Web Content Viewer
ActionsTôi có may mắn được gặp ông Nguyễn Văn Doãn từ gần hơn 30 năm trước và ngay từ lần gặp đầu, tôi đã cảm nhận được ở ông một con người năng động của công việc, một nhà quản lý lãnh đạo thông minh, từng trải, quyết đoán, có phong cách ứng xử trọng thị, chân thành, cởi mở... Bây giờ được ôn cố tri tân trong dịp BIDV kỷ niệm 65 năm truyền thống, xin cho phép tôi cũng được gọi ông như bao người đã quí mến dành cho ông: Anh Doãn.
Tôi nhớ, vào một chiều ngày đông đại hàn năm 1991, anh Lê Văn Bộ, Trưởng phòng Thông tin - tuyên truyền của BIDV đưa tôi đến phòng làm việc của Tổng giám đốc BIDV Nguyễn Văn Doãn, lúc đó còn tạm tá túc trong khuôn viên của trụ sở Ngân hàng Nhà nước ở 49 phố Lý Thái Tổ. Hai chúng tôi vào phòng thì thấy nhạc sĩ Thuận Yến đã ở đó. Ông nhạc sĩ của Chia tay hoàng hôn thân thiện thăm hỏi công việc với tôi vì trước đó, tôi đã nhiều lần theo nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đến khu tập thể gia đình quân nhân Nam Đồng, để nghe ông khớp lời vào ca khúc “Vầng trăng Ba Đình” nổi tiếng, phổ thơ của thi sĩ Phạm Ngọc Cảnh. Hai ông là bạn chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên - Huế, cùng ở đoàn văn công Quân khu Trị Thiên - Huế. Và cả hai người luôn coi tôi là một đồng đội, một người em.
Thấy tôi và nhạc sĩ Thuận Yến săn sít bên nhau, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Doãn cười tươi nói: “Chú là nhà văn chuyên nghiệp góp ý thật cởi mở cho bọn mình nhé!”. Tôi còn chưa hiểu phải góp ý điều gì thì nhạc sĩ Thuận Yến nói thêm: “Mình đang phổ thơ của anh Nguyễn Văn Doãn vào ca khúc Như con ong đi tìm hoa lấy mật, đã xong variant thứ nhất rồi, giờ đang tư duy để tiếp tục nâng cao thì may quá hai chú đến”. Tôi chưa kịp thanh minh, rằng tôi rất ú ớ về âm nhạc thì nhạc sĩ Thuận Yến ôm cây đàn guitar hát: “Như con ong đi tìm hoa lấy mật/ Dâng cho đời vị ngọt và hương thơm/ Một tình yêu một trái tim nồng cháy/ Cô gái ngân hàng anh xin hát tặng em...”. Tôi chăm chú nghe cho đến lúc kết thúc ca khúc. Ông nhìn tôi cầu thị: “Chú là người nghe lần đầu, cứ thẳng thắn góp ý tới bến cho tụi mình...”. Tôi đáp luôn: “Hai quan anh nói về tiền bạc mà nghe trữ tình lắm, thủ thỉ, ân nghĩa và cả hào sảng nữa, em thấy rất hay và chuẩn rồi. Em chỉ xin nhà thơ, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Doãn một điều thôi ạ...”. Anh Doãn nhìn tôi, cái nhìn có chút hồi hộp và ngạc nhiên. Tôi vội nói: “Dạ thưa, anh Doãn cho em xin một câu thơ của anh để làm tên cho bộ phim sắp quay về Ngân hàng Đầu tư ạ. Vâng, câu “Như con ong đi tìm hoa lấy mật” mà làm tên cho bộ phim tài liệu truyền thống 35 năm về ngân hàng ta thì vừa có hồn cốt, vừa hợp chủ đề ạ”. Mọi người gật đầu tán đồng. Anh Doãn tỏ ra nghĩ ngợi rồi cười vui, bảo tôi: “Tùy chú, thấy hợp thì chú cứ sử dụng, cái này là của nhà trồng được ấy mà!”. Mọi người cùng vui vẻ tán đồng lần nữa. Vậy là trong buổi đầu tiên gặp anh Doãn, tôi đã có được cái tên, cái tứ chủ đạo của bộ phim mà chúng tôi mới bắt đầu tiến hành từ khâu kịch bản văn học. Công việc sau đó cứ một mực hanh thông, đoàn làm phim triển khai cảnh quay đúng lịch và khá hào hứng...
Ông Nguyễn Văn Doãn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc BIDV (1990-1998)
Những ngày giáp Tết Nhâm Thân (1992), đoàn làm phim Như con ong đi tìm hoa lấy mật vừa từ đồng bằng sông Cửu Long về thành phố Hồ Chí Minh thì gặp đoàn công tác của Tổng giám đốc Nguyễn Văn Doãn cũng vừa từ Kuala Lumpur (Malaisia) về... Trông anh Doãn vui lắm, chúng tôi đoán, chắc là chuyến xuất ngoại của anh có nhiều thành công. Đúng thế, chỉ lúc sau, anh Phạm Đình Tiến, Phó giám đốc Văn phòng II của BIDV thầm thì bật mí với tôi, BIDV đã triển khai xong việc lập ngân hàng liên doanh VID- Public Bank với ngân hàng Công cộng (Public Bank) của Malaysia được ký kết văn bản ghi nhớ hồi cuối tháng 9 năm rồi. Đây là liên doanh nước ngoài đầu tiên của BIDV và cũng là 1 trong 2 liên doanh với nước ngoài đầu tiên trong hệ thống tài chính ngân hàng của Việt Nam. Anh Doãn mở tiệc khoản đãi cả đoàn làm phim và đoàn công tác của anh tại nhà hàng bà Cả Đọi với ba món chủ đạo, cơm trắng, củ chuối bào om lươn đậu phụ và cá diếc ướp tương Bần kho nhừ.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamet cùng Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Doãn trong lễ khai trương VID - Public Bank, tháng 5-1992 tại Hà Nội
Hôm sau, anh Doãn kết hợp buổi làm việc với chi nhánh BIDV Tây Ninh đi cùng chuyến xe để động viên đoàn làm phim quay cảnh hoạt động của chi nhánh này. Anh cùng chúng tôi hành quân trên một chiếc Toyota 16 chỗ do chú Bảy người của Văn phòng II lái. Khi chúng tôi quay cảnh hồ Dầu Tiếng, một hạng mục thủy lợi lớn nhất Đông Nam Bộ do BIDV cấp phát vốn xây dựng từ cuối tháng 05/1979 và đã được đưa vào sử dụng, gặp lúc nắng xế, gió nhẹ hiu hiu, khung cảnh hồ thật đẹp, mặt nước hồ ánh lên trong ráng chiều muôn ngàn ngôi sao ngũ sắc, ảo diệu như vàng rắc như gấm phơi. Anh Doãn nhìn vào ống kính máy quay rồi nhìn ra cảnh tự nhiên, ánh mắt anh như thu được hồn mây nước. Anh Doãn kể, anh cùng chúng tôi đang đứng trên cao trình 29 mét, chân đáy rộng 200 mét, mặt đập rộng 8 mét. Tổng dung tích hồ chứa này là 1.580 triệu m3 nước, tưới tiêu cho 172.000 ha của tỉnh Tây Ninh và một số huyện ngoại vi của thành phố Hồ Chí Minh. Anh em trong đoàn làm phim đều rất khâm phục trí nhớ của anh Doãn. Sau đó, trong lúc chúng tôi qua những cảnh nhà máy, công xưởng thì anh Doãn làm việc với lãnh đạo chi nhánh BIDV Tây Ninh ngay trong nội thất chiếc Toyota công tác.
Vào một ngày đầu xuân năm 1992, một số nhà văn, nhà báo được mời đi cùng anh Doãn thăm một số công trình đầu tư của BIDV. Đầu tiên chúng tôi về vùng lấn biển Cồn Thoi, Ninh Bình. Khi đến gần thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, cả đoàn rẽ vào thắp hương ở đền thờ quan Dinh điền Nguyễn Công Trứ, người đã có công mở ra huyện Kim Sơn cho Ninh Bình và huyện Tiền Hải cho Thái Bình. Đền thờ cụ Nguyễn Công Trứ hồi đó chưa được trùng tu khang trang như bây giờ. Dâng hương xong, chúng tôi đi tiếp và trên xe được nghe anh Doãn giới thiệu về công lao của cụ Nguyễn Công Trứ với vùng đất này.
Một nhà báo trẻ tỏ ra ngạc nhiên trước sự am tường của anh Doãn thì ông Hiếu, giám đốc chi nhánh BIDV Ninh Bình liền PR: “ Từ hồi học phổ thông với nhau, bọn tôi vẫn thường cầu cứu ông Doãn về kiến thức các môn văn sử địa đấy, ông Doãn mà đi làm nghề văn chương như các bạn thì chắc phải biết!”. Nghe thế, anh Doãn chỉ cười vui, hẹn ông Hiếu sẽ về thăm các thầy học cũ vào dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Trường phổ thông cấp 3 Thanh Liêm, Hà Nam sắp tới.
Sau này gặp bác Đỗ Thị Tư, 76 tuổi, cựu cán bộ tín dụng của BIDV Thanh Hóa, học trò cũ của anh Doãn khi bác học lớp trung cấp kế toán ở Ninh Giang (Hải Dương), nghe bác kể, thầy Doãn giảng bài rất hấp dẫn, thầy hay mở rộng kiến thức liên hệ ra nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội rồi cuối cùng lại qui về nghề kế toán tín dụng, phải dùng đồng tiền sao cho có lợi ích và có tín nghĩa, tôi càng kính nể phông văn hóa của anh Doãn.
Ở xã mới lập vùng lấn biển Cồn Thoi của huyện Kim Sơn, chúng tôi cùng ăn trưa với một cặp vợ chồng trẻ mới đến định cư được 11 tháng. Đó là mâm cỗ cúng cơm mới đầu tiên từ khi họ đến đây lập nghiệp. Mâm cơm gồm toàn sản phẩm trong ao vườn của chủ nhà. Đôi vợ chồng trẻ và các gia đình xung quanh đều đã có một cơ ngơi tuy còn khiêm tốn. Anh Doãn, anh Hiếu được các gia đình liền kề đến chào hỏi mời mọc thân thiện như người nhà và kiến nghị được “các bác ngân hàng” cho vay vốn tiếp để làm ăn...
Sau chuyến đi, anh Doãn rủ rỉ bảo với tôi: “Chú là người làm phim, tôi có một khách hàng đặc biệt, tôi đảm bảo chú không phải bịa thêm gì cũng sẽ có một người nông dân làm điện khí hóa, làm công nghiệp hóa tuyệt vời!”. Rồi anh gọi anh Bộ, cán bộ của BIDV đi cùng lại dặn: “Ông Bộ giúp cho tôi việc này nhé!”.
*
Nhờ gói tài trợ 300 tỷ đồng thí điểm để các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, làm ăn có hiệu quả theo cách “có vay có trả ” để nhằm “cứu sản xuất, vực sản xuất lên” theo quyết định 1300/HĐBT của Chính phủ được BIDV giải ngân, trong những năm đầu thập niên 1990 nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã được “vực lên” và làm ăn khởi sắc. Trong số này có một khách hàng đặc biệt là hợp tác xã Duy Sơn II, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), đơn vị làm thủy điện nhỏ thành công, biến một vùng làng quê heo hút, đồng đất bán sơn địa thành một vùng nông công nghiệp, dịch vụ trù phú và còn thừa cả điện bán lại cho nhà nước. Linh hồn của điểm sáng này là ông chủ nhiệm Hợp tác xã Lưu Ban.
Tôi được anh Bộ và các anh ở chi nhánh BIDV Đà Nẵng đưa đến Duy Sơn cùng nhà quay phim Trần Anh Phương của Đài Truyền hình Việt Nam. Ông già Lưu Ban (ông Hai) ra tận đầu làng đón và mời chúng tôi lên nguồn thủy điện của xã luôn. Ngồi trên xe, câu đầu tiên ông nói kiểu vừa già làng, vừa anh Hai: “Không có Doãn thì không có tụi mình được như ri mô! Doãn có công với Duy Sơn tụi mình lắm đó! Tất cả là nhờ điện mà tụi mình có điện là nhờ có Doãn đó nghe!”.
Giữa một vùng núi non và những thung lũng rộng xen kẽ, làng xã Duy Sơn nổi bật lên với những cây cột điện cao thế, với những xưởng may mặc, chế tác đồ mây tre đan và các mặt hàng gỗ... Con đường rải nhựa chất lượng cao chạy giữa hai bên cánh đồng lúa dẫn vào chân núi. Từ đây nhìn lên thấy hai ống dẫn nước bằng thép sáng trắng thấp thoáng trong khoảng rừng thưa.
Xe dừng lại dưới chân núi, chúng tôi theo ông Lưu Ban men theo vách đá trèo lên đầu nguồn nước. Thật kinh ngạc, ở cái tuổi 75 mà ông Hai cứ thoăn thoắt vừa đi vừa giới thiệu cảnh quan và thỉnh thoảng phải dừng lại chờ đám thanh niên tụi tôi. Lên đến đỉnh nguồn nước, ông Hai cười cười phê bình chúng tôi: “Mấy đứa mầy không dai sức bằng ông Doãn!”. Rồi ông Hai kể, ngày nằm rừng hoạt động bí mật, ông thấy nguồn nước trong núi chảy về quê ông không bao giờ dứt mạch. Sau ngày Giải phóng, ông về quê nghèo làm chủ nhiệm hợp tác xã Duy Sơn II. Một lần được đi tham quan thủy điện Đa Nhim, ông tận mắt nhìn dòng nước nước chảy làm cỗ máy quay và phát ra điện. Ông liên tưởng ngay đến mạch nước chảy ra không dứt từ núi rừng Duy Sơn. Về quê, ông quyết tâm làm thủy điện. Ông mang hồ sơ dự án lên gặp thủ trưởng cũ là ông Hồ Nghinh, Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng xin vốn, nhưng khi đó tỉnh đang lo trăm bề đại sự, làm gì có vốn để cấp cho thủy điện cấp làng xã. Tuy vậy, ông Bí thư Nghinh cũng động viên tinh thần dám nghĩ dám làm của ông Hai, khuyên ông có thể đi vay ngân hàng và gợi ý nên đến ngân hàng Đầu tư, nơi lãi suất vốn vay cho các công trình xây dựng cơ bản mềm hơn các ngân hàng khác.
Làm việc với chi nhánh Quảng Nam - Đà Nẵng xong, ông Hai Lưu Ban “đội” dự án ra Hà Nội chờ gặp bằng được Tổng giám đốc Nguyễn Văn Doãn. Cách trình bày mộc mạc nhưng đầy quyết tâm của ông Hai đã thuyết phục được người mới nhận trọng trách Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Anh Doãn đã vào tận Duy Sơn cùng ông Hai và tập thể ban chủ nhiệm hợp tác xã lên núi thực tế. Tại đầu nguồn nước Duy Sơn dự án thủy điện do ông Hai đề xuất đã được Tổng giám đốc Nguyễn Văn Doãn đồng ý cho vay vốn đầu tư xây dựng.
Nhờ có vốn vay 300 triệu đồng để mua ống thép dẫn nước và 500 triệu đồng để mua máy phát mà nhà máy thủy điện Duy Sơn đã ra đời và có một vùng nông - công nghiệp, dịch vụ mọc lên ở rừng núi phía tây tỉnh Quảng Nam. Nghe đến đó chúng tôi mới hiểu hết câu nói của bậc trưởng lão xã Duy Sơn: “ Không có Doãn thì không có tụi mình được như ri mô!”.
Cuối năm 1994 đầu 1995, BIDV đứng trước một thử thách hết sức nghiệt ngã. Thực hiện quyết định của Chính phủ, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chuyển toàn bộ nguồn vốn cấp phát từ ngân sách và vốn tín dụng ưu đãi theo kế hoạch chỉ đạo cho xây dựng cơ bản và sang Tổng cục Đầu tư và Phát triển mới thành lập trực thuộc Bộ Tài chính. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam thực sự trở thành một ngân hàng thương mại, hoạt động theo cơ chế thị trường, nguồn vốn bao cấp của nhà nước không còn, tài khoản tiền gửi gần như cạn sạch. Nguy cơ giải thể hoặc sáp nhập với một ngân hàng quốc doanh khác là nhỡn tiền. Một ngân hàng có truyền thống ba mươi bảy năm gắn bó với biết bao công trình xây dựng đất nước, một ngân hàng có mặt trên tất cả các trọng điểm ác liệt nhất trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, có 17 Liệt sĩ đã anh dũng hy sinh và hiện tại 3000 con người sẽ làm gì? Trong lúc khó khăn ấy, những cộng sự gần gủi nhất trong Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc như anh Trịnh Ngọc Hồ, chị Phùng Thị Vân Anh, anh Lê Khắc Minh...; lãnh đạo các chi nhánh như các anh Phạm Ngọc Côn ( TP HCM), Phạm Nhuyễn (Nam Định), Vũ Quốc Sáu (Hải Phòng), Trần Bắc Hà (Bình Định), Trần Anh Tuấn (Gia Lai), Hoàng Huy Hà (Sông Bé), Lê Văn Lộc (Thanh Hóa)... đã thể hiện sự nhất trí cao với quyết tâm của Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Văn Doãn, BIDV vẫn tồn tại nhanh chóng gây dựng lại và phát triển đi lên.
Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Doãn cùng các chuyên gia Liên Xô và lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Năng lượng trên công trình thủy điện Hoà Bình
Được làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, anh Doãn tự tin trình bày các đường hướng mới của BIDV và sự quyết tâm của đội ngũ trong toàn hệ thống. Thủ tướng rất thiện cảm với BIDV nhất là trong lần Ông cùng Thủ tướng Malaisia Mahathir Mohamed chứng kiến lễ ký kết thành lập và dự lễ khai trương hoạt động của ngân hàng liên doanh VIB - Public Bank nên dặn dò anh Doãn: “Chính phủ luôn ủng hộ những tư duy mới, dám nghĩ, dám làm và sự dấn bước có hiệu quả. Chính phủ chờ đợi thành công mới của BIDV!”.Tấm lòng và tầm nhìn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt là sự động viên khích lệ lớn với BIDV. Hội đồng quản trị, ban Tổng giám đốc và anh Doãn đã chỉ đạo toàn hệ thống huy động mọi nguồn lực để tạo vốn bằng nhiều hình thức sáng tạo chưa từng có ở thời kỳ này. Trong những ngày giáp Tết Ất Hợi, 1995, phòng nguồn vốn đã huy động được gần 500 tỉ VNĐ và gần 100 triệu USD từ các Tổng công ty lớn và Tổng cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam. Kết quả khả quan đó làm rạng ngời nét mặt anh chị em trong ngành, tài khoản ngoại tệ của cả hệ thống BIDV đã có một lượng vốn đáng kể. Nhờ vậy mà BIDV có đà để thực hiện nhiều hình thức huy động vốn sáng tạo chưa từng có trước đó như phát hành “Kỳ phiếu đảm bảo giá trị theo giá vàng”; vay vốn đầu tư dài hạn ở nước ngoài bằng hình thức vay hợp vốn với sự bảo lãnh của Nhà nước; phát hành “Trái phiếu công trình ở Việt Nam bằng VNĐ và Đô la Mỹ, thời hạn là 5 năm trả lãi trước”... và đã đạt hiệu quả vượt mức mong đợi. Thành công này đánh dấu một bước ngoặt trong việc huy động vốn dài hạn qua trái phiếu ở Việt Nam. Đến hết năm 1995, năm đầu tiên chuyển hẳn sang kinh doanh đa năng tổng hợp, BIDV đã có nguồn vốn 1600 tỷ và đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử của mình, BIDV tự lo lấy vốn để cho vay trung và dài hạn trong kế hoạch Nhà nước...
Cuối năm 1996, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore là liên doanh đầu tiên của Việt Nam với nước ngoài được hình thành từ ý tưởng của Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong. Phía Singapore đề nghị, ngoài việc góp vốn bằng diện tích mặt bằng, Việt Nam cần phải góp vốn đối ứng bằng tiền. Trong khi nguồn vốn của Nhà nước để cho vay theo kế hoạch còn khó khăn, mất cân đối mà theo quy định lúc đó, ngân hàng không được bảo lãnh và cho vay góp vốn liên doanh. Công ty Becamex là chủ đầu tư phía Việt Nam, vốn là một đơn vị có mối quan hệ bạn hàng với chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Sông Bé và bản thân doanh nghiệp này cũng mong muốn được vay ở BIDV. Đây là cơ hội tốt nhưng vướng mắc ở các quy định, luật pháp lúc đó,và nguồn vốn cho vay theo kế hoạch nhà nước, BIDV đã chuyển giao hết cho Tổng cục Đầu tư và Phát triển. Phải mất gần bốn tháng thuyết trình ở Văn phòng Chính phủ, cuối cùng Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao BIDV cho vay theo kế hoạch nhà nước 48 tỷ đồng để Công ty Becamex góp vốn. Nhưng trước khi Thủ tướng đồng ý, anh Doãn và tập thể Ban lãnh đạo, đã có một quyết định hết sức táo bạo là tạm ứng 5 tỷ đồng để BIDV Sông Bé cho vay ứng trước. Đây là một cứu cánh quan trọng cho hoạt động của BIDV và cho Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore sau này đã trở thành một khu công nghiệp kiểu mẫu, một mô hình liên doanh có hiệu quả được nhân rộng trong cả nước.
Trong dịp lễ kỷ niệm 40 năm thành lập BIDV (1997) được tổ chức tại hội trường Học viện Ngân hàng, kết quả trong hơn hai năm chuyển đổi cơ chế thành một ngân hàng kinh doanh đa năng tổng hợp đã hiện rõ trong không khí tay bắt mặt mừng của các đại biểu ưu tú của BIDV đến từ mọi miền đất nước. Và vào năm 2000, BIDV là đơn vị đầu tiên trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Mặc dù đã nghỉ hưu, trong buổi lễ trọng thể anh Doãn được mời cùng lãnh đạo BIDV đón nhận Danh hiệu cao quí “ ĐƠN VỊ ANH HÙNG LAO ĐỘNG TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI”. Có lẽ đây chính là một niềm tin yêu, sự kính trọng của đại gia đình BIDV giành cho anh.
Đáp lại niềm tin yêu chân thành đó, trong thời gian nghỉ hưu anh Doãn vẫn dành nhiều tâm sức cống hiến cho sự khởi sắc của BIDV trong các thập niên đầu của thế kỷ 21. Anh đã đóng góp nhiều công sức cho việc biên soạn cuốn lịch sử BIDV. Anh có trí nhớ thật kỳ lạ, nhớ từ vị Tổng giám đốc đầu tiên của BIDV (năm 1957, khi còn là Ngân hàng Kiến thiết) đến từng cán bộ đứng đầu các phòng ban, chánh phó giám đốc các chi nhánh địa phương cho đến năm 2000. Tất cả là 147 vị với đầy đủ cả họ tên được anh còn đặt theo thứ tự bằng thể văn vần để người đọc dễ nhớ. Kết thúc bài văn vần dài, anh tổng kết bằng mấy câu lục bát: “Lớp người trước lớp người sau/ Làm nên lịch sử khởi đầu ngành ta/ Các bác là những đóa hoa/ Đặt nền móng cho ngôi nhà hôm nay”.
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0822808588/ 0842152355/ 0763238588/ 0784132388/ 0357638588/ 0334282388/ 0357071080/ 0357041080/ 0764263180/ 0764860580/ 0942551080/ 0947591080
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng