Chuyện về liệt sỹ Ngô Văn Dũ

27/07/2022
Trong chiến tranh chống Mỹ, Quảng Bình vừa phải đảm bảo thông suốt cửa ngõ vào Trường Sơn, nơi miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn, vừa phải từng ngày đánh trả sự tàn phá khốc liệt bằng không quân và hải quân của địch để giữ vững sản xuất và bảo vệ quê hương. Do vị trí vô cùng quan trọng này mà khi cuộc chiến mới xảy ra, chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Quảng Bình được Ngân hàng Kiến thiết Trung ương cho thành lập một mạng lưới tổ chức hoạt động đặc biệt để phù hợp với nhiệm vụ thời chiến.

Theo đó, mỗi huyện có một chi điếm (tương đương như một phòng Giao dịch), huyện nhỏ thì lập tổ cấp phát. Mỗi chi điếm và tổ cấp phát đều hạch toán về chi nhánh tỉnh nhưng có con dấu riêng để chủ động trong mọi tình huống. Có chi điếm ở xa chi nhánh tỉnh đến gần 200 km, hàng tháng phải đạp xe hoặc hành quân bộ qua nhiều trọng điểm bom đạn mang sổ sách về chi nhánh báo cáo và nhận vốn. Tất cả các vị trí đóng quân trong toàn bộ chi nhánh đều phải luôn bám mặt đường phối hợp với các lực lượng thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến giữ vững huyết mạch giao thông. Cùng với đó là sẵn sàng trong tư thế sơ tán đến địa điểm để bảo mật và tránh bom đạn giặc. Vì thế, mọi hoạt động của từng cán bộ, nhân viên chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Quảng Bình gặp vô vàn gian khổ hy sinh. Trong số 17 Liệt sĩ của BIDV hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì bốn đồng chí công tác tại chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Quảng Bình. Các anh đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ như những chiến sĩ ngoài mặt trận.

*

Khi thực hiện cảnh quay bộ phim về Truyền thống 35 năm xây dựng và trưởng thành của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, do bị thời gian câu thúc chúng tôi chỉ dừng lại ở Quảng Bình được mấy giờ vào lúc quá trưa sang chiều. Thị xã Đồng Hới (nay là thành phố Đồng Hới) ngày ấy rất nghèo. Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Quảng Bình (tiền thân là chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết) mới được tái lập sau khi chia tách tỉnh Bình Trị Thiên nhưng đã đi vào hoạt động quy củ và khởi sắc. Sau khi quay một số hạng mục đầu tư có hiệu quả, giám đốc chi nhánh Phạm Anh Dũng đề nghị chúng tôi đi quay phần mộ của Liệt sĩ Ngô Văn Dũ ở ngoại vi thị xã. Ngôi mộ được táng trong một khu nghĩa địa dân sự. Anh Dũng nói, sau dịp kỷ niệm 35 năm của BIDV, chi nhánh sẽ xây mộ kiên cố cho anh Dũ hoặc làm việc với cơ quan chính sách tỉnh đội đưa anh vào nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Đồng Hới. Nói rồi, anh Dũng phân trần, chi nhánh mới tái lập, quá nhiều việc nên chưa kịp làm được nhiều việc tri ân, uống nước nhớ nguồn với các Liệt sĩ, thương binh và người có công. Anh Nguyễn Viết Mạch, giám đốc chi nhánh Ba Đồn (lúc này còn là chi nhánh cấp 2 trực thuộc chi nhánh tỉnh) kể với chúng tôi đôi điều về anh Ngô Văn Dũ, anh từng là một chiến sĩ biệt động thành ở Đà Nẵng...

Do phải đi tiếp vào Quảng Trị để quay cảnh Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn trước khi trời tối, nên tôi tự hứa một dịp nào đó tôi sẽ xin gặp anh Nguyễn Văn Mạch để nghe tiếp về Liệt sĩ Ngô Văn Dũ.

Cuối năm rồi được đi theo đoàn của BIDV đến dâng hương tại các di tích lịch sử, văn hóa và di tích các trọng điểm bom đạn một thời như Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc... Khi đến Quảng Bình, việc đầu tiên là tôi xin được gặp anh Nguyễn Viết Mạch. Anh Mạch giờ đã nghỉ hưu ở thành phố Đồng Hới. Tôi thật cảm động, anh đã chờ sẵn tôi ở nơi hẹn. Vừa gặp nhau, anh Mạch cho biết luôn, ngôi mộ của Liệt sĩ Ngô Văn Dũ đã được gia đình đưa về cố hương an táng, BIDV Quảng Bình đã hỗ trợ, giúp đỡ chu đáo việc di dời, đưa tiễn anh về tận xã Hòa Vân, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng quê anh. Anh Nguyễn Viết Mạch đưa tôi lên thị trấn Cộn, là một trong những địa điểm chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Quảng Bình sơ tán bảy năm hồi chiến tranh và cũng là nơi Liệt sĩ Ngô Văn Dũ xuất phát chuyến đi công tác định mệnh. Sau đó, tôi lại được đến đoạn đường rừng mà anh Ngô Văn Dũ đã hy sinh. Anh Mạch kể: “Bắt đầu từ tháng 5/1972, địch đánh phá trở lại miền Bắc, Quảng Bình là nơi chúng đánh phá rất dữ. Cơ quan chi nhánh đã triển khai phương án sẽ sơ tán về đồi Đức Ninh làm nhà hầm và hầm trú ẩn thật chắc chắn để có thể chịu đựng được các đợt oanh tạc bằng B52 của giặc.

Một ngày cuối tháng 5/1972, giám đốc chi nhánh Thân Trọng Khi phân công tổ Hành chính nơi anh Dũ công tác đến xưởng cưa Ba Rền, sơ tán trong rừng sâu, xa đến hơn 40 cây số để nhận 5 khối gỗ loại I về củng cố hầm hố và xây lán trại. Theo quyết định vào hai giờ sáng ngày hôm sau cả tổ sẽ lên đường làm nhiệm vụ.

Tối hôm đó, ở chỗ sơ tán, anh chị em trong chi nhánh thấy cả tổ Hành chính dường như không muốn đi ngủ sớm. Chị Thức, chị Mai thổi cơm, đun nước chuẩn bị lương khô cho chuyến đi. Tổ trưởng Lê Bá Hùng và anh Dũ kiểm tra lại cả bốn chiếc xe đạp, chỉnh phanh, tra dầu vào xích líp, bơm lại xăm lốp... Công việc chuẩn bị xong xuôi, tổ trưởng Hùng và anh Dũ ngồi lại pha trà hút thuốc. Vài người nam giới ở các tổ khác, trong đó tôi cũng ghé vào trà thuốc cho đến khuya mới về chỗ ở đi nằm.

Khoảng gần sáng, tôi nghe tiếng máy bay phản lực gầm rú như sét liền vội bật dậy thì thấy ở chân trời phía tây từng quầng sáng lửa bùng lên cùng với những đợt tiếng nổ đinh tai nhức óc.

Biết đoàn công tác của tổ Hành chính đi từ lúc hai giờ sáng, ai cũng nhìn về phía Cầu Cút lo lắng.

Hôm đó chúng đánh lâu phải đến hơn một giờ. Tiếng bom dứt vào lúc năm giờ sáng. Mùa hè nên năm giờ sáng đã có nắng sớm. Mấy anh em tôi chạy ra phía đồi thoáng nhìn về phía những cột khói còn bốc lên ở hướng Cầu Cút. Giám đốc Thân Trọng Khi cũng có mặt. Đang khi ấy thì chị Mai, chị Thức đạp xe về báo tin, anh Ngô Văn Dũ đã hy sinh. Anh Hùng phải ở lại đó cùng dân quân địa phương lo việc chôn cất cho Liệt sĩ và tham gia cứu thương.

Chị Thức nghẹn ngào kể tiếp trong nước mắt: Lúc hai giờ sáng, anh Hùng đưa nhóm công tác của tổ Hành chính lên đường. Trước khi vào xưởng cưa Ba Rền, mọi người phải đến đội xe của ty Lâm nghiệp tỉnh sơ tán ở Cầu Cúp để đi cùng ô tô tải và làm nhiệm vụ bốc gỗ lên xe. Bốn người đạp xe trong màn đêm có ánh trăng cuối tháng trên đường quốc lộ 15 nối vào Trường Sơn. Khi sắp tiến vào phía chân núi thì nhóm công tác gặp một đoàn xe vận tải quân sự từ ngoài Bắc vào. Anh bộ đội lái chiếc đi đầu dừng lại hỏi thăm đường. Anh Hùng nói với anh Dũ và chị Mai, chị Thức cứ đạp xe đi trước, chỉ đường xong, anh sẽ đuổi theo. Ba người đạp xe được chừng dăm trăm mét thì bỗng nghe tiếng máy bay Mỹ ầm ầm dội đến và chúng bắn đèn dù làm cả một vùng sáng rõ như ban ngày. Cả nhóm ngoái lại nhìn, thấy cả đoàn xe phơi mình dưới những chiếc dù pháo sáng. Ai cũng lo cho anh Hùng. Bom nổ rung lên. Có những chiếc xe quân sự bắt lửa cháy đùng đùng. Bộ đội hò nhau sơ tán xe thật nhanh. Anh Dũ gọi chị Thức, chị Mai chạy vào hốc núi lối đi xuống ngầm tránh bom. Hai chị nép được người vào hốc đá. Anh Dũ ngồi chắn bên ngoài, mắt luôn nhìn lên trời theo dõi máy bay địch đang quần đảo. Thấy anh Dũ ngồi như thế nguy hiểm, hai chị cố ém người để anh có thể ngồi vào sâu hơn một chút. Anh luôn động viên hai chị chỗ họ ẩn nấp rất chắc chắn, hai chị hãy bịt tai lại để tránh hơi bom làm ù tai. Bỗng hai chị nghe tiếng anh Dũ kêu lên: “Bom bi!”. Rồi thấy anh lả người xuống. Chị Mai, chị Thức quên cả nguy hiểm vội đỡ anh Dũ. Dưới ánh sáng đèn dù, thấy môi anh mấp máy, mấp máy... Máu rỉ ra ở ngực, ở vai anh. Hai chị lay người anh, gọi tên anh nhưng anh đã hy sinh.

Máy bay giặc vừa rút, hai chị vội đi tìm anh Hùng tổ trưởng. Dọc cung đường vừa bị bắn phá là một cảnh tang thương, nhiều đồng chí bộ đội hy sinh, vài chiếc xe hãy còn bùng cháy đang được dập lửa... Đi tiếp vài trăm mét, hai chị nghe tiếng anh Hùng gọi. Các chị trông thấy anh Hùng thì òa khóc, báo tin anh Dũ đã hy sinh. Ba người đến chỗ hốc đá, cùng khóc lặng hồi lâu trước thi hài anh Dũ. Lát sau, anh Hùng đỡ người anh Dũ lên, mắt anh vẫn mở to như muốn nhìn ba đồng nghiệp trong tổ Hành chính lần cuối. Cả ba lại oà khóc tiếp. Anh Hùng vuốt nhẹ mắt cho anh Dũ. Anh vừa khóc vừa đếm, anh Dũ bị đến 10 viên bi găm vào vùng bụng và ngực. Hai chị nói với anh Hùng, chính anh Dũ đã che người hứng chịu quả bom bi đó để hai chị thoát hiểm...

Nghe chị Thức, chị Mai báo cáo xong, giám đốc Thân Trọng Khi dẫn một nhóm tự vệ năm người đến nơi anh Dũ hy sinh. Do điều kiện thời chiến, thi thể anh Dũ được tổ chức an táng cùng với các Liệt sĩ khác của bộ đội lái xe ở một ngọn đồi khuất, cách nơi xảy ra trận bom khoảng hai cây số, có một trung đội dân quân bồng súng đứng lặng tiễn đưa 15 Liệt sĩ về cõi vĩnh hằng.

Ngay hôm sau, tại nơi sơ tán, toàn chi nhánh tổ chức lễ truy điệu cho Liệt sĩ Ngô Văn Dũ. Giám đốc Thân Trọng Khi đã xúc động đọc điếu văn, nêu lên những thành tích, công lao đóng góp của anh Dũ. Anh là một Đảng viên tham gia cách mạng khi mới tuổi thiếu niên với nhiệm vụ làm liên lạc trong nội thành Đà Nẵng. Đến khi trưởng thành, anh là một chiến sĩ biệt động lập nhiều chiến công. Do bị lộ, anh được đưa ra Bắc và Ban Thống nhất Trung ương cử anh về chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Quảng Bình công tác. Nhiệm vụ nào được cơ quan giao, anh đều hoàn thành khẩn trương và chu đáo. Anh sống có tình có nghĩa, được anh em mến phục. Tại buổi truy điệu, một phong trào thi đua lập công trả thù cho Liệt sĩ Ngô Văn Dũ được phát động trong toàn chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Quảng Bình. Mọi người thầm hứa trước linh hồn Liệt sĩ Ngô Văn Dũ, thề sẽ noi gương anh, sẵn sàng hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào được giao...”.

*

Kể đến đó, giọng anh Nguyễn Viết Mạch trầm xuống. Anh ngồi lặng giây lâu rồi nói: “Thời gian trôi qua đã 45 năm rồi nhưng mỗi lần nhắc đến anh Ngô Văn Dũ cùng ba Liệt sĩ khác là anh Lê Quang Thiềm, Võ Văn Tương và anh Lương Ngọc Sưởng, tôi và những đồng nghiệp của BIDV Quảng Bình, thời còn là chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết vẫn luôn nhớ đến hình ảnh thân yêu của các anh. Hiện nay, tại phòng truyền thống của BIDV Quảng Bình, tấm hình Liệt sĩ Ngô Văn Dũ cùng với hai liệt sĩ Võ Văn Tương và Lương Ngọc Sưởng được treo ở vị trí trang trọng như góp phần tô đậm và tôn vinh thêm những trang truyền thống của Ngân hàng ĐT&PT Quảng Bình từ thời đứng nơi đầu sóng ngọn gió đến hôm nay là thành viên của đại gia đình BIDV, ngân hàng có thương hiệu đứng đầu hệ thống ngân hàng ở Việt Nam và là một trong 500 ngân hàng đẳng cấp nhất thế giới”.

Trong thời kỳ 1965 - 1975, thực hiện hai nhiệm vụ chính trị là chống chiến tranh phá hoại và tiếp tục xây dựng CNXH ở miền bắc, góp phần trực tiếp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, cán bộ Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam tiếp tục bám sát hoạt động sản xuất và chiến đấu của toàn Đảng, toàn dân, cấp phát phục vụ sơ tán và nguỵ trang, bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất cho các cơ sở công nghiệp ở miền bắc, xây dựng các công trình hậu cần chống chiến tranh phá hoại và phục vụ cho cuộc kháng chiến ở miền nam. Để hỗ trợ kịp thời cho lực lượng chủ lực hành quân tiến vào giải phóng miền nam, Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam đã thành lập các chi nhánh đặc biệt với những mã số 70.1, 70.2, B12 để cấp phát vốn cho các công trình trọng điểm trên các tuyến huyết mạch giao thông, thông tin liên lạc, đường ống xăng dầu trên dọc tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, cùng hậu phương lớn miền bắc, chi viện sức người, sức của cho chiến trường lớn miền nam, góp phần tích cực vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến trường kỳ vĩ đại chống đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Hàng trăm cán bộ của Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam đã xung phong lên đường vào hỏa tuyến, trong đó mười bảy cán bộ đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.

Danh sách 17 anh hùng liệt sỹ là Cán bộ Ngân hàng Kiến Thiết Việt Nam:

Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}