chạy máy tính điện tử tới đây, khi đề án trình xin trực thuộc Hội đồng Chính phủ của Ngân hàng Kiến thiết Trung ương chính thức được phê duyệt và được trang bị máy...     

Do còn đang trực thuộc Bộ Tài chính, phòng máy tính của chúng tôi chỉ được trang bị các máy tính cơ của Đông Đức, là một trong những nước bạn thuộc phe XHCN hồi đó. Chiếc máy cơ hiện đại nhất cũng chỉ là loại ACCOTA-170, cao đến bụng người, thiết kế với 04 bộ nhớ cơ học và một nhân viên cặm cụi ngồi nạp số liệu hàng ngày trời cũng chỉ để in ra được một vài bảng biểu thống kê dăm bảy chục dòng, một vài chục cột.  

Trong khi đợi đề án lớn được duyệt, chưa có máy tính điện tử thì tôi học lỏm những người đi trước cách sửa máy cơ rồi tự đánh vật với đống máy hỏng hóc. Có hôm hết giờ làm, giả vờ ra khỏi cổng cơ quan, chờ chạng vạng tối mua mấy cái bánh mì không nhân, lại trèo tường vào để cả đêm nằm ngửa, cầm đèn rọi vào bụng máy tìm bệnh, tập chữa. Ấy vậy mà sau một vài tháng, cũng được trưởng phòng giao chữa tuốt tuột các loại máy tính cơ hiện có lúc bấy giờ.  

Thời ấy, thông tin phục vụ quản trị, điều hành hệ thống và thông tin báo cáo thống kê lên các cơ quan quản lý cấp trên chủ yếu được các chi nhánh gửi lên Trung ương qua đường bưu chính, dưới dạng các bảng biểu báo cáo thống kê, cân đối, quyết toán bằng giấy để phòng máy tính tổng hợp, cung cấp cho Ban lãnh đạo và các phòng tác nghiệp. Nguồn thông tin bổ sung là điện báo, điện thoại giữa Trung Ương và các địa phương. Cứ như vậy, sau sự kiện “xin trực thuộc Hội đồng Chính phủ” không thành, ở lại Bộ Tài chính, Ngân hàng Kiến thiết đã tự hoá thân thành đứa con nuôi để rồi tiếp tục cấp phát và quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà Nước.

Bản thân tôi, đầu tháng 08/1977 được điều động từ phòng máy tính về làm cán bộ chuyên quản phòng cấp phát - cho vay Giao thông - Bưu điện. Thử hỏi ai là người không lo lắng. Khi ra lò là “dân kỹ thuật”, một chữ Tài chính - Ngân hàng bẻ đôi không biết nhưng giờ lại được điều động ngay sang làm nghiệp vụ cấp phát, cho vay vốn. Nhưng thật may mắn, khi chỉ sau một vài ngày đầu thấy tôi loay hoay với những tài liệu liên quan và những cuốn sổ theo dõi công trình mượn về mà không biết làm gì thì vị thần giải cứu cho tôi đã xuất hiện thật đúng lúc. Với tư cách là một phó phòng và hơn thế, với tình thương, tình thân của một người chị bước vào cuộc sống trước, chị Phạm Thị Bích Ngọc (sau này là Phó Tổng Giám đốc ngành mình) đã kiên trì dạy bảo tôi từng khái niệm ban đầu, tập cho tôi từng thao tác nghiệp vụ đơn giản thông qua hình thức giao việc tăng dần độ khó rồi hướng dẫn cách làm, cách tham khảo tài liệu và đặc biệt là cách tổng hợp rồi cô đọng các điều được học, được đọc và được tập làm qua mỗi ngày, mỗi tháng. Đầu năm 1978, chị Ngọc đã tạo mọi điều kiện cho tôi được theo học chương trình Đại học tại chức của trường Đại học Tài chính. Ngoài thời gian theo học, tôi lại được lãnh đạo phòng cầm tay, chỉ việc dạy cách vận dụng các kiến thức thu lượm được trên lớp vào thực tiễn quản lý. Và tới cuối năm 1978, dù lớp học của tôi chưa kết thúc, bản thân đã được phòng giao chuyên quản trọn cả khối đường Thuỷ (bao gồm Tổng cục Đường biển và Cục Đường sông) của Bộ Giao thông Vận tải thời bấy giờ.   

Thời kỳ bươn chải tự khẳng định

Năm 1982, dưới thời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Duy Gia, Ngân hàng Kiến thiết được Nhà nước chuyển từ Bộ Tài chính sang hệ thống Ngân hàng với tên mới là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Thời kỳ đầu, ông Lê Trọng Khánh làm Tổng giám đốc. Kế theo là ông Chu Văn Nguyễn điều hành và tới nửa cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, ông Nguyễn Văn Doãn, một Nhà lãnh đạo kỳ cựu từ thời Ngân hàng Kiến thiết lại được phân công lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam với vai trò làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Một thời kỳ mới, hứa hẹn sự phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất bắt đầu. 

Để nâng cao chất lượng của công tác thông tin kinh tế, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã thành lập Phòng Máy tính - Thống kê nhưng chưa có trưởng phòng. Anh Nguyễn Viết Hồng được giao phụ trách công tác thống kê với cương vị phó phòng. Còn tôi, dù đang làm cán bộ chuyên quản của phòng cấp phát - cho vay giao thông và bưu điện nhưng đã được Tổng Giám đốc mới, cũng là dân kỹ thuật, hẹn đến tận nhà ở Hào Nam trong một buổi sáng chủ nhật để thuyết phục và động viên trước khi ký quyết định điều chuyển sang làm phó phòng (chưa có quân) để giao lo chuẩn bị điều kiện, lực lượng nhằm xây dựng công tác điện toán trong Ngành.    

Thời gian này, chị Phạm Thị Bích Ngọc đã là Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư. Phòng Máy tính - Thống kê của chúng tôi được chị trực tiếp chỉ đạo từ 01/01/1991.

Lại một lần nữa, chị Ngọc thấy tôi phải chạy đôn chạy đáo đi tìm, đi mượn từng cuốn sách, từng trang tài liệu về hệ điều hành máy tính cá nhân MS-DOS, về cơ sở lập trình và quản trị dữ liệu FOX BASE, FOX PRO, về tài liệu soạn thảo văn bản BKED... để về tự ngốn ngấu (Dạo ấy, không có sẵn tài liệu bán và các trung tâm đào tạo tin học như sau này. Ngoại thương và Công thương đi trước một bước trong phát triển ứng dụng máy vi tính nhưng không phải ai cũng có thể tiếp cận phòng máy của bạn). Vì chị Ngọc là một nhà tài chính nên chị không thể “gỡ rối” cho tôi lần này. Nhưng vẫn với bổn nhiệm dìu dắt cao cả của một người lãnh đạo đối với thế hệ sau và đặc biệt với tình thương của một người chị đi trước, chị đã động viên và tạo điều kiện cho tôi hết mực.

Ngày 20/07/1991, vào một ngày thứ bảy đáng nhớ (khi này vẫn là chế độ làm việc 06 ngày trong tuần), anh Nguyễn Xuân Hoà và anh Nguyễn Thanh Long chính thức được nhận vào làm điện toán.

Ngày 23/07/1991, hai dàn máy tính PC đầu tiên, hiệu FUJIKAMA-286 chính thức được “đón rước” về từ Ngân hàng Ngoại thương TW. Nói vậy, bởi tại thời điểm đó, Mỹ còn đang thực thi chính sách cấm vận đối với Việt Nam. Bởi không dễ gì mua nổi mấy dàn máy vi tính của các nước tư bản nên Văn phòng Ngân hàng Đầu tư phải nhờ Ngân hàng Ngoại thương mua hộ. Tuy mua từ đầu năm nhưng phần vì còn phải lo người quản lý, khai thác, phần vì chưa thể lo phòng lắp đặt và các điều kiện vệ sinh môi trường cần thiết để bảo vệ tài sản quý, hiếm nên phải gửi bên phòng máy tính của ngân hàng bạn. Chuyện thật như đùa, máy móc điện tử đắp chiếu không chạy sẽ dễ hỏng. Ấy vậy nhưng khi đem về, mở máy ra thấy trong máy còn sót một ít dữ liệu đã xử lý, vẫn không tránh khỏi những suy nghĩ lầm tưởng rằng bạn đã mua lại cho mình máy cũ...     

Ngày 01/01/1992, Tổng Giám đốc họp Ban lãnh đạo mở rộng. Theo báo cáo về công tác chuẩn bị và đề xuất của Phó tổng phụ trách trực tiếp là chị Ngọc, Tổng Giám đốc đã giao cho Phòng Tổ chức cán bộ xúc tiến ngay việc thành lập Phòng Vi tính. Cũng từ đây, chị Vân Anh được Ban lãnh đạo giao thay chị Ngọc phụ trách tiếp công tác này.

Ngày 21/09/1992, bằng quyết định số 100/QĐ/TCCB, Tổng Giám đốc ký quyết định thành lập Phòng Vi tính với định biên gồm 06 người: Tôi được giao làm phó phòng phụ trách, nhân viên có 05 người là các anh Nguyễn Xuân Hoà, Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Sơn Hùng, các chị Võ Xuân Quỳnh và Nguyễn Thị Hằng.  Ngày 15/12/1992, được bổ sung hai anh Lê Thuận và Phạm Sỹ Hải.   

Ngày 26/06/1993, bằng quyết định số 58/QĐ-TCCB, Tổng Giám đốc ký quyết định đổi tên Phòng Vi tính thành Phòng Điện toán

Ngày 08/04/1993, được bổ sung chị Trần Lê Như.

Ngày 16/04/1993, Phòng có thêm Anh Nguyễn Tấn Vinh với tư cách là chuyên gia tin học của công ty FPT sang hỗ trợ, theo thoả thuận biệt phái giữa hai cơ quan. Ngày 17/04/1994, anh Vinh ký hợp đồng lao động dài hạn với Ngân hàng Đầu tư và trở thành chuyên gia tin học đầu tiên của Ngành được đào tạo chính quy.

Những gian nan, vất vả của mỗi đơn vị trong bước đầu “khởi nghiệp” đặc biệt đối với những công việc làm ăn mới, lạ nhiều khi tưởng rằng không vượt qua được nếu không có sự dõi theo, chỉ lối và động viên, nâng đỡ kịp thời của Ban lãnh đạo. Càng không thể vượt qua được nếu trên dưới không một lòng, chia ngọt, sẻ bùi để cùng gánh vác trách nhiệm.

Những câu chuyện vui, những kỷ niệm nho nhỏ giờ này kể lại tưởng như chuyện bông đùa cho đỡ mệt hồi ấy khi công việc đến nhiều nhưng lại hàm chứa nhiều điều thầm lắng. 

Còn nhớ: Theo chỉ đạo của Ban lãnh đạo, để giảm bớt các thao tác thủ công trong quá trình thực hành nghiệp vụ ở các chi nhánh lớn và vừa, chúng tôi gửi công văn triệu tập mỗi đơn vị một người lên TW để đào tạo sử dụng máy vi tính. Thế nhưng lớp đầu tiên chỉ triệu tập được bảy học viên trẻ. Không nản lòng, chúng tôi cứ dạy, học sinh cứ học. Từ chỗ ai muốn học thì học, tới lúc chi nhánh phải cử người lên học để về triển khai các chương trình tin học hỗ trợ nghiệp vụ và thông tin kinh tế ngành... Càng về sau, không kể là lãnh đạo hay nhân viên tác nghiệp, anh chị em ở các chi nhánh càng về đông. Và không dạy xuể, chúng tôi trình lãnh đạo thuê bên ngoài dạy đỡ. Cũng may, hầu hết anh chị em theo học thêm về Tin học đều đã phát huy rất tốt nghiệp vụ của mình ở chi nhánh. Không dừng ở đó, trong số học viên khoá I của chúng tôi, phần lớn hiện đang giữ các trọng trách của ngành như anh Châu - Giám đốc chi nhánh Hà Tĩnh, anh Thì - Phó Giám đốc chi nhánh Hà Tây, anh Mạnh - Phó Giám đốc chi nhánh Lào Cai, chị Mão - Trưởng phòng ở Hội sở chính... Lực lượng tin học ứng dụng Ngành do chúng tôi đào tạo và tổ chức đào tạo đã trở thành lực lượng nòng cốt, cho phép Ngành thành lập các phòng (hoặc tổ) điện toán ở mỗi đơn vị cơ sở. 

Đợt phát hành kỳ phiếu đảm bảo bằng vàng đầu tiên của ngành được Tổng giám đốc giao cho Phó Tổng giám đốc Trịnh Ngọc Hồ trực tiếp chỉ đạo. Phần vì phần mềm phát hành là cây nhà lá vườn do ba anh em (tôi, anh Hoà và anh Long) đăng ký tự làm, phần vì để kịp tính toán, phân phối kịp thời BAREM phát hành điều chỉnh theo sự thăng giáng về giá vàng và ngoại tệ cho các chi nhánh trong ngày và phần vì để bảo an, bảo mật thông tin nên ba ngày đêm liên tục, chúng tôi hầu như không ngủ và ở ngay phòng làm việc, tuy nhà tôi ở bên khu tập thể Ngân hàng bờ sông chỉ cách trụ sở 35 Hàng Vôi qua một con đê.      

Nhân dân Hà Nội hưởng ứng kỳ phiếu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam

Ngày tổng kết và ăn mừng thành công của đợt phát hành, Ban lãnh đạo cho liên hoan thật to. Trong men say chiến thắng pha lẫn men bia hơi được Văn phòng khuân cả bom về, dân điện toán cũng ứng khẩu kịp thời thơ tặng Lãnh đạo, tặng Ngành:      

                    Anh Hồ không thích làm thơ

                    Nên anh có đợi có chờ đâu ai.

                    Anh Hồ chỉ thích truyền phai (FILE)

                    Dưới lên, trên xuống độ vài ba giây.

 

                    Chị Vân Anh thích làm thơ

                    Nên bao người đợi, người chờ thơ hay.

                    Rượu nồng, uống mãi chẳng say

                    Thơ hay, vừa “nếm” đã ngây ngất người...

Là Phó Tổng giám đốc thay chị Ngọc trực tiếp chỉ đạo công tác điện toán, Chị Vân Anh đã giành nhiều thời gian, công sức để chăm lo cho sự phát triển của công tác này. Từ việc đặt quan hệ thuận lợi cho tôi qua xin chuyên gia tin học ở các công ty lớn, đến việc tạo điều kiện thuận tiện cho ba anh em chúng tôi tiếp tục học chương trình đại học khoa Tin học (anh Hoà và anh Long khi vào cơ quan không phải là chuyên ngành tin học). Chị cũng đã khuyên bảo chúng tôi cần xác định rõ ý thức phục vụ của người làm chủ, thông qua việc tự hình thành văn hoá ứng xử và giao tiếp, trong quá trình phối kết hợp và lôi cuốn các phòng ở Trung ương cũng như các chi nhánh tham gia, hỗ trợ cho công việc của phòng mình.  

Vẫn còn đó, những câu nói vui hàm chứa đầy sức động viên tinh tế, ghi nhận thực lòng của Ban lãnh đạo mà chị Vân Anh là người thay mặt, trước sự hợp đồng chặt chẽ và hiệu quả của lực lượng Điện toán, Kế toán và Thanh toán Ngành trong chiến dịch triển khai chương trình thanh toán liên hàng nội ngành. Chị nói: “Tao” phải trình Tổng giám đốc gộp chúng mày lại để gọi là Phòng Toán - Toán”...  

Thời ấy, không biết vì sao nữa: cũng có thể vì một công việc chung mới mẻ được mỗi thành viên trong phòng cũng như anh chị em điện toán các chi nhánh cùng đam mê, lăn lộn, mà từ đó gắn bó, đoàn kết để học hỏi lẫn nhau và cùng hợp lực thúc đẩy công tác phát triển ứng dụng Tin học Ngành, cũng từ đó từng bước khẳng định mình đồng thời qua năm tháng sẽ thấy yêu hơn, có mầu cờ sắc áo hơn trong Ngành! Chỉ biết rằng: Mỗi khi việc gấp, một tuần làm việc sáu ngày thì thường có đến ba, bốn ngày mấy anh em chúng tôi rời khỏi phòng máy, đi ăn đêm một chút thay bữa tối, cùng về nhà tôi bên bờ sông, cùng leo lên một chiếc giường thì đã một, hai giờ sáng...    

Mỗi khi được Ngành triển khai những việc lớn như: LAN hoá ngành (xây dựng mạng máy tính cục bộ từ Trung ương tới các chi nhánh), thanh toán liên hàng nội bộ, thanh toán SWIFT, thu - chi hộ với Ngân hàng Công thương, chương trình kế toán SIBA-LAN, rồi xây dựng WAN - BIDV (mạng thông tin nội bộ Ngành) ... và đặc biệt khi được gặp nhau trong những hội nghị Tin học, không một ai (kể cả Ban lãnh đạo) còn thấy ranh giới về con người giữa TW và chi nhánh hay chi nhánh này với chi nhánh nọ nữa. Chỉ thấy những gương mặt rạng ngời đang kết chặt thành một lực lượng, sẵn sàng cùng nhau xả thân vì công việc, cũng hết mình với đồng đội, chiến hữu khi được ngồi bên nhau cùng nhâm nhi chiến thắng sau mỗi thể nghiệm ứng dụng đã hoàn tất...

Thời kỳ phát triển

Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu và nhiệm vụ cơ bản trong thời kỳ đổi mới do Đại hội VIII của Đảng đề ra đến năm 2000, hệ thống Ngân hàng Nhà Nước đã có bốn định hướng lớn cho chiến lược phát triển Ngân hàng. Trong đó, định hướng thứ hai được xếp theo thứ tự là: Hiện đại hoá Ngân hàng trên cơ sở tiếp tục đổi mới công nghệ... (tạp chí tin học Ngân hàng số xuân 1997). Một trong các dự án nhằm hỗ trợ kinh phí cho Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cho vay với lãi suất ưu đãi hệ thống ngân hàng (thông qua Chính phủ) vay 54 triệu USD với lãi suất ưu đãi nhằm hiện đại hoá hệ thống thanh toán. Là một trong sáu cấu phần của dự án lớn, tiểu dự án của BIDV được vay 7,9 triệu USD và phải đầu tư thêm 1 triệu USD vốn đối ứng. Với nguồn kinh phí trên, Ban lãnh đạo chủ trương: không chỉ dừng ở mục tiêu hiện đại hoá thanh toán mà quyết tâm hiện đại hoá BIDV thông qua hiện đại hoá công nghệ IT và hiện đại hoá cơ bản công nghệ ngân hàng (thông qua sáu Modul phân hệ nghiệp vụ cốt lõi như hiện nay chúng ta đang khai thác từ hệ thống SIBS).          

Lễ cắt băng khánh thành Dự án hiện đại hóa Ngân hàng BIDV giai đoạn 1

Chính nhờ các yếu tố quan trọng nói trên, Đề án tái cơ cấu BIDV (gồm bảy nội dung, trong đó nội dung thứ 06 là đổi mới công nghệ) đã được xây dựng thành công và đi vào thực tiễn trong toàn hệ thống Ngân hàng Đầu tư và Phát triển. Và một thời kỳ mới, thời kỳ phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ bắt đầu...

Cuối năm 1996, Tổng giám đốc ký quyết định thành lập Ban Quản lý tiểu dự án hiện đại hoá BIDV, làm việc theo cơ chế chuyên trách (tôi được giao làm trưởng ban).

Ngày 23/07/1999, Ngành thành lập Ban công nghệ tin học. Ngày 08/03/2001, với chức năng là Phó Ban Công nghệ tin học, tôi được chị Vân Anh trực tiếp giao xây dựng đề án thành lập Trung tâm CNTT và ngày 20/03/2001 tôi có phiên làm việc đầu tiên với vụ các ngân hàng xin hướng dẫn làm các thủ tục trình Thống đốc đề nghị thành lập trung tâm công nghệ.

Cuối tháng 12/2000, toàn hệ thống hoàn tất xử lý sự cố Y2K theo yêu cầu của Bộ Khoa học và Công nghệ.    

Có thể nói rằng: thời kỳ từ năm 1996 đến 2001 là khoảng thời gian đẹp và sống động của đầu thời kỳ phát triển. Lực lượng trong toàn Ngành đã không quản ngại khó khăn, gian khổ để vừa duy trì, củng cố và tăng tiện ích cho hệ thống IT hiện thời nhằm đáp ứng tốt nhất (trong phạm vi có thể) nhu cầu mà công tác kinh doanh, dịch vụ Ngành đòi hỏi, vừa đi sâu nghiên cứu, tiếp cận công nghệ thông tin hiện đại và công nghệ Ngân hàng hiện đại, nhằm đặt cho kỳ được hạ tầng cơ sở trong mục tiêu xây dựng BIDV hiện đại và bền vững.

Ngày 21/01/2002, bằng văn bản số 3726/QĐ-TCCB, Tổng giám đốc Trịnh Ngọc Hồ ký quyết định điều động tôi từ Phó Ban Công nghệ Tin học sang làm trưởng phòng thông tin kinh tế thuộc Ban Kế hoạch phát triển. Trước khi phải giã từ “sân cỏ kỹ thuật - công nghệ” mà hầu như cả đời tôi được lăn lộn từ khi mới vào Ngân hàng Kiến thiết, một vài nhà lãnh đạo và Trưởng phòng Tổ chức cán bộ đã gặp gỡ tôi hỏi về nguyện vọng nơi đến. Song, không! Lần nào cũng vậy, tôi chỉ cảm ơn và rằng: gần cả đời tôi, chưa bao giờ biết phàn nàn, vòi vĩnh gì trước sự phân công của tổ chức...

(Nguồn tư liệu: Sách “Những kỷ niệm khó quên”,

xuất bản tháng 4/2007 - Nhà Xuất bản Lao động)

Tác giả: Nguyễn Hữu Thắng - Phó Giám đốc Ban Kế hoạch phát triển BIDV
Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}