BIDV qua hồi ức của một vị Nguyên thủ quốc gia

06/04/2022
Cảm nhận đầu tiên của tôi là ông hiền lành, chất phác, gần gũi. Đằng sau cái vẻ bình dị ấy là một con người giàu trí tuệ, mọi người (và cả tôi nữa) rất dễ bị thuyết thục khi nói chuyện với ông. Ông là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhiệm kỳ 2006 - 2011.

Ông sinh ra ở xã Phú An, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương trong một gia đình trung lưu. Ông theo học Trường Trung học Pétrus Ký, sau học Đại học khoa học Sài Gòn. Ký ức lắng lại, kết lại thành kỷ niệm. Con đường đi đến chức vụ nguyên thủ quốc gia, đi cùng nhân dân, hẳn rằng có rất nhiều kỷ niệm sâu đậm, tôi tin rằng nếu viết một cuốn tiểu thuyết dầy dặn cũng không hết. Bởi vì, chỉ hơn một tiếng đồng hồ nghe ông kể lại những câu chuyện gắn bó với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), tôi đã thấy ông có quá nhiều kỷ niệm, kỷ niệm nào cũng sinh động, rưng rưng.

 Gắn bó với BIDV từ thời nghèo đói, gian nan

Chỉ riêng một ngân hàng BIDV thôi, chứ chưa phải toàn hệ thống ngân hàng, mà cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã sẵn nhiều kỉ niệm dào dạt. Ông kể đầy hào hứng, thỉnh thoảng lại nhắc tên và quay sang nhìn ông Hoàng Huy Hà với ánh mắt ấm áp, trìu mến.

 Thời ông Nguyễn Minh Triết làm lãnh đạo cao nhất Sông Bé, phải tiếp xúc, gặp gỡ với các cơ quan, doanh nghiệp địa phương và Trung ương đóng ở địa phương. Quá trình làm việc, nẩy sinh tình cảm bạn bè. Hiểu biết, chia sẻ cũng sẽ làm cho công việc hanh thông. Ông đã có mối quan hệ với BIDV, với nhiều đời giám đốc chi nhánh ngân hàng tỉnh. Thời đó đói nghèo, do hậu quả chiến tranh để lại và kéo dài nhiều năm. Sông Bé làm đường sá, cầu cống, công sở, làm chính sách xã hội,... tiền thiếu nhiều, đều phải vay BIDV.

Sau khi có Luật Đầu tư nước ngoài, tỉnh Sông Bé đã tiến hành quy hoạch xây dựng Khu Công Nghiệp rất sớm, đến khi tách tỉnh, Bình Dương có 13 Khu công nghiệp với tổng diện tích 4033 ha. KCN Sóng Thần 1 tự hào là hạt nhân đầu tiên diện tích 180,33 ha thành lập từ 1995, sau đó là Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore ở Bến Cát 500ha. Câu chuyện tiền ở đâu để làm Khu Công nghiệp lại được đặt ra cấp thiết. Tỉnh Bình Dương chủ trương trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư và BIDV là nhân tố đóng góp rất tích cực vào địa phương Sông Bé, sau này là Bình Dương. Thời đó, ông Nguyễn Minh  Triết làm Bí thư tỉnh ủy, ông Bẩy Chiếu làm Giám đốc chi nhánh BIDV Bình Dương, rồi sau là ông Hoàng Huy Hà, anh em thân nhau từ đó, tình cảm thân thiết đến bây giờ. Ông Nguyễn Minh Triết nói bằng cái giọng thân tình: Ngân hàng BIDV Bình Dương làm được, làm tốt nên ông Hà ra Hà Nội làm Phó Tổng giám đốc Hội sở, cũng nhờ mấy ảnh mà tôi cũng tiến bộ, tôi cũng được ra Hà Nội”. Ông cười rất hiền, và chúng tôi cũng cười vui vẻ. Không khí trong phòng khách như ấm áp hẳn lên.

Khu công nghiệp Sóng Thần tại Bình Dương ngày nay

Ông Nguyễn Minh Triết có vẻ rất tâm đắc và vui khi nói đến các Khu Công nghiệp Bình Dương. Khi quy hoạch xây dựng hoàn thành, thì kết cấu hạ tầng trong và ngoài KCN được đầu tư đồng bộ và hiện đại. Khu Công nghiệp góp phần thay đổi diện mạo của tỉnh, làm cho địa phương đẹp hơn, có sức sống hơn, sẽ mời gọi, thu hút đầu tư vào Bình Dương nhiều hơn. Hiện nay, tổng diện tích mặt bằng của 23 KCN đang hoạt động đã cho thuê tới 2572 ha, tỷ lệ lấp đầy 50,5%, cao hơn bình quân chung của cả nước. Trong công cuộc xây dựng và hoàn thiện các Khu Công nghiệp địa phương, Ngân hàng BIDV lúc nào cũng đồng hành cùng nhân dân và chính quyền tỉnh Bình Dương.

Cầu Ông Cộ ở Vùng Tam Giác Sắt

Trong ký ức xa xăm, ông Nguyễn Minh Triết vẫn còn nhớ một kỷ niệm tươi rói từ mấy chục năm trước là: Xây dựng cầu Ông Cộ ở Vùng Tam giác sắt đầu tiên, với đầu tư vốn của BIDV.

Hồi đó Sông Bé đã nghèo, đi lại cũng khó khăn, đò giang cách trở, từ Thủ Dầu Một sang bên kia là huyện Bên Cát mà cảm thấy xa vời vời. Con sông Thị Tính ngăn cách huyện Bến Cát với trung tâm tỉnh lỵ. Vùng đất Bến Cát vốn một thời là máu và nước mắt, dân nghèo đói bởi chiến tranh. Bến Cát là nơi đóng quân, và là địa bàn tác chiến xảy ra liên miên của mấy sư đoàn  “Anh Cả đỏ”, Tia chớp nhiệt đới” thay nhau càn quét. Đó là vùng Tam giác sắt đầu tiên. Nhân dân đã hy sinh mất mát trong thời chiến, đến thời bình lại chịu gian nan, vất vả bởi giao thông bị chia cắt. Tỉnh Bình Dương quyết định xây dựng cầu Ông Cộ. Theo thiết kế, cầu Ông Cộ dài 123m, gồm 5 nhịp dầm đơn giản, mặt cắt ngang rộng 9m, đủ để cho 2 làn xe cơ giới rộng 7m và hai lề dành cho người đi bộ mỗi bên gần 1 m.  Xe trọng tải 20 tấn có thể lưu thông qua cầu. Cầu Ông Cộ bắc qua sông Thị Tính. Thị Tính là một nhánh của sông Sài Gòn. Cây cầu chỉ dài hơn một trăm mét, nhưng nối liền Thị xã Thủ Dầu Một với huyện Bến Cát và các vùng địa lý dân cư khác có hàng vạn dân qua lại.

Cái thời 1995 ấy, xây dựng cầu Ông Cộ là làm được việc lớn lắm. BIDV cho vay 6 tỉ đồng. Lúc đó, Sông Bé mới đang bắt đầu làm Khu Công nghiệp, số tiền 6 tỉ đồng rất to so với một tỉnh nghèo. Tự hào lắm! Làm cầu xong rồi thu phí đầu tiên. Thu phí ô tô, thu phí xe honda. Ông Triết bảo: Mấy hôm sau, tôi nhận quá trời đơn của bà con. Họ kéo đến tỉnh ủy, nói: Mấy ông ơi! Dân nghèo hàng ngày đi qua đi lại cái cầu này mấy lần. Thu phí mất thời gian lắm, mà thu phí thì tiền đâu chúng tôi nộp phí.

Thực ra, bà con chở con cháu đi học, đi chợ, đi làm... đều phải qua cầu. Thời chiến tranh, bà con nhịn ăn nhịn mặc đóng góp cho cách mạng, hy sinh cả xương máu cho cách mạng. Hòa bình rồi, đi qua cái cầu phải thu phí. Xót xa lắm. Ông Triết xem xét, rồi bàn với lãnh đạo tỉnh quyết định bỏ thu phí xe hai bánh cho bà con. Ai ai cũng phấn khởi. Được đi qua cầu, hết cảnh đò giang cách trở mà không phải đóng phí. Cầu Ông Cộ bắc qua sông Thị Tính có tác động rất lớn đến đời sống xã hội cả một vùng dân nghèo. Không chỉ dân được hưởng lợi mà các doanh nghiệp cũng thuận lợi. Những đoàn xe ô tô chở mủ cao su của Công ty Dầu Tiếng nối nhau về thành phố đều qua cầu Ông Cộ. Bây giờ, cầu Ông Cộ mới đã bắc qua sông Thị Tính cao, to, dài và đẹp, nhưng cái cầu cũ một thời nghèo khó gồng mình cho xe lớn xe nhỏ lăn qua vẫn bền vững trơ gan cùng tuế nguyệt và nắng mưa miền Đông. Cái cầu Ông Cộ một thời gian khó ấy có sự kết tinh sức mạnh của tinh thần dám làm, dám vượt khó vì dân, có tình cảm và vốn vay đầu tư của BIDV. Ông Triết bảo: Cầu Ông Cộ cũng là một kỉ niệm vui không thể nào quên với Ngân hàng BIDV.

Khánh thành cầu Ông Cộ tại Bình Dương

Kỷ niệm với BIDV làm Khu Công nghệ cao

Khi về thành phố Hồ Chí Minh làm bí thư, ông Nguyễn Minh Triết vẫn mang theo tình cảm ấm áp, thân thiết như ngày nào ở Bình Dương và tiếp tục vẫn gắn bó với BIDV. Ông bảo, ông làm việc và thân thiết với mấy đời lãnh đạo ngân hàng này như anh Phẩm, anh Hồ, chị Vân Anh, sau nữa là anh Trần Bắc Hà. Lúc ở Sông Bé, ông Triết và ông Hoàng Huy Hà đã làm việc, đánh bóng bàn với nhau. Khi về thành phố, ông Triết làm Bí thư, ông Hà làm Giám đốc Sở Giao dịch 2 của BIDV thì hai ông cũng lại nhiều lần gặp nhau vì việc chung. Nguyên tắc thì giữ, làm việc rõ ràng, đúng nguyên tắc, nhưng đời thường thì thân thiết gần gũi.

Có 1 kỉ niệm đặc biệt là mà BIDV cũng là nhân tố tham dự là... Khu công nghệ cao của thành phố. Là người lãnh đạo cao nhất thành phố, tuổi thơ đã từng học Trường Trung học Pétrus Ký, sau nữa học Đại học khoa học Sài Gòn, ông Nguyễn Minh Triết làm lãnh đạo Bình Dương cũng là tỉnh ở sát bên, thành phố vừa lạ vừa gần gũi, ông trăn trở nghĩ ngợi: Thành phố là nơi phát triển kinh tế nhất nước, song nếu chỉ đầu tư phát triển công nghiệp bình thường thì đến lúc nào đó thành phố hết đất. Đương thời, đất đã chật, người đã đông lại ô nhiễm môi trường, không xứng đáng là thành phố đứng đầu về kinh tế. Sài Gòn cần phải có một khu công nghệ cao để thu hút khoa học, kĩ thuật, công nghệ cao. Ông Nguyễn Minh Triết là người đề xuất ý tưởng làm Khu Công nghệ cao - một việc lớn rất khó khăn, không phải “xuất tướng” mà người đứng đầu đề ra chiến lược và trực tiếp hành động.

Ông Nguyễn Minh Triết vẫn nhớ khi đó làm Khu công nghệ cao ở Khu vực Suối Tiên, nhưng thiếu vốn, thành phố đi gõ cửa các ngân hàng khác, nhưng không vay được. Ông phải trực tiếp gặp lãnh đạo ngân hàng BIDV. Ông mời lãnh đạo Chi nhánh ngân hàng BIDV thành phố và Chi nhánh Sở 2 đến trụ sở trình bày: Bây giờ chúng tôi làm Khu công nghệ cao nhưng thiếu tiền, các ông cho thành phố vay. Khó khăn cũng phải vượt qua. Gặp ở trụ sở rồi, người đứng đầu thành phố trực tiếp đến BIDV thăm và gặp gỡ cán bộ nhân viên ngân hàng. Tinh thần cầu thị và tình cảm ấm áp khiến hai bên tin tưởng nhau hơn. BIDV cân nhắc, rồi đặt niềm tin vào thành phố, xuất quỹ cho vay. Ông Hoàng Huy Hà ký cho vay lần đầu 500 tỷ để thành phố xây dựng Khu công nghệ cao, sau đó còn tiếp tục giót vốn cho vay mấy ngàn tỷ đồng. Tất nhiên, BIDV cho vay ở nhiều loại tín dụng: Có món cho vay ưu đãi lãi xuất thấp, có món cho vay lãi xuất bình thường. Hai bên hợp tác, vốn giót vào xây dựng, cộng với chủ trương rải thảm mời gọi đầu tư, khu công nghệ cao bật lên phát triển. Ông Nguyễn Minh Triết nói với chúng tôi: Thực ra, lúc đầu cũng không dễ dàng. Ngoài đời, bạn bè chơi với nhau, nhưng làm việc thì phải theo pháp luật và nguyên tắc, chưa có tiền lệ cho vay như thế. Sau đó, thành phố còn kéo Vietel, mấy công ty Nhật vào Khu công nghệ cao. Đây cũng là kỉ niệm, là dấu ấn tình cảm của ông Nguyễn Minh Triết với BIDV trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài trung ương cũng làm Khu công nghệ cao Hòa Lạc, sau 19 năm, chủ yếu vẫn đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hiện nay chưa hấp dẫn nhà đầu tư, chưa lấp đầy. Sự trễ nải chính là chậm chễ giải phóng mặt bằng do thiếu vốn. Cơ chế thu hút nhà đầu tư vào Khu Công nghệ cao thiếu tính cạnh tranh hấp dẫn.   

Ông Hoàng Huy Hà - Giám đốc Sở Giao dịch 2 cùng thời kỳ ông Nguyễn Minh Triết làm Bí thư cũng ngồi nghe câu chuyện ký ức xôn xao. Ông Hà trần tình: “Khi đó, Thành ủy đứng ra bảo lãnh cho Khu công nghệ cao vay vốn. Nói thực với các anh, nếu Thành ủy không bảo lãnh thì chắc chắn BIDV dù có thân thiết bao nhiêu cũng không dám cho vay”. Vị nguyên thủ quốc gia một thời sôi nổi tiếp lời ông Hà: “Tui cũng thấy như vậy. Nhưng, khi đã tin cậy nhau, hiểu biết nhau rồi thì cũng tìm ra cơ chế, tìm ra cách để giải quyết nhu cầu vốn vay. Khu công nghệ cao phát triển là niềm tự hào của thành phố, cũng là tự hào của BIDV góp phần lớn cho sự thành công”.

BIDV và những cuộc di dời ngoạn mục

Có một thực tế sinh động rằng: Thành phố Hồ Chí Minh phát triển kinh tế mạnh hơn, giàu hơn các địa phương khác, và cũng đóng góp ngân sách cho trung ương nhiều nhất, nhưng vốn thiếu lắm. Lãnh đạo thành phố phải dựa vào nguồn thu thuế, từ vốn các ngân hàng, trong đó có Ngân hàng BIDV để xây dựng sân bay, khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng, kênh rạch, di dời các cơ sở sản xuất bụi bặm, ô nhiễm ra bên ngoài thành phố...

Chẳng hạn như dệt may nên đưa về địa phương đang thiếu việc làm. Ông Nguyễn Minh Triết ra Ninh Thuận, Bình Thuận, một số tỉnh miền Tây đặt vấn đề với lãnh đạo tỉnh, để đưa nhà máy dệt may về các địa phương. Các tỉnh khoái lắm. Họ vừa được tiền thu thuế, lại vừa giải quyết công ăn việc làm cho thanh niên đang thất nghiệp. Nhà máy dệt đứng chân ở địa thương thì dịch vụ ở đó cũng phát triển. Vì công nhân nhà máy cũng phải ăn, mặc, tiêu dùng. Người dân quanh vùng chỉ bán rau, thịt, đồ dùng hàng ngày cho công nhân cũng giải quyết được bài toán kinh tế gia đình đang khó khăn.

Song, người dệt may thì không muốn đi. Mấy ông lãnh đạo nhà máy cự nự ông Nguyễn Minh Triết: Tui đang ở thành phố thuận lợi đủ điều, sao lại đẩy chúng tôi ra Bình Thuận, Ninh Thuận miền cát trắng nắng cháy, đẩy chúng tôi về miền Tây? Ông Triết vận động, thuyết phục cán bộ ngành dệt may thành phố hãy chịu hy sinh vì nhân dân thành phố. Ông Triết cũng đến các tỉnh thuyết phục, rằng: Các ông được nguồn thu ngân sách từ dệt may, giải quyết được việc làm cho lao động,... thì cũng phải có chính sách giảm thuế đất, ưu tiên cho dệt may. Các nhà máy dệt may đi khỏi thành phố, nhưng vẫn sở hữu mảnh đất ấy, thành phố không thu hồi. Cơ ngơi đất cũ còn nguyên, đắt sắt ra miếng. Nơi mới đất rộng hơn, lại được địa phương trải thảm đỏ mời chào, và chính sách kinh tế ưu đãi hấp dẫn. Thế rồi vui vẻ đi. Cho đến bây giờ, các doanh nghiệp dệt may hầu như không còn đóng ở thành phố nữa.

Cuộc di dời cảng cũng ngoạn mục, dù niềm vui chưa trọn vẹn. Ông Nguyễn Minh Triết mời ông Ngon - giám đốc càng Sải Gòn đến làm việc: “Tôi nói ông Ngon nè. Các ông ở đây không phát triển được đâu. Bốn bề kín hết rồi. Các ông ra ngoài mà vùng vẫy.” Thuyết phục ông Ngon mấy lần mà vẫn chưa đồng thuận. Ông Nguyễn Minh Triết lại mời Giám đốc Tân Cảng và cũng thuyết phục di dời ra khỏi thành phố. Ông Đạo - giám đốc lắc đầu quầy quậy: “Không Được. Không được, anh ạ! Đây là cứ điểm quân sự bảo vệ thành phố, chứ không phải chỉ cái cảng bình thường”. Ông Triết ân cần: “Ông đừng nói với tôi như thế. Tôi cũng đã từng chiến đấu ở chiến trường. Tôi hiểu rằng: ông bảo vệ thành phố thì bảo vệ từ xa, chứ các ông ở đây có chuyện gì xảy ra thì chết cùng chúng tôi. Ông ra xa thì bảo vệ thành phố tốt hơn. Thôi, ông suy nghĩ đi...” Sau đó, thành phố cũng thuyết phục Hải quân, và cuối cùng Quân đội nhất trí chuyển Tân Cảng về Cát Lái.” Thành phố không lấy đất cũ của quân cảng. Khi ra Cát Lái thì Tân Cảng lại được thành phố cấp đất. Thành phố mất thêm đất cho Tân Cảng, nhưng lại được sự phát triển. Cả hai bên đều có lợi. Trong khi đó cảng Sài Gòn vẫn chưa chuyển được. Bây giờ, có thể chuyển ra Soài Rạp, dù có chậm, nhưng vẫn ra kịp. Cựu Chủ tịch nước kể lại điều đó chỉ để nhấn mạnh, làm việc tốt, làm đúng, nhưng không phải lúc nào cũng được đồng thuận; cần phải có thời gian chín muồi. Ông nói, rồi lái câu chuyện về BIDV, lại một lần nữa đồng hành cùng thành phố, cho vay khoản tiền lớn để thành phố đền bù cho việc di chuyển Tân Cảng ra Cát Lái; vừa làm cho thành phố bớt ô nhiễm môi trường, mà giao thông trên sông Sài Gòn cũng được cải thiện.

Như người thân trong đại gia đình BIDV

Ông Nguyễn Minh Triết là người lãnh rất quan tâm đến đến Ngân hàng Đầu thư và Phát triển Việt Nam, đặc biệt trong vấn đề hợp tác với nước ngoài. Tổng thống Nga đến thăm thành phố, ông Triết cũng đưa ngài Putin đến thăm BIDV. Khi ấy, thành phố hợp tác với Nga còn khó khăn lắm, khâu thanh toán khó khăn, cơ chế thanh toán cũng khó. Ông Nguyễn Minh Triết bảo: “Có ngân hàng BIDV thì thanh toán dễ hơn”. Ông đi Lào, dù bận đàm phán, gặp gỡ xã giao, nhưng vẫn xếp thời gian đến thăm chi nhánh BIDV ở bên đó. BIDV được ông tín nhiệm trong nước, ra nước ngoài vẫn nhớ và quan tâm. Ở cương vị nguyên thủ quốc gia đi nước ngoài thăm ngoại giao hoặc làm việc, ông Nguyễn Minh Triết cũng mời lãnh đạo BIDV và một số doanh nhân khác đi cùng để quan hệ, gặp gỡ các đối tác. Có chương trình tiếp xúc, làm việc. Có tham gia diễn đàn doanh nghiệp. Anh em đi cùng Chủ tịch nước cũng là cơ hội tiếp xúc, liên kết, hợp tác làm ăn với nước ngoài nhanh chóng, trực tiếp nhất.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến thăm và làm việc với BIDV năm 2008

Trong những năm tháng làm việc, giao tiếp thân tình, ông Nguyễn Minh Triết rất hiểu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, ông khái quát: “Một là, BIDV có tầm nhìn rộng. Có thể gọi là tầm nhìn chiến lược. Cũng cho vay, nhưng cho vay lớn, chứ không chỉ cò con. Chọn khách hàng lớn và lợi nhuận lớn cũng từ khách hàng này. Tuy nhiên, BIDV cũng không quên, cũng không bỏ trống khách hàng nhỏ lẻ. BIDV có quan điểm đúng đắn là phục vụ đất nước, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế xã hội. Ở đâu có đầu tư phát triển là đầu tư. Có vướng mắc gì thì cùng bàn luận và giải quyết. Phong cách làm việc quyết đoán, không hứa rồi để đó.

Hai là, BIDV quan hệ rộng từ lãnh đạo trong nước và ngoài nước, quan hệ với các doanh nghiệp, với ngân hàng bạn. Tác phong cởi mở, thân thiện. Trong quan hệ ấy, bắt gặp nhu cầu công việc là hợp tác, chứ ngồi một chỗ không quan hệ thì không hiểu được thành phố. Không hiểu cũng đồng nghĩa với... không cho vay vốn. Rất may là BIDV và thành phố hiểu nhau và sẵn sàng chia sẻ với thành phố lúc khó khăn”.

Ông Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Ngân hàng BIDV thời bao cấp thì cung cấp vốn tín dụng cho thành phố. Thời kinh tế thị trường thì cho vay vốn thương mại càng cởi mở hơn. Sở Giao dịch 2 và Chi nhánh BIDV thành phố làm kinh tế quyết liệt, nhưng an sinh xã hội cũng nhiệt tình. Ông nói rằng, ông quan sát mấy ông lãnh đạo BIDV thì biết ngay là mấy ông vốn con nhà có truyền thống cách mạng. Cho nên, khi hô hào tham gia công tác an sinh xã hội thì BIDV sẵn sàng hưởng ứng ngay. Tuy nhiên, thành phố cũng không lợi dụng các doanh nhiệp. Mọi đóng góp cho phúc lợi thành phố và từ thiện, chia sẻ khó khăn với nhân dân đều tự nguyện.

 Hiện nay, vị Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã về với đời sống thường nhật, ông ở trong một ngôi nhà hai tầng xinh xắn và khu vườn xanh mướt mát. Bà Trần Thị Kim Chi, mọi người gọi thân mật là “Cô Sáu Chi” vẫn nấu cho ông ăn những món dân dã đồng quê. Hàng ngày, ông đi bộ, thỉnh thoảng chơi bóng bàn nhẹ nhàng và đôi khi chăm sóc cây cảnh, ngắm nhìn đàn yến ríu rít về làm tổ. Hầu như ngày nào gia đình ông cũng có khách. Khách là đồng đội thời chiến tranh, là cán bộ dưới quyền, và bạn hữu thường lui tới thăm. Cởi mở. Thân thiện. Gần gũi. Tất nhiên, trong số những khách quý thân tình ấy cũng có người BIDV.

Tác giả: Nhà văn Sương Nguyệt Minh
Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}