Web Content Viewer
Actions“Già” nhất và trẻ nhất
Điều bất ngờ đầu tiên đối với tôi, Giám đốc thứ 11 của BIDV Hà Nội hóa ra lại là một nữ doanh nhân thế hệ 7x. Chị Nguyễn Thị Quỳnh Giao sinh năm 1978, nghĩa là khi chị ra đời, BIDV Hà Nội đã hoạt động được hơn hai mươi năm. Quỳnh Giao về làm giám đốc BIDV Hà Nội từ năm 2015 khi vừa tròn 37 tuổi, với niềm tự hào mình đại diện cho một thế hệ trẻ đã kịp rèn luyện, trưởng thành để tiếp nối truyền thống vẻ vang của một ngân hàng có bề dày truyền thống 60 năm như BIDV Hà Nội
Điều bất ngờ thứ hai là Ban Giám đốc BIDV Hà Nội hôm nay gồm toàn những người trẻ, là một ban lãnh đạo chi nhánh trẻ nhất trong toàn bộ hệ thống BIDV, thú vị hơn nữa là 7 vị trong ban giám đốc thì có tới 5 người là nữ. (Giám đốc Nguyễn Thị Quỳnh Giao. Các phó giám đốc: Lê Thị Tú Hạnh, Lương Thị Tuyết, Dương Thị Oanh, Nguyễn Thanh Tú, Trịnh Minh Khánh, Trần Phương Nam). Tôi chưa kịp biểu lộ sự ngạc nhiên thì chị Lương Thị Tuyết bật mí: “Có một điều đặc biệt là ở BIDV Hà Nội tỷ lệ cán bộ nhân viên nữ luôn luôn trên dưới 70%...Giám đốc trước đây, anh Ngô Văn Dũng có lúc cũng thấy…hơi bất ổn, vì tình trạng “mất cân đối” này ở BIDV Hà Nội nên cũng có ý muốn thay đổi, chú ý đến việc tuyển chọn thêm nhân viên nam. Nhưng rồi, quay ngược quay xuôi thế nào mà đến nay tỷ lệ đó vẫn…không thay đổi. Được cái, anh Dũng “nịnh” chị em, cũng rất giỏi, ngày 8/3 năm nào cũng có thơ mừng chị em, nên chị em ở BIDV Hà Nội cũng rất quý anh, làm việc càng hăng say hơn”.
Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam (tiền thân của BIDV hôm nay) thành lập 04/1957 thì 05/1957 chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Hà Nội ra đời. Như vậy, BIDV Hà Nội là 1 trong những chi nhánh có tuổi đời “già “nhất trong toàn bộ hệ thống BIDV. Nhưng thật ngạc nhiên là tới nay, lãnh đạo một đơn vị già nhất hệ thống lại là một ban giám đốc trẻ nhất hệ thống. Liệu đó có phải là một nghịch lý hay là sự phát triển của một quy luật tất yếu – ở những nơi khó khăn nhất, sôi động nhất thì cần phải có sự xuất hiện chèo lái của những người trẻ trung, tài năng, nhiệt huyết nhất?
Kể từ năm 2012, khi BIDV Hà Nội kỷ niệm 55 năm ngày ra đời đến nay, đơn vị thực sự bước vào một chặng đường mới, đó là giai đoạn tiếp tục thực hiện hiện đại hóa ngân hàng, chuyển đổi mô hình hoạt động để nâng cao năng xuất lao động, hiệu quả kinh doanh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế của ngân hàng, góp phần tác động mạnh mẽ hơn vào hoạt động đổi mới nền kinh tế ở Thủ đô và cả nước. Với nhiệm vụ nặng nề như vậy thì quả thực rất cần tới tinh thần hăng say, năng động và năng lực sáng tạo của tuổi trẻ. Tuy vậy, theo Nguyễn Thị Quỳnh Giao, kế thừa kinh nghiệm và những bài học từ sáu mươi năm xây dựng, trưởng thành của chi nhánh vẫn là phương châm hành động của đội ngũ lãnh đạo cũng như toàn bộ cán bộ công nhân viên chức BIDV Hà Nội.
Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú tặng cờ thi đua xuất sắc năm 2018 cho tập thể BIDV Hà Nội (Giám đốc BIDV Hà Nội Nguyễn Thị Quỳnh Giao, thứ 4 từ trái sang)
Phải chăng cùng với năng lực, sức sáng tạo, nhiệt huyết của tuổi trẻ cộng với những kinh nghiệm mà các thế hệ cha anh đi trước truyền lại đã làm nên sức mạnh để BIDV Hà Nội hôm nay vươn lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tính đến 31/12/2016, năng xuất lao động của chi nhánh đã tăng 241% so với năm 2012. Quy mô tổng tài sản đã cán mốc 1 tỷ USD. Chênh lệch thu chi tăng đột phá năm 2014 so với 2012 là 139,4%, năm 2015 tăng 153% năm 2016 đã tăng lên 251%, đứng đầu toàn hệ thống về mức tăng trưởng tuyệt đối, tốc độ tăng trưởng các mặt hoạt động khác đều ở mức cao, đều an toàn và hiệu quả.
Điểm tựa vững vàng từ quá khứ kiêu hãnh
Giám đốc BIDV Hà Nội Nguyễn Thị Quỳnh Giao tiết lộ rằng, để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 60 năm thành lập chi nhánh, cũng là dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập BIDV Trung ương, đoàn thanh niên của BIDV Hà Nội đang chuẩn bị một chương trình văn nghệ đặc sắc với chủ đề là “Bản hòa âm tự hào 60 năm”. Trong bản hòa tấu đó có những giai điệu tươi trẻ, sôi động của tuổi trẻ BIDV hôm nay luôn vang lên những giai điệu trầm hùng, sâu lắng của quá khứ đầy tự hào và kiêu hãnh của các thế hệ đã xây nền, đặt móng cho BIDV Hà Nội hôm nay.
Giai điệu trầm hùng đó ngân lên từ một ngày tháng 5 năm 1957, khi đất nước ta đang bắt đầu giai đoạn xây dựng miền Bắc XHCN làm hậu thuẫn cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Với “phiên hiệu” đầu tiên Chi hàng Kiến thiết Thành phố Hà Nội, với số vốn ban đầu ít ỏi 350 triệu đồng, với nhiệm vụ ban đầu còn khiêm tốn – cấp phát vốn xây dựng cơ bản phục vụ công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt … Vị giám đóc khởi nghiệp của Chi hàng Kiến thiết Hà Nội ông Nguyễn Địch Nhiên cầm lái con tàu nhỏ của mình, bắt đầu cuộc hành trình trong một ngành hết sức quan trọng của nền kinh tế đất nước - ngành ngân hàng. Ngay trong giai đoạn khởi nghiệp này đã có tới 900 công trình được Chi hàng Kiến thiết Hà Nội phục vụ việc cấp phát vốn trong giai đoạn này, trong đó nhiều công trình còn tiếp tục phát huy tác dụng tới tận ngày hôm nay như nhà máy Trung quy mô Hà Nội, Nhà máy điện Yên Phụ, Đài phát thanh Mễ Trì, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Thủy lợi, Đại học Y dược …
Đại học Bách Khoa Hà Nội là công trình được BIDV Hà Nội cấp phát vốn xây dựng
Bước vào giai đoạn 1960-1965, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hộị (kế hoạch 5 năm lần thứ nhất) Chi hàng Kiến thiết Hà Nội đã thực hiện việc cung ứng vốn gấp 3 lần so với ba năm trước đó, góp phần xây dựng 2079 chỉ tiêu công trình phục vụ quốc kế dân sinh, góp phần làm thay đổi diện mạo nền kinh tế miền Bắc và Hà Nội. Có thể nói, đây là thời kỳ mà “bài ca xây dựng “vang khắp non sông, tạo nên một cao trào thi đua xây dựng CNXH vô cùng sôi nổi. Cùng với người thợ xây dựng, nhân viên Chi hàng Kiến thiết Hà Nội có mặt trên hầu khắp những công trình xây dựng lớn như Khu công nghiệp Cao-Xà-Lá (Thượng Đình, Hà Nội). Đường dây diện cao thế 110 KV Đông Anh –Việt Trì, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Nhà máy sửa chữa toa xe, đầu máy Hà Nội, Nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông…. Trường Đại học Giao thông vận tải, Đài tiếng nói các dân tộc Tây Bắc… Các khu tập thể ở Hà Nội như Trương Định, Giảng Võ, Thành công, Nam Đồng… góp phần tạo nên một diện mạo mới cho Hà Nội.
Khi giặc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, mặc dù trong điều kiện thời chiến khó khăn nhưng chi hàng kiến thiết Hà Nội vẫn hoạt động có hiệu quả phục vụ xây dựng, sản xuất và chiến đấu…Đội dân quân tự vệ của Chi hàng được thành lập, vừa làm nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ cơ quan vừa tham gia sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thủ đô. Chính trong giai đoạn này Chi hàng Kiến thiết Hà Nội đã thành lập thêm 3 chi điếm để phục vụ nhiệm vụ cấp phát trên các đia bàn, Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh… Các chi điếm này dần dần phát triển và tới nay đều đã trở thành những chi nhánh quan trọng của BIDV…
Hằng năm, trong những dịp kỉ niệm ngày truyền thống, các cựu cán bộ công nhân viên của BIDV đều tổ chức gặp mặt để ôn lại những tháng năm gian khổ này. Những hồi ức kỷ niệm của họ khiến cho thế hệ trẻ hôm nay càng thêm yêu mến quí trọng những giá trị truyền thống của đơn vị mình, càng biết trân trọng những điều kiện cơ hội vô cùng phong phú mà hôm nay mình đang được thụ hưởng. Trụ sở của BIDV Hà Nội tại số 4B phố Lê Thánh Tông nay đã được xây dựng lại thành một tòa nhà hiện đại, khang trang, trở thành một trụ sở làm việc, một nơi giao dịch vào loại đẹp nhất trong hệ thống BIDV cả nước nhưng vẫn còn trân trọng lưu giữ một góc của “những ngày xưa thương mến ấy”. Đó là một căn hầm trú ẩn được xây dựng trong những năm tháng chiến tranh. Cái góc nhỏ này luôn được thế hệ trẻ hôm nay trân trọng chẳng khác nào một tấm huân chương của thời gian, của năm tháng, của những chiến công thầm lặng mà thế hệ cha anh đã trao lại cho ngày hôm nay.
Trong giai đoạn này, ngoài làm tốt nhiệm vụ chuyên môn phục vụ xây dựng và chiến đấu ở miền Bắc, BIDV Hà Nội còn có 8 cán bộ, nhân viên đi tham gia chiến đấu ở các chiến trường B, C. Trong đó có đồng chí Võ Duy Su đã hy sinh, các đồng chí Nguyễn Văn Thạc, Hồ Công Phương, Trần Kỳ, Nguyễn Điệp, Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Văn Bình, Phạm Quang Định là thương binh. Đặc biệt câu chuyện về đồng chí Diệp Minh Hiếu, tình nguyện xin trở về quê hương Miền Nam chiến đấu, trở thành chiến sĩ của Đoàn tàu không số đã trở thành câu chuyện truyền kỳ thú vị ở BIDV Hà Nội. Năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống BIDV Hà Nội, ông Diệp Minh Hiếu đã gửi về chi nhánh một bức thư rất cảm động. Bức thư có đoạn viết:
...Hơn sáu mươi năm trước, chú tập kết ra Bắc rồi về công tác tại Chi hàng Kiến thiết Hà Nội vào ngày 13/8/1960. Bàn tay quen cầm súng đánh giặc, nay cầm bút với bao bỡ ngỡ trong công việc. Khi đất nước còn chia cắt, miền Bắc còn nghèo lắm. Chú còn nhớ hai lần ăn Tết ở Hà Nội, ba ngày Tết chỉ được phân phối một chiếc bánh chưng và một hộp thèo lèo.
Khó khăn, thiếu thốn về vật chất có thể dễ dàng vượt qua vì thời ấy nhu cầu của con người đơn giản lắm. Nỗi nhớ gia đình, nhớ mẹ, nhớ quê hương đang bị kẻ thù kìm kẹp mới là điều luôn ám ảnh trong lòng. Và chú luôn tự nhủ, mình sẽ tìm cách quay về Nam chiến đấu để giải phóng quê hương dẫu biết rằng ra trận là chấp nhận gian khổ, chấp nhận hi sinh cả tính mạng.
Vừa chờ đợi cơ hội về Nam chiến đấu chú vừa học hỏi để làm tốt công việc của mình với trách nhiệm của một người Đảng viên. Công tác trong ngành ngân hàng 2 năm chú được giám đốc tặng 3 giấy khen, Khu ủy tặng một giấy khen và được thưởng 8 đồng đấy! Rồi cơ hội cũng đến. Tháng 8/1962, được biết có đợt rút bộ đội miền Nam chuyển ngành trở về đi B chú liền tới Khu ủy xin được đi B chiến đấu và được chấp nhận…
Những câu chuyện như thế này đã làm nên nét chấm phá, những cung bậc thấp cao, những thanh âm độc đáo trong bản hòa âm của BIDV Hà Nội mà vị nữ giám đốc trẻ tuổi thường mơ ước được thể hiện trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của đơn vị mình. Tôi cũng tâm đặc với ý tưởng này và đang cố gắng đi tìm một giai điệu mới mẻ hơn cho giai đoạn tiếp theo của bản hòa âm kiêu hãnh này…
Và tôi đã gặp may khi tình cờ hay nhờ cơ duyên mà được gặp tại “ngôi nhà số 4” của BIDV Hà Nội chị Nguyễn Thúy Vân, nguyên Phó Giám đốc BIDV Hà Nội, người từng có mặt tại BIDV Hà Nội trong những năm sau ngày đất nước đã đi qua chiến tranh, non sông đã liền một giải. Chị Vân là một trong những người đã gắn bó cuộc đời, sự nghiệp với BIDV Hà Nội. Vì yêu BIDV Hà Nội nhiều như vậy, nên tôi không ngạc nhiên khi chị bắt vào câu chuyện về những năm tháng hào hùng của BIDV Hà Nội một cách hào hứng… Chị kể về những tháng ngày sống và làm việc ở BIDV Hà Nội với một giọng kể say sưa, nồng ấm như đang kể về mối tình của mình vậy.
…Chúng tôi may mắn được vào làm việc ở BIDV Hà Nội vào thời kỳ cả nước đang dồn tâm sức để khôi phục hậu quả chiến tranh. Về chuyên môn nghiệp vụ thì giai đoạn này toàn ngành đang chuyển động để tìm ra những mô hình thích hợp nên thường xuyên có sự thay đổi.
Bước vào thời kỳ đổi mới, toàn ngành ngân hàng đã có những chuyển động, thay đổi hàng ngày hàng tháng. BIDV Hà Nội không phải là ngoại lệ, thậm chí trong một số trường hợp còn là những đơn vị đi tiên phong trong đổi mới. Ban giám đốc thời đó đã rất năng động, tích cực tìm tòi, thử nghiệm những cơ chế hoạt động mới. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là từng bước thực hiện việc chuyển hướng sang hoạt động kinh doanh, tự huy động cân đối vốn, mở rộng mạng lưới, mở rộng đối tượng huy động vốn và cung ứng tín dụng, đáp ứng nhu cầu đổi mới nền kinh tế của Thủ đô và trong cả nước?
- Xin lỗi chị - Tôi tạm ngắt dòng hồi tưởng của chị Vân để hỏi chen vào một câu - Trước một bước chuyển đổi lớn như thế, các chị có gặp nhiều khó khăn không? Và, khắc phục bằng cách nào?
- Dĩ nhiên là chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Có cả sự lúng túng, mày mò trong công việc. Nhưng được cái hồi đó mọi người đều hăng hái tìm tòi, tinh thần trách nhiệm rất cao nên cuối cùng đều tìm ra cách tháo gỡ.
- Vậy, bước chuyển quan trọng nhất thời đó là gì?
- Có lẽ là việc chuyển đổi hoàn toàn từ một đơn vị ngân hàng nặng về nhiệm vụ cấp phát vốn cho các dự án theo kế hoạch sang tự cân đối nguồn vốn để kinh doanh thương mại trên thị trường tiền tệ. Để phù hợp với nhiệm vụ mới, tháng 11/1990, cùng với toàn hệ thống chi nhánh chúng tôi đổi tên thành chi nhánh Ngân hàng đầu tư và Phát triển Hà Nội (BIDV Hà Nội), bên cạnh nhiệm vụ cung ứng vốn cho đầu tư phát triển những dự án, những công trình trọng điểm then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại Thủ đô và cả nước, BIDV Hà Nội còn được phép kinh doanh đa năng, tổng hợp, trở thành ngân hàng đại lí cho BIDV, giữ vai trò chủ lực trong cho vay đầu tư phát triển trên địa bàn Thủ đô. Để thực hiện tốt những nhiệm vụ then chốt này, toàn hệ thống đã có những thay đổi cơ bản trong quản lí, trong đó phân định rõ chức năng quản lí nhà nước và chức năng kinh doanh trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng…
Tất cả những nỗ lực đó đã tạo nên bước tiến nhảy vọt cho BIDV Hà Nội, trong năm năm (1990 - 1994) chi nhánh đã huy động được gần 500 tỷ đồng phục vụ cho sự phát triển, cấp phát vốn cho 1345 dự án, cho vay trên 400 dự án vớ số tiền là 738 tỷ đồng, góp phần quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội tại Thủ đô.
Những thay đổi trong giai đoạn này là rất quan trọng, là một bước chuẩn bị cần thiết để đến năm 1995. BIDV Hà Nội có một bước chuyển mình, đó là thực sự trở thành ngân hàng thương mại quốc doanh phục vụ chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư phát triển. Đây thực sự là sự thay đổi về chất trong hoạt động ngân hàng, trong đó với việc ấp dụng đa dạng hóa các hình thức và biện pháp, đối tương huy động vốn, tạo ra bước phát triển nhảy vọt cho chi nhánh. Năm 1996, lượng vốn huy động được tăng gấp 4 lần so với năm 1990. Chi nhánh đã hoàn thành nhiệm vụ cấp phát vốn cho 686 dự án trong phạm vi cả nước với tổng số tiền lên tới 2.000 tỷ đồng, trong đó có những dự án trọng điểm như Nhà máy điện Uông Bí mở rộng, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Khu công nghiệp Vĩnh Tuy, nâng cấp quốc lộ 135 Hải Phòng, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty điện tử Hanel, Cảng Tiên sa Đà Nẵng…
Với sự nỗ lực của hơn ba trăm cán bộ công nhân viên, tính đến 31/12/2011, tổng tài sản của BIDV Hà Nội đã tăng lên 1,58 lần so với năm 2007 huy động vốn tăng 1,64 lần so với năm 2007, thu dịch vụ tăng 2,3 lần, năng xuất lao động tính theo lợi nhuận bình quân tăng 4,4 lần… Có thể nói vào đầu năm 2012, khi BIDV Hà Nội chuẩn bị kỷ niệm 55 năm ngày ra đời của mình thì chúng tôi đã thực sự trưởng thành, đã có cơ sở để tin rằng, BIDV Hà Nội có thể đứng vững và tiếp tục phát triển trong cơ chế thị trường trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nghe chị Vân kể say sưa về một thời sôi động ở BIDV, tôi cũng thấy hào hứng, chợt nghĩ “Với những con người đầy nhiệt huyết như thế này thì BIDV Hà Nội phát triển nhanh như vậy cũng là điều dễ hiểu. Chen giữa những lời kể miên man của chị Vân là những lời bình, những gợi ý, hoặc những lời kể thêm đầy hào hứng của chị Hạnh, chị Tuyết, chị Oanh… khiến câu chuyện của chúng tôi ngày càng thêm hào hứng…
BIDV Forever….
Giờ cuối của buổi gặp gỡ ở BIDV Hà Nội, tôi dành thời gian để hỏi chuyện nữ giám đốc Nguyễn Thị Quỳnh Giao… Vì so với nhiều anh chị trong ban giám đốc BIDV các thời kì, Quỳnh Giao là người “đến sau” nên chỉ đã ý tứ dành cho các bậc đàn chị kể về những năm tháng gian lao vất vả để đưa BIDV Hà Nội thoát thai từ một đơn vị tài chính ngân hàng nặng về nhiệm vụ cấp phát theo kế hoạch trở thành một ngân hàng thương mại quốc doanh vững vàng trong cơ chế thị trường.
Tôi hỏi - “Trong tất cả những nguyên nhân dẫn đến thành công của BIDV Hà Nội từ ngày ra đời tới nay thì yếu tố nào có tính quyết định nhất”. Không do dự, giám đốc Quỳnh Giao trả lời ngay - Trước hết và trên hết là con người, sau đó là tổ chức rồi đến các cơ chế chính sách, các bước đi phù hợp… Con người phải là yếu tố quyết định hàng đầu, trong đó trước tiên là công tác cán bộ, vì như Bác Hồ đã dạy “Cán bộ là then chốt khâu quyết định”… Nhìn lại quá trình 60 năm xây dựng và trưởng thành, nhất là nhìn lại những giai đoạn khó khăn nhất hoặc giai đoạn cần phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ quyết đoán nhất thì đều thấy ở đó xuất hiện những con người tuyệt vời, nhưng cán bộ lãnh đạo tài ba, dũng cảm … Tôi về đây nhận nhiệm vụ là giám đốc thứ 11 của chi nhánh, ngước nhìn lên đều thấy các bậc tiền bối mỗi người đều có những nét đặc sắc riêng, những cống hiến riêng cho BIDV Hà Nội.
Về mặt tổ chức, từ một chi nhánh làm nhiệm vụ cấp phát đến nay BIDV Hà Nội đã trở thành một chi nhánh ngân hàng lớn, có thương hiệu mạnh, có uy tín, có 5 phòng giao dịch hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Ngoài cán bộ quản lí chúng tôi còn đặc biệt chú trọng đến việc bồi dưỡng đào tạo, tuyển chọn cán bộ chuyên môn có chất lượng cao để đáp ứng với nhiệm vụ.
Ban chấp hành Đảng bộ BIDV Hà Nội nhiệm kỳ 2020 – 2025
Đảng bộ BIDV Hà Nội nhiều năm là Đảng bộ đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Đoàn thanh niên BIDV Hà Nội hoạt động sôi nổi, hiệu quả, là động lực chính của chi nhánh trong công tác chuyên môn cũng như trong các hoạt động xã hội khác. Công đoàn, nhất là Hội phụ nữ của BIDV Hà Nội cũng luôn có những phong trào thi đua, nhưng đợt hoạt động đặc sắc, ghi đậm dấu ấn của BIDV thủ đô. Tất cả những điều đó tạo nên sức mạnh, tạo nên một “bản hòa tấu”, tạo nên bản sắc riêng có của BIDV Hà Nội.
- Vậy, với một bề dày truyền thống, một bản sắc riêng đậm đà như thế… Theo chị, nhưng giá trị cốt lõi làm nên truyền thống của BIDV Hà Nội là gì?
Quỳnh Giao suy nghĩ giây lát rồi thẳng thắn trả lời:
- Trong dịp sinh hoạt truyền thống sáu mươi năm lần này… chúng em đang cố gắng để trả lời câu hỏi đó. BIDV Hà Nội đang trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, vì vậy việc chỉ ra những giá trị cốt lõi trong truyền thống của mình là vấn đề hết sức quan trọng. Một cách thật khái quát, súc tích thì chúng em chưa tổng kết được, nhưng những giá trị cốt lõi của BIDV Hà Nội có thể bao hàm những điều sau: Thứ nhất là trân trọng giữ gìn truyền thống. Những thành tựu của các thế hệ đi trước không chỉ có giá trị kinh nghiệm mà còn có giá trị tình cảm đạo đức là nền tảng để xây dựng đơn vị trong tương lai. Thứ hai là luôn coi trọng con người, chăm lo phát triển nguồn nhân lực. Con người luôn là vốn quí, cách nhìn nhận sử dụng con người với những giá trị hài hòa của nó phản ánh sự thành công hay không thành công của mỗi doanh nghiệp trong thời đại ngày nay… Thứ ba là giữ gìn chăm lo bản sắc nhưng không tách rời mối quan hệ hữu cơ máu thịt với toàn hệ thống. Đây là bài học về quản lí, mình phải giữ gìn những bản sắc riêng, giá trị riêng làm nên thương hiệu của mình nhưng không thể tách rời giá trị phổ biến và sự thống nhất hành động của toàn hệ thống... Thứ tư là lối sống tình nghĩa, thủy chung phải trở thành giá trị sống, trở thành một nét đặc sắc trong văn hóa của đơn vị. Điều này thì chúng tôi rất yên tâm, vì nó đã ngấm trong máu của mỗi người từng sống và làm việc tại BIDV Hà Nội rồi….
Điều này thì tôi tin, dù chỉ tiếp xúc với cán bộ, công nhân viên chức tại BIDV Hà Nội chưa nhiều. Tôi muốn trích ra đây vài dòng lưu bút của một cán bộ từng sống và làm việc tại BIDV Hà Nội nhiều năm để các bạn hiểu được tình cảm sâu đậm đó.
…BIDV là những buổi sáng bắt đầu với nụ cười thân thiện chào nhau
BIDV trong tôi là những kỉ niệm rất đẹp trong tôi, những kỉ niệm không thể nào quên từ khi tôi đặt chân vào nơi đây
Hôm nay tôi là nhân viên BIDV
Mười năm sau tôi vẫn là nhân viên BIDV
Ba mươi năm sau tôi vẫn là người của BIDV
Và mãi mãi về sau…
Những dòng này sao giống lời một bài hát mà tôi đã tình cờ nghe được khi đi lướt qua những hành lang của một phòng giao dịch trong hệ thống BIDV Hà Nội
BIDV for ever…. BIDV for ever….
Phải chăng đó chính là một trong những giai điệu chủ đạo trong bản hòa âm kiêu hãnh về BIDV Hà Nội mà nữ giám đốc trẻ Nguyễn Quỳnh Giao đã nói với tôi trong những phút đầu của cuộc gặp gỡ thú vị này.
Hà Nội tháng 03/1917
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0822808588/ 0842152355/ 0763238588/ 0784132388/ 0357638588/ 0334282388/ 0357071080/ 0357041080/ 0764263180/ 0764860580/ 0942551080/ 0947591080
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng